10.06.2012
BÀI 1: NGHI NGỜ VỀ TRÌNH ĐỘ NGOẠI NGỮ CỦA ÔNG DƯƠNG TƯỜNG
Nếu chỉ có vụ “dòng kẻ bằng những dấu chấm” [1]
không thôi thì tôi cũng đã cười lên ruột khi những “quý ông nông nổi giếng
khơi” [2]
như ông Toàn Phong bảo rằng phải như thế nó mới “lạ hóa, mê đắm, bệnh hoạn,
phát rồ, đầy điển cổ, gợi cảm, đầy trực quan, chây bầy chất nghệ, si mê bệnh
hoạn, ám ảnh”, [2]
hay ông Phạm Anh Tuấn cho rằng “người duy nhất có đủ khả năng phát hiện ra
những sai sót trong bản dịch Lolita lại không phải ai khác mà chính là... dịch
giả Dương Tường!”, rằng việc chê trách bản dịch Lolita chỉ là “một
trận cuồng phong vô duyên”, rằng “nếu Lolita không tạo nên được một trận
cuồng phong (có duyên) thì chỉ có thể trách người đọc”. [3]
Không biết những người như hai quý ông này đang nghĩ gì khi người ta đang tiếp
tục lôi ra hàng đống lỗi dịch nực cười từ cái cuốn “Lolita” ấy? Trên
trang webtretho đang phát động một phong trào dịch lại Lolita sao cho
phù hợp với cách trình bày tiếng Việt, nếu muốn thì những người như hai ông có
thể vào xem để biết thế nào là “chín nẫu tiếng Việt”. [2]
Nhưng ông Dương Tường không chỉ có “dòng kẻ bằng những dấu
chấm”. Cái “miền Columbia” của ông mới buộc tôi phải nghi ngờ về
trình độ ngoại ngữ của ông dịch giả này. Nó có giống “cái bồn nước của khu
Arsenal” và “cái Thư Viện Rất Lớn” không? Ở đây xin hiểu một cách
đương nhiên rằng khi đã nhận mình là dịch giả chuyên nghiệp thì không chỉ có
trình độ ngoại ngữ uyên thâm là đủ.
Theo những gì tôi còn nhớ được, qua đôi lần đọc mấy bài phỏng vấn
ông (hồi còn in trên báo giấy) thì ông “tự khai”: chỉ đi học đến hết tiểu học
rồi bỏ nhà theo kháng chiến chống Pháp. Trong một lần tấn công đồn, ông nhặt
được cả tủ sách tiếng Pháp của viên chỉ huy bỏ lại, nhìn tủ sách thì ông hiểu
tại sao thằng tây nó thua ông (???), rồi ông tự học tiếng Anh qua từ điển... Cứ
thế, ông trở thành “dịch giả uy tín” hồi nào không hay. Lâu lâu ông lại phán
một câu dạy khôn đời:
- Dịch “L’Etranger” thành “Kẻ xa lạ” thì ai dịch cũng được, kể cả
những người mới biết tiếng Pháp, không phải lao động gì cả, phải dịch là “Người
dưng”!
- “À la recherche du temps perdu” phải dịch là “Tìm lại thời gian
đã mất” chứ không phải “Đi tìm thời gian đã mất”! [4]
- “vân vân và vân vân...”
Để tiện so sánh, tôi xin nêu vài tựa sách đã được xuất bản trước
1975 tại miền Nam đối chiếu với những cái tựa do ông Dương Tường dịch:
Tôi không rõ có bao nhiêu tác phẩm dịch ký tên Dương Tường, nhưng
qua vài cuốn nêu trên thì có thể thấy Dương Tường không phải là người dịch đầu
tiên. Các tác phẩm đó đã được dịch rất thành công ở miền Nam trước 1975. Ông
Dương Tường hoàn toàn có quyền không đồng ý với cách dịch của các dịch giả
trước ông và làm theo cách của riêng ông, nhưng ông đừng có thái độ dè bỉu như
vậy khi ông nói về họ là “ai dịch cũng được, kể cả những người mới biết
tiếng Pháp, không phải lao động gì cả”. Thử hỏi các ông Tâm Nguyễn, Nguyễn
Hữu Hiệu, hay Lê Thanh Hoàng Dân có vừa dịch vừa đá giò lái đồng nghiệp rằng “dịch
như vậy ai dịch cũng được” như ông Dương Tường hay không, rằng đồng nghiệp
của họ chỉ là một đám “không phải lao động gì cả” hay không? Tức là chỉ
có ông Dương Tường mới đang lao động, mới đáng kể thôi sao? Vậy đã có cuốn sách
dịch nào ký tên ông mà hay bằng (chứ đừng nói hay hơn) những dịch
phẩm đã được in ở miền Nam trước 1975 chưa? Tôi xin có lời nhắn với ông Dương
Tường rằng khi nhắc đến miền Nam và những thành quả của nó, những người miền
Bắc như ông nên có thái độ trọng thị để tỏ ra các ông là những người có văn
hóa. Nếu ông thực sự có tinh thần cầu thị như ông nói[4]
thì ông hãy làm được cái việc đơn giản nhất là tôn trọng đồng nghiệp đi đã.
