Friday 13 July 2012

NGHE BÁC SĨ NÓI VỀ HỌA SĨ VIỆT NAM THỜI ĐÔNG DƯƠNG (Đỗ Dzũng / Người Việt)




Ðỗ Dzũng/Người Việt
Thursday, July 12, 2012 6:33:09 PM

SANTA ANA (NV) - Nếu không biết Bác Sĩ Hà Quốc Thái, nhiều người sẽ tưởng ông là một nhà nghiên cứu hội họa, thậm chí có thể là một họa sĩ, có hạng, khi nghe ông nói về các họa sĩ thuộc lớp đầu tiên của trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương, Hà Nội, qua buổi diễn thuyết tại viện bảo tàng Bowers, Santa Ana, hôm Chủ Nhật.

Bác Sĩ Hà Quốc Thái nói về tác phẩm sơn mài 5 miếng, “Tiên nữ,” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

“Tôi thích sưu tầm đồ cổ từ rất lâu,” Bác Sĩ Hà Quốc Thái giải thích. “Bắt đầu năm 1990, tôi có học nghệ thuật Việt Nam, rồi tìm tòi, học hỏi, và liên lạc với những nhà chuyên môn. Tôi muốn phổ biến, mang truyền thống hội họa ra khỏi nước Việt Nam, để quảng bá văn hóa Việt Nam tới các cộng đồng khác.”

Ngoài ra, Bác Sĩ Thái cũng đi đây đó, nghiên cứu, mua đấu giá, sưu tầm, làm quen với một số nghệ sĩ tốt nghiệp trường mỹ thuật Ðông Dương (Indochina Fine Arts College), để có những kiến thức hội họa.

Ông còn đi diễn thuyết nhiều nơi, vừa để quảng bá, vừa giúp gây quỹ cho các hội bất vụ lợi, ví dụ như Hội Ung Thư Việt Mỹ.

“Ðây là lần đầu tiên viện bảo tàng Bowers mời tôi nói chuyện, vì họ muốn tiếp cận với các cộng đồng khác,” Bác Sĩ Hà Quốc Thái nói. “Cộng đồng Việt Nam rất mạnh, họ muốn đưa văn hóa vào, và chúng ta có may mắn. Ðây là cơ hội để chúng ta giới thiệu văn hóa của mình với cộng đồng bạn.”

“Sau 37 năm sống ở Mỹ, tôi nghĩ đã đến lúc cộng đồng Việt Nam đưa những cái hay đẹp của văn hóa mình vào cộng đồng quốc gia sở tại,” Bác Sĩ Hà Quốc Thái nói thêm. “Hơn nữa, đây là hoạt động bảo tồn văn hóa cho con cháu mình, để người Mỹ hiểu mỗi khi nói đến Việt Nam, không chỉ có chiến tranh, mà còn có nhiều thứ khác, và cuối cùng, với tư cách thành viên trong cộng đồng, mình phải biết, phải tự hào với văn hóa của mình.”

Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, trong một giờ đồng hồ, Bác Sĩ Hà Quốc Thái đưa khán giả viện bảo tàng Bowers đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, qua từng thời kỳ của trường mỹ thuật Ðông Dương, qua từng tác giả và tác phẩm của họ, từ những họa sĩ được coi là “đại thụ” ngành hội họa Việt Nam cho đến những họa sĩ có tính cách rất đặc biệt.

Sau khi nói qua lịch sử trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương ở Hà Nội, do nghệ sĩ Pháp Victor Tardieu làm hiệu trưởng đầu tiên, Bác Sĩ Hà Quốc Thái đi ngay vào các họa sĩ Việt Nam, mà theo ông, ít nhiều chịu ảnh hưởng của người thầy sáng lập trường, một người theo trường phái ấn tượng.

