Ðức
Tuấn/Người Việt
Sunday,
July 08, 2012 7:38:39 PM
GARDEN GROVE (NV) - Nhạc sĩ Lữ Liên, một
trong những “cổ thụ âm nhạc Việt Nam,” vừa qua đời trưa Chủ Nhật, 8 Tháng Bảy,
tại bệnh viện Garden Grove, thọ 92 tuổi, ca sĩ Khánh Hà, ái nữ của ông xác nhận
với nhật báo Người Việt.
Hình : Từ trái, nhạc sĩ
Hoàng Thi Thao, nhạc sĩ Trường Kỳ, nhạc sĩ Lữ Liên và nghệ sĩ Thúy Liệu tại căn
“mobile home” của Lữ Liên ở Westminster năm 2007. (Hình: Hoàng Thi Thao cung
cấp)
Ca
sĩ Khánh Hà nói: “Khánh Hà vừa đi show về đến phi trường thì được gia đình cho
biết bố mới mất. Cách đây mấy ngày bố có vào bệnh viện để mổ. Hiện chưa biết
chương trình tang lễ của bố như thế nào.”
“Theo
Khánh Hà biết thì bố khoảng 92 tuổi, nhưng không chắc lắm vì từng nghe mẹ nói
lớn hơn thế nữa,” ca sĩ Khánh Hà nói tiếp.
Nhạc
sĩ Lữ Liên trước đây từng tham gia ban hợp ca Thăng Long, cùng với Thái Thanh,
Hoài Bắc và Hoài Trung.
Những
người con của nhạc sĩ Lữ Liên cũng theo nghiệp âm nhạc và đều có tên tuổi trong
làng nhạc Việt Nam, như Tuấn Ngọc, Bích Chiêu, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan
Anh và Lưu Bích.
Theo
một bản tin của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ, nhạc sĩ là thành viên ban nhạc trào phúng
AVT rất nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước đây, qua các nhạc phẩm Ông Nội Trợ,
Trắng Ðen, Dậy Thì, v.v... và là trưởng ban kịch của Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung
Ương. Ông cũng làm việc tại đài Mẹ Việt Nam, biết sử dụng đàn nhị và từng đi
lưu diễn tại nhiều quốc gia ở Châu Á, Châu Âu và Châu Phi.
Không
chỉ trình diễn, nhạc sĩ Lữ Liên cũng sáng tác một số bài hát cho ban AVT như
Chúc Xuân, Vòng Quanh Chợ Tết, Tiên Sài Gòn, Gái Trai Thời Ðại, Lịch Sử Mái Tóc
Huyền, Mảnh Bằng, Ba Ông Bố Vợ, v.v...
Khi
cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông sang định cư tại Hoa Kỳ và tái lập ban nhạc
AVT, nhưng với thành phần khác.
------------------------------------------
Amnhacviet.net
Download
:
Xem trang Nhạc Chủ Đề / Nhạc hài, Băng nhạc trước 75 / Sóng Nhạc 4.
Nhạc sĩ LỮ LIÊN
Không cần phải giới thiệu dài dòng,
chắc chắn mọi người đều biết AVT là tên của một ban tam ca trào phúng đã đi vào
lịch sử âm nhạc Việt Nam với tính chất châm biếm và hài hước, nhiều khi xen lẫn
với một sự mỉa mai của nó.
AVT đã trở thành một tên tuổi thật
gần gũi với mọi người bằng những nhạc phẩm lột tả được hết mọi khía cạnh của
cuộc sống hằng ngày trong nhiều hoàn cảnh khác biệt của xã hội. Những lời ca dí
dỏm trong những nhạc phẩm do AVT trình bầy đã mang lại niềm vui cho mọi người
từ suốt gần 50 năm qua đã đóng góp khá nhiều vào kho tàng văn hóa dân gian cũng
như đã trở thành một lọai văn chương truyền khẩu rất phổ thông.