Văn minh miền Nam nói chung, dịch phẩm miền Nam nói riêng đã đi
vào lòng cả một thế hệ người Việt và tạo nên những tinh hoa mà tôi e rằng một
trăm năm nữa nước Việt cũng chưa chắc tìm lại được. Ông Dương Tường dường như
không làm gì khác hơn là nặn ra một cái na ná rồi kêu lên: cái này mới được nè!
Cái gì không nặn ra được na ná thì ông bảo ông không thích, vì như thế là
sai(?). Thử hỏi “Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh” với “Phía tây không
có gì lạ” thì cái nào hay, cái nào ngô nghê? Đúng là chỉ có những người không
phải lao động gì cả mới đổi nguyên xi “À l'ouest rien de nouveau” ra
“Phía tây không có gì lạ” thôi! Độc giả có thể đề xuất một cuộc thi dịch
lại các tựa sách rồi bình chọn xem đâu là những tựa hay ho, bay bổng, xác đáng
văn chương, ví dụ như “Gone with the wind” được dịch thành “Cuốn theo
chiều gió” mà sai và không hay thì như thế nào mới là đúng và hay?
Các khái niệm “kẻ xa lạ” và “người dưng”, “đi tìm” và “tìm lại”,
“đỉnh gió hú” và “đồi gió hú”, “con người chịu chơi” và “con người hoan lạc”,
“cuốn theo chiều gió” và ... “cái ông Dương Tường chưa nghĩ ra”, xin nhường lời
cho người đọc bình luận.
Trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên vietnamnet ngày
21/04/2012, ông Dương Tường cho biết ông thích làm việc với bản tiếng Pháp của
tác phẩm hơn bản tiếng Anh.[4]
Điều này dễ hiểu, bởi tiếng Pháp thì ông còn được thực dân dạy cho đến hết tiểu
học, chứ tiếng Anh thì ông chỉ tự học mò qua từ điển trong thời chiến tranh.
Hẳn ai cũng còn nhớ rằng trong thời nội chiến nam bắc 1954-1975, người dân miền
bắc có thể bị giam cầm không cần xét xử, không biết ngày về chỉ vì họ biết
tiếng Pháp hay tiếng Anh. Hai thứ tiếng đó bị coi là “tiếng địch”, biết để làm
gì nếu không phải để làm gián điệp, nên bị cấm có mặt trong đời sống hằng ngày.
Nhà cầm quyền miền bắc chỉ cho phép học tiếng Nga ở một số đối tượng hạn chế
như nhà báo hay sinh viên mà thôi.
Có một điều mà mọi dịch giả đều công nhận: việc dịch thuât từ tác
phẩm nguyên gốc sẽ tạo ra dịch phẩm tốt hơn so với việc dịch lại từ một ngôn
ngữ thứ ba. Nhưng vì sao nhiều dịch giả miền Nam trước 1975 đã dịch các tác
phẩm của Nga, Đức, Ý... chỉ qua bản tiếng Anh hay Pháp, vậy mà họ vẫn dịch được
rất hay? Bởi lẽ họ được hưởng một nền giáo dục tự do tư tưởng đúng nghĩa, và họ
đã làm công việc dịch thuật với đầy đủ tinh thần trách nhiệm vì người đọc. Đáng
tiếc cho ông Dương Tường không được hưởng nền giáo dục đó nên ông đã cho ra
những dịch phẩm “chây bầy chất nghệ”, vì ông đã tự nhận rằng tiếng Pháp ông
vững hơn (hơn tiếng Anh của ông mà thôi).
Ngày bắc tràn vô nam để “nâng đời sống miền nam lên cho bằng miền
bắc” không xong đành phải mở cửa cho “thực dân đế quốc ngoại bang” vô “nâng phụ
một tay”, nhìn lại thì đám học thật dịch thật đã bị đào tận gốc
trốc tận rễ hết rồi, đâu còn mấy ai dịch được bằng 2 thứ tiếng “thực dân - đế
quốc” đó nên “ở xứ mù thằng chột làm vua”, người ta thổi ông lên thành dịch giả
tên tuổi, thành người thông thạo văn hóa Âu Mỹ và lờ tịt đi những bản dịch ở
miền Nam, cứ như thể không có ông thì dân tình xứ này sẽ ngu hết á! Được tâng
bốc thì ông cũng khoái nên thây kệ năng lực thật sự của mình, ông cứ chui vào
cái áo rộng rinh chẳng vừa với ông chút nào. Đến “District of Columbia” ông
cũng không biết thì ông thông thạo văn hóa Mỹ như kiểu gì, đây là kiến thức sơ
đẳng mà. Hay là ông không biết cách tra cứu trên internet? Ông thử hỏi những
người mới biết tiếng Anh không phải lao động gì cả xem có ai bảo đấy là cái
“miền Columbia” như ông không? Tự ông đã tố cáo cái trình độ của ông cho
chúng tôi biết tỏng là nó cao siêu cỡ nào, “District of Columbia” ai dịch
cũng được mà ông lại dịch không được?????
