Lý Thái Hùng
Cập nhật: 8/07/2012
Sự tranh giành thế chủ đạo ở trong đảng
giữa hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng tưởng đã tạm lắng đọng sau khi
ông Nguyễn Phú Trọng được chọn làm trái độn Tổng Bí Thư trong Đại hội đảng lần
thứ XI diễn ra vào hạ tuần tháng 1 năm 2011, nhưng những tin tức liên quan đến
các vụ thay thế hoặc thất sủng của một số nhân vật gần đây đã cho thấy là xung
đột giữa ông Sang và ông Dũng đã mở rộng thành xung đột giữa phe
Đảng và phe Chính Phủ.
Đây là hiện tượng thường xảy ra vào
giai đoạn cuối ở những chế độ độc tài cộng sản khi mà thành phần lãnh đạo chóp
bu bắt đầu tranh chấp và đổ tội lẫn nhau về tình hình suy thoái kinh tế và
khủng hoảng xã hội đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Những Con Dê Tế Thần
Bà Đặng Thị Hoàng Yến,
Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Tân Tạo, đại biểu quốc hội khóa 13 (bầu vào
tháng 8/2011) của tỉnh Long An, đã bị quốc hội CSVN bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách
đại biểu hôm 25 tháng 5. Lý do mà quốc hội CSVN đưa ra là bà Yến đã “không
trung thực khi khai hồ sơ ứng cử” như đã không khai về việc đã từng vào đảng
nhiều năm trước đó. Bà Yến cũng đã không khai về người chồng thứ hai đã ly hôn
nhưng đang bị Bộ công an khởi tố và truy nã vì tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản.
Người ta cho rằng những lý cớ mà Quốc
hội đưa ra rất ‘lảng xẹt” và có đến 16 đại biểu bỏ phiếu chống lại việc bãi
nhiệm này. Bà Đặng Thị Hoàng Yến là một trong số những doanh nhân giàu có nhất
tại Việt Nam, thường xuyên có những phát biểu tố cáo các vụ làm ăn sai trái của
những tập đoàn kinh tế nhà nước và được xem là người của phe ông Trương Tấn
Sang.
Ông Nông Đức Tuấn,
con trai của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã bị mất ghế Bí Thư Tỉnh Bắc Giang
hôm mồng 8 tháng 6 năm 2012 và bị đưa về giữ trách vụ ngồi chơi xơi nước là phó
chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mà ông đã từng đảm nhiệm từ ngày 28 tháng 1 năm 2008
đến 21 tháng 4 năm 2009, trước khi được ông Nông Đức Mạnh triệu về làm Phó bí
Thư Tỉnh ủy Bắc Giang hầu chuẩn bị đưa vào Trung ương đảng trong kỳ đại hội XI
vào tháng 1 năm 2011. Người thay thế ông Nông Đức Tuấn là ông Trần Sỹ Thanh, Ủy
viên dự khuyết Trung ương đảng, Ủy viên ban kiểm tra Trung ương Đảng,
Dư luận cho rằng việc ông Nông Đức Tuấn
bị thất sủng và mất chức Bí Thư Bắc Giang (nhiệm kỳ còn kéo dài đến năm 2015)
là vì có những quyết định đụng chạm đến quyền lợi kinh tế của phe ông Nguyễn
Tấn Dũng tại Bắc Giang. Ông Dũng và phe chính phủ còn nhằm trả đũa việc ông
Nông Đức Mạnh đã ủng hộ ông Nguyễn Phú Trọng giành lấy ghế chủ tịch Ban chỉ đạo
trung ương về phòng, chống tham nhũng từ tay ông Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp
lần thứ 5 của Trung ương đảng vào tháng 5 vừa qua. Đây là vị trí rất quan trọng
đã từng giúp cho ông Dũng bao che hàng loạt cán bộ bị coi là có vấn đề tham ô
tài sản từ năm 2006 cho đến nay. Trần Sỹ Thanh còn là cháu của Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Sinh Hùng, một đồng minh chiến lược của ông Nguyễn Tấn Dũng trong
gần 2 thập niên vừa qua.
