27-7-2012
Sau 14 cuộc xuống
đường biểu tình chống Tầu xâm lược của những người dân đã vượt qua sợ hãi và
lao tù cho thấy Việt Nam đang đứng bên bờ vực thẳm mất nước vào tay kẻ láng
giềng phương Bắc. Tại sao?
Bởi vì, khi đảng
và Nhà nước Cộng sản Việt Nam chỉ biết phản ứng bằng nước bọt và giấy tờ ngoại
giao thì Trung Cộng đã cụ thể hành động ở Biển Đông bằng các việc:
- Thành lập “Cơ
quan chỉ huy quân sự” của “thành phố Tam Sa”, bao gồm 3
khu đảo Trung Sa và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bộ Tự lệnh
của Cơ quan này đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm (Tầu gọi là Vĩnh Hưng, Woody
Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, kể từ ngày 19-7 (2012).
Theo Bách Khoa
toàn thư mở, Wikipedia: Trung Cộng diễn giải "Trung Sa quần đảo"
là bãi Macclesfield. Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc cho rằng "Trung
Sa quần đảo" còn bao gồm nhiều bãi cạn, bãi ngầm khác, ví dụ bãi cạn Scarborough (tiếng Anh: Scarborough Shoal, hay bãi đá Hoàng
Nham, nằm cách bãi Macclesfield 160 hải lý về phía đông, đang có tranh chấp với
Phi Luật Tân và Đài Loan; bãi Dreyer (Dreyer Shoal), bãi Helen (Helen Shoal),
bãi Chúa Thánh Linh (St. Espirit Shoal), bãi Truro (Truro Shoal). Mỗi hải lý
dài 1,852 mét.
- Tổ chức
bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của “thành phố Tam Sa”
vào ngày 21/7/2012.
- Theo Tân Hoa xã
(Xinhua News Angency), lúc 11 giờ 15 phút ngày 23/7, Kỳ họp thứ nhất của
Hội đồng Nhân dân thành phố Tam Sa khóa I đã khai mạc tại đảo Vĩnh
Hưng, Tây Sa (Hoàng Sa), kỳ họp sẽ bầu ra Chủ tịch Hội đồng Nhân dân khóa I và
Thị trưởng nhiệm kỳ thứ nhất của thành phố Tam Sa.
Theo Đài phát
thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio International, CRI) có 45 đại biểu tham
dự kỳ họp lần này, gồm ba đoàn đến từ Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa, mỗi đoàn có
15 đại biểu. 45 đại biểu này là do hơn 1.100 cử tri của 15 khu bầu cử ở Tây Sa,
Nam Sa và Trung Sa bầu ra ngày 21/7.
- Ngày 24/72012,
Tầu Bắc Kinh đã tổ chức Lễ thành lập và gắn biển thành phố Tam Sa,
tỉnh Hải Nam tại đảo Vĩnh Hưng. Cùng gắn biển với "Ủy ban Nhân dân thành
phố Tam Sa" còn có biển "Thành ủy thành phố Tam Sa", "Ủy
ban thường vụ Hội đồng Nhân dân thành phố Tam Sa" và "Khu cảnh bị Tam
Sa".
Trước những hành động ngang ngược của
Tầu, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị chỉ biết nói: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành
phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế,
xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, và là vô giá trị. Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với
nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên
tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng
10/2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông
ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức
tạp.”
Và như thường lệ, Nghị nói lại những
câu chữ mà mọi người Việt Nam đã nghe mòn tai từ lâu rằng: “Việt Nam kiên quyết phản đối các
hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ
quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp
thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và
Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.”
Nguyên văn 3 Điều quan trọng trong số 6
“Nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” mà hai nước
Việt-Trung đã ký ngày 11/10/2011 như sau:
2. Trên tinh
thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như
lịch sử…, đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây
dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy
tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật
pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực
tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho
các vấn đề tranh chấp trên Biển.
4. Trong tiến
trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần
tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận
về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường
và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn
đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa
thuận này.
5. Giải quyết
các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững
bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời
tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực
thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển,
nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm
thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều
kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.