Từ cái lỗi sơ đẳng đó khiến tôi phải đặt câu hỏi, có lẽ nào những
cuốn được coi là dịch phẩm của ông xưa nay chỉ là những thứ ông “xào nấu” lại
từ bản dịch ở miền Nam trước 1975, và nếu có “hâm” lại thì ông chỉ “hầm” trên
bản tiếng Pháp mà thôi, rồi ông thay cái tựa, ông “thêm mắm thêm muối” vài chỗ,
là xong? Chỉ đến hôm nay ông vớ phải một cuốn mới toanh, chẳng có cái gì để dựa
dẫm, lại là bản tiếng Anh nguyên con như “Lolita” nên sự thật mới lòi ra?
Nói thật là tôi không thể tin vào một ông làm thì chẳng có gì hay
mà miệng thì luôn chê bai người khác. Nếu ông là người có năng lực thật sự
thì sao ông không chọn những tác phẩm mới để dịch, mà ông chỉ xào xáo lại những
thứ đã có rồi luôn miệng phủ nhận cái người khác đã làm trước ông như vậy? Việc
dịch như thế nào là việc của ông, còn đánh giá như thế nào là việc của độc giả,
tại sao ông cứ phải vừa đá bóng vừa thổi còi vừa rao bán vé? Chỉ mới bắt tay
vào dịch “À la recherche du temps perdu” thôi, chưa biết kết quả sẽ như thế nào
(ai dám cam đoan sẽ không là một “cái miệng nam tiến” nữa?), mà từ bây giờ ông
đã phải mất công quảng cáo rằng tôi dịch thế này thế nọ với người đó người kia,
chi vậy? Đến tận bây giờ là năm 2012 rồi mà các ông vẫn còn muốn biện hộ theo
cái lối “lấy cần cù bù thông minh”: ông lấy con số 2 năm cặm cụi ở cái tuổi 80
để làm giấy chứng nhận cho một bản dịch, ông hậu sinh khả úy Cao Việt Dũng của
ông lấy “4 lần xem đi xem lại” để chứng tỏ sự cẩn trọng. Thưa ông rằng những
con số đó đối với độc giả không có giá trị. Họ đủ nhạy bén và thông minh để
phát hiện ra ngay những cục sạn to đùng mà chẳng cần gì tới 2 năm hay 4 lần cả.
Vậy nên đừng nói 2 năm, dẫu có tốn 20 năm mà người nấu đã vụng thì món ăn vẫn
cứ dở chứ chẳng cách nào thành ngon được.
Ông Dương Tường đang được xưng tụng ở Việt Nam theo kiểu ở trên
đã cho ông là lão thành đáng kính thì ở dưới không ai được “nói đụng” tới ông,
bởi vậy mà các tờ báo trong nước đều không dám nói ông sai, ông dốt, mà có
chăng chỉ là “chưa đúng cần chỉnh sửa” (giống như không phải có nhiều trẻ em bỏ
học mà là chúng “tự nguyện không đến trường”, không phải thanh niên thất nghiệp
mà là “chưa được bố trí việc làm”, không phải dân oan biểu tình mà là “quần
chúng khiếu kiện đông người”, vân vân và vân vân...). Vậy nên dù sự thật về ông
Dương Tường có thế nào đi nữa thì chắc cũng chỉ có một mình ông biết, bất cứ ai
dám nói ông cũng đều là tấn công cá nhân chẳng đáng màng tới, như thể
ông đang ngồi rung đùi thách thức sau khi vừa chỉnh tề khăn áo ra mắt kiệt tác
dịch dọt của ông rằng “còn cả chục lỗi cần sửa đó (đố chúng mày tìm ra!)”. Âu
đó cũng là một thực trạng không có gì lạ ở đất nước này.
Diên Vỹ
_________________________
Link tham khảo các bài viết có liên quan:
[1]Phân
tích những lỗi dịch sai của Dương Tường trong “Lolita”:
Linh Hương (Lavender): Những lỗi dịch
trong bản dịch Lolita của Dương Tường (phần 1) - (phần 2)
- (phần 2.1)
[2]Bài
viết của Toàn Phong: “Trên dòng kẻ
chấm” và chuyện dịch thuật của Dương Tường
[3]Bài
viết của Phạm Anh Tuấn: “Lolita” và
những quý ông... nông nổi giếng khơi?!
