Lê Phan
Friday,
July 06, 2012 2:45:47 PM
Hôm đầu tuần, blog Anh Ba Sàm đã cung cấp cho bạn bè công dân
mạng bản dịch của một bài trên Baidu mang cái tựa đề “Về Nam Hải, năm ấy đã vẽ đường chín
đoạn đến tận cửa nhà người ta như thế nào? ”
Nam
Hải, như chúng ta đều biết chính là Biển Ðông của Việt Nam. Tác giả ký tên
Thiên Nam Ðịa Bắc Song Phi Yến, chứng tỏ là một kẻ biết cổ văn Trung Quốc, một
việc hiếm có trong làng trí thức Trung Quốc hiện nay, đã lửng tửng đặt hai câu
hỏi, “Ai là người đầu tiên tuyên bố Nam Hải là lãnh thổ của Trung Quốc? Và rồi
căn cứ vào cái gì?”
Tác
giả có vẻ cũng khá hiểu biết khi nhắc lại là con đường chín đoạn phát xuất từ
thời chính phủ Dân Quốc. Tác giả viết, “Nghe nói năm 1946, Lâm Tuấn (?)dẫn đầu
hạm đội đi thu phục nhiều đảo, gọi là thu phục, chứ tôi thấy còn có cả việc
tiếp nhận phần tài sản của người thua cuộc, có những hòn đảo thực ra không biết
là của ai, người Nhật chiếm, rồi lại thua chúng ta, thế là tự nhiên chúng ta
liền vui vẻ đi theo hạm đội ra biển, một vị quan chức cấp giám đốc ở Bộ Ðịa
Chất Khoáng Sản (?)phóng bút vẽ một cái, dùng 9 đường chấm chấm thành một cái
túi lớn. Cái túi này lớn đến nhường nào? Trên bản đồ của chúng ta đành ra mở ra
một cửa sổ mới tinh, chuyên để hiển thị nó. Khi quay trở về đưa in lên bản đồ
của chính phủ Dân quốc, công bố với thiên hạ, và đường biên giới đã được tháo
cũi sổ lồng như vậy đấy.”
Phải
công nhận ông ta nói khá đúng, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Chính phủ Trung
Hoa Dân Quốc quả có vẽ ra con đường chín đoạn đó, nhưng cũng chẳng cần gửi hạm
đội đi đâu cả. Tất cả chỉ là dựa trên trí tưởng tượng của các vị vẽ bản đồ ở
Cục Ðịa Chánh mà thôi.
Tiếp
theo đó, tác giả nói vì đã gọi biển Nam là biển nhà, Trung Quốc bèn phải tiếp
tục duy trì lập trường này, nhất là khi hàng xóm chẳng nói gì cả. Tác giả có
biện minh là tại lúc đó các hàng xóm đang bận rộn, người còn lo giành độc lập,
kẻ còn đang bận nội chiến.
Thực
ra điều đó cũng không đúng nữa. Tác giả viết, “Việt Nam khi ấy còn đang đánh
nhau hừng hực khí thế, vua Bảo Ðại mải lo giữ thân, chạy tới nước Pháp cầu cứu
khắp nơi, cũng đâu có quan tâm được đến việc quản hồ sơ này.” Vua Bảo Ðại tuy
vậy vẫn còn nhớ bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Tại hội nghị San Francisco mà hồi
xưa chúng ta gọi là hội nghị Cựu Kim Sơn, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, trong bài
diễn văn chính thức đại diện cho Quốc Gia Việt Nam, một trong 51 quốc gia đã
được chính phủ Mỹ mời, đã kết thúc với lời khẳng định như sau, “Việt Nam rất là
hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì
vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống
các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng
tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.” (bản dịch của Tập San Sử Ðịa)
Nhưng
tác giả lại nói tiếp là cái trò chơi chủ quyền này cũng giống như hôn lễ Ki-tô
giáo khi vị mục sư hay linh mục nói, “Nếu có ai có lý do chính đáng tại sao họ
không nên kết hợp - hãy nói lên bây giờ hay là vĩnh viễn giữ im lặng.” Bởi
không ai nói gì nên kẻ nào nói sẽ thắng cuộc!
Tác
giả tuy vậy cũng tỏ ra khá độ lượng, viết, “Nhưng cái đường 9 đoạn này thực ra
đã vẽ hơi quá đáng, về cơ bản đều là vẽ men theo đường bờ biển của người ta,
cuộc nội chiến trong nhà người ta kết thúc, đương nhiên là cần phải đứng ra
tranh luận thôi, tranh chấp Nam Sa, thế là trở nên ngày càng gay gắt.” Thực ra
không những men theo bờ biển của người ta mà có chỗ còn leo cả vào sân trước
nhà người ta nữa. Nhưng so với những bài khác được thường xuyên đưa lên các tờ
báo của nhà nước, tác giả đã tỏ ra sáng suốt hơn và có vẻ hiểu rõ lý do của sự
tức giận của hàng xóm.
