Thursday 26 July 2012

ASEAN, CAMBODIA & GIẤC MƠ "ASEAN 10" (Lê Phan / Người Việt Online)




Lê Phan
Friday, July 20, 2012 6:01:56 PM

Ngày 29 tháng 7 năm 1995, tại Brunei, Việt Nam tham gia Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (Asean).
Tôi còn nhớ đứng xem lễ thượng kỳ đưa lá cờ Việt Nam Cộng sản lên cạnh những lá cờ của Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và dĩ nhiên, nước chủ nhà Brunei. Một người bạn đồng nghiệp đang là đại diện cho AFP ở Hà Nội chép miệng, “Thế là hết thời của Asean rồi!”

Ở một khía cạnh nào đó anh ta nói đúng. Asean, một hiệp hội của những quốc gia chống cộng, được thành lập để làm thành tuyến ngăn cản sự bành trướng của chế độ cộng sản, đã quay lại nhận một quốc gia cộng sản, mà còn hơn thế, ở một khía cạnh nào đó, kẻ thù cũ, vào làm bạn.

Vấn đề còn phức tạp hơn thế nữa. Asean cho đến lúc đó bao gồm toàn những quốc gia rất giống nhau. Các lãnh tụ của Brunei, Malaysia, Singapore và ngay cả Thái Lan, thường xuất thân từ cùng một viện đại học tiếng tăm của Anh, nếu không phải là Oxford Cambridge thì cũng Luân Ðôn. Các lãnh tụ của Indonesia và Philippines, tuy không theo học các trường của Anh, những cũng tốt nghiệp từ các trường đại học của Hoa Kỳ, hay Hòa Lan. Asean lúc đó là một câu lạc bộ của những người bạn lâu đời. Và chính vì vậy nguyên tắc không can thiệp vào công việc của nhau đã ra đời. Bạn bè lâu năm vả lại đều là gentlemen hay ladies, họ đâu muốn can thiệp vào chuyện của nhau.

Sau các cuộc họp, họ kéo nhau đi đánh golf. Nếu có bất đồng, họ giải quyết ở sân golf hay trong hội quán của câu lạc bộ, trong bầu không khí mà sự đồng thuận rất dễ đạt được.

Khi nhận Việt Nam, Asean lần đầu tiên đã nhận một người khách lạ. Những ngày đầu Việt Nam đã là một mối nhức đầu cho bầu không khí của Asean. Ngay từ những chuyện nhỏ nhặt như ngoại trưởng Việt Nam lúc đó, ông Nguyễn Mạnh Cầm, không biết đánh golf. Tôi còn nhớ các viên chức Asean đã vò đầu bứt tai tìm ra một cách gì khác để giải trí sau các cuộc hội họp.

Rồi đến lề lối làm việc của Asean nữa. Tất cả các quốc gia hội viên đều có một đoàn báo chí nước mình đi theo. Tuy phiên họp bao giờ cũng kín, nhưng sau mỗi ngày họp, trưởng phái đoàn mời nhà báo nước mình đến để làm “briefings.” Thực ra đây là lúc các ông bà ngoại giao thả bong bóng, trình bày lập trường của mình, để báo trước cho các bạn trong Asean, tránh cho họ những sự bất ngờ làm mất bầu không khí thân thiện của một câu lạc bộ quý tộc. Các nhà ngoại giao Việt Nam không quen cái lối làm việc đó. Phái đoàn báo chí Việt Nam tháp tùng ông bộ trưởng toàn là các nhà báo mà bây giờ chúng ta gọi là lề phải, lúc đó chưa biết đến họp báo là gì. Thông lệ của Asean là mỗi phái đoàn, cứ đến phi trường là đã có một cuộc họp báo, trong đó họ nêu rõ lập trường về những vấn đề sẽ được bàn thảo. Phái đoàn Việt Nam trong suốt cả tuần lễ họp hành, không tổ chức một cuộc họp báo nào hết. Bình thường có lẽ cũng không đến nỗi gì, nhưng năm đó Việt Nam là đề tài quan trọng nhất. Việt Nam không họp báo đối với Asean thì chẳng khác gì mời khách vào nhà mà khách lại rúc vào một góc không chịu nói chuyện vậy.
Nhưng giấc mơ một ngày nào đó Asean sẽ trở thành Asean 10, bao gồm hết tất cả các quốc gia của vùng Ðông Nam Châu Á, đã quá mạnh. Vả lại trong cái bầu không khí hậu Liên Xô, các quốc gia Asean nghĩ là quyết định của mình là đúng.

Và quả một phần nào họ đúng. Việt Nam thay đổi. Các nhà ngoại giao Việt Nam cũng thông thạo thủ tục Asean không kém gì các hội viên cũ, và dĩ nhiên học đánh golf thì dễ quá mà.

Hơn thế, lúc đó cũng là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu có những thái độ gây hấn, chưa hẳn xuống đến khu vực của Asean, nhưng với Ðài Loan. Như Ngoại trưởng Thanat Khoman của Thái Lan đã tuyên bố vào năm 1967 khi Asean được thành lập, mục đích chính là để có được “phòng vệ chính trị tập thể (collective political defence),” việc đưa Việt Nam vào tham gia quả đã giúp tăng cường cho mục tiêu đó chống lại Trung Quốc. Mặc dầu vậy một số các nhà ngoại giao trong Asean đã tỏ vẻ lo ngại. Họ sợ là mở rộng Asean sẽ dẫn đến cái chết của Asean.