[4]Dương
Tường trả lời phỏng vấn vietnamnet: Dịch giả Dương Tường:
“Lolita” còn nhiều sai sót
*
*
16.06.2012
BÀI 2: NHÃ NAM VÀ CÁC TỔNG BIÊN TẬP
Như tôi được biết, trước khi có sách bị thu hồi ông Cao Việt Dũng
là trưởng ban dịch thuật của công ty Nhã Nam, nay chức vụ này do ông Trần Tiễn
Cao Đăng chịu trách nhiệm. Trong bài này tôi xin trình bày vài suy nghĩ của tôi
về hai người, một người đã và một người đang, ngồi ở vị trí này; sau đó là về
công ty nơi họ đang làm việc.
2.1 Ông Cao Việt Dũng
Tôi đã phải rất đắn đo trước khi viết về ông bởi lẽ tôi thực sự
không muốn đào bới thêm vết thương (nếu có) trong ông lúc này. Nhưng tôi nhận
thấy trên thực tế ông đã chọn thái độ đứng ngoài cuộc mổ xẻ này từ đầu và nay
lại tiếp tục miệt mài với công việc mà ông cho là đáng quan tâm hơn: blogging.
Do đó, là một người đã từng đánh giá cao ông, tôi thấy mình hoàn toàn có quyền trình
bày những suy nghĩ dưới đây.
Tôi đã từng rất hy vọng ở ông với tuổi trẻ, tài cao, học rộng
(Google cho biết: ông mười bốn tuổi đã dịch “Sản nghiệp nhà Rougon”, học cấp 3
tại trường chuyên Hà Nội-Amsterdam, tốt nghiệp đại học Ngoại thương rồi du học
Pháp tại École Normale Supérieure de Paris [nơi Phạm Duy Khiêm và Trần Đức Thảo
từng theo học] và Đại học Sorbonne) ông đã không chọn con đường trở thành giám
đốc như bao người mà lại chọn con đường dịch thuật với đủ mọi thách thức và
thua thiệt. Tôi đã từng mơ: với ông người ta có thể thấy lại một Bùi Giáng hay
một Phạm Công Thiện. Nhưng hôm nay thì tôi đành phải hết sức thất vọng mà đặt
câu hỏi về ông như thế này: Làm sao mà một người có trình độ học vấn như ông
lại có thể phạm những lỗi ngớ ngẩn đến như vậy về Việt văn và Pháp văn? [1]
Tôi xin cam đoan rằng nếu có phải giả bộ ngốc nghếch thì tôi cũng không thể nào
viết ra được những câu văn gây cười như thế bằng tiếng mẹ đẻ. Hai “cái trường
rất lớn” ở Hà Nội có thể tuyển ông vào học, các nhà xuất bản trong nước có thể
ẩu tả in sách của ông, bảy trăm tờ báo trong nước có thể hùa theo tán tụng ông,
những việc này không có gì lạ. Nhưng chẳng lẽ cả hai cái trường danh tiếng thế
giới kia cũng u mê mà cấp học bổng và công nhận tốt nghiệp cho một người không
vững văn phạm, không phân biệt nổi đâu là động từ être, đâu là động từ suivre,
không biết “le bassin de l’Arsenal” là bến thuyền, “un grenier avec une verrière”
là cái tầng áp mái, “la Très Grande Bibliothèque” là Thư Viện Quốc Gia hay
sao? Ai có thể tin nổi?
Vậy nên tôi lại buộc lòng phải nghi ngờ:
1. Có thật ông Cao Việt Dũng đã du học và tốt nghiệp tại hai
trường danh tiếng ở Pháp không?
2. Có thật chính ông Cao Việt Dũng là người đã dịch những cuốn
sách đầy lỗi kia không?
Google cho biết ông Cao Việt Dũng đã dịch hơn 20 cuốn, nếu có được
sự kiểm tra lại toàn bộ những dịch phẩm này và cho kết luận rằng cả 20 cuốn ấy
đều mắc lỗi sai như những cuốn đang được phân tích trên Tiền Vệ thì tôi không
còn gì để nghi ngờ về khả năng dịch thuật của ông Cao Việt Dũng nữa. Nhưng nếu
kết quả kiểm tra là những cuốn ấy không sai, là rất tốt, thì tôi ngờ rằng những
cuốn sai này không phải do ông Cao Việt Dũng dịch, mà ông Cao Việt Dũng đã đưa
cho người khác làm rồi ký tên vào. Hà cớ gì người dịch là đàn ông mà vừa
trông thấy chữ “intestin” lại có thế nghĩ ngay tới cái tử cung của phụ nữ? Phải
chăng người dịch này là phụ nữ, nên sẵn đó cho “sadisme” thành “bạo dâm” luôn
mà quên béng rằng hai nhân vật trong ngữ cảnh là mẹ và con gái? Phải chăng
chính người phụ nữ này mới là người ấm ớ cả Việt văn và Pháp văn nên mọi hành
vi văn chương với người này chẳng có ý nghĩa gì hết, câu văn ngang phè phè mà
vẫn cứ phang ra được?