Như vậy rõ ràng là
Trung Cộng đã nuốt lời khi không còn giữ lời “tôn trọng lẫn nhau” giữa Hồ
Cẩm Đào, Chủ tịch Nhà nước Trung Hoa và Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú
Trọng khi hai người cùng ký tên vào Bản Thỏa thuận tại Bắc Kinh ngày
11/10/2011.
Vậy mà Bộ Ngoại
giao Việt Nam cũng chỉ biết gửi có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao
Trung Cộng khi phía Bắc Kinh đơn phương vi phạm.
Ăn miếng trả
miếng
Việc Bắc Kinh
thành lập Thành phố Tam Sa xảy ra sau khi Quốc Hội Việt Nam thông qua Luật Biển
ngày 21 tháng 06 (2012) xác nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh
Nghị ra tuyên bố ngày 21-6 rằng: “Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là
một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt
Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển
kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc
tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và
trên thế giới. Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và
chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước
đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá
trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt
Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển
Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước
Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở
Biển Đông (Declaration of Conduct, DOC). Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những
chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam.”
Ngay lập tức, vào ngày 23/6 (2012) Trung Quốc trả đũa
nặng hơn bằng quyết định của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (China
National Offshore Oil Corporation, CNOOC) thông báo gọi thầu quốc tế tại 9 lô
dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Các lô này cũng
nằm chồng lên vùng khai thác dầu khí của Việt Nam, nằm phía Tây Quần đảo Trường
Sa là nơi vào các ngày 26/05/2011 và 09/06/2011, hai tầu khảo sát đáy biển của
Công ty Dầu khí Việt Nam, Bình Minh II và Viking II bị các tầu Cảnh sát biển
(Hải giám) của TQ cắt cáp trong vùng biền Phú Yên và Vũng Tầu.
Tiếp theo những lời tuyên bố đe dọa Việt Nam của các
viên chức Quân đội và Dân sự Bắc Kinh, vào ngày 12/07 (2012) Trung Cộng đã phái
một đoàn 30 tầu đánh cá trang bị ngư cụ đánh bắt tối tân có tầu Hải giám võ
trang hộ tống xuống đánh bắt vùng biển Trường Sa thuộc đặc quyền kinh tế của
Việt Nam.
Lần này, các báo-đài của Việt Nam được
nhà nước cho tự do phản ứng khá quyết liệt “bằng chữ nghĩa” như Bản tin của
Thông tấn xả Việt Nam (TTXVN) viết ngày 16/07 (2012):
“Ngày 13/7, đại
diện Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh rằng hoạt
động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp,
xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
"Lập trường
của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định
nhiều lần. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn
ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc
tế."
Tuy nhiên Bộ
Quốc phòng Việt Nam không có bất cứ phản ứng quân sự nào trên biển, dù chỉ gửi
máy bay thám thính đến quan sát và ghi nhận những hoạt động xâm phạm chủ quyền!
Việc Trung Cộng
gọi đấu thầu khai thác dầu khí và đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam là
“hành động xâm lăng”, và đáng lý ra nhà cầm quyền CSVN phải tuyên bố “tình
trạng khẩn trương” báo động đến toàn dân và Liên Hiệp Quốc.
Nhưng lãnh đạo
đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã bình chân như vại, mặc cho nhân dân phẫn
uất đến nghẹn cổ.
Lãnh đạo của Việt
Nam từ Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng Trọng xuống cho đến cán bộ “đèn đóm”
trong Đảng, Nhà nước, Quân đội và Công an biên phòng đều ngậm miệng không dám
hé răng nửa lời.
Trong khi ấy thì
các báo, đài của TQ đã thi đua hỏi ý dân nên trừng phạt Việt Nam như thế nào.
Đa số dân TQ ủng hộ xua quân đánh chiếm tất cả các đảo ở Biển Đông.
Hội Luật gia Việt
Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng “tát nước theo mưa” tham gia
phản đối các hành vi gây hấn của Trung Quốc như kiểu “phong trào” rộ lên rồi
tàn.