Nhưng ước muốn bành trướng đã mạnh hơn sự thận trọng. Tháng 4 năm 1997, Asean tuyên bố sẽ tiếp nhận Cambodia làm hội viên, và nếu đúng trình tự thì trong cuộc họp thường niên vào tháng 7, Cambodia sẽ trở thành hội viên của tổ chức.

Nhưng đầu tháng 7 năm đó, ông Hun Sen tổ chức một cuộc đảo chánh đẫm máu, lật đổ đồng Thủ tướng Hoàng tử Norodom Ranariddh. Trong hai ngày đụng độ, 58 người chết, nhiều trăm người bị thương. Lực lượng bảo hoàng tan nát.

Giờ đây các sử gia giải thích là cuộc đảo chánh này xảy ra vì ông Hun Sen sợ. Những ai đã đến Cambodia trong những ngày trước khi vụ đảo chánh đã khó có thể tin là chuyện đó có thể xảy ra. Ðất nước lúc đó rất lạc quan. Các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ tràn lan. Tin đồn là lãnh tụ Pol Pot của tàn quân Khmer Ðỏ đã bị bắt và sẽ được đưa về xử ở thủ đô. Nhưng điều mỉa mai là sự tan rã của lực lượng Khmer Ðỏ lại chính là một trong những lý do dẫn đến sự sụp đổ của nền dân chủ Cambodia. Ðám tàn quân Khmer Ðỏ bây giờ trở thành quan trọng. Bên phe Hoàng tử Ranariddh tích cực tuyển mộ đám tàn quân này phần thì cũng đã có thời là đồng minh với nhau trong cuộc chiến chống lại Việt Nam mà ông Hun Sen vốn là đại diện. Ông Hun Sen, sợ với lực lượng mới sẽ làm cho phe bảo hoàng quá mạnh, bèn đáng phủ đầu, lật đổ Hoàng tử Ranariddh trước khi đám tàn quân Khmer Ðỏ trở về.
Hơn thế lịch sử cận đại lắt léo của Cambodia đã từng có một chương khác. Khi ông Hun Sen thất cử trong cuộc bầu cử được Liên Hiệp Quốc bảo trợ năm 1993, ông đã dọa sẽ tái tục cuộc nội chiến. Giải pháp đồng thủ tướng được đưa ra để giải hòa. Phái đoàn Liên Hiệp Quốc cũng như các quốc gia Tây Phương quá ngây thơ đã tưởng thế là yên. Họ không chịu hiểu là ông Hun Sen sẽ không đời nào từ bỏ quyền lực. Và vì biết chắc rằng cuộc bầu cử trong năm 1997 ông sẽ lại thua nên ông đánh phủ đầu.

Ông Hun Sen giải quyết được vấn đề nội bộ nhưng Asean bị một đòn nặng. Asean tìm cách giải hòa, lập lại trật tự cũ. Ðể tạo áp lực, Asean ngưng việc tiếp nhận Cambodia, một hành động cương quyết đầu tiên của một tổ chức mà nguyên tắc căn bản là không can thiệp vào nội bộ của nhau. Tại khóa họp của Hội nghị Ngoại trưởng ở Kuala Lumpur, Ngoại Trưởng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi, năm đó giữ chức chủ tịch luân phiên, tuyên bố, “Asean sẽ tiếp tục coi ông Ranariddh là đồng thủ tướng của Cambodia.” Nhưng đồng thời, cũng điển hình cho thái độ của Asean, hội nghị không chính thức lên án chính quyền của ông Hun Sen là “bất hợp pháp,” và họ cũng không ủng hộ kêu gọi của Hoàng tử Ranariddh đình chỉ viện trợ cho Cambodia cho đến khi chế độ đồng thủ tướng được tái lập. Hội đồng chỉ nói là “trước những hoàn cảnh bất hạnh vốn đã xảy ra vì sử dụng vũ lực, con đường khôn ngoan nhất là trì hoãn việc gia nhập của Cambodia đến một thời gian khác.”

Và để nhấn mạnh cho thấy sự cô lập của Cambodia, Asean đã tuyên bố Miến Ðiện, một quốc gia quân phiệt, và Lào, một quốc gia cộng sản độc tài khác, sẽ được nhận tham gia Asean trong hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 7 năm đó. Ông Hun Sen đã thản nhiên bảo Asean hãy đi chỗ khác chơi.

Và rút cuộc ông Hun Sen thắng. Cuộc bầu cử cuối cùng dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc năm 1997 là một trò hề. Người dân Cambodia đã bị cả thế giới bỏ rơi. Mặc dầu ông Hun Sen dùng đủ mọi thủ đoạn gian dối và đe dọa, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Âu Châu nhắm mắt tuyên bố cuộc bầu cử là “tự do và công bằng.” Ông Hun Sen trở thành nhà cai trị danh chính ngôn thuận của Cambodia.

Năm 1999, Cambodia trở thành hội viên thứ 10 của Asean!




No comments:

Post a Comment

View My Stats