Nếu kết quả kiểm tra trả lời cho 2 nghi ngờ trên của tôi là: ông
Cao Việt Dũng có học và tốt nghiệp tại hai trường danh tiếng ở Pháp, chính ông
là người đã dịch hơn 20 cuốn đầy lỗi, thấy chữ “l’intestin” là ông nghĩ ngay
tới cái tử cung của phụ nữ; thì tôi lại buộc phải có nghi ngờ thứ ba:
3. Thần kinh tư duy của ông Cao Việt Dũng hoạt động không bình
thường?
Tôi không hề có ý muốn các nghi ngờ của tôi trong loạt bài này là
sự thật, vì không có những sự thật ấy thì những gì mà những người có tên nêu ở
đây đã làm cũng đủ khiến cho sự thất vọng về họ lên đến đỉnh điểm rồi. Tôi xin
phép được nói về sự thất vọng ấy ở bài sau.
2.2 Ông Trần Tiễn Cao Đăng
Người ta gọi ông là hiệp sĩ từ sau khi ông phát hiện ra “thảm họa
dịch thuật” (từ dùng của chính ông): cuốn “Mật mã Da Vince” do bà Đỗ Thu Hà
dịch, vào năm 2005.[2]
Rồi người ta lại thấy ông nổi giận khi dư luận trách cứ ông đã không lên tiếng
về việc dịch trật của ông Cao Việt Dũng:[3]
“Chỉ những kẻ rất thiếu sự khoan dung thì mới, một cách hả hê,
ngoáy sâu vào nỗi đau của một người là cảnh sát, từng đích thân truy bắt và
trừng trị nhiều tội phạm, lại là cha của một đứa con tội phạm.
Những kẻ như thế chắc chắn không bao giờ thèm biết rằng người cha
đó, khi đối mặt đứa con ấy, đã muốn giết nó như thế nào và phải tự ngăn mình
làm điều đó như thế nào.
Tôi việc gì phải nói cho họ biết tôi đã hét to như thế nào khi làm
việc với các biên tập viên Nhã Nam chịu trách nhiệm chính về "Bản đồ và
vùng đất".
Việc gì tôi phải nói cho họ biết tôi đã trao đổi những gì với Cao
Việt Dũng, với tư cách cùng là người của Nhã Nam, và với tư cách dịch giả đồng
nghiệp.
Nói cho họ làm cái gì? Họ không có tư cách để biết những chuyện
đó.”
Tôi rất muốn tin là ông Trần Tiễn Cao Đăng nói thật, rằng ông đã
phải “hét to như thế nào khi làm việc với các biên tập viên Nhã Nam chịu trách
nhiệm chính về “Bản đồ và vùng đất”, và tôi muốn được nghe ông cũng hét to như
thế với “Hạt cơ bản”, “Vô tri”, “Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu”. Nhưng dẫu
cho ông có hét to gấp mười lần thế thì cũng chỉ có những biên tập viên ở công ty
Nhã Nam nghe thấy mà thôi, chứ thiên hạ bên ngoài làm sao mà biết như dạo nào
ông “hét” bà Đỗ Thu Hà! Giá ông cũng làm như hồi đó là lên tiếng trên báo chí
đòi “loại bỏ vĩnh viễn những thảm họa đó khỏi đời sống văn học”,[2]
khi các biên tập viên dốt nát và ương bướng của Nhã Nam không chịu nghe lời ông
mà sửa sai thì ông khẳng khái dứt áo bỏ đi khỏi công ty này. Nếu ông làm được
một trong hai việc đó thì tôi tin độc giả sẽ tôn thờ ông là hiệp sĩ đến suốt
đời! Nhưng trên thực tế không ai biết ông đã nói gì, làm gì lúc đó; chỉ thấy
ông bây giờ ngồi vào cái ghế của ông Cao Việt Dũng.
Vì độc giả chỉ thấy ông im lặng nên họ có quyền nghĩ ông là người
“ăn cây nào rào cây nấy”, là người “ngậm miệng ăn tiền”, là anh chàng hiệp sĩ
đã “bán mình” và họ phải đặt dấu hỏi về vai trò trách nhiệm của ông. Thấy vậy,
ông liền hằn học phát biểu rằng họ là những kẻ thiếu khoan dung không có tư
cách để biết rằng ông đã hét to với các biên tập viên và đã trao đổi với
ông Cao Việt Dũng những gì. Như tôi đã nói ở trên: ông chỉ “hét với nhau” ở
trong phòng làm việc và nói chuyện riêng với ông Cao Việt Dũng thì làm sao
người ngoài biết được! Và nữa, từ “khoan dung” chỉ dùng để chỉ thái độ rộng
lượng đối với người biết nhận lỗi. Còn ông, ông mắng người phê phán mình ngay
từ câu đầu tiên thì họ có thể “khoan dung” với ông bằng cách nào?
