Pascal
Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
7/07/12 8:10 AM
Chẳng ai muốn
thấy tái diễn các biến cố đau thương đã xảy ra tại Tam Toà, Đồng Chiêm hay Con
Cuông. Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng những biến cố tương tự sẽ không lặp lại.
Thiển nghĩ nếu muốn có một sự thay đổi thái độ, thay đổi cách ứng xử từ phía
nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong lãnh vực tôn giáo, thì sự thay đổi đó chỉ
có thể và phải bất đầu từ phía các lãnh đạo tôn giáo.
Lẽ ra bài
viết này mang tựa đề “Đâu rồi 500 000
Cao Đình Thuyên ?”, và kết luận là “Chỉ cần 1 Nguyễn Thái Hợp là 500 000 Cao Đình Thuyên bị vô hiệu hoá”.
Nhưng nay qua lá thư viết từ Pa-ri đề ngày 04-07-2012 gửi cộng đồng dân Chúa
giáo phận Vinh, đức cha Nguyễn Thái Hợp đã lên tiếng tố cáo chính quyền huyện
Con Cuông sau những hành vi báng bổ tôn giáo và đàn áp dã man đối với cộng đoàn
tín hữu nhỏ bé Con Cuông. Mong sao đây là khởi điểm cho một thái độ, một lập
trường nhất quán và kiên định trong phạm vi tôn giáo và nhân quyền nói chung
của người đứng đầu giáo phận Vinh và cũng là người đứng đầu một Uỷ Ban trực
thuộc HĐGM/VN là Uỷ Ban Công Lý và Hoà Bình.
Con Cuông : Chuyện thời sự nóng
bỏng
Từ cuối năm
2011, một cuộc đàn áp tôn giáo thô bạo và khốc liệt đã diễn ra tại giáo điểm
Con Cuông thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, giáo điểm này thuộc giáo xứ Quan
Lãng, giáo phận Vinh. Các chi tiết của cuộc đàn áp đẫm máu đã được ghi đầy đủ
qua nhiều bài tường thuật trên diễn đàn Nữ Vương Công Lý. Ngoài lực lượng công
an và côn đồ mang danh “quần chúng tự phát”, còn có cả lực lượng quân đội thuộc
trung đoàn 335 với đầy đủ súng ống. Trong cuộc đàn áp diễn ra ngày 01-07-2012,
tượng Đức Mẹ trên cung thánh bị đập nát, còn trong số các nạn nhân, chị Ma-ri-a
Ngô Thị Thanh bị đánh vỡ hộp sọ.
Có một số chi
tiết đáng ghi nhận. Ngay cả sau khi nhà nguyện bị một quả bom tự chế nổ tung,
làm hỏng trần nhà, cửa sổ và nhà nguyện, thánh lễ vẫn được cử hành giữa những
tiếng ồn ào, la ó, chửi bới của đám côn đồ, mặc cho loa phóng thanh mở hết công
suất để phá rối. Theo bản tin của Nữ Vương Công Lý ngày 02-07-2012 thì ngày hôm
trước, tại giáo điểm Con Cuông : “mặc dù bị ngăn cản, đánh đập, nhưng vì sứ
vụ và như ngài nói “nếu được chết ngay trên bàn thờ thì đó là hồng phúc”, linh
mục G.B. Nguyễn Đình Thục đã cố gắng dâng trọn thánh lễ trong tiếng chửi bới,
la hét của nhóm côn đồ và tiếng khóc của nhiều giáo dân”. Điều ta không thể
nghi ngờ là một thánh lễ như thế, diễn ra giữa bao tiếng la ó, những lời chửi
bới lăng mạ, làm đẹp lòng Chúa có khi còn hơn cả những buổi lễ linh đình với
các chức sắc mũ cao áo rộng, với tiếng đàn tiếng hát du dương, vì “Thiên
Chúa nhìn thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7) biết lòng tin sắt đá của những ai
đang chịu bách hại vì Danh Ngài.
Con Cuông gợi nhớ Tam Toà
Cách đây 3
năm, cũng vào thời điểm này, chính xác là ngày 20-07-2009, từ 3 giờ sáng quãng
150 giáo dân đã dựng rạp trên nền nhà thờ cũ của giáo xứ Tam Toà để có nơi tạm
thời dâng thánh lễ. Công việc coi như xong lối 8 giờ sáng thì một lúc sau hơn
100 công an, cảnh sát đến ngăn cản, đập phá cái rạp vừa dựng xong, tịch thu tất
cả vật liệu kể cả máy phát điện và bắt giữ 20 người. Mặc dù lúc đó đức cha Cao
đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh đang ở nước ngoài, nhưng linh mục đoàn đã
cấp thời phản đối mạnh mẽ và quyết liệt :
– Ngày
21-07-2009 Lm. Phạm Đình Phùng, chánh văn phòng Toà Giám Mục Xã Đoài đã gửi đơn
khiếu nại khẩn cấp lên UBND Tỉnh Quảng Bình.