Ông Dương Chí Dũng,
cựu chủ tịch Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), Cục trưởng Cục hàng
hải, thuộc Bộ giao thông vận tải đã bị truy tố hôm 17 tháng 5 năm 2012 vì bị
“tình nghi” là có hành vi tham ô và cố ý làm trái quy định nhà nước, gây hậu
quả nghiêm trọng. Trong vụ án này, ngoài Dương Chí Dũng còn có Trần Hải Sơn
(Tổng giám đốc Vinalines), Trần Văn Quang (Trưởng Phòng kế Hoạch) và Phạm Bá
Giáp (Giám đốc công ty Nguyên An) cũng bị điều tra liên quan đến vụ tham ô sửa
chữa ụ nổi 83M thuộc dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía
Nam từ tháng 10 năm 2010 (trước khi Dương chí Dũng được đề bạt là Cục trưởng
Cục hàng hải hôm tháng 2/2012). Hiện chỉ có Dương Chí Dũng chạy thoát và đang
bị công an CSVN truy nã.
Dư luận cho rằng Dương Chí Dũng chỉ có
thể chạy thoát trước khi bị cơ quan điều tra bắt giữ là do tin tức lộ ra từ cấp
cao nhất trong văn phòng Thủ tướng vì Dương Chí Dũng tuy được Bộ trưởng Đinh La
Thăng đề bạt nhưng quyết định nằm ở Thủ Tướng. Chính vì thế mà khi tin tức liên
quan đến việc Dương Chí Dũng chạy thoát, nhiều đại biểu quốc hội đã đòi truy
cứu trách nhiệm đề bạt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhưng ông Trương Tấn Sang
trong phần trả lời báo Tuổi Trẻ hôm 24 tháng 6 nhân dịp vào Sài Gòn gặp cử tri,
thì quy trách nhiệm vào ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Sang nói với báo Tuổi Trẻ rằng việc
ký quyết định bổ nhiệm “cần phải xem thấu đáo có phải do không biết các sai
phạm trước đó hay do bao che lẫn nhau”. Phát biểu của ông Sang đã ám chỉ Nguyễn
Tấn Dũng đã bao che cho Dương Chí Dũng khi ký quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 6
tháng 2 năm 2012 cho Dương Chí Dũng thôi giữ chức Chủ tịch Tổng công ty Hàng
hải Việt Nam để ông Bộ trưởng Đinh La Thăng bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục hàng
hải Việt Nam thuộc Bộ giao thông vận tại.
Cô Tô Linh Hương và Bà Nguyễn Thanh Phương, là hai người con gái của ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban tổ
chức Trung ương đảng, và ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN, đã bị thôi giữ
chức chủ tịch Hội đồng quản trị của hai tập đoàn lớn sau một thời gian rất ngắn
được đề bạt. Đây là một hiện tượng khá bất thường.
Ngày 22 tháng 6 năm 2012, Ủy ban chứng
khoán nhà nước CSVN nhận thông báo của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng
Vinaconex (PVV), theo đó Tô Linh Hương, sinh năm 1988, thôi giữ chức chủ tịch
Hội đồng quản trị PVV từ ngày 21 tháng 6. Tô Linh Hương được đưa lên giữ ghế
chủ tịch Hội đồng quản trị PVV vào ngày 14 tháng 4 năm 2012 và nhiệm kỳ còn kéo
dài đến tháng 4 năm 2017, tức còn đến 5 năm nữa. Thế nhưng chỉ sau 2 tháng ở vị
trí lãnh đạo công ty có đến 2 ngàn nhân viên, Tô Linh Hương bị thay thế bởi ông
Bùi Anh Ninh, phó Tổng giám đốc công ty PVV.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Phương,
con gái ông Nguyễn Tấn Dũng mới 30 tuổi, đã nắm giữ vị trí cao nhất của 4 công
ty trong lãnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và đầu tư tài chánh -
tất cả đều mang thương hiệu Bản Việt (Viet Capital). Ngày 19 tháng 2 năm 2012,
bà Nguyễn Thanh Phương được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bản
Việt (Viet Capital Bank) có vốn điều lệ lên đến 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến
ngày 20 tháng 6, bà Phượng thôi không còn giữ ghế chủ tịch Hội đồng quản trị
Ngân hàng Bản Việt.