Nhắc đến AVT, chắc chắn phải nhắc đến
người được coi là linh hồn của ban tam ca này là nhạc sĩ lão thành Lữ Liên, vào
năm 2008 này đã được 91 tuổi. Ông hiện cư ngụ tại Orange County trong một căn
mobile home mà người viết đã có dịp tiếp xúc gần đây. Ngoài ra, trước đó thỉnh
thoảng tôi vẫn có dịp gặp gỡ ông trong những dịp thu ông hình video cho trung
tâm Asia cách đây khoảng 10 năm để nghe ông kể về nguồn gốc và sự hình thành
của ban tam ca AVT.
Không những thế cách đây 15 năm, ông đã tự tay soạn một bài viết về nội dung nói trên cho tôi làm tài liệu. Căn cứ vào những dữ kiện có được cũng như một số chi tiết góp nhặt được qua những lần gặp gỡ nhạc sĩ Lữ Liên, bài viết này mong sẽ cung cấp cho bạn đọc những điều xác thực về lịch sử ban tam ca AVT cùng với người được coi là linh hồn của nó là nhạc sĩ Lữ Liên.
Thêm vào đó, bài viết này cũng còn
được dựa trên tài liệu của một số nhân vật có thẩm quyền khác đối với sự hình
thành của ban tam ca trào phúng độc đáo này. Trung tá Phạm Hậu tức nhà thơ Nhất
Tuấn là một người trong số này. Ông nguyên là giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền
Thanh VNCH vào năm 1971 và là Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã vào năm 1974. Trước đó
ông tùng là người một thời gian chỉ huy Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương tức tiền
thân của của Biệt Đòan Văn Nghệ Trung Ương là nơi xuất phát ra ban tam ca AVT
và rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác.
Ông cũng từng giữ một chức vụ cao của
Đài Phát Thanh Quân Đội là nơi nhạc sĩ Lữ Liên vào năm 1957 sau khi được đồng
hóa vào quân đội đã phục vụ trong ban biên tập, để rồi sau đó được biệt phái
sang tiểu đoàn 1 Chiến Tranh Chính Trị để bổ xung vào ngành kịch nghệ sân khấu
trong việc yểm trợ cho các binh sĩ khắp 4 vùng chiến thuật trước khi trở thành
trưởng ban AVT.
Trong thời gian là diễn viên kịch
nghệ trong ban kịch của Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương, ông vẫn chú tâm nghiên cứu
về cổ nhạc thuần túy của 3 miền đất nước để sáng tác thành những bài ca trào
phúng để có thể trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp tự đàn lấy để trình diễn. Đó
là điều ông ước vọng từ lâu.
Năm 1958, trong danh sách công tác
của Tiểu Đoàn 1 Chiến Tranh Chính Trị có một ban tam ca do 3 anh tân binh mới
nhập ngũ tên Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng chuyên trình bầy những bản nhạc vui
nhộn. Họ lấy 3 chữ đầu của tên mình để ghép lại thành AVT để đặt tên ban. Người
đứng ra thành lập ban AVT chính là nhạc sĩ Anh Linh mà không phải là nhạc sĩ Lữ
Liên như không ít người lầm tưởng.
Anh Linh là một người có căn bản nhạc
lý vững vàng nên từng có thời gian được cử thay thế giáo sư âm nhạc Phạm Nghệ
làm trưởng ban Ca của Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương, tức Biệt Đòan Văn Nghệ Trung
Ương sau đó. Ông đã sáng tác được khoảng 20 bài, trong đó có một số bài phổ ttừ
thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân và Nhất Tuấn (tác giả thi tập nổi tiếng trong
thập niên 60 “Chuyện Chúng Minh”).
Một trong những ca khúc đắc ý nhất
của ông là “Niềm Tin”, thường được nhiều ca sĩ trình bầy trong dịp Giáng Sinh.
Ca khúc đầu tay của Anh Linh là bài “Sao Em Không Đi”, viết trước khi nhạc sĩ
Anh Bằng, cùng trong Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương của Tiểu Đoàn 1 Chiến Tranh
Tâm Lý, tung ra nhạc phẩm “Nếu Vắng Anh”. Nhưng vì nhạc của Anh Linh có phần ủy
mị nên không được bộ thông tin chấp thuận ngay.