– Cùng ngày
21-07-2009 Lm. Võ Thanh Tâm, Tổng Đại Diện giáo phận Vinh gửi thông báo đến mọi
thành phần dân Chúa trong giáo phận.
– Ngày
22-07-2009 Lm. Trần Phúc Chính, Phó Chủ tịch Hội đồng linh mục gửi văn thư đến
UBND, Sở Công An và Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình để phản đối hành động vô nhân
đạo của công an Quảng Bình.
– Cùng ngày
22-07-2009 Lm. Phạm Đình Phùng, Chánh văn phòng Toà Giám Mục Xã Đoài gửi thông
báo về diễn biến các sự việc liên quan đến Tam Toà.
– Cùng ngày
22-07-2009 từ Hoa Kỳ đức cha Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh, trong
văn thư gửi cộng đồng Dân Chúa giáo phận Vinh, đã viết : “Trước tiên cha xin
chia sẻ nỗi đau đớn với anh chị em giáo dân Tam Toà, cách riêng những người đã
bị công an đánh đập và bị bắt giữ. Trong sự hiệp thông sâu xa nhất, cha cầu
nguyện cho anh chị em Tam Toà được ơn Chúa mà can đảm đến cùng. Dù xa cách về
địa lý, nhưng lúc này cha đang hiệp thông và ở bên chúng con trong lời cầu
nguyện tha thiết nhất. Khắp nơi đang hướng về Tam Toà với lòng thương mến và sự
cảm thông sâu xa. Đối với chúng ta, thử thách này đang đòi buộc mỗi người cần
cầu nguyện và can đảm hơn nữa vì Đức Tin chân chính của mình.”
Vào thời điểm
này, từ khắp nơi đã có thư Hiệp thông được gửi đến Toà Giám Mục Xã Đoài để bày
tỏ tình liên đới, đồng thời tại nhiều nơi ở trong và ngoài giáo phận Vinh, ngay
cả ở nước ngoài, cũng có những buổi cầu nguyện cho anh chị em tín hữu Tam Toà
bị bách hại vì đức tin. Đặc biệt hơn nữa là vào ngày 26-07-2009 đúng 7 giờ
sáng, gần 500 000 tín hữu Công Giáo giáo phận Vinh tập trung về một trong 19
nhà thờ của 19 giáo hạt để cầu nguyện cho các nạn nhân bị công an Quảng Bình
bắt giữ, đánh đập, giam cầm, đồng thời cầu cho các nhà lãnh đạo Quảng Bình sáng
suốt, biết nhận ra lẽ phải, sự thật và công lý. Qua những sự việc trên, ta thấy
được sức sống phi thường của giáo phận Vinh. Và trong khi đức giám mục giáo
phận không có mặt, linh mục đoàn đã có cách ứng phó nhanh chóng, nhịp nhàng,
mạnh mẽ, đây là những con người đầy óc sáng tạo, có tinh thần dấn thân, dám
nghĩ, dám làm. Nhưng đây mới chỉ là những cuộc tập dượt.
Ngày người
tín hữu Công Giáo Vinh không bao giờ quên là ngày 15-08-2009 lễ Đức Mẹ hồn xác
lên trời, bổn mạng giáo phận, với quãng 200 000 tín hữu tập hợp về nhà thờ
chính toà Xã Đoài để tham dự thánh lễ do đức giám mục giáo phận, đức cha Cao
Đình Thuyên chủ tế. Điều trước tiên đập vào mắt mọi người là một rừng biểu ngữ
:
– “Cả giáo
phận chung tay hành động để cứu lấy Tam Toà.”
– “Chính
quyền Quảng Bình phải chịu quả báo vì hành động bất công của mình.”
– “Cuối cùng
phần thắng sẽ thuộc về công lý, về những người yêu mến Giáo Hội.”
– “Công lý sẽ
đẩy lùi bất công.”
– “Tam Toà
vững tin.”…
Quan trọng
hơn nữa, đó là lời tuyên bố mạnh mẽ của vị giám mục chủ tế : Giáo phận Vinh
không chỉ có một Cao Đình Thuyên nhưng là 500 000 Cao Đình Thuyên.
Sau Tam Toà là phép thử Đồng Chiêm
Sáu tháng sau
vụ Tam Toà, một biến cố khác xảy ra tại Đồng Chiêm thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.
