Nguyễn Huệ Chi
(Nối
lời nhà văn Phạm Viết Đào)
19-8-2012
Nhà
văn Phạm Viết Đào đã phân tích khá kỹ lưỡng và sâu sắc việc cố tình làm nổi
đình đám tập thơ Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận trên văn đàn gần
đây khiến người đọc hiểu lầm đây là một hiện tượng độc đáo kỳ lạ mà anh gọi là
“nguy hiểm” (xem ở đây). Tôi chỉ xin bàn thêm vài điều chưa
được đề cập hoặc chỉ mới nói lướt qua trong bài viết tâm huyết – và cũng khí
nặng khi nhà văn gọi Hoàng Quang Thuận là y, nhằm bày tỏ sự khinh thường
của anh.
Cách lobby hữu hiệu
để trở thành một “hiện tượng của công chúng”. Ảnh: Phạm Viết Đào
Trước
hết, trong bài viết có tính chất tường trình về Hội thảo Thi vân Yên Tử
của Hoàng Quang Thuận, Nguyễn Hữu Sơn, một trong những người chủ trì, có khẳng
định Thi vân Yên Tử là một “hiện tượng”, và hội thảo về một hiện tượng
văn học thì đấy là chuyện bình thường (xem
ở đây). Hoàn toàn đúng thôi. Nhưng mấu chốt
vấn đề ở đây là phải xét xem như thế nào là “một hiện tượng văn học”. Nếu một
tác phẩm văn học xuất hiện, đem ra thị trường, được công chúng háo hức mua,
người này truyền cho người kia rằng phải mua mà đọc cho biết, và trong quá
trình đọc có người khen có người chê, thậm chí nhiều người chê hơn người khen
hoặc ngược lại nhiều người khen hơn người chê, nhưng dù khen hay chê thì ai
cũng có nhu cầu phải đọc bằng được cuốn sách, nó là một nhu cầu hiểu biết và
thưởng thức của tự thân bạn đọc đối với tác phẩm, thì may ra mới có thể trở
thành cái gọi là hiện tượng được – nói may ra vì cũng có khi mọi sự diễn
ra đúng như ta vừa nói nhưng chỉ ít lâu sau tác phẩm bị loại bỏ khỏi trí nhớ
của người đọc mà lịch sử văn học hiện đại cho ta không thiếu gì dẫn chứng. Nói
cách khác, từ khâu in ấn, phát hành đến khâu tiêu thụ, nếu một tác phẩm theo
đúng quy trình tự nhiên trong một xã hội bình thường, lành mạnh, và sau khi
phát hành, nếu sách giành được một số lượng người đọc vượt trội, gây tiếng vang
sâu rộng, thì cộng thêm với thử thách của thời gian, tác phẩm đó sẽ được công
nhận là một hiện tượng văn học, được lưu lại trong ký ức nhiều người.
Xét từ tiêu chí sơ khai ấy, Thi vân Yên Tử đã hoàn toàn không đáp ứng.
Nguyễn Hữu Sơn hẳn còn nhớ vào cái Tết 2008, chúng ta cùng có mặt trong một
chuyến du ngoạn Yên Tử, có cả Lại Nguyên Ân, Nguyễn Khắc Mai, Đặng Thị Hảo và
hai vợ chồng con trai tôi cùng các cháu nhỏ. Khi đến Trúc Lâm Thiền viện ngủ
nhờ một tối để mai sáng lên chùa Đồng sớm, các vị Thiền sư ở đây đã cùng anh
chị em trong đoàn đàm đạo rất vui, sau đó một số cuốn sách Phật giáo được họ
mang ra làm quà cho mỗi người một túi, trong đó Thi Vân Yên Tử là cuốn
sách dày nhất, nhưng hình như số lượng rất dư dả, đến nỗi có những túi sách
thừa hai cuốn, anh chị em trong đoàn đã trả bớt lại cho nhà chùa.
Đều là lobby cả.