Qua màn hình slide show, Bác Sĩ Hà Quốc Thái trình bày những họa phẩm của những sinh viên xuất sắc của trường như Nguyễn Gia Trí (Thiếu nữ miền Bắc, sơn mài), Trần Văn Cẩn (Cô gái, sơn dầu), Nguyễn Tường Lân (Ðôi bạn, tranh lụa), Tô Ngọc Vân (Bói Kiều, sơn dầu), Nguyễn Tư Nghiêm (Ngày hội, tranh giấy), Dương Bích Liên (Giã từ Picasso, sơn dầu và sơn mài), Nguyễn Sáng (Mưa Sài Gòn) và là người chuyên vẽ chân dung, và Bùi Xuân Phái, chuyên vẽ phố cổ Hà Nội và là một trong ít nghệ sĩ có tham gia triển lãm Lã Vọng ở Hồng Kông.

“Tôi gọi những người này là 'pillar,' những 'cây đại thụ' của hội họa Việt Nam,” Bác Sĩ Thái nói. “Một trong những bức tranh tiêu biểu là 'Ðôi bạn,' của Nguyễn Tường Lân. Nhìn vào bức tranh, chúng ta thấy ngay hai người đang rù rì với nhau, rất thân mật. Hai mái tóc của đôi bạn, khi chụm đầu vào nhau, được họa sĩ trình bày thành một, với một màu đen duy nhất.”
“Những người khác, sau này được học bổng đi Pháp học, tôi gọi họ là 'Parisians,' như Lê Phổ (tĩnh vật), Mai Trung Thư (lụa), Vũ Cao Ðàm và Lê Thị Lựu,” ông nói.

Bác Sĩ Hà Quốc Thái ký sách “Hội Họa Hà Nội - Những Kí Ức Còn Lại.” (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Ông cho biết, những họa sĩ này cũng có những cá tính rất đặc biệt.
“Mai Trung Thư vẽ lụa, nhưng là loại lụa đặc biệt, khác với lụa của Nhật và Trung Hoa,” diễn giả giải thích. “Hay như Lê Thị Lựu, vẽ trên lụa, nhưng rất giống sơn dầu. Sau khi vẽ, cho dù đẹp như thế nào, nếu có ai chỉ trích, và bà đồng ý, bà sẽ hủy bức tranh ngay.”

Ngoài những người này, còn có những họa sĩ khác, xuất sắc không kém, nhưng số phận cũng long đong, trước khi thành công.
Bác Sĩ Hà Quốc Thái nói: “Họa sĩ Phan Chánh là một trường hợp rất đặc biệt. Khi được nhận vào trường, ông là sinh viên lớn tuổi nhất. Bốn bức tranh của ông đều bị thầy Victor Tardieu cho điểm 0, nhưng không đuổi khỏi trường.”
“Sau đó, Victor Tardieu mang bốn bức tranh này về Paris dự triển lãm, và bán hết ngay,” Bác Sĩ Thái nói. “Sau đó, ông nói họa sĩ Phan Chánh cứ tiếp tục vẽ.”

Họa sĩ Lê Văn Ðệ cũng thuộc lớp đầu tiên của trường, theo Bác Sĩ Hà Quốc Thái, sau đó vào miền Nam, rồi được học bổng sang Pháp, được tiếp kiến Ðức Giáo Hoàng, khi về nước, được mời thành lập trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh ở miền Nam Việt Nam.
“Còn một số khác nữa, cũng rất nổi tiếng, như Trần Bình Lộc, nổi tiếng vẽ màu đỏ sông Hồng, Nguyễn Văn Ánh và Phạm Hậu.”

Bác Sĩ Hà Quốc Thái cho rằng, những họa sĩ thời kỳ Ðông Dương ít nhiều bị chính trị ảnh hưởng, vì thời cuộc lúc bấy giờ.
“Chiến tranh làm ảnh hưởng tư tưởng của họ rất nhiều, rồi thiếu nguyên liệu, rồi bị kiểm duyệt, như trường hợp Bùi Xuân Phái và Vũ Cao Ðàm,” Bác Sĩ Thái nói. “Một số bị bỏ tù, nếu không vẽ theo chỉ đạo của chính quyền. Nguyễn Ðỗ Cung bị bắt vẽ nhà sàn Bác Hồ, và ông vẽ. Nguyễn Tường Lân bị giết, tác phẩm bị hủy.”