Và sau đây là một đoạn trích thông báo vụ việc của Văn Phòng Toà Tổng Giám Mục
Hà Nội : “Vào lúc 2 giờ sáng ngày 6 tháng 1 năm 2010, các lực lượng vũ trang
chính quyền vào khoảng 600 cho đến 1.000 người gồm dân quân tự vệ, công an, và
cảnh sát cơ động với súng ống, chó nghiệp vụ, dùi cui, lựu đạn cay đã phong tỏa
các giáo xứ Nghĩa Ải, Tụy Hiền, Đồng Chiêm, chặn lại tất cả các lối đi vào khu
vực Núi Thờ. Họ bắt đầu triệt hạ và đập phá Thánh Giá bằng bê tông trên núi
này. Trước hành động phạm thánh như vậy, giáo dân Đồng Chiêm đã kêu gọi họ
ngừng ngay những hành vi xúc phạm đó. Thế nhưng giáo dân đã bị cảnh sát ném lựu
đạn cay và một số đã bị đánh đập tàn nhẫn trong đó có hai người bị thương nặng
hiện đang còn phải nằm bệnh viện để điều trị.”
Sự việc
nghiêm trọng như vậy nhưng ngoài các giám mục thuộc giáo tỉnh miền Bắc, thì duy
nhất chỉ có một giám mục thuộc giáo tỉnh miền Trung lên tiếng hiệp thông, trong
khi tất cả các vị khác đều im hơi lặng tiếng. Và mãi đến một tuần sau người ta
mới thấy xuất hiện bài “Lên tiếng hay không lên tiếng ?” trên trang mạng
của HĐGM/VN nên phải được xem như tiếng nói chính thức của tập thể các giám mục
Việt Nam. Nay đã hai năm rưỡi (tháng 01 năm 2009 đến tháng 07 năm 2012) ta có
thể nói là qua bài viết vừa nêu, sai lầm của lãnh đạo Công Giáo khi xảy ra biến
cố Đồng Chiêm là đã coi nhẹ (hay giả vờ coi nhẹ ?) sự việc, xem đây chỉ là một
chuyện đòi đất, và là chuyện của một địa phương. Có thể các ngài lập luận rằng
nguyên tắc hàng đầu của mọi hành động phải là đối thoại và hợp tác
thế nhưng nếu muốn biết nguyên tắc đúng đắn này trong thực tế đã dẫn tới hậu
quả nào thì chỉ cần đưa mắt nhìn xem cung cách nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam
đối xử với người dân nói chung, và riêng với các tôn giáo. Không có gì để nghi
ngờ rằng biến cố Đồng Chiêm là một phép thử, qua đó chính quyền cộng sản Việt
Nam đã thấy được phản ứng của khối tín hữu Công Giáo, bắt đầu từ những người
lãnh đạo. Nếu cây thánh giá, biểu tượng thiêng liêng nhất của Ki-tô giáo, bị
đập nát mà các giám mục chỉ xem là một chuyện đòi đất của địa phương thì từ nay
nhà nước có thể an tâm làm bất cứ điều gì mà không sợ bị kết án là xúc phạm đến
tôn giáo, không sợ phản ứng mạnh mẽ của khối hơn 6 triệu tín hữu Công Giáo. Từ
đó không có gì phải ngạc nhiên khi chứng kiến các cuộc đàn áp diễn ra khắp nơi
và ngày càng ác liệt, và Con Cuông là ví dụ mới nhất
Dồn dập những biến cố đau thương
Chẳng phải vì
lãnh đạo Công Giáo tỏ ra mềm mỏng, nhún nhường như vừa thấy qua vụ Đồng Chiêm
mà chính quyền cộng sản Việt Nam nương tay với Công Giáo. Chỉ xin ghi lại đây
một số vụ tiêu biểu trong thời gian gần đây :
– Ngày
21-12-2011 qua công văn số 3518 chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư 60 tỷ
đồng, để nâng cấp Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên ở số 75 đường Nguyễn
Huệ, trước đây là cơ sở Đại Chủng Viện của giáo phận Vĩnh Long.
– Từ tháng 7
đến tháng 12 năm 2011, chính quyền Nghệ An bắt giam (phần lớn trường hợp là bắt
cóc rồi giam luôn) 13 tín hữu Công Giáo giáo phận Vinh.
– Ngày
22-02-2012 chính quyền Kon-tum ngầm để mặc côn đồ đánh trọng thương linh mục
Nguyễn Quang Hoa thuộc giáo phận Kon-tum.
– Chính quyền
thành phố Đà Nẵng tiếp tục kế hoạch xoá sổ giáo xứ Cồn Dầu, giáo xứ có bề dày
135 năm lịch sử.
