Nguyễn-Xuân
Nghĩa
Monday,
July 23, 2012 7:57:39 PM
Trung Quốc có sản lượng kinh tế đứng hạng nhì thế giới, nhưng
trong khoảng 200 quốc gia của địa cầu thì lợi tức đồng niên một người dân của
họ chỉ ở cỡ trung bình, ngang hàng Namibia, Jamaica hay Macedonia. Dân nghèo
nước mạnh?
Trong
500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của danh mục Forbes 2011, Trung Quốc có 73
công ty, còn nhiều hơn Nhật Bản (68), mà hầu hết là các tập đoàn nhà nước.
Trong 20 doanh nghiệp có mức lời cao nhất của danh mục, Trung Quốc có bốn đơn
vị, toàn là ngân hàng - mà là ngân hàng của nhà nước, trong khi tư doanh Trung
Quốc phá sản hàng loạt. Nước giàu dân mạt?
Trong
ba năm mà kinh tế toàn cầu bị tổng suy trầm, từ 2009 đến 2011, tổng số tín dụng
ngân hàng tại Trung Quốc lên đến gần bốn ngàn tỷ Mỹ kim, 80% là trút vào các
doanh nghiệp nhà nước. Cấp phát là một cách gọi về kế toán, trợ cấp là cách gọi
về kinh tế, vì lãi suất tài trợ chỉ mấp mé số không. Nước chảy chỗ trũng?
Làm
sao mà các ngân hàng của nhà nước - hiện kiểm soát 90% tài sản của hệ thống
ngân hàng toàn quốc và tài trợ doanh nghiệp cũng của nhà nước với lãi suất cận
âm nếu giảm trừ ảnh hưởng của lạm phát - lại có mức lời cao như vậy?
Xin
chào mừng sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc!
Nhìn
từ Hoa Kỳ trong một năm tranh cử, các dân biểu nghị sĩ rất nhịp nhàng than
phiền Bắc Kinh can thiệp vào hệ thống hối đoái và duy trì hối suất quá thấp của
đồng Nguyên để cạnh tranh bất chính. Và làm dân Mỹ thất nghiệp vì việc làm đã
bị “xuất cảng” qua Tàu.
Lý
luận chính trị đượm mùi kinh tế của sự mị dân!
Chỉ
vì, trong 10 năm mà tỷ giá đồng Nguyên so với Mỹ kim được định quá thấp, từ
1991 đến năm 2000, thất nghiệp tại Hoa Kỳ có giảm liên tục: Từ sáu, lên bảy rồi
sụt tới 4%. Trong 10 năm sau đó, khi Bắc Kinh bị áp lực và phải nâng giá đồng
bạc thì thất nghiệp tại Hoa Kỳ lại tăng vọt. Vì những nguyên nhân khác hơn là
do hàng hóa quá rẻ của Trung Quốc tràn ngập vào thị trường Mỹ. Hàng quá rẻ của
Trung Quốc bán qua Mỹ khiến giới tiêu thụ dư tiền mua được nhiều thứ khác, kể
cả hàng Mỹ, nghĩa là vẫn có lợi cho kinh tế Hoa Kỳ. Vua nước Sở mất cái cung,
người nước Sở được lời?
Kết
hợp sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc với lý luận mị dân của chính khách Hoa
Kỳ, người ta nên nhìn ra một thực tế đầy nghịch lý của kinh tế cũng là chính
trị.
***
Lãnh
đạo Trung Quốc không trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước ở nhà để tìm lợi thế
ngoại thương, như bán hàng rẻ hơn “thực giá” vào các thị trường Âu-Mỹ. Lý do
trợ cấp thuộc vào loại “có thực với vực được đạo”: Không trợ cấp thì cả triệu
doanh nghiệp sẽ phá sản.
Mà
hình thái trợ cấp không chỉ có lãi suất rẻ hay hối suất thấp.
“Ðất
đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý” - cứ như người
Hà Nội - nên nhà nước thống nhất giao cho doanh nghiệp nhà nước gần như miễn
phí. Tư doanh cứ đứng chầu rìa, nếu cạnh tranh với quốc doanh thì còn bị xóa
sổ. May lắm thì xin được một mẫu với rất nhiều hoạt liệu để bôi trơn bộ máy.
Nói về hoạt liệu “lubrifiant” hay nguyên nhiên vật liệu, thì doanh nghiệp nhà
nước cũng được trợ giá. Ðược cung cấp với giá rẻ hơn thực giá của thị trường.
Cả
hệ thống kinh tế nhà nước Trung Quốc là cơ chế trợ cấp, qua luật lệ và phí tổn
của mọi nhập lượng - đất đai, vật liệu, tiện ích, tín dụng, v.v... - để các
doanh nghiệp nhà nước từ lớn đến nhỏ, ở cấp trung ương tới địa phương và hương
trấn không thể phá sản. Phá sản hay khánh tận là số phận của dân đen.
Trên
đỉnh là các đại gia góp mặt trong danh mục Forbes.
Lãnh
đạo các cơ sở huy hoàng này là đảng viên cao cấp, do ban tổ chức trung ương bố
trí. Họ xào bài đổi ghế chủ tịch tổng giám đốc lấy ghế thứ trưởng hay trợ lý để
cùng bảo vệ một chế độ kinh tế gần như độc quyền, chế độ tư bản nhà nước.