Dù vậy, theo Bác Sĩ Hà Quốc Thái, tranh của các họa sĩ thời Ðông Dương ngày nay rất có giá, nhất là tại các cuộc đấu giá của Christie và Sotheby.
“Một bức tranh của Lê Phổ có thể bán được tới $250,000,” Bác Sĩ Thái cho biết.

Sau khi kết thúc buổi nói chuyện, Bác Sĩ Hà Quốc Thái trả lời một số câu hỏi của người tham dự.

Ông Nhật Hồ, cư dân Garden Grove, nhận xét: “Diễn giả đưa ra rất nhiều thông tin bổ ích. Tôi là một người mê hội họa, nhưng biết rất sơ sài. Nhờ tham dự buổi nói chuyện này mà tôi biết được thêm rất nhiều.”

Chị Tâm Nương, đang sống ở Anaheim, nói: “Tôi đi nghe với chồng tôi, ông cũng là người tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh, ít nhiều chúng tôi cũng biết về hội họa. Khi diễn giả trả lời, mặc dù có nhiều thông tin, nhưng một số chưa đúng lắm. Tôi hy vọng kỳ sau, diễn giả nghiên cứu thêm, như vậy sẽ tốt hơn.”

Khán giả nghe Bác Sĩ Hà Quốc Thái nói về họa sĩ Việt Nam tại Ðông Dương. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Sau buổi nói chuyện, Bác Sĩ Hà Quốc Thái ký tên sách “Hội Họa Hà Nội - Những Kí Ức Còn Lại” cho một số độc giả. Ðây là cuốn sách chú trọng đến thế hệ họa sĩ đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam, của nhà nghiên phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, do Bác Sĩ Hà Quốc Thái phụ trách xuất bản.

Bác Sĩ Hà Quốc Thái sinh tại Sài Gòn, cùng gia đình vượt biển và đến Hoa Kỳ năm 1979. Ông hoàn tất trung học tại Hoa Kỳ, và tốt nghiệp y khoa tại đại học UC Irvine. Ông đang hành nghề y khoa tại Torrance, California. Cùng với sự hỗ trợ của đại học Cal State Dominguez Hills, ông thành lập PICTURE Cultural Art Center vào năm 2010.

Buổi nói chuyện, với tựa đề “Nối Tiếp Truyền Thống: Mỹ Thuật Việt Nam Từ Trường Mỹ Thuật Ðông Dương” do viện bảo tàng Bowers tổ chức với sự phối hợp của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA).

Kết thúc buổi nói chuyện, Bác Sĩ Hà Quốc Thái cho biết dự định tương lai của ông là “nghiên cứu sắc đẹp của tượng Phật.”


Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com

-------------------------------

Lê Minh
Wednesday, July 11, 2012 6:33:59 PM

WESTMINSTER (NV) - Hội ảnh PSCVN sẽ tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 14 và 15 Tháng Bảy, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683. Vào cửa miễn phí.



Bình Sa  -  Việt Báo
07/13/2012

Westminster. (Bình Sa)- - Tại hội trường nhật báo Việt Báo 14841 Moran St Westminster CA 92683. Tối Thứ Năm ngày 5 tháng 7 năm 2012, Họa Sĩ Nguyên Nguyên (Adam Ho) đã tổ chức buổi trưng bày tranh nhân dịp đêm nhạc thính phòng "Kỷ Niệm Tình Yêu Và Cõi Đời" mở đầu cho chương trình Đại Hội Kỷ Niệm 40 Năm Tốt Nghiệp Khóa Đốc Sự 17 Quốc Gia Hành Chánh.




No comments:

Post a Comment

View My Stats