Nhưng trong số các giáo phận, có lẽ không nơi nào việc
đàn áp tôn giáo diễn ra rộng khắp như tại giáo phận Vinh qua các vụ Đông Yên
(tháng 3 năm 2011), Cầu Rầm (tháng 8 năm 2011), Ngọc Long (tháng 10 năm 2011),
Mỹ Lộc (tháng 11 năm 2011) và hiện nay là Con Cuông. Ta đừng quên rằng giáo phận Vinh
là giáo phận đứng hàng thứ 2 về số tín hữu ; và từ 1954 đến năm 1975 đây là
giáo phận miền bắc có số linh mục đông nhất ; các mục tử ở đây là những người
có bề dày kinh nghiệm sống với cộng sản, luôn đoàn kết một lòng, không nao núng
sợ hãi khi cùng nhau tranh đấu như ta có thể thấy qua vụ tam Toà. Thế mà từ hơn
hai năm nay, từ khi đức cha Cao Đình Thuyên nghỉ hưu nhường chỗ cho người kế
vị, thì giáo phận Vinh trở nên tiêu điều, xơ xác với nhiều vụ đàn áp nối tiếp
nhau đến độ diễn đàn Nữ Vương Công Lý đã có bài viết : “Giáo phận Vinh đang bỏ rơi giáo dân, linh mục trong sự
bách hại của nhà cầm quyền cộng sản” (17-03-2012)
Dậy mà đi
Kể từ ngày
được bổ nhiệm làm đại diện không thường trú của Toà Thánh Vatican tại Việt Nam,
đức tổng giám mục Leopoldo Girelli đã đi thăm tất cả các giáo phận. Giáo dân
Việt Nam vốn có lòng yêu mến Đức Giáo Hoàng, nên vị đại diện của ngài đi tới
đâu cũng được tiếp đón linh đình, tiền hô hậu ủng. Chính vì vậy mà trong thâm
tâm tôi cứ sợ một người “cỡi ngựa xem hoa” như ngài thì sự hiểu biết của ngài
về Giáo Hội Việt Nam chỉ là sự hiểu biết của một “thầy bói sờ voi”. Thế nhưng
sự thật xem ra không phải như vậy nếu dựa vào những lời ngài gửi đến cấp lãnh
đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam dịp đại hội các giám mục sau lễ Phục Sinh 2012
vừa rồi. Trong diễn từ đọc trước các giám mục Việt Nam, Đức tổng Giám mục Leopoldo Girelli nhấn
mạnh : “Như Chúa Giêsu đã sống lại và ra khỏi mộ, Hội Thánh Việt Nam cũng
cần trỗi dậy, thoát khỏi những từ ngữ “chết” trong quyển Sách Thánh để hạ sinh
thành Lời rao giảng sống động trong cuộc sống ; Hội Thánh Việt Nam không chỉ
khép kín trong những mối quan tâm nội bộ, nhưng phải bước ra dấn thân cho công
cuộc Loan báo Tin Mừng cho lương dân ; cụ thể tại Việt Nam còn hơn 90% anh chị
em chưa nghe loan báo Tin Mừng ; cuối cùng mỗi cá nhân mục tử cũng cần phải ra
khỏi mộ tối để chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình
chăm sóc đoàn chiên đã được giao phó cho mình.” Tôi tự hỏi lời kêu gọi khẩn
thiết của vị đại diện Đức Giáo Hoàng sẽ có bao nhiêu tác dụng đối với những ai
đã được nhà nước cộng sản Việt Nam cho uống thuốc ngủ quá liều, và trong cơn mơ
chỉ thấy những đại chủng viện, những trung tâm mục vụ hay hành hương, những
khách sạn 5 sao hay trung tâm yến tiệc, tóm lại những công trình kiến trúc nguy
nga, hoành tráng nhờ đó may chi hậu thế còn nhớ đến mình. Nay đọc lá thư của
đức cha Nguyễn Thái Hợp tôi lại tự hỏi phải chăng trong số các vị hồng y, giám
mục nghe huấn từ của vị đại diện Đức Giáo Hoàng, đức cha Hợp là người đầu tiên
đang “trỗi dậy” và “ra khỏi mộ” ?
Kết luận
Chẳng ai muốn
thấy tái diễn các biến cố đau thương đã xảy ra tại Tam Toà, Đồng Chiêm hay Con
Cuông. Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng những biến cố tương tự sẽ không lặp lại.
Thiển nghĩ nếu muốn có một sự thay đổi thái độ, thay đổi cách ứng xử từ phía
nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong lãnh vực tôn giáo, thì sự thay đổi đó chỉ
có thể và phải bất đầu từ phía các lãnh đạo tôn giáo.
Sài Gòn, ngày
07 tháng 07 năm 2012
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
địa chỉ mới :
pascaltinh2011@gmail.com
No comments:
Post a Comment