Thái độ hằn học này của ông đã chứng tỏ ông không chỉ hết sức vô
trách nhiệm mà còn rất vô ơn nữa, bởi những người “thiếu khoan dung không có tư
cách” ấy chính là những người đã ủng hộ ông, đã tôn xưng ông là hiệp sĩ, đang
bỏ tiền ra mua sách của Nhã Nam và đóng góp cho Nhã Nam những điều mà không một
nhân viên nào của Nhã Nam làm được!
Khi người ta phát hiện ra vụ “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm”,
thì ông Trần Tiễn Cao Đăng tiếp tục có phản ứng:[3]
“Nói gọn, đây không phải là một lỗi dịch sai; cùng lắm nó chỉ
là một điểm có thể tranh luận. Trong giới dịch thuật, người ta phân biệt
hai khái niệm này rất rõ. Chỉ nêu một điểm này ra và cứ bám vào đó mà khăng
khăng nói rằng “ngay cả một dịch giả lão thành như Dương Tường cũng dịch có
lỗi”, rồi thì nối kết chuyện đó với tình trạng “dịch loạn”, “dịch ẩu” mà dư
luận đang quan tâm trong thời gian gần đây, đó là một việc làm thiếu chín chắn,
thiếu công tâm.”
“Bản thân tôi, trước khi nói rằng một cuốn sách nào đó dịch
sai, tôi phải đọc kỹ bản dịch, đọc kỹ bản gốc (dĩ nhiên là phải dựa trên
điều kiện tôi nắm chắc ngôn ngữ của bản gốc), đối chiếu hai văn bản hết sức
kỹ lưỡng, để lọc ra một con số đủ lớn những chỗ mà tôi tin chắc là lỗi -
trên cơ sở sự suy xét, thẩm định thấu đáo, khách quan hết sức có thể của mình.
Chỉ khi đó tôi mới tự cho phép mình kết luận đó là một bản dịch không tốt, hay
một “thảm họa dịch thuật”, cụm từ tôi đã dùng một lần duy nhất (và lúc tôi dùng
nó, tôi không thể nào lường trước nó lại trở thành một khái niệm được nhiều người
dùng lại đến như vậy).”
“Tác giả những bài báo có dụng ý gộp chung “Lolita” vào hàng
những cuốn “dịch loạn” (ở đây tôi muốn mở dấu ngoặc: “dịch loạn” là một
cụm từ một số người hay dùng, nhưng bản thân tôi không muốn dùng) rõ ràng
là đã không làm việc đó - không hiểu là do họ thấy không cần làm hay là họ
không có khả năng làm. Họ đã không hề làm cái việc đáng ra họ phải làm: trước
khi gộp chung “Lolita” vào cái họ gọi là các sách “dịch loạn” khác, họ phải mổ
xẻ bản dịch đó đến nơi đến chốn như tôi vừa nói cái đã. Nếu họ không đủ sức
làm thế, họ có thể mời một chuyên gia, một dịch giả chuyên nghiệp, để bảo đảm
sự khách quan và cơ sở khả tín của bài viết. Họ không làm thế. Việc duy nhất họ
làm là đi cóp cái đoạn viết về cụm “on dotted lines” ấy từ một diễn đàn trên
mạng, thêm thắt dăm ba dòng, biến báo đôi ba chỗ, thế là thành bài viết, thành
sự kết luận rằng “Lolita” có lỗi. Đó là một kết luận hồ đồ, kết quả của một
cách làm việc thiếu ý thức trách nhiệm.”
“Lolita” là một trong những bản dịch văn chương nước ngoài ra
tiếng Việt công phu và xuất sắc nhất mà tôi được đọc trong nhiều năm qua. Và tôi
chân thành mong rằng tất cả mọi người, nhà báo cũng như độc giả, trước khi hùa
theo ai đó lên tiếng này nọ về “Lolita”, hãy làm cái việc đáng làm trước hết là
đọc kỹ nó, với tâm thế rộng mở, không định kiến.”
Trong đoạn trích này ông Trần Tiễn Cao Đăng khẳng định như sau:
1. “Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” không phải là một lỗi dịch
sai, cùng lắm chỉ là một điểm có thể tranh luận.
2. Trước khi nói một bản dịch là sai, ông Trần Tiễn Cao Đăng phải
đọc kỹ bản dịch và bản gốc để đối chiếu. Những người không làm được như thế mà
nói nọ nói kia là hồ đồ, thiếu ý thức trách nhiệm.