Ảnh: Phạm Viết Đào
Vậy
là ngay từ đầu, việc in sách Thi Vân Yên Tử của tác giả đã là một việc
không bình thường, vì nó có phải nhắm tới nhu cầu thỏa mãn trí tuệ hay tâm linh
của bạn đọc đâu. Nhu cầu ấy phải là nhu cầu có thực hàm chứa trong nội dung tác
phẩm, đồng thời phải được chuyển hoá thành cảm xúc thẩm mỹ để đáp ứng khát khao
thưởng thức một sản phẩm tinh thần của thời đại như là một năng lượng tự thân,
thu hút người ta đến với nó, thiếu đi không được. Còn như in ra để phát không
nơi nhà chùa thì lại là chuyện khác. Ai mà được biếu sách chẳng vui lòng nhận
lấy một cuốn, nhận lấy rồi lướt mắt một tí và nhẹ nhàng gạt nó ra ngoài đầu óc
bận bịu của mình, giống như hồi ấy chúng ta đã biểu tỏ với nhau bằng những lời
buột ra ngay mà không cần giữ ý: “Toàn là “thơ thẩn” của một anh mót làm thơ
thôi mà”, sau khi người nào cũng đã háo hức lật giở thật nhanh, đọc qua một ít
bài thơ trong đó rồi nhanh chóng gập lại vì không thấy có ấn tượng gì đập vào
tâm trí, trong cái đêm nằm trò chuyện với nhau đến gần sáng đủ mọi thứ chuyện
trong phòng khách chùa Trúc Lâm – mặc dầu người đem ra tặng sách đã đặc biệt
“gây dấu ấn” bằng những lời rất “sang” về tác giả: Người sáng tác là một quan
chức nhà nước có lòng với Phật, một đêm bỗng hứng lên như lên đồng và viết ra
được tập thơ này.
Nếu
tôi không nhầm thì tất cả những lần in Thi vân Yên Tử từ năm 2008 đến
nay, tuyệt không một lần nào sách ra đến thị trường mà chỉ có chất đống tại các
chùa và hễ đến chùa nào ở bất kỳ đâu, ta đều có thể có ngay món quà hảo tâm Thi
vân Yên Tử. Thế thì làm sao có thể gọi đây là một tác phẩm văn học đúng
nghĩa được, trong thời buổi kinh tế thị trường định đoạt uy tín của sản phẩm
bằng giá in nơi bìa sách kèm theo số lượng sách được bán ra, như thời buổi hôm
nay? (Tất nhiên như đã nói, không loại trừ có những cuốn sách bán rất chạy
nhưng rồi bị lãng quên rất nhanh vì chung quy nó chỉ đáp ứng thị hiếu tầm
thường). Còn nói rằng việc Thi vân Yên Tử in đi in lại trong mười mấy
năm là một “hiện tượng” thì có lẽ cũng cần nói cho đích xác đó chỉ là hiện
tượng giả, để phân biệt nó với những hiện tượng thật, đích thực là
hiện tượng văn học, chẳng hạn hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hiện
tượng Chuyện kể năm 2000, v.v.
Việc
một ông Viện trưởng một viện khoa học công nghệ làm thơ là điều không có gì
đáng phê phán. Việc ông ấy vì mê thích cửa Phật mà một đêm viết ra hàng trăm
bài thơ nói là thơ Đường nhưng không theo niêm luật thơ Đường, cũng chẳng vần
vè và càng không có chất thơ, như Thi vân Yên Tử, cũng là điều không có
gì lạ. Đối với người trẻ tuổi loại các ông Hữu Ước, Hữu Thỉnh, Dương Kỳ Anh…
thì trước một chuyện như vậy hẳn có làm họ “choáng” đấy, nhưng những ai đã từng
có một lần đi cầu tiên ngày xưa đều biết rằng ở một ngôi chùa, ngôi miếu, ngôi
đền nào đấy có những người trụ trì, vốn rất ít chữ nghĩa, nhưng khi khách đến
lập bàn cầu khấn cho tiên giáng bút thì họ “được tiên nhập vào” và chỉ cần đặt
một cái mâm ở trên rải đầy gạo trước mặt, là những kẻ thường ngày rất tầm
thường đó có thể dùng ngón tay viết nên hàng trăm bài thơ Đường trong một lúc,
mà là thơ Đường chữ Hán hoặc chữ Nôm hẳn hoi chứ không phải thơ quốc ngữ bất
cần vần luật như những kẻ “nhập đồng” để có “yên sĩ phi lý thuần” ngày nay.