Tác
giả sau đó đã khẳng khái viết lên sự thật “Cái đường 9 đoạn này rốt cuộc là gì?
Nó không phải là đường cơ sở lãnh hải, mà cũng chẳng phải là đường lãnh hải, ý
nghĩa pháp lý của nó rốt cuộc là gì? Chính trong nhà chúng ta cũng cảm thấy hết
sức chột dạ, cho nên khi công bố đường cơ sở lãnh hải vào năm 1995, ta đã không
hề nhắc nhỏm gì đến nội bộ giới luật học về biển, mà gọi luôn đó là 9 đường đứt
đoạn, trong số các chư vị đồng bào yêu nước có ai đó đã thử đi đếm xem từ ven
biển Việt Nam đến vịnh Subic, xung quanh cái túi lớn này rốt cuộc là dùng tới
mấy đường?” Chắc chắn nhiều hơn là chín đoạn nếu muốn bao gồm trọn Biển Ðông.
Tác
giả cũng kể lại chuyện không hiểu có đúng hay không nói là các cơ quan chính
quyền Trung Quốc đã cho đi thăm dò địa chất vật lý trong vùng, lúc đầu ở gần
vùng biển thực sự của Trung Quốc, sau đó lấn dần, không thấy hàng xóm đánh
tiếng gì, thế là đắc thắng trở về. Nhưng tác giả cũng bảo thực sự thì “xung
quanh đó toàn những nước láng giềng nghèo, rất có thể là không có lực lượng
giám sát không trung, nên không biết anh đang làm gì.”
Tác
giả sau đó phân tích kỹ lưỡng các định nghĩa của luật Biển về lãnh hải và theo
ông, dựa trên đường cơ sở lãnh hải thì “Nam Sa không phù hợp cho lắm.” Nhưng
khổ một nỗi lâu nay dạy dân trong sách giáo khoa là Nam Sa ở “phía Nam đến bãi
ngầm Tăng Mẫu” (James Shoal) nhưng nếu đã là bãi ngầm thì làm sao có thể khẳng
định chủ quyền thành ra nay không dám nói ngược lại đàng phải dùng chiêu “xập
xí xập ngầu.”
Sau
khi chỉ ra rất rõ ràng là nếu tính theo Luật Biển của Liên Hiệp Quốc thì lập
luận “Nam Sa” là của Trung Quốc hoàn toàn vô lý. Tác giả cũng quay sang bảo
liệu có thể dùng biện luận “vùng biển mang tính lịch sử.” Tác giả có đưa ra
trường hợp của Vịnh Hudson và biện minh của Canada. Nhưng cũng chính tác giả đã
đưa ra vấn đề của lý luận này, đó là “cái túi Nam Hải” đó bao gồm một trong
những vùng nơi nhiều quốc gia vận chuyển hàng hóa qua lại bao gồm cả Mỹ và Nhật
và họ đều tới hỏi, “Nghe nói các anh muốn tuyên bố đây là vùng biển mang tính
lịch sử? Vậy thì chẳng lẽ sau này chúng tôi có đi qua lại phải thỉnh thị, báo
trước hay sao?”
Bởi
như trường hợp của Hudson Bay, vùng biển đó coi là nội hải, nhưng Canada không
gây sự với ai nên cũng không ai gây sự với Canada. Trung Quốc gây sự với tất cả
mọi người nên bây giờ tất cả mọi người đều quay lại không bằng lòng.
Rút
cuộc tác giả đề nghị giải pháp tranh chỗ ngồi trên xe bus như sau: “Ném trước
lên một cái bao, người khác muốn ngồi, liền kêu lên, ‘Có người rồi!’ Câu này có
căn cứ pháp luật gì? Không có, kỳ quặc là ở chỗ mọi người nhìn thấy cái bao ấy,
nghe thấy câu ấy, mà phần đông đều ngoan ngoãn tránh ra, tìm một chỗ khác. Mọi
người thừa nhận là được rồi, đây gọi là sức mạnh của thông lệ.”
Tức
là sức mạnh của kẻ ăn hiếp. Nhưng trên đời này kẻ ăn hiếp lại có thể bị kẻ khác
ăn hiếp lại. Lúc đó kẻ nào mạnh nhất sẽ là kẻ thắng. Và hiện nay trên địa cầu
này, kẻ mạnh nhất là Hoa Kỳ, vậy liệu Trung Quốc có chấp nhận “sức mạnh của
thông lệ” đó không?
Nhưng
điều cũng đáng nói hơn là mặc dầu những sai lầm, bài báo cho thấy cái thế kẹt
của Bắc Kinh khi đã “nuốt” quá khả năng, bây giờ lùi thì mất mặt mà tiến thì
cũng khó mà nuốt nổi.
No comments:
Post a Comment