3. Ông Trần Tiễn Cao Đăng không chấp nhận việc gộp cuốn “Lolita” vào
danh sách những cuốn dịch loạn.
4. “Lolita” là một trong những bản dịch văn chương nước ngoài ra
tiếng Việt công phu và xuất sắc nhất mà ông Trần Tiễn Cao Đăng được đọc trong
nhiều năm qua.
Tôi xin đáp lại những ý trên của ông Trần Tiễn Cao Đăng như sau:
1. Nếu “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” không phải là một lỗi dịch
sai thì những kiểu dịch như “miền Columbia”, hàm ý cho cha Humbert làm trai
bao, “cái miệng Nam tiến”, hay cho bé Lolita nằm tơ hơ ngoài “piazza”- quảng
trường (?!) (và còn rất nhiều nữa) có phải là sai không, hay cũng chỉ là một
điểm đáng tranh luận? Kiểu dịch như thế đã đủ để chứng minh rằng ngay cả
một dịch giả lão thành như Dương Tường cũng dịch có lỗi (thậm chí sai bét
nhè) hay chưa? Đó là tôi còn chưa nói đến những kiểu diễn dịch tiếng Việt tối tăm
như “ngọn lửa nơi hạ bộ” hay “phòng thí nghiệm tâm trí”. Độc giả không chỉ bám
vào “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” để đánh giá Lolita, “trên dòng kẻ bằng
những dấu chấm” chỉ là một cách diễn dịch ngây ngô khởi đầu để họ phải mua bản
tiếng Anh về đối chiếu rồi nhận chân ra năng lực của người dịch mà thôi. Cho
đến nay họ vẫn tiếp tục chỉ ra hàng đống lỗi ngớ ngẩn tương tự đấy. Sự thật thì
ai mới là người chỉ nêu một điểm này ra rồi khăng khăng nói?
2. Đọc đoạn này thì tôi hiểu rằng ông Trần Tiễn Cao Đăng đã đọc
kỹ bản dịch, đã mổ xẻ nó đến nơi đến chốn và ông không thấy nó sai, với ông
thì “Lolita của Dương Tường là một trong những bản dịch văn chương nước
ngoài ra tiếng Việt công phu và xuất sắc nhất mà ông được đọc trong nhiều năm
qua”. Vậy ông có thấy “miền Columbia” sờ sờ ngay trang đầu không?
Với những phân tích của người đọc trong và ngoài nước đang rất sôi nổi trên
trang Tiền Vệ thì nhận xét của ông có xác đáng không? Với tư cách là tổng biên
tập của Nhã Nam, ông hết lời ca tụng một dịch phẩm trật lất ngay ở trang đầu
tiên và còn tiếp tục trật lất ở những trang sau nữa, vậy đó có phải là thái
độ hồ đồ, thiếu ý thức trách nhiệm không? Có phải là một việc làm thiếu
chín chắn, thiếu công tâm không?
3. Với những lỗi dịch sai như thế thì Lolita có đáng bị xếp vào danh
sách dịch loạn hay không? Nếu ông vẫn nhất quyết không chịu thì tôi sẽ đưa nó
vào danh sách “dịch hạch, dịch tả hay dịch vật”, chắc ông vừa lòng? “Dịch loạn”
là một cụm từ được ông/bà Hà Thúc Lang lần đầu tiên dùng để chỉ những lỗi dịch
thuật không thể chấp nhận được, cũng giống như cụm từ “thảm họa dịch thuật” của
ông mà thôi. Sao ông phải tránh không nói thẳng ra là trang Tiền Vệ đã đăng cụm
từ “dịch loạn” mà chỉ nói “một số người dùng”, trong khi bài ông “hét” về “thảm
họa dịch thuật” cách đây 7 năm đã được ông gửi đăng trên trang Talawas?
4. Công phu (nghe nói ông Dương Tường đã tốn 2 năm để dịch) và xuất
sắc (do ông Trần Tiễn Cao Đăng đánh giá) mà ngay những trang đầu tiên đã lộ
ngay ra cái trình độ thảm hại của người dịch vậy sao?[4]
Không biết thật sự ông hiệp sĩ có “làm cái việc đáng làm trước hết
là đọc kỹ nó, với tâm thế rộng mở, không định kiến” hay không mà dám lên mặt bảo
ban thiên hạ đừng có mà “hùa theo ai đó” lên tiếng này nọ về “Lolita” do lão
thành dịch giả của ông công phu rị mọ? Tôi xin một lần nữa nhắc cho ông nhớ
rằng những người mà ông vừa mỉa mai rằng “hùa theo” và “ai đó” ấy chính là
những độc giả đã và đang lên tiếng về cái sự dịch loạn, cũng chính nhờ sự lên
tiếng rất xác đáng của họ mà Nhã Nam đã phải thu hồi 1 trong nhiều cuốn dịch
bậy. Chính họ, những độc giả đã bỏ tiền ra mua sách nuôi sống công ty Nhã Nam
và để Nhã Nam có tiền trả lương cho ông, chứ không phải bất cứ một nhà văn, một
nhà báo, một nhà phê bình hay một dịch giả nào như ông ở cái đất nước này!