Những
ngày còn mải mê đi điền dã về thơ văn Lý – Trần, một lần anh chị em Ban văn học
Cổ cận đại Viện Văn học đã đi đến ngôi đền thờ Tô Hiến Thành (? – 1179) ở Hạ
Mỗ, Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội), và trong các tài liệu thơ văn được lưu giữ
tại đền mà người giữ đền đem ra cho chúng tôi tìm hiểu vẫn còn lưu vô số tập
thơ tiên giáng bút như thế.
Có
thể nói thơ tiên là một “hiện tượng” được hay không? Là một hiện tượng thuộc
lĩnh vực tôn giáo thì hẳn không có gì sai. Nhưng nếu nói là hiện tượng văn học
(tức là hiện tượng kết cấu ngôn từ có tính nghệ thuật – belles lettres) thì
hiển nhiên không phải, bởi thơ tiên ấy chưa bao giờ thoát ra khỏi phạm vi sinh
hoạt tôn giáo của nó để bước vào giữa dòng chảy văn học (ngoại trừ “thơ cầu
tiên giáng bút” của những tổ chức yêu nước bí mật khoảng đầu thế kỷ XX, nhưng
đây đã không còn là thơ tiên thứ thiệt nữa rồi). Thử hỏi bạn Nguyễn Hữu Sơn, có
một bộ văn học sử Việt Nam nào trước đến nay nhắc đến thơ tiên và có những lời
thẩm xét về giá trị của nó hay không? Và một hội thảo công phu ngần ấy, ngoài
đường kênh “bình tán” ra (khen hay chê nhưng cũng đều thao tác bình tán cả
thôi), liệu có một ai làm công việc nghiêm túc đối chiếu thơ Hoàng Quang Thuận
với thơ tiên xưa để xem giữa cổ và kim có sự tương đồng về giọng điệu sáo ngữ
hay không?
“Hiện
tượng” thơ Hoàng Quang Thuận nếu cứ khuôn lại trong phạm vi các chùa chiền, cứ
phát đều đều cho các thiện nam tín nữ đến tụng niệm và cầu Phật, thì chẳng đáng
nói làm gì. Nhưng nay ông Hoàng Quang Thuận lại cố tình chuyển nó thành một
hiện tượng xã hội – văn học, bắt mọi người tin là cuốn sách có nhu cầu xã hội
rộng rãi, và còn đi xa hơn nhiều, ông ta đem nó dịch ra tiếng Anh, mượn tên
tuổi các chính trị gia hàng đầu thế giới như cựu Tổng thống Clinton, Tổng thống
Pháp đương nhiệm… để lobby cho nó, mong cầu nhờ đó mà được Ủy ban giải Nobel
Thụy Điển “ghé mắt”… thì đó quả là điều không bình thường nữa, mà đã vượt sang
ranh giới của những dục vọng không thể có ở người tỉnh táo. Rất tiếc,
tất cả những công đoạn này đều đã làm trót lọt (trừ công đoạn cuối cùng là sách
được nằm trong danh mục đề cử giải Nobel). Đáng nói hơn, một cơ quan nhà nước
là Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Nhà văn lại đứng ra tổ chức một cuộc
hội thảo khoa học có tính chất quan phương về một tác phẩm không có đối
tượng tiếp nhận đích thực và cũng chẳng có “tầm đón đợi”(horizon d’attente) nào
cả ấy, trong khi còn rất nhiều chuyện nóng hổi, đang là nguy cơ của một Hà
Nội văn hóa nghìn năm bị xoá sổ cần được Hội Nhà văn lên tiếng, trước mắt như
việc băm nát Công viên Tuổi Trẻ, thành lập 6 bãi đỗ xe trong Công viên Thống
Nhất, nhất là Dự án điên rồ cắm cọc ở giữa Hồ Tây để xây đường sắt băng qua
chiếc hồ lớn thiêng liêng bậc nhất, biểu tượng của uy linh dân tộc qua rất nhiều
đời kể từ năm 43 sau công nguyên khi Mã Viện đi đánh Hai Bà Trưng bị khốn trong
đám sương mù dày đặc trên hồ bủa vây, làm cho Hồ Tây không còn không gian văn
hoá đẹp nổi tiếng và nguyên vẹn với bao nhiêu sự tích tích tụ xung quanh nó…
thì không thấy quý Hội quan tâm chút gì, và các phương tiện truyền thông đại
chúng của quý Hội không thấy nêu một kiến nghị hay một lời cảnh báo nào đối với
các nhà chính khách như ông Hoàng Trung Hải vốn nhiều tai tiếng khi ngang nhiên
đặt bút ký chấp thuận đóng cọc xuống giữa lòng Hồ Tây.
