Phạm Nhật Bình
Cập nhật: 19/07/2012
Cả thế giới giật mình ngày18/7/2012 khi
truyền hình Syria cho biết vừa có vụ nổ bom cảm tử làm thiệt mạng Bộ trưởng
Quốc phòng Syria, tướng Daoud Rajiha, Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Assef
Shawkat, và một số tướng lãnh khác. Hiển nhiên, báo đài Syria lập tức qui trách
nhiệm cho lực lượng phản loạn. Nhưng một số quan sát viên quốc tế rành rẽ về
tính đa nghi và cách hành xử của các nhà độc tài tại Trung Đông cũng đặt nhiều
dấu hỏi về kẻ chủ mưu, đặc biệt theo sau những vụ đào thoát của các tướng và
quan chức cao cấp của chế độ Assad trong mấy tuần qua. Nói cách khác, phải
chăng đây là đòn ra tay trước của tổng thống Assad để ngăn ngừa đảo chánh? Một
dẫn chứng cho trường hợp tương tự hay được nhắc đến là tại Libya, khi tình hình
dân chúng nổi lên đã đến mức đe dọa, nhà độc tài Kadafi cho bao vây tư dinh và
giam tại gia tất cả thành viên nội các, tức các bộ trưởng, để ngăn ngừa đảo
chính.
Nhưng trước hết, thử nhìn lại gốc gác
nhà độc tài đang nhúng tay càng lúc càng sâu vào máu dân Syria là ai?
Tổng thống Syria, ông Bashar al-Assad
được mô tả là một tổng thống cha truyền con nối. Ông không những kế thừa, mà
còn củng cố và bành trướng những gì của “tổng thống cha” quá cố truyền lại.
Tổng Thống cha”, ông Hafez al-Assad cầm quyền từ tháng 4 năm 1970 và qua đời
vào tháng 6 năm 2000. Một tháng sau, với sự dàn dựng và phù phép chính trị của
“Đảng Baath Xã hội chủ nghĩa”, hiến pháp Syria được sửa đổi cho phù hợp với một
cuộc trưng cầu dân ý với một ứng cử viên duy nhất là ông Bashar al-Assad, con
trai của tổng thống vừa quá cố. Cũng giống hầu hết các cuộc bầu cử dưới các chế
độ độc tài mang hình thức dân chủ giả hiệu, 97,3% dân chúng Syria đã “hân hoan”
bầu cho ông Assad con với nhiệm kỳ 7 năm.
Kể từ khi lên cầm quyền, không khác
người cha bao nhiêu và cũng do vị trí của Syria trong khu vực, Bashar al-Assad
bành trướng thế lực và tiếp tục chiếm đóng Liban cho đến năm 2005. Trong nước,
chính sách cai trị của Assad dựa trên đạo luật khẩn cấp 1962 của người cha. Bãi
bỏ quyền công dân, bóp nghẹt những quyền căn bản của con người, bắt giam đối
lập; điển hình là vụ bắt giữ luật sư Muhannad al- Hasani và Kareem Arabji, chỉ
vì vị luật sư này chỉ trích chính quyền tham nhũng, độc tài. Cũng như các chế
độ độc tài khác, quyền tự do ngôn luận tại Syria bị kiểm soát nghiệt ngã. Đến
thời đại tin học thì các website đều bị kiểm duyệt. Nhà nước áp đặt lệnh cấm và
giới hạn sự di chuyển tất cả mọi người để dễ dàng kiểm soát. Đó là ngòi nổ cho
những cuộc nổi dậy của quần chúng mà ngay từ năm 1982 dưới thời Hafez al-
Assad, đã diễn ra ở Hama và Homs và bị đàn áp dã man khiến hàng chục ngàn người
chết.