Trái lại, “Nếu Vắng Anh” thì trót lọt
kiểm duyệt vì lời ca, điệu nhạc rất tình cảm nhưng không mềm yếu. Nhạc phẩm này
đã trở thành Top Hit sau đó. Bù lại, Anh Linh được an ủi là có một số bài như
Chiến Thắng Rừng Sát, Thiên Thần Mũ Đỏ, Chiến Thắng Kon Tum đã được rất nhiều
anh em binh sĩ tán thưởng.
Hình : Ban Tam Ca Trào Phúng AVT đầu thập niên 60
Việc hình thành tên ban tam ca AVT đã
được nhạc sĩ Anh Linh kể lại với những chi tiết lý thú đến từ một sự tình cờ.
Khởi thủy, ban tam ca sau này được gọi là AVT gồm có 3 người là Anh Linh, Tuấn
Đăng và Vân Sơn thường được giới thiệu mỗi khi xuất hiện trên sân khấu là Tam
Ca Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng. 3 người đều hát thường trực ở phòng trà Anh
Vũ với những tiết mục vui nhộn của họ.
Một hôm, ban giám đốc thuê người kẻ
một tấm biểu ngữ rất lớn để giăng ngang đường Trần Hưng Đạo, gần phòng trà Anh
Vũ trên đường Bùi Viện nhằm giới thiệu bộ 3 này mà họ muốn gọi là ban Kích Động
Nhạc Anh Vũ. Đúng vào lúc những người kẻ chữ vừa viết xong hai chữ A và V mầu
đỏ và chữ NH mầu xanh thì Anh Linh tình cờ đi tới.
Anh hỏi thì được biết họ viết chữ ANH
VŨ. Anh Linh nói ngay là ban tam ca của anh không phải tên là Anh Vũ như ban
giám đốc đã thuê họ viết. Nhưng thấy mấy người thợ đã lỡ viết như vậy nên chợt
nhớ ra ban kích động nhạc của mình đã có sẵn tên Anh Linh, Vân Sơn nên bảo viết
thêm chữ T ( chữ đầu của tên Tuấn Đăng ) và bỏ 2 chữ NH kia đi. Vì thế nên có
tên AVT.
Trong thời gian AVT hát nhạc ngọai
quốc ở phòng trà Anh Vũ, họ luôn được khán giả yếu cầu hát nhiều lần nên chủ
phòng trà thêm cho AVT một danh hiệu nữa là ban AVT Đăng-Linh-Sơn khi được giới
thiệu. Nhưng MC lại cố ý đọc là “AVT Darlingson” cho khán giả ngọai quốc dễ
hiểu!
Tiền thù lao cho AVT sau đó đã phá kỷ
lục khi họ được trả đến 1000 đồng một người, trong khi “cát sê” trả cho quái
kiệt Trần Văn Trạch chỉ có 700! Vì AVT có lần được khán giả yêu cầu “bis” đến 7
lần. Ba người vừa vào hậu trường thay áo đi về thì lại phải mặc vào để ra trình
diễn thêm trong khi khán giả giả tiếp tục hò hét vang rền! Đó thật là một kỷ
niệm nhớ đời cho Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng.
Giọng ca của 3 thành viên AVT này rất
đều. Họ có thể lên cao tới “nốt” Sol cao và xuống đến Sol thấp. Theo nhận xét
của nhạc sĩ Lữ Liên thì giọng của Vân Sơn trội hơn cả so với 2 người khác trong
ban. Hình ảnh đặc biệt của AVT là lúc trình diễn họ đều mặc quốc phục với khăn
đóng, áo dài và tự đàn lấy để hát.
Trước khi chuyển qua sử dụng những
nhạc khí dân tộc thì Anh Linh chơi guitar, Vân Sơn chơi trống và Tuấn Đăng sử
dụng contre-bass. Những tiết mục linh động và tươi vui của AVT thật sự đã mang
lại cho sinh hoạt phòng trà thời đó thêm rất nhiều sống động.