Ông Hoàng Trung Hải
kính cẩn bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ảnh: Internet
Cuộc
hội thảo rầm rộ về Thi vân Yên Tử của Hội Nhà văn lại còn kéo được một
số chính trị gia đã thoái hưu và kể cả chưa thoái hưu (và hình như là những
người rất ít khi dự các cuộc hội thảo đúng tính chất một hội thảo khoa học về
văn học) như các ông Nguyễn Dy Niên (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn
Thanh Sơn (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Lê Trần Trường An (Chủ tịch, Tổng giám
đốc sách Kỷ lục Việt Nam), Nguyễn Hồng Vinh (Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình
Văn học Nghệ thuật trung ương)… đến dự họp. Vì sao? Chỉ có một thứ bôi trơn duy
nhất: tiền (tôi không nói tiền cho các vị này nhưng phải là tiền để đi đến được
hội thảo hoành tráng với quan khách trang trọng kiểu này). “Nghe thôi thinh
thỉnh lại đồng tiền” – Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nếu
có gì đáng gọi là kỳ quặc về việc một hội như Hội Nhà văn Việt Nam mà lại mở
một hội thảo về Thi vân Yên Tử thì nói cho cùng chính là ở chỗ ấy. Nó
góp phần vào tình trạng bát nháo của văn đàn cũng như vô cùng bát nháo trong xã
hội chúng ta trong thời buổi trắng đen lẫn lộn hiện nay.
N.
H. C.
Thứ bảy, ngày 18 tháng tám năm 2012
Hiện tượng Hoàng Quang Thuận là một hiện tượng nguy hiểm,
gây thảm họa khó lường, nghiêm trọng cho xã hội, gây đảo lộn nhiều chân giá trị
vì những sai lạc do hành vi của y gây ra. Vậy những hành vi của Hoàng Quang
Thuận gây nguy hiểm cho xã hội theo người viết bài này không chỉ ở các yếu tố
đồi bại nhãn tiền sau đây:
- Đạo văn, thơ, những công trình khoa học là một chuyện
xấu nhưng ngẫm cho cùng thì sự tác hại của việc này nó cũng khu hẹp trong một
lĩnh vực nào đó, thời khắc nào đó; Sự nguy hại nếu có đó là do in ra những tập
thơ vô giá trị như của Hoàng Quang Thuận sẽ dẫn tới những hậu quả mấy hectar
rừng bị chặt để làm bột giấy in ra chúng;
- Tìm mọi cách, mọi phương tiện để nổi danh, để nổi tiếng
trong đó chắc chắn có tiền và các mối quan hệ cá nhân mà thi sĩ rởm Hoàng Quang
Thuận được mặc định thừa hưởng ví như chiếc ghế Viện trưởng Viện Công nghệ-Viễn
thông-Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam cùng với cái nhãn mác Giáo sư-Tiến sĩ
của y để cổ súy, tâng bốc cho các giá trị ảo, rơm rác là điều lố bịch nhưng tác
hại lâu dài, sâu rộng của hành vi này chắc cũng không mãi mãi;
- Mượn những tín điều, những giá trị thiêng liêng cao quý
thuộc thế giới tâm linh, các giá trị đảng phái, tôn giáo để trang sức cho mình
ngẫm cho cùng thì cũng chỉ được nhất thời; Trường hợp Hoàng Quang Thuận chưa
tới dăm năm, kể từ tập thơ đầu tiên xuất bản năm 2008; chân tướng của y đã bị
lộ tẩy, lật bài...