Việc Tô Linh Hương và Nguyễn Thanh
Phương bị mất ghế chủ tịch hội đồng quản trị trong cùng thời điểm tháng 6, một
tháng sau khi Hội nghị Trung ương 5 bế mạc cho thấy là Nghị Quyết 4 về phòng
chống tham nhũng đưa ra hồi tháng 12/2011 buộc các ủy viên Trung ương, Bộ chính
trị phải tự phê và nhận sự phê bình từ cơ sở liên quan đến vấn đề chống tham ô,
lãng phí đã có những tác dụng vào nội bộ, khiến cho nhiều thành viên trong gia
đình các cán bộ cao cấp phải tìm cách bỏ chạy để “hạ cánh an toàn” trước khi
quá trễ.
Phe Đảng – Phe Chính Phủ.
Quyền lực trong đảng Cộng sản Việt Nam
hiện nay, trong thực tế có hai cấp nắm quyền lực sinh sát là Bộ chính trị
(trung ương) và Ban thường vụ Huyện ủy (địa phương).
Trong bộ chính trị, tuy có 14 nhân vật,
nhưng quyền lực tập trung vào hai nhóm.
Nhóm một gọi là Tứ trụ của đảng gồm Tổng Bí Thư (Nguyễn Phú Trọng), Chủ tịch nước (Trương
Tấn Sang), Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng), Chủ tịch Quốc hội (Nguyễn Sinh Hùng).
Nhóm hai gồm những nhân vật đứng đầu bốn ban công tác giải quyết công vụ hàng ngày của đảng là Ban bí thư (Lê
Hồng Anh), Ban Tổ Chức (Tô Huy Rứa), Ban Tuyên Giáo (Đinh Thế Huynh), Ban Dân
Vận (Tòng Thị Phóng). Tuy có Ban Đối Ngoại nhưng CSVN hiện coi thường ban công
tác này.
Tại địa phương, tuy Huyện ủy nằm dưới cấp Tỉnh và Thành,
nhưng lại là cơ quan nắm giữ quyền sinh sát trực tiếp lên đời sống của người
dân và nhất là nơi kiểm soát việc thi hành
những chỉ thị từ trung ương nên uy quyền của ban thường vụ huyện ủy rất lớn.
Theo Luật Đất Đai 1993, đã cho Huyện ủy một cái quyền rất lớn là quyết định về
việc cho thuê hay thu hồi ruộng đất của người dân sớm hay trễ hơn quy định của
Luật mà không cần giải thích; quyền lực này không khác gì những ông trời con.
Tính cho đến năm 2006, tất cả quyền lực của đảng Cộng sản
Việt Nam đều nằm trong tay Tổng Bí Thư. Nhưng từ khi Bộ chính trị hoán
chuyển trách nhiệm giữa tứ trụ của đảng để tăng cường khả năng đối ngoại và
phát triển kinh tế của chính phủ, vị trí của Tổng Bí Thư càng ngày càng bị lu
mờ.
Từ
năm 2006, Bộ chính trị đã quyết định bãi bỏ Ban kinh tế trung ương, giao trách
nhiệm quản trị và điều hướng bộ máy kinh tế quốc gia cho Thủ tướng. Ngoài ra,
Thủ tướng còn được giao thêm ba nhiệm vụ quan trọng là phụ trách về ngoại giao, an ninh và ban chỉ đạo trung
ương phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, Tổng Bí Thư chỉ còn lo về nội bộ
đảng và quốc phòng. Trong khi Chủ tịch nước thì phụ trách về tư pháp.
Ngoài sự phân chia trách nhiệm nói
trên, từ năm 2006, Trung ương đảng CSVN lại chọn chiến lược phát triển Việt Nam
trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020 cùng với sự mở rộng quan hệ đối tác
chiến lược với Hoa Kỳ, vô hình chung đã tạo cho uy
quyền của Thủ tướng ngày một lớn, vượt lên trên vị trí Tổng bí thư. Ông
Nguyễn Tấn Dũng vừa nắm trong tay quyền tổ chức và bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo
những Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, vừa nắm quyền cấp tín dụng cho các doanh
nghiệp nhà nước, vừa quyết định lệnh điều tra, truy tố hay bao che những ai mà
ông Dũng thấy có vấn đề.