Qua đầu thập niên 60, vào lúc AVT cần
những sáng tác mới để trình bầy, nhạc sĩ Lữ Liên có ý định thử nghiệm khi muốn
hướng phần trình diễn của AVT về một thể loại mới lạ. Ông đã trích một đọan
trong bản Thất Nghiệp Ca của ông (sáng tác cho Đòan Văn Nghệ Vịet Nam) đặt tên
là Tam Nghiệp, mô tả 3 chàng Thợ Nhuộm, Thợ Sửa Khóa và Thầy Bói để AVT thực
nghiệm vào dịp Tất Niên trong một chương trình văn nghệ do quân đội tổ chức tại
rạp Tống Nhất. Chương trình này có mục đích ủy lạo các chiến sĩ xuất sắc khắp 4
vùng chiến thuật trở về tham dự, dưới sự chủ tọa của tổng thống Ngô Đình Diệm
cùng nhiều tướng lãnh cao cấp khác.
Nhưng sắp đến ngày ra mắt thì thình
lình có giấy gọi Anh Linh theo học khóa sĩ quan vào năm 1962. Lập tức Hoàng Hải
được đưa vào tập dượt để thay thế. Sau này khi Lữ Liên gia nhập AVT, nhạc phẩm
Tam Nghiệp có được sửa đổi đôi chút với những nghề Thợ Sửa Xe Máy (do Lữ Liên
diễn tả), nghề Tẩm Quất với Vân Sơn và Tuấn Đăng với nghề thợ mộc.
Với bài Tam Nghiệp gốc, một sáng tác của Lữ Liên, trích từ tác phẩm Thất Nghiệp Ca của ông, lần đầu tiên khán giả được thưởng thức một nhạc phẩm trào phúng với những âm điệu cổ truyền cùng những lời ca dí dỏm và nghệ thuật trình diễn sống động. Tất cả những khán giả hôm đó, phần lớn là anh em binh sĩ, được dịp cười hả hê. Nhất là lúc Vân Sơn hứng lên múa trống, tung dùi và Tuấn Đăng nhảy lên cây “Contre-basse” để solo theo nhịp kích động khiến khán giả cổ võ muốn sập rạp.
Và kể từ đó AVT bắt đầu bước vào một
khúc quanh quan trọng với phần trình bầy những nhạc phẩm trào phúng, sát với
đời sống thường ngày trong xã hội. Với sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả.
Sau thời gian này, Lữ Liên lại đặt cho AVT một số bài mới như Ông Nội Trợ,
Trắng Đen, Dậy Thì, vv… Tất cả những nhạc phẩm này đã khiến tên tuổi AVT càng này
càng lên cao
Ngoài những sáng tác của nhạc sĩ Lữ
Liên, nhạc sĩ Anh Bằng cũng sáng tác cho ban tam ca này một nhạc phẩm nổi tiếng
khác có tựa đề là Huynh Đệ Chi Binh, thêm vào đó là một sáng tác của Duy Nhượng
là bài Ai Lên Xe Bus…
Từ đó, ban AVT đã trở thành một tam
ca nhạc đắt giá tại các phòng trà ca nhạc và vũ trường cũng như các Đại Nhạc
Hôi cùng các đài Phát thanh và Truyền Hình. Nói cho đúng, AVT đã trở thành một
hiện tượng trong sinh họat ca nhạc tại Việt Nam với một khuynh hướng thể hiện
chưa từng có trước đó. Như vậy có thể khẳng định là AVT đã giữ vai trò độc tôn
bằng hình thức tam ca trào phúng. Một thời gian sau, một vài kết hợp dưới hình
thức tương tự cũng được ra đời, nhưng không có khả năng thu hút người nghe như
AVT, nên đã không tồn tại được bao lâu.