Ngay các sự việc y mượn cái vỏ thiền
để khoác cho những bài thơ chưa sạch nước cản cũng chỉ có thể lừa mị được mấy
bà nhà quê, mấy người trí thức rởm chạy theo môt thời thượng; Còn những ai có
chút ít kiến thức về tôn giáo, về thiền thì chỉ cần đọc một số bài thơ của
Hoàng Quang Thuận là nhận ra sự bịp bợm của y...
Thế thì tại sao y lại dám bỏ tiền cho
dịch sang tiếng Anh gửi đi Thụy Điển để dự tranh giải Nobel, mời cả những ông
Tây ông Mỹ, lừa chiếm dụng cả danh của cả tổng thống Pháp, rồi Tổng thống Clinton
để lobby cho loại thơ chưa sạch nước cản của y ?
Theo người viết bài này, hiện tượng Hoàng Quang Thuận có
mấy điều nguy hiểm nghiêm trọng sau đây:
1. Đồng tiền hay
một cái gì đó đã có sức mạnh ghê gớm, đã tạo ra sức hút gì đó đã làm mê lú biết
bao kẻ xưa nay vẫn được dư luận cho là đạo mạo, trí thức, có chút ít danh tiếng
bỗng chức lao vào canh bạc lăng xê Hoàng Quang Thuận bất chấp thực hư, phải
trái như: Ngô Văn Phú, Hoàng Hữu Đản, Dương Kỳ Anh, Hữu Thỉnh, Hữu Ước, Nguyễn
Hữu Sơn, Nguyễn Trọng Tân, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Văn Dân, Hữu Việt...
Theo các nguồn tin bên lề thì sở dĩ
Hoàng Quang Thuận đưa sản phẩm của mình ra trình làng ở Hội Nhà văn Việt Nam là
chuẩn bị dư luận giúp y “chạy “ giải Nobel văn học; Đây là một trong các điều
kiện cần có để dự giải thưởng này...
Như
vậy hoạt động băng nhóm vốn là thứ thịnh hành chốn “chợ giời “, xã hội đen đã
len lỏi chi phối cả chốn văn đàn xưa nay vẫn được coi là chốn thanh cao, ít vụ
lợi ?
2. Hơn ai hết,
Hoàng Quang Thuận đang là Viện trưởng Viện trưởng Viện Công nghệ-Viễn
thông-Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam; đây là một cơ quan nghiên cứu khoa học
nghiêm túc, có pháp nhân đối với các hoạt động khoa học và các sản phẩm do mình
sản sinh ra...Đây là một cơ quan do Chính phủ lập và được sử dụng tiền ngân
sách, tiền sạch để duy trì hoạt động nghiên cứu chứ không bị sức ép của thị
trường...
Hoàng Quang Thuận là người của công
nghệ thông tin, lại có nhãn mác Giáo sư-Tiến sĩ, chắc chắn y phải hiểu mặt trái
của công nghệ thông tin; đó là một thế giới phẳng và dân chủ...Trong cái thời
đại toàn cầu hóa tri thức do nhờ sự phát triển của internet và công nghệ thông
tin thì không một giá trị ảo, mang chất lừa đảo bịp bợm có thể vượt qua vô vàn
những “bức tường lửa” do con người tạo lập lên để sàng lọc ? Thế mà Hoàng Quang
Thuận vẫn cứ “ anh dũng “ làm cái điều mà y biết y sẽ phải bị ném đá, sẽ phải
trả giá vì sự giả trá, bịp bợm của mình...
Người Việt có câu: Điếc không sợ súng
! Hoàng Quang Thuận không phải là kẻ “điếc” trong lĩnh vực thông tin; Hoàng
Quang Thuận không giống như các cậu học trò tỉnh lẻ tìm cách thuổng các bài thơ
của người khác chép vào báo tường lớp mình rồi ghi tên mình là tác giả vào để
vênh vang với bạn bè; Hoàng Quang Thuận đang nuôi tham vọng “ chạy “ giải Nobel
văn học?