Ban Tuyên giáo
Trung ương của đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông của Chính phủ đã không dám
tuyên truyền và vận động nhân dân tổ chức biểu tình chống Trung Cộng như người
dân Phi Luật Tân đã làm có sự hậu thuẫn và thúc đẩy của Chính quyền.
Lãnh đạo Việt Nam
cũng không có can đảm nói những điều như Tổng thống Phi Luật Tân, Benigno
Aquino III, đã ngỏ lời với Quốc hội và nhân dân Phi hôm 23/07 (2012) rằng:
“ There are those
who say that we should let Bajo de Masinloc go. We should avoid the trouble.
But if someone entered your yard and told you he owned it, would you agree?
Would it be right to give away that which is rightfully ours?”
“I do not think it
excessive to ask that our rights be respected, just as we respect their rights
as a fellow nation in a world we need to share.”
(Tạm dịch: “ Có
những người nói rằng, chúng ta nên quên chuyện bãi đá Hoàng Nham (tên tiếng Anh
là Scarborough Shoal). Chúng ta nên tránh rắc rối, nhưng nếu có người vào trong
vườn nhà bạn và nói với bạn anh ta là chủ của khu vườn đó thì bạn có đồng ý
không? Có đúng để tự phủ nhận chủ quyền chính đáng của chúng ta không?
Tôi không nghĩ
có gì quá đáng khi chúng ta đòi quyền của chúng ta phải được tôn trọng, như khi
chúng ta tôn trọng quyền lợi của họ (ám chỉ Trung Cộng là nước tranh chấp chủ
quyển với Phi tại bãi Hoàng Nham) như là một quốc gia của cộng đồng thế giới
phải chia sẻ với nhau.”
Nhà Lãnh đạo Phi còn kêu gọi người dân ủng hộ chủ
trương của chính phủ.
Ngược lại ở Việt Nam đi biểu tình chống Tầu xâm lược
và bảo vệ chủ quyền biển đảo lại bị báo-đài nhà nước và các viên chức lãnh đạo
đảng lên án là bị kích động và lợi dụng bởi các thế lực thù địch.
Tỷ dụ như lời
tuyên bố thiển cận, sặc mùi “nối giáo cho ngoại bang” của Nguyễn Thế Thảo,
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nói tại Phiên họp bế mạc của Hội đồng
chiều ngày 13-07 (2012) rằng “tình trạng tập trung đông người kéo về Hà Nội
khiếu kiện có tổ chức theo chỉ đạo của đối tượng xấu.”
Thảo nói: "Lợi
dụng tình hình trên, các thế lực thù địch và số cơ hội chính trị đã kích động
người dân, nhất là số người đi khiếu kiện ở các địa phương biểu tình để gây áp
lực với chính quyền phải giải quyết những khiếu nại, yêu sách".
Báo VietnamNet
viết tiếp: “Chủ tịch UBND Hà Nội cũng cho rằng trong các vụ tụ tập, biểu
tình phản đối Trung Quốc, cũng có đa số là những người khiếu kiện đất đai bị
lợi dụng để gây phức tạp về an ninh - trật tự.”
Có gì sai trái khi
dân oan cũng tham gia biểu tình chống ngoại xâm trong khi những kẻ có chức có
quyền lại ì ra ngậm miệng ăn tiền nhìn nước lâm nguy?
Đài Tuyền hình Hà
Nội cũng mỉa mai những người dân đi biểu tình yêu nước, nêu cao chính nghĩa bảo
vệ chủ quyền lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa là đã “lợi dụng tự do dân chủ”
và “gây rối an ninh trật tự, cản trở lưu thông, gây chia rẽ khối đại đoàn
kết toàn dân.”
Cái loa của Thành
phố Hà Nội còn mỉa mai những cuộc biểu tình chống TQ là do “các thế lực thù
địch trong và ngoài nước thực hiện.”
Nếu có “thế lực
thù địch” biết yêu thương Tổ quốc hơn những kẻ “yêu đảng, yêu tiền” thì những
“con yêu của chế độ” có biết xấu hổ không?