Sau những bài hát trào phúng được
nhắc tới ở trên là đến một lọat những bài khác được nhạc sĩ Lữ Liên sáng tác
cho ban AVT trình bầy như Ba Bà Mẹ Chồng, Cờ Người, Em Tập Vespa, vv… Đó là
những nhạc phẩm đã lót đường cho ban AVT thăng tiến rất nhanh. Ngoài những lời
lẽ châm biếm trong những bài hát trước đó, người nghe còn cảm thấy rất thích tú
với những bài hát được Lữ Liên sáng tác với hình thức lời thanh mà ý tục, tương
tự những thi phẩm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong đó có tác phẩm Cờ Người đã được
phổ nhạc hoàn toàn mang chất AVT độc đáo…
Trong khoảng thời gian từ 60 đến 64,
AVT đã được 2 hãng đĩa Sóng Nhạc và Việt Nam mời thu đến 20 đĩa nhạc và băng
nhạc. Và AVT còn nhận lời trình diễn cho các phòng trà ca nhạc và vũ trường lớn
ở Sài Gòn như Queen Bee, Quốc Tế, Bồng Lai, vv…
Vào năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Hải được
lệnh giải ngũ. Hoàng Hải với tên thật là Lưu Duyên, là anh của cố chuẩn tướng
Lưu Kim Cương, sau đó sang làm cho đài VOF tức Tiếng Nói tự Do. Nhạc sĩ Lữ Liên
được mời vào thay thế và trở thành trưởng ban AVT từ đó. Cùng một lúc ông còn
là trưởng ban kịch của Biệt Đòan Văn Nghệ Trung Ương. Với các nghệ sĩ : Hoàng
Năm, Đỗ Lệnh Trường, Xuân Phúc, Bích Huyền, Cẩm Thúy, Thúy Liệu, Lệ Sửu, v.v…
Sau khi nhận lời trở thành một thành
viên của AVT, lúc đó măc dù trong ban không còn ai mang tên có chữ có A ở đầu,
nhưng Lữ Liên vẫn giữ nguyên cái tên AVT. Vì ông cho rằng tên đó đã đi sâu vào
tâm hồn quần chúng. Nhưng ông đã đưa ra một vài đề nghị với một số thay đổi.
Thứ nhất, với vai trò trưởng ban ông đổi danh xưng chính thức cho AVT là “Ban
Tam Ca Trào Phúng AVT”, thay vì Ban Kích Động Nhạc AVT.
Ngoài ra, còn có thêm một sự thay đổi
quan trọng khác là loại bỏ 3 nhạc khí Tây Phương để chỉ sử dụng những nhạc khí
cổ truyền Việt Nam. Từ đó Vân Sơn chơi Tỳ Bà, Tuấn Đăng chơi đàn đoản và Lữ
Liên sử dụng đàn nhị tức đàn cò.
Tới khoảng thời gian 1966-67, chính phủ Việt Nam theo đuổi chương trình trao đổi văn hóa với các nước Á Châu, AVT với thành phần trên đã theo Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ di trình diễn tại rất nhiều quốc gia như Lào, Cao Miên, Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai, Nhật Bản, vv…
Sang đến năm 1968 thì “Ban Tam Ca
Trào Phúng AVT” đi vào một thời kỳ có thể gọi là cực thịnh với những chuyến lưu
diễn tại rất nhiều quốc gia Âu Châu.
Theo lời yêu cầu của các đồng bào
Việt Nam tại Pháp, chính phủ Việt Nam đã gửi một phái đoàn văn nghệ hùng hậu
gồm đầy đủ các bộ môn thi, ca, vũ, nhạc, kịch, vv… dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ
Hoàng thi Thơ cùng các vũ sư Lưu Hồng và Trịnh Toàn sang Âu Châu trình diễn lần
thứ nhất.
Lần ra mắt ở rạp Maubert Mutualité
Paris, Lữ Liên đã sáng tác một số bài dành riêng cho AVT như Chúc Xuân, Vòng
Quanh Chợ Tết, Tiên Sài Gòn, Gái Trai Thời Đại, Lịch Sử Mái Tóc Huyền, Mảnh
Bằng, 3 Ông Bố Vợ, vv… để trình diễn trước một số khán giả kỷ lục. Còn một số
đông khán giả phải đứng ở ngoài vì hết chỗ.