Một
người mang nhãn mác học vị Giáo sư, Tiến sĩ lại có chức vị là Viện trưởng của một
viện khoa học do Chính phủ lập mà y dám cả gan làm cái việc động trời: ngụy tạo
những giá trị giả, lộng giả thành chân cả những giá trị tôn giáo, tâm linh linh
thiêng bỏ tiền ra, tung hô ầm ỹ lên để cầu danh ?
Cái
ghế Viện trưởng một Viện khoa học do Chính phủ lập, một viện như thế hàng năm
chắc nhà nước chắc cũng cấp cho khoảng trên chục tỷ đồng để hoạt động, vậy thì
y lấy đâu ra nhiều tiền để tung vào canh bạc chạy tranh giải Nobel Văn học ?
Trong cuộc hội thảo tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam người ta
thấy xuất hiện những bậc “cao nhân” “có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch
Hội NVVN; Nguyễn Di Niên – nguyên Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thanh Sơn
– Thứ trưởng Bộ ngoại giao; Lê Trần
Trường An – Chủ tịch, tổng giám đốc sách Kỷ lục VN; PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng
LLPB VHNT Trung ương; TS. Lê Thị Bích
Hồng – Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương; Trung tướng,
nhà văn Hữu Ước – Tổng cục Phó Tổng
cục XDLL, Bộ Công an...”( Tin của Vanvn.net )
Đặc biệt “ danh tướng “ trong làng
văn trận báo Hữu Ước không chỉ tặng hoa mà ngồi chứng kiến cuộc hội thảo này từ
đầu đến cuối là điều hy hữu vì ông là người đảm nhận rất nhiều cương vị, chức
trách?
Trung tướng Hữu Ước không chỉ ngồi
nghe mà Báo Văn nghệ Công an do ông làm Tổng Biên tập đăng liền 2 bài giới
thiệu về tập Hoa Lư thi tập; Báo Công an nhân dân số ra ngày 17/8/2012 mới đây
còn đăng bài:Tác giả Trần Trương: “Thi Vân Yên Tử” không phải
“đạo” văn để thanh minh cho Hoàng Quang Thuận?
3. Một dấu hỏi cuối
cùng: Qua vụ Hoa Lư thi tập và Thi Vân Yên Tử đổ bể, dư luận không thể không
đặt dấu hỏi: Bấy lâu nay GS-TS Hoàng Quang Thuận là Viện trưởng của một cái
viện khoa học do Chính phủ lập ra, một cái viện có trách nhiệm làm công tác
chuyên trách nghiên cứu về công nghệ-viễn thông; chắc chắn những sản phẩm
nghiên cứu, những công trình khoa học của Viện sẽ được sử dụng, làm nguồn dữ
liệu để làm cơ sở khoa học cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoạch định
ra các chủ trương chính sách kinh tế-xã hội ?
Vậy ai dám đảm bảo những sản phẩm
khoa học của cái viện do GS-TS Hoàng Quang Thuận làm “ chủ xị “ là những sản
phẩm không từa tựa như Thi Vân Yên Tử, Hoa Lư Thi Tập; đấy là những sản phẩm
khi ra với công chúng mới bị phát hiện ra đồ rởm, còn các cái công trình khoa
học liên quan tới quốc kế dân sinh kia lại được các nhà quản lý như Hồng Vinh, Nguyễn Di Niên, Hữu Thỉnh, Hữu
Ước, Nguyễn Thanh Sơn, Dương Xuân Nam, Ngô Văn Phú...đóng dấu OTK thì than
ôi?
Đây mới chính là điều nguy hiểm nhất
vì: biết đâu sẽ có không ít những chủ trương chính sách kinh tế xã hội do Chính
phủ ban hành đã sai lạc vì bị tham mưu đểu bởi những ông thầy dùi như Viện
trưởng, GS-TS Hoàng Quang Thuận và nhiều ông như GS-TS Hoàng Quang Thuận; những
vị do không quá huyếnh, không tham vọng tranh giải Nobel nên chưa bị lộ ?!
P.V.Đ.
-----------------------------------
No comments:
Post a Comment