Quyền lực nổi trội của ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm cho các
phe còn lại khó chịu, cụ thể nhất là ông Trương Tấn Sang. Khi vụ phá sản của tập đoàn Vinashin bùng nổ vào năm 2010,
ông Trương Tấn Sang đã muốn truy cứu trách nhiệm của ông Dũng và những người
liên hệ trong chính phủ vào lúc đó như Nguyễn Sinh Hùng, phó thủ tướng thường
trực, Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng tài chánh. Nhưng Bộ chính trị đã quyết định không
truy cứu trách nhiệm nên ông Dũng và ông Hùng đã thoát, khiến cho ông Trương
Tấn Sang không thể triệt hạ ông Dũng và vây cánh trong Đại hội XI.
Hiện nay ông Trương Tấn Sang đã phải liên kết với ông
Nguyễn Phú Trọng để vừa chống, vừa thu hẹp quyền lực của phe ông Nguyễn Tấn
Dũng và ông Nguyễn Sinh Hùng, qua một số sự kiện như:
Ông Trương Tấn Sang đã nhiều lần công
khai phê phán các nỗ lực chống tham nhũng và Nghị Quyết 4 chống tham nhũng của
Hội nghị lần thứ 4 Trung ương đảng vào tháng 12 năm 2011 đã mở đường cho việc
phe ông Trọng và ông Sang dành lại Ban chỉ đạo trung ương phòng chống tham
nhũng về cho phe Đảng trong Hội nghị lần thứ 5 Trung ương đảng, không còn để
cho phe ông Dũng tự tung tự tác nữa.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức một
Hội thảo về sửa đổi hiến pháp 1992 với đề nghị tăng quyền lực thực tế của Chủ
tịch nước. Giáo sư Phạm Hồng Thái đề nghị chia lại quyền lực cụ thể giữa Chủ
tịch nước và Thủ tướng trong Hiến pháp. Nếu Chủ tịch nước là chức vụ cao nhất
của Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh các lực
lượng võ trang thì Chủ tịch nước nên nắm các bộ về Quốc Phòng, Công an và Ngoại
giao, còn Thủ tướng thì nắm những bộ còn lại và quản lý chính quyền địa
phương.”
Mặc dù đây chỉ mới là sự đề nghị trong
một buổi Hội thảo nhưng đã được cho trình bày trong bối cảnh xung đột giữa hai
ông Sang và Dũng, cho thấy là có sự vận động từ phe ông Sang để giới hạn bớt
quyền hành của Thủ tướng trong tiến trình tu sửa hiến pháp hiện nay tại Việt
Nam.
Tóm lại, những đấu đá bên trong nội bộ
của đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là các xung đột giữa phe Đảng (Nguyễn Phú
Trọng và Trương Tấn Sang) với phe Chính Phủ (Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Sinh
Hùng) sẽ còn leo thang vì các màn tự phê - theo tinh thần Nghị quyết 4 chống
tham nhũng và nêu ý kiến tu sửa Hiến pháp - chỉ mới bắt đầu.
Trong
thế trận hiện nay, tuy phe ông Dũng không còn nắm Ban chỉ đạo trung ương chống
tham nhũng; nhưng đây là vấn nạn chung của cả đảng nên dù có mang Ban chỉ đạo
này về, ông Trọng lẫn ông Sang cũng không thể nào ngăn chận nổi guồng máy tham
ô trong chính quyền, khi Thủ tướng chính phủ còn có quá nhiều quyền hạn trong
lãnh vực kinh tế. Đây là lợi điểm để ông Dũng tiếp tục nuôi vây cánh trong bộ
máy hành chính ở trung ương và địa phương, nuốt chửng mọi mệnh lệnh của phe
Đảng.
Lý Thái Hùng
Ngày 8/7/2012
Ngày 8/7/2012
Các
bài liên hệ
Cùng
tác giả:
No comments:
Post a Comment