Trong lần ra mắt đáng ghi nhớ đó, AVT
mặc sức vẫy vùng. Mỗi câu hát là một chuỗi cười và tiếng vỗ tay vang dội. Giữa
mỗi bài hát đều có phần solo nhạc. Tiếng nhạc khí Việt Nam thánh thót, véo von
như chim hót khiến khán giả im lặng cơ hồ như nín thở để thưởng thức. Đến phần
kết thúc mỗi bài hát thì tiếng vỗ tay vang lên như sấm động. Nhất là trong tiết
mục AVT trình tấu cũng bằng Tỳ Bà, Nhị Huyền và Đàn Đỏan hai nhạc khúc bất tử
của Johan Strauss là Le Beau Danube Bleu và Les Flots Du Danube. Khán gỉa đã vỗ
tay không ngừng khi chấm dứt. AVT phải dắt tay nhau ra cám ơn khán giả 3 lần!
Vãn hát, khán giả đã tràn lên sân khấu vây quanh các nhạc sĩ để khen ngợi. Nhất
là các khán giả người địa phương muốn xem tận mắt từng cây đàn của AVT đã sử
dụng.
Lần trình diễn đó của AVT đã gây chấn
động cả Paris. Đi đến đâu người ta cũng nhắc tới AVT. Đó có thể coi như thời kỳ
huy hoàng nhất của ban ta ca trào phúng này. Sau đêm trình diễn ở rạp Maubert
và sau khi nghỉ một ngày, bộ ba Lữ Liên, Vân Sơn và Tuấn Đăng sang diễn một
xuất ở Thụy Sĩ và một xuất ở Luân Đôn. Sau đó họ lại về Pháp để trình diễn một
xuất ở dưới miền nam.
Rồi sau đó, phái đoàn lại tiếp tục đi
trình diễn tại Maroc, Algérie, Tunisie, vv… Nơi nào họ cũng gặt hái được những
thành công rực rỡ trước khi trở về Việt Nam. Đó là chưa kể AVT còn có dịp sang
trình diễn tận nước Cộng Hòa Trung Phi trong thời kỳ lãnh đạo của tổng thống
Bokassa.
Hình : Lữ Liên và người vợ quá cố trong lễ thành
hôn của Tuấn Ngọc, con trai của ông bà
Qua năm 1969, lại một lần nữa thể
theo lời mời của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp, chính phủ Việt Nam lại
cử một đoàn văn nghệ gồm AVT với Lữ Liên, Vân Sơn, Tuấn Đăng cùng 2 nữ ca sĩ
Hoàng Oanh và Hà Thanh, vợ chồng nhạc sĩ cổ nhạc Vĩnh Phan, nhạc sĩ Huỳnh Anh
và cây sáo Nguyễn Đình Nghĩa sang quốc gia này. Một chương trình dài 2 tiếng
gồm đủ mọi tiết mục được dàn dựng để trình diễn ở tất cả những địa điểm mà anh
chị em sinh viên ở Parius tổ chức trong những ngày cuối năm. Chuyến lưu diễn
này kéo dài 1 tháng với một thành công rực rỡ.
Ngoài những lần trình diễn chung với
2 nhạc sĩ khác trong AVT, hình ảnh nhạc sĩ Lữ Liên còn ghi đậm nét trong trí
nhớ mọi người khi ông cùng nhạc sĩ Hoàng Thi Thao đồng diễn tiết mục “Cò Tây-Cò
Ta”, được coi là một tiết mục rất ăn khách vào thời đó, cũng như sau này tại
hải ngọai. “Cò Tây-Cò Ta” cũng đã được thu hình trong một chương trình Paris By
Night cách đây vài năm, gây được nbhiều thích thú cho khán thính giả.
