Wednesday, 8 August 2012

"ĐÀM" hay "ĐÁNH" ? (Trương Nhân Tuấn)




"Đàm" hay "đánh" ? Bottom of Form
Aug 7, 2012 3:05 PM

« Đàm » hay « đánh » ?

Chính phủ Hoa Kỳ ngày 3 tháng 8 vừa qua ra thông cáo báo chí về biển Đông, trong đó có đoạn đề cập đến khả năng giải quyết tranh chấp bằng một trọng tài hay bằng một định chế pháp lý quốc tế. Đây là lần đầu tiên ý kiến này được nhắc đến. Từ trước đến nay, lập trường của HK về tranh chấp giữa các nước là không ủng hộ bên nào nhưng khuyến nghị các bên giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình, không sử dụng vũ lực, trên căn bản tuyên bố DOC hay luật quốc tế trong đó có Luật quốc tế về Biển 1982. Ý kiến về « một trọng tài » của HK đưa ra trong bối cảnh tranh chấp Trung-Phi về chủ quyền bãi cạn Scarborough đang lâm vào bế tắt. Phía TQ ngày càng tăng áp lực, bằng răn đe quân sự và bóp chẹt kinh tế, cho thấy cho thấy quyết tâm muốn chiếm bãi cạn Scarborough của nước này. Ý kiến này cũng đưa ra đúng vào lúc căng thẳng Việt-Trung lên đến tột độ do việc TQ cho đấu thầu các lô dầu khí trên thềm lục địa VN, cho nhiều đoàn tàu đánh cá hàng chục ngàn chiếc tiến vào vùng biển Trường Sa thuộc Việt Nam. Đồng lúc TQ cho thành lập thành phố Tam Sa, biến đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của VN) thành một địa điểm quân sự quan trọng đầu tiên trên biển Đông. Đây là động thái gây hấn, xâm lấn mạnh nhứt của TQ từ sau cuộc chiến năm 1979. Nhiều tiếng nói từ VN cất lên yêu cầu « đánh » !

Tranh chấp các nước về chủ quyền các đảo HS và TS đã dây dưa kéo dài từ nhiều thập niên. Các phương cách được các bên áp dụng để giải quyết tranh chấp từ trước đến nay, như tuyên bố Ứng xử biển Đông (DOC) giữa các nước ASEAN và TQ, thuơng lượng song phương, đa phương… cho thấy đã thất bại. Biển Đông lần hồi trở thành một khu vực nóng, có thể trở thành đầu mối cho chiến tranh bùng nổ. Nguyên nhân là do không bên nào nói đến cốt lõi của vấn đề: chủ quyền các đảo. Các bên chỉ tập trung vào việc khoanh vùng biển và đơn phương tuyên bố vùng biển đó thuộc quyền tài phán của nước mình. Trong khi quyền tài phán (và quyền chủ quyền) vùng biển chỉ được sinh ra từ chủ quyền về lãnh thổ. Các bên chỉ nói chuyện về cái « ngọn » mà không nói về cái « gốc », là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nước nào có chủ quyền ở các đảo nào ? Chỉ khi giải quyết ổn thỏa vấn đề chủ quyền các đảo, việc chồng lấn các vùng biển mới có thể giải quyết. Các tuyên bố về quyền chủ quyền ở các vùng biển mới thể hiện một cách minh bạch.

Đề nghị của Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc đứng đầu thế giới, mặc dầu chậm trễ nhưng là phương pháp thực tế (và hữu hiệu) nhứt đễ gìn giữ hòa bình cho khu vực. Vì nó có khả năng giải quyết các « gốc » của vấn đề.

Thấy gì qua tuyên bố của chính phủ Hoa Kỳ ? Ta thấy, có thể đó là hành động nhằm ủng hộ nước đồng minh là Phi đang bị TQ chèn ép trên vấn đề bãi cạn Scarborough. Từ vài tháng nay, nhà nước Phi đang vận động để đưa vụ tranh chấp Scarborough ra một tòa án quốc tế. Như thế phía Phi đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến mới với TQ về pháp lý. Tuyên bố của HK giúp Phi gỡ một nước cờ bí. Phía TQ, nếu không chấp nhận đề nghị, chắc chắn sẽ bị đuối lý trước dư luận quốc tế. Họ không có lý do nào để khuớc từ. Họ khó có thể tiếp tục hành sử bá đạo đe dọa quân sự hay bóp chẹt kinh tế như hiện nay đối với Phi.