Và chế độ Assad cứ sống mạnh sống hùng
dưới chiếc dù dân chủ trá hình được một số ngoại bang như Nga và Tàu hỗ trợ, để
cai trị đất nước bằng cách vơ vét và bóp nghẹt dân chủ. Ngay cả Hoa Kỳ và các
nước Tây phương cũng phải làm ngơ vì nhu cầu chống khủng bố toàn cầu cần sự
tiếp tay của Syria. Nhưng khởi đi từ năm 2011, theo sau cuộc “cách mạng Hoa
Lài” ở Tunisia nổ ra vào tháng giêng, cơn bão cách mạng đã thổi đến 17 quốc gia
trong vùng Trung Đông và Bắc Phi và đều đã đạt được một số thắng lợi nào đó cho
quyền của người dân. Cơn bão này tràn đến Syria, khởi đầu từ tỉnh Daraa, kéo
dài đến các cuộc biểu tình đòi dân chủ mới bùng nổ khắp nước hôm 19/6. Với kinh
nghiệm của quá khứ, chế độ độc tài Assad là chế độ ngay từ đầu đã sử dụng quân
đội với đủ mọi loại vũ khí để đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình của dân chúng
không nương tay. Mỗi ngày trong suốt nhiều tháng qua, thế giới đều ghi nhận có
hàng chục đến hàng trăm người bị dội bom, bắn, chém, đánh tới chết bởi quân
đội, công an, và côn đồ do chế độ thua mướn. Tại tỉnh Hama và Homs là hai trung
tâm của phong trào nổi dậy mạnh mẽ nhất, các cuộc biểu tình hầu như diễn ra
hàng ngày và cũng hứng chịu nhiều thiệt hại nhất.
Tính đến tháng 7/2012, sau 16 tháng dân
Syria nổi dậy và liên tục bị chính phủ đàn áp bằng quân đội, theo một báo cáo
của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã có trên 17,000 thường dân bị giết chết.
Chính phủ của ông Bashar al-Assad thì nói số người bị thiệt mạng là do “các
băng đảng khủng bố có võ trang” gây ra, một luận điệu thường nghe thấy nơi các
chính quyền chuyên trị dân bằng súng đạn. Ngoài ra, các tổ chức theo dõi nhân
quyền còn báo cáo có hàng chục ngàn người bị bắt giam không xét xử trong các
trại tù khắp nước.
Song song với sự đàn áp của quân đội,
chính phủ Syria còn sử dụng lực lượng an ninh có tên Mukhabarat vào công tác
trấn áp. Mật vụ Mukhabarat chẳng những trấn áp người chống đối trong nước mà
còn nhắm vào những cá nhân và lãnh đạo các phong trào chống Assad ở nước ngoài
bằng cách bắt bớ, đe dọa thân nhân của họ trong nước. Mukhabarat của Syria được
mô tả như lực lượng mật vụ ghê gớm nhất nhì vùng Trung Đông và có lẽ nó chỉ
đứng sau Tình báo Hải ngoại Mossad của Israel trong các điệp vụ ám sát, bắt
cóc.
Cuộc đối đầu giữa chính quyền Assad và
nhân dân Syria diễn ra càng ngày càng khốc liệt với sự hình thành Quân Đội
Syria Tự Do (Free Syrian Army) dưới quyền chỉ huy của Đại tá Riad al-Assad,
khiến cục diện biến chuyển theo chiều hướng của một cuộc nội chiến kiểu Libya.
Nhiều sĩ quan, binh lính trong quân đội chính phủ đã rời bỏ hàng ngũ để theo
Quân Đội Syria Tự Do. Trong khi ông Bashar al-Assad tiếp tục ra lệnh cho quân
đội Syria gây ra nhiều cuộc thảm sát mới làm dư luận thế giới căm phẫn, ngày
6/7/12 một sĩ quan cao cấp của Syria cùng với gia đình đã đào thoát sang Thổ
Nhĩ Kỳ. Đó là Chuẩn tướng Munaf Tlass, một sĩ quan chỉ huy trong đơn vị Vệ Binh
Cộng Hòa.