Ngoài ra trên Báo
Nhân Dân, tiếng nói chính thức của đảng và nhà nước, trong số ra ngày 24/07
(2012) cũng có bài viết “Không ai được
lợi dụng lòng yêu nước” của Nguyễn Minh Phong, mang học hàm
Tiến sỹ mà cũng chan chứa luận điệu xuyên tạc các cuộc biểu tình chống Tầu của
người dân.
Phong viết: “Một
số tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước thời gian qua thông qua các đài
phương Tây thiếu thiện chí và qua mạng in-tơ-nét, tuyên truyền xuyên tạc các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, kích động bạo loạn gây rối trật
tự, hô hào đòi thay đổi chế độ, lật đổ chính quyền... Trong số này có các nhóm
phản động lưu vong được sự hà hơi tiếp sức của các thế lực chống phá nước
ngoài, có những kẻ từng gây tội ác, nợ máu với nhân dân phải chạy bán sới xa Tổ
quốc, nay thật nực cười lại nhân danh lòng yêu nước hô hào các hoạt động phi
pháp chống phá trong nước. Đáng tiếc, có người nhẹ dạ cả tin, cũng có kẻ háo
danh đã hùa theo các luận điệu này.
Gần đây, một số
cuộc tụ tập đông người nhân danh "biểu tình yêu nước". Đó không phải
là hành động yêu nước một cách phù hợp. Đáng lưu ý hơn là trong các cuộc tụ tập
đó, người ta nhận ra một số người từng có hành vi chống đối chính quyền, tuyên
truyền chống lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nay lại nhân danh
và lợi dụng lòng yêu nước để kích động, gây rối trật tự công cộng, có những
hành động và lời lẽ thóa mạ, xúc phạm nhà chức trách, gây mất trật tự, an toàn
xã hội.”
Nói năng hàm hồ,
ngậm máu phun người như Nguyễn Minh Phong thì có ích gì cho đảng CSVN? Luận
điệu gắp lửa bỏ bàn tay người dân yêu nước, trong số có vô số các cụ già và
thanh niên, thiếu nữ, kể cả những người tàn tật ngồi xe lăn có người đẩy đi
biểu tình chỉ vì yêu nước, không cam tâm nhìn ngoại bang xâm lăng, lấn chiếm tài
sản của tổ tiên để lại thì những kẻ yếu hèn trước địch, nhưng lại hung hãn với
dân, chỉ biết lu loa bôi nhọ có đáng được đối thoại với những người dân bị ngăn
cấm đi biểu tình, nên đã tự vẽ khẩu hiệu chống Tầu biểu tình tại nhà như hai
phụ nữ Trịnh Kim Tiến và Bùi Thị Minh Hằng chăng?
Do đó những kẻ đã
ra lệnh ngăn chận, bắt bớ người dân xuống đường biểu tình chống quân xâm lược,
không thể bào chữa cho hành động tiếp tay cho giặc của họ.
Với những lãnh đạo
có chức, có quyền mà còn yếu hèn trước kẻ thù nhưng lại hà khắc với dân thì
cũng nên rút ngắn dài thời gian để bớt gánh nặng cho dân.
Và với đảng Cộng
sản Việt Nam, nếu cứ tiếp tục cúi đầu trước giặc để vinh thân thì tội với tổ
tiên và lịch sử sẽ muôn đời không rửa sạch.
Vì vậy, trước khi
trở tay không kịp như đã một lần ngỡ ngàng trong Cuộc chiến tranh biên giới với
TQ năm 1979, Việt Nam rất cần có những lãnh đạo mới và một Nhà nước mới để lấy
lại lòng dân, cùng nhau đoàn kết một lòng giữ nước để dựng nước thì mới mong
chống được kẻ thù đang tràn đến từ Biển Đông.
Càng khẩn trương
hơn trong hoàn cảnh hiện nay khi giặc ngoài hãy còn lấp ló thì những kẻ nội thù
trong tay áo đã sẵn sàng lộ mặt trong muôn vàn các “nhóm lợi ích” trong đảng và
nhà nước.
(07/012)
No comments:
Post a Comment