Trong
khi ấy, các chính khách Hoa Kỳ chỉ nhìn vào một góc của nghịch lý đó, là lợi
thế xuất cảng của Trung Quốc. Nếu nhìn theo thế công, có lẽ người ta nên tìm
hiểu về lợi thế xuất cảng của Mỹ. Khi ấy lại thấy ra nhiều nghịch lý khác.
Người
ta thường nghĩ Hoa Kỳ có ưu thế kỹ thuật nên bán máy bay cho Trung Quốc và chở
về các mặt hàng tiêu thụ hạ đẳng, như áo quần giày dép linh tinh mà dân Mỹ
chẳng thèm làm nữa vì ít lời. Sự thật thì Mỹ có bán hàng công nghệ điện tử cho
Trung Quốc nhưng lại nhập từ xứ này loại hàng tương tự trị giá gần gấp bảy. Và
hai loại mũi nhọn xuất cảng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc - trị giá cao nhất trong
năm ngoái - là 1) hàng đồng nát và phế thải (11 tỷ rưỡi) và 2) đậu nành (10 tỷ
rưỡi). Máy bay hay xe hơi của Mỹ chỉ chiếm tổng cộng là gần 12 tỷ đô la.
Xin
ghi lại cho gọn: Ba mũi nhọn xuất cảng của Trung Quốc vào Mỹ là máy điện toán,
thiết bị thông tin và linh kiện điện tử, với trị giá tổng cộng còn lớn hơn tổng
số xuất cảng của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Ðằng
sau nghịch lý này là dàn phòng thủ của Trung Quốc: Quyền sở hữu trí tuệ hay tác
quyền, “intellectual property rights”.
***
Lãnh
đạo Trung Quốc không bảo vệ tác quyền của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thực
tế còn thi hành chế độ “đạo chích siêu cấp” - quốc hữu hóa thuật ăn cắp tác
quyền của thiên hạ - và ráo riết thi hành các nghiệp vụ tình báo kỹ nghệ để thu
hẹp khoảng cách lạc hậu với Hoa Kỳ về an ninh. Hoàn toàn hợp lý với chủ trương
của họ là nhà nước phải ưu tiên lãnh đạo 18 ngành sản xuất chiến lược, trong đó
có công nghệ điện tử, hàng không, thông tin, thiết bị sản xuất, và năng lượng.
Sau
khi thủ rất kín như vậy, lãnh đạo Trung Quốc có thể tự tiện quyết định rằng một
khu vực nào đó là “chiến lược” - nghĩa là ngoại quốc miễn được vào. Một khu vực
vừa được đưa vào hàng rào phòng thủ chiến lược đó là công nghệ môi trường.
Những
nghịch lý ấy trong quan hệ kinh tế Hoa-Mỹ (xin miễn gọi là Trung Mỹ!) thật ra
xuất phát từ cả chục năm trước, khi chính quyền Bill Clinton chấp nhận cho
Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Từ đó, cơ chế quốc tế WTO
giải quyết các tranh chấp song phương, trong đó có nạn trợ cấp, lũng đoạn hối
đoái hay ăn cắp tác quyền. Nhưng giải pháp WTO không thể gỡ nổi dụng ý bảo vệ
của Trung Quốc và chỉ dẫn đến những vụ kiện cáo kéo dài.
Thực
tế thì cơ chế WTO đã bị tê liệt và vòng đàm phán Doha khởi xướng từ tháng 10
năm 2001 vẫn giậm chân tại chỗ. Cũng vì thế mà Hoa Kỳ phải tìm giải pháp đa
phương khác.
Ðó
là các thỏa ước tự do ngoại thương cấp vùng với một số quốc gia thuộc hạng đối
tác chiến lược. Trong hướng này, Hiệp Ước Ðối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái
Bình Dương TPP do chính quyền George W. Bush đề nghị tham gia và chính quyền
Barack Obama quyết định xúc tiến sẽ có tác dụng thuyết phục cao hơn: Chủ điểm
hợp tác là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và Trung Quốc không nằm trong vòng
đối tác chiến lược đó nếu vẫn duy trì chính sách cũ.
Cùng
vành cung hợp tác về an ninh trong khu vực Ðông hải, Hiệp ước TPP này là một
vòng đai khác.
Chúng
ta thấy rằng quốc gia nào cũng có chủ trương bảo vệ quyền lợi của mình và trong
luồng giao dịch kinh tế thì đấy là chủ trương bảo hộ mậu dịch hay
protectionism. Trung Quốc là một đại gia của thuật bảo hộ này để thực tế là bảo
vệ chế độ. Nếu Hoa Kỳ chỉ theo đuổi hồ sơ hối đoái với những tố tụng định kỳ về
trị giá đồng Nguyên thì vẫn chỉ là múa quyền ở vòng ngoài.
Cho
nên trận đánh về tác quyền và Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương mới là chuyện
thật, ở vòng trong, một trận đánh không gây tiếng nổ. Chúng ta nên theo dõi xem
Quốc Hội Mỹ xử trí ra sao về hồ sơ đó.
No comments:
Post a Comment