Tin này loan ra làm rúng động hàng ngũ
sĩ quan và binh lính của lực lượng tinh nhuệ nhất được dùng bảo vệ chính Tổng
thống Syria. Tướng Munaf Tlass là tư lệnh Lữ Đoàn số 10 Vệ Binh Cộng Hòa, đồng
thời là Ủy viên trung ương của đảng Baath cầm quyền, người được cho là có quan
hệ rất thân cận với Tổng thống Assad. Ông cũng là sĩ quan quân đội cấp cao nhất
rời bỏ chính quyền từ khi làn sóng bạo loạn bùng phát hồi tháng 3/2011.
Nhóm cận thần của Bashar al-Assad còn
rúng động hơn nữa khi được biết Munaf Tlass là bạn thời thơ ấu của Assad và là
con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Syria Mustafa Tlass. Đây là một gia đình
rất nổi tiếng thuộc hệ phái Sunni ở Syria, ủng hộ chế độ cầm quyền của bộ tộc
thiểu số Alawite của tổng thống Syria.
Các tướng tá của sư đoàn Vệ Binh Cộng
Hòa giờ đây phải tự hỏi “ Nếu đã đến lúc chính tướng Manaf Tlass còn hết hy
vọng vào sự đứng vững của chế độ và bỏ chạy, vậy còn mình thì sao đây?”. Vì
ngay trong lúc này, họ cũng thừa biết các thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên
Hiệp Quốc đang chuẩn bị bỏ phiếu về nghị quyết cấm vận Syria trong nỗ lực giải
trừ chế độ độc tài al-Assad, chấm dứt các cuộc thảm sát do quân đội và các lực
lượng chính phủ gây ra.
Nhưng quan trọng hơn hết là từ nay
chính ông Assad cũng sẽ không còn tin tưởng vào những người chung quanh ông
nữa. Trong những ngày tháng cuối cùng của chế độ, toàn bộ nhóm tướng tá của các
đơn vị Vệ Binh Cộng Hòa chắc chắn sẽ bị canh chừng để không xảy ra một trường
hợp Manaf Tlass thứ hai. Và các tướng tá trong quân đội cũng tự hiểu họ đều nằm
trong tầm ngắm của mật vụ Mukhabarat, lúc nào cũng sẵn sàng đưa họ lên đoạn đầu
đài hoặc tống họ vào tù.
Một tuần sau khi tướng Manaf Tlass rời
bỏ hàng ngũ quân đội Syria, thêm một tin tức làm chấn động nước này. Ngày 11/7
đại sứ Syria tại Irak, ông Nawaf Fares thông báo rời khỏi chính phủ Syria và
đứng sang hàng ngũ đối lập. Ông nói với các đảng viên đảng Baath cầm quyền: “Tôi
kêu gọi tất cả các đảng viên hãy làm tương tự, bởi vì chế độ này
đã biến mình trở thành một công cụ để đàn áp người dân cũng như
ước muốn tự do và phẩm giá của họ”. Ông phát biểu: “Tôi tuyên
bố kể từ lúc này tôi đứng về phía cuộc cách mạng của nhân dân ở
Syria, nơi mà tôi phải phục vụ trong hoàn cảnh khó khăn mà đất nước
Syria đang trải qua”. Ông Nawaf Fares cũng kêu gọi binh sĩ hãy làm theo
ông vì, theo ông, “giết hại chính đồng bào của mình không có gì là vinh
quang”!
Với diễn biến mới này, Nawaf Fares
là nhà ngoại giao cấp cao đầu tiên của Syria từ bỏ chính phủ của
Tổng thống Bashar al-Assad, phóng viên BBC Jim Muir ở Lebanon cho biết “việc
đào tẩu của Fares còn quan trọng ở chỗ ông này cũng là tộc trưởng
của một bộ tộc thuộc dòng Hồi giáo Sunni có tên là Uqaydat nằm ở
biên giới phía đông của Syria với Iraq”.