Nhưng về phía VN thì vấn đề phức tạp. Tuyên bố này có thể giúp cho VN gỡ thế cờ bí nhưng cũng có thể đưa VN vào thế bí. Nhà nước CSVN chưa bao giờ đề nghị giải quyết tranh chấp với TQ bằng một trọng tài quốc tế, (như Phi đối với TQ), mặc dầu áp lực mỗi ngày mỗi tăng của TQ. Những sự việc đã thấy hiện nay, như TQ cho đấu thầu khai thác trên thềm lục địa VN, cho nhiều đoàn hàng ngàn chiếc thuyền vào đánh bắt trên vùng biển của VN, bắt bớ ngư dân VN tịch thu tài sản… là áp lực mà TQ đặt lên VN, buộc lãnh đạo CSVN phải thực hiện các hứa hẹn mà hai bên đã ký kết trong quá khứ.

Thế tiến thoái lưỡng nan của VN đã rất rõ rệt. Nếu không đưa ra tòa án quốc tế thì rất có thể sẽ phải xung đột vũ trang với TQ. Nếu đưa ra tòa thì những bằng chứng chuyển nhượng đất đai, biển đảo mà đảng CSVN đã cam kết với TQ sẽ bị bạch hóa trước công chúng. Đây là một hình thức « tự sát chính trị ».

Nhưng lối thoát của dân tộc VN, muốn bảo toàn được lãnh thổ của cha ông để lại, là phải đưa vấn đề ra một trọng tài hay một tòa án quốc tế để phân giải. Tuyên bố của nhà nước HK cho thấy nước này sẽ ủng hộ VN, nếu VN nỗ lực thực hiện. Vấn đề là phía VN phải làm thế nào hóa giải các « giấy nợ » của lãnh đạo CSVN đã thể hiện với TQ để có thể có một hy vọng thắng kiện. Mà muốn hóa giải các « giấy nợ » này thì phải biết nội dung nó như thế nào, hiệu lực pháp lý của nó ra sao… Đây là công việc của các học giả.

Các học giả VN cho thấy khó mà có một lựa chọn nào khác, ngoài đảng CSVN, vì đó là nguồn sống của cá nhân và gia đình họ. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, ăn cây nào rào cây đó, học giả VN tìm cách giúp đảng CSVN « quỵt » nợ TQ. Nhưng không dễ.

Điều dứt khoát là người dân không thể hy sinh vì những hứa hẹn ngu xuẩn của lãnh đạo CSVN. Nhất là những hứa hẹn này có thể hóa giải được. Với cái đầu nóng, suy nghĩ để thấy rằng kinh tế bệnh hoạn của VN hiện nay không đủ trả nợ cho các vũ khí vừa mua (chưa giao) của Nga (tàu ngầm và SU 30). Nhiều người VN hiện nay vẫn giữ ảo tưởng về một sự trợ giúp « quân sự » cho VN từ phía HK mà không chịu nghĩ rằng HK không có « nghĩa vụ » gì đối với VN cũng như món hàng « Cam Ranh » đã trở thành một món hàng « solde » trong cái nhìn chiến lược hiện đại. Có người nóng lòng lên tiếng giục  « đánh » TQ. Nhưng lấy cái gì để đánh ? Không lẽ lấy máu của dân ? Tâm lý chiến tranh vẫn còn man mác vì lịch sử cho thấy máu xương của dân VN quá rẻ, muốn đổ lúc nào cũng được và cho mục tiêu nào cũng được. Chiến tranh thì dân đổ máu. Những kẻ to tiếng hò hét thúc giục « tiến lên » lại luôn là những người ở nơi an toàn nhất. Hết chiến tranh thì dân đổ mồ hôi, nước mắt, bán thân, bán sức… cho ngoại bang để những người lãnh đạo cuộc chiến trước kia hưởng lợi. Những người hô hào, xúi giục người dân tiến lên « đài liệt sĩ » luôn là những người cầm bút. Ôi những « học giả », những « chiến sĩ trên mặt trận văn chương », suốt đời được đảng cho ăn bánh vẽ, cho uống nước lã… nhưng lại siêng việc « múa tối ngày ». Chưa biết lúc nào họ ý thức được thân phận « trí thức không bằng cục phân » của mình.

Phải « đàm ». « Đàm » không phải là « hàng ». Đây là xu hướng của thời đại, là nếp nghĩ của con người văn minh. Đó là đề nghị của Hoa Kỳ đưa vấn đề ra một trọng tài, hay một tòa án quốc tế để phân giải. VN dám « ủng hộ » đề nghị này không ?


NHỮNG BÀI TRƯỚC




No comments:

Post a Comment

View My Stats