Rồi đến tháng 4 năm 75, Lữ Liên nhờ
làm cho đài Mẹ Việt Nam nên được đi tàu ra Phú Quốc để rồi được đưa sang đảo
Guam trước khi đến Mỹ. Trong khi đó Vân Sơn và Tuấn Đăng bị kẹt lại. Riêng Vân
Sơn, một thời gian ngắn sau biến cố tháng 4 năm 75, đã nhảy xuống sông Thị Nghe
tự tử. Qua một bài viết của Băng Đình thì Vân Sơn đã nhảy cầu Thị Nghè tự tử để
phản đối sự áp bức của chính quyền mới đối với giới văn nghệ sĩ.
Trong khi về phía chính quyền thì cho
là Vân Sơn làm rối loạn trật tự tại chợ Thị Nghè, bị công an khu vực rượt nên
sợ quá phải nhảy vội xuống sông Thị Nghè. Vân Sơn, chết vì đầu đập vào một cây
gỗ. Có người hỏi nữ nghệ sĩ Hồng Vân là người đứng ra quyên tiền để chôn cất
cho Vân Sơn, về nguyên nhân cái chết của anh. Nhưng Hồng Vân cũng trả lời không
biết rõ nguyên nhân.
Về phần nhạc sĩ Lữ Liên, theo một
nguồn tin khác cho biết lý do khiến Vân sơn tìm đến cái chết đã đến từ chuyện
gia đình…
Một thành viên từ những ngày đầu của
ban AVT là Tuấn Đăng hiện nay vẫn hoạt động ở Sài Gòn. Hàng đêm anh hát và đàn
tại một quán có tên là Tiếng Dương Cầm trong khu cư xá sĩ quan Chí Hòa.
Còn Anh Linh, người sáng lập ra AVT,
từ khi qua Mỹ theo diện HO đến nay, là ca đoàn trưởng của một giáo xứ ở San
Jose. Vợ chồng anh còn là chủ của một tiệm phở đông khách ở thành phố này.
Sau một thời gian vất vả ở các trại
tỵ nạn, các anh chị em nghệ sĩ ở khắp nơi đổ dồn về tiểu bang California lập
nghiệp. Nhờ sự yểm trợ của cơ quan USCC, một số anh nghệ sĩ có tên tuổi như
Hoàng Thi Thơ, Nam Lộc, Jo Marcel, Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Lữ Liên, Vũ Huyến,
Ngọc Bích vv… đã được nhận vào làm việc tại cơ quan này.
Một thời gian ngắn sau khi sang đến
Mỹ, ban Tam Ca Trào Phúng AVT Hải Ngọai đã được thành lập do ý kiến của nhạc sĩ
Lữ Liên. Và sau một thời gian tập luyện một ban văn nghệ hùng hậu đã được thành
lập để cùng kéo nhau sang Paris trình diễn, trong số dĩ nhiên không thể nào
thiếu AVT Hải Ngoại với Ngọc Bích, Vũ Huyến và Lữ Liên.
Toàn thể khán giả đã tỏ ra rất thích
thú khi được nghe lại những nhạc phẩm trào phúng quen thuộc ngày nào. Yếu tố đó
đã khiến cho AVT gặt hái được những thành quả to lớn.
Nhưng sau đó, với thời gian, thành phần AVT Hải Ngọai có
một vài thay đổi và một số hoạt động cũng như một số sáng tác mới được ghi nhận
như sau:
14.2.77:
Một lần nữa AVT có sự thay đổi trong thành phần khi Trường Duy vào thay thế cho
Ngọc Bích. Cùng với đoàn văn nghệ trên, bộ ba sang Âu Châu trình diễn trong
vòng 19 ngày.
01.12.77 :
Sẵn có đoàn nghệ sĩ cơ hữu này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mang cả đoàn sang cộng
hòa Trung Phi trình diễn nhân ngày Hoàng Đế Bokassa Đệ Nhất đăng quang.
Năm 1987:
Nhạc sĩ Anh Bằng đã thực hiện 1 cuốn băng AVT Hải Ngoại đầu tiên do trung tâm
Asia phát hành. Trong băng này có một nhạc phẩm mới mang tựa đề Gốc Mít do Lữ
Liên và Anh Bằng sáng tác, nói về cuộc đời của những người dân Việt tỵ nạn,
lang thang trên khắp thế giới để tìm miếng cơm manh áo. Gặp nhau cũng không
biết là người đồng hương,với những cảnh ngộ trớ trêu, cười ra nước mắt.