Thế là từ quân đội, nay đã lan qua hệ
thống ngoại giao. Người ta đang trông dợi các đại sứ Syria ở các nước khác sẽ
theo gương ông Nawaf Fares từ bỏ chế độ độc tài để trở về với dân tộc như từng
thấy trong trường hợp Iraq, Lybia, v.v.... Và bước kế tiếp là hệ thống quan
chức hành chính trong nước. Các bộ trưởng và các quan chức cao cấp trong chính
phủ Syria nay đã nhìn thấy chính họ đang dần dần trở thành đích nhắm của Assad
khi ông ta đang nhìn đâu cũng thấy “âm mưu đảo chính”. Các bộ tộc Hồi Giáo làm
nền tảng cho chế độ nay đang rút dần sự ủng hộ cho tổng thống, cũng là dấu hiệu
rõ nét cho sự tan rã và sụp đổ của quyền lực thống trị, sau khi đã chịu đựng sự
phản bội nguyện vọng nhân dân của gia đình Assad từ bốn thập niên qua, kể từ
khi người cha Hafez al-Assad lên cầm quyền..
Quân đội và nhân viên hệ thống hành
chính đã thế, còn công an và mật vụ Syria thì sao? Điều chắc chắn là những
người đứng đầu công an và mật vụ của chế độ này cũng có suy nghĩ riêng của họ
trước tình hình không mấy sáng sủa cho Tổng thống Assad. Sự ra đi của Assad hay
sự thay đổi quyền lực đất nước Syria nay có thể tính từng tuần. Bộ máy trấn áp
của Assad không còn hy vọng gì có thể dập tắt sự đứng lên của dân chúng nữa mà
chỉ làm gia tăng mức căm hờn của người dân trong nước và sự phẫn nộ của cộng
đồng thế giới. Bao giờ thì bắt đầu có cấp tướng của ngành mật vụ bỏ chạy và
liệu họ có đủ sáng suốt để bỏ chạy kịp thời hay không? Và khi lãnh đạo cấp cao
ngành mật vụ, với đủ loại trương mục ẩn danh tại các ngân hàng nước ngoài, bắt
đầu biến mất, thì các nhân viên mật vụ cấp trung và thấp trốn đi đâu? Các cuộc
giao tranh đang tiến ngày một gần về thủ đô Damascus. Thời điểm phải lấy quyết
định không còn nhều.
Nhìn lại Việt Nam, bên cạnh sự lên
tiếng đầy tâm huyết của một vài cựu quan chức cao cấp, người ta cũng thấy hiện
tượng “lương tâm chợt tỉnh” của một số quan chức cao cấp khác cho mục tiêu “xóa
hồ sơ cá nhân” và chạy tội trước công luận. Đây chính là hình thức chuẩn bị cho
một tương lai phải đến. Và không chỉ ở Ai Cập, Libya hay Syria, lãnh đạo chế độ
độc tài nào rổi cũng cố dồn tội lên đầu cấp dưới, đặc biệt đổ các tội ác ôn lên
đầu đội ngũ công an cấp trung và thấp. Những câu tụng niệm như “chỉ biết còn đảng còn mình” hiện
nguyên hình chỉ là những lời dụ dỗ cấp dưới thi hành các chỉ thị ác ôn.
Hàng loạt kinh nghiệm đã thấy tại các chế độ độc tài vừa sụp đổ, những kẻ sáng
chế và truyền dậy những câu đại loại như vậy là những kẻ CHẠY TRƯỚC mọi người.
Hôm nay “còn Đảng còn mình”,
Ngày mai Đảng chạy thân mình ra sao?
Ngày mai Đảng chạy thân mình ra sao?
Phạm Nhật Bình
No comments:
Post a Comment