AVT với tiếng hát Lữ Liên, Vũ Huyến và Trường Duy và bài mới thứ 2 của nhạc sĩ Anh Bằng mang tựa đề Canh
Cua Rốc, mô tả những chàng tai tỵ nạn xa quê hương thèm món canh cua từng đêm
như thèm khát những vóc dáng xinh xinh.
Năm 1988: thành phần AVT được tăng cường thêm nữ nghệ sĩ Thúy Liệu đã sang Úc trình diễn tại Sydney trong một chương trình kịch vui kéo dài trong 10 ngày.
Năm 1992:
AVT có một sự thay đổi với Hoàng Long vào thay thế cho nhạc sĩ Vũ huyến, đã
cùng nhau thực hiện một băng cassette, thu thanh tại phòng thu Tùng Giang và do
trung tâm Khánh Hà phát hành. Trong băng này có một sáng tác mới của Lữ Liên là
Trận Cầu Quốc Tế, mô tả cuộc trực tiếp truyền thanh của AVT trong 1 trận cầu
giao hữu nhưng không kém phần quyết liệt của 2 đội banh, một nam, một nữ từ Âu
Mỹ đến Việt Nam. Khán giả Sài Gòn được xem nhiều pha gay cấn đầy nghệ thuật tân
kỳ. Tuy chỉ là giả tưởng, nhưng với những “sound effects”, người nghe có cảm
tưởng như đang tham dự một trận cầu thật.
Năm 1994,
vào dịp Xuân Giáp Tuất trung tâm Giáng Ngọc tung ra cuốn video đầu tiên của AVT
tại hải ngọai. Dựa theo một áng thơ tuyệt tác của nữ sĩ Hồ Xuân hương, nhạc sĩ
Lữ Liên lần đầu tiên trình diễn chung với 2 nữ nghệ sĩ Thúy Lan và Thúy Hương
để trình bầy nhạc phẩm Đánh Đu, với phần nhạc do Lữ Liên tự đảm trách, nhạc sĩ
Ngọc Bích hòa âm và sử dụng Keyboard.
Ở trên là những chi tiết người viết
thu thập được phần lớn từ người được coi như linh hồn của ban Tam Ca Trào Phúng
AVT là Lữ Liên trong thời kỳ ông còn minh mẫn. Trong lần đến thăm ông gần đây,
sức khỏe của ông có phần sa sút hơn xưa. Nhất là sau khi bị té nặng vào năm
ngoái, 2007.
Sau lần đó, trí nhớ của nhạc sĩ Lữ
Liên tỏ ra kém hẳn trước với một giọng nói không còn được linh họat, nếu không
muốn nói là thiếu sự liên tục. Thật ra tình trạng này đối với số tuổi 91 của
ông cũng là bình thường. Mặc dù vậy, nhạc sĩ Lữ Liên vẫn còn cung cấp được cho
tôi một số chi tiết liên quan đến tiểu sử của ông.
Ông mang họ Lã, sinh trưởng ở Hải
Phòng trong một gia đình mà thân phụ ông cũng là một nghệ sĩ, ngoài việc làm
chính ở sở Bưu Điện. Khi Lữ Liên còn nhỏ, thân phụ ông đã đứng ra lập một gánh
hát cổ nên ông đã có dịp gần gũi với những âm thanh nhạc cổ truyền. Ông trưởng
thành trong khung cảnh văn nghệ đó nên đã chịu nhiều ảnh hưởng để sau đó trở
thành một nghệ sĩ tài ba mà sự đóng góp của ông được coi như rất lớn lao cho
nền âm nhạc Việt Nam…
Nguồn: TiVi Tuần San 1144 & 1145
--------------------------------
Mời xem lại lần lên sân khấu cuối cùng của nhạc sĩ Lữ Liên:
No comments:
Post a Comment