Đường đường là trưởng ban biên tập mà ông không những không thấy được cái sai
thù lù trên sách của công ty ông in ra mà còn tâng bốc nó lên tận mây xanh, khi
bị phê phán thì giãy nảy lên bênh lấy bênh để một cách đáng xấu hổ rồi xấc xược
lên mặt bề trên mà phủ đầu thiên hạ. Với năng lực và nhân cách ấy, ông lấy tư
cách gì mà có thể tự cho mình ung dung ngồi vào cái ghế của người tiền nhiệm?
Trong một nỗ lực cuối cùng để dẹp yên dư luận, ông Trần Tiễn Cao
Đăng viết:[3]
“Một lời cuối cùng cho tất cả những ai còn muốn nói gì đó với tôi
về chuyện này:
Việc quan trọng nhất của tôi không phải là nhảy chồm chồm lên và
la hét bất cứ khi nào có một bản dịch tồi xuất hiện trên văn đàn.
Tôi có những việc quan trọng hơn thế nhiều.
Thời gian của cuộc đời tôi cần phải dành cho những việc nào hơn,
điều đó tôi biết và không cần ai khác biết.
Càng không cần ai chỉ dạy tôi về điều đó.
Về bản dịch của Cao Việt Dũng, một mình Hà Thúc Lang là đủ.”
Thế là xong. Hết. Thiên hạ cứ ngồi đấy chờ những Hà Thúc Lang đi,
còn ông Trần Tiễn Cao Đăng thì có nhiều việc quan trọng hơn đáng làm, biết mười
mươi là cộng sự sai đấy nhưng ông không nói đâu. Vậy nhé!
2.3 Đầu nậu sách Nhã Nam
Tôi xin hỏi công ty Nhã Nam với những tổng biên tập là thần đồng
dịch thuật và trung niên hiệp sĩ như thế, rồi giao tác phẩm cho những lão thành
dịch giả bất khả xâm phạm kia thì có còn xứng đáng được sự tín nhiệm của độc
giả nữa không? Dường như người đứng đầu công ty không có một chút kiến thức nào
về văn chương học thuật cả mà chỉ biết phó mặc toàn bộ cho những người nổi
tiếng để họ mặc sức tung hoành, còn mình thì chỉ làm công việc của một nhà kinh
doanh thuần túy bán sách kiếm lời, khi sự việc vỡ lở mới lúng túng tìm cách
chữa cháy, hay tệ hơn nữa là “mất bò mới lo làm chuồng” mà cái “Hội đồng thẩm
định” là một ví dụ. Hội đồng thẩm định ấy gồm những ai? Họ có hiểu biết chuyên
sâu nào trong lĩnh vực dịch thuật không, có dịch được tác phẩm nào có giá trị
không? Nhã Nam hãy trả lời cụ thể đi, đừng đem cái “nhà xuất bản văn học” ra
dọa độc giả nữa. Tôi có nhận xét rằng không một biên tập viên nào ở Nhã Nam dám
“biên tập” các ông Cao Việt Dũng hay Dương Tường cả, bởi các tên tuổi này đã
được tôn vinh là “đỉnh cao” rồi, là giấy kiểm định chất lượng cho bản dịch rồi,
dễ ai có được cái CV như ông Cao Việt Dũng hay “nửa thế kỷ dịch thuật” như ông
Dương Tường mà dám bảo họ sửa! Vậy nên khi họ đưa bản dịch tới là Nhã Nam đem
in luôn, chứ nếu chỉ cần đưa cho một biên tập viên có trình độ ngôn ngữ trung
bình đọc lại thôi ắt cũng phải thấy ngay những câu văn tiếng Việt kỳ quái, vô
nghĩa, chỉ có tác dụng gây cười ấy.[1]
[4]
Tại sao Nhã Nam chỉ thu hồi một cuốn “Bản đồ và vùng đất” trong
khi có ít nhất ba cuốn khác cũng sai trầm trọng không kém? Nhã Nam đã phải chịu
nhận là sai và “quyết định tiến hành hiệu đính bản dịch cho lần tái bản ngay
sau đây” đối với cuốn “Vô tri”,[5]
thế còn số sách dịch sai phát hành lần trước đã bán rồi thì sao? Không thấy Nhã
Nam nói gì đến quyền lợi của độc giả bị thiệt hại cả, họ sẽ phải bỏ tiền ra mua
lần nữa và hồi hộp đem về đọc xem nó…có sai không hay sao? Liền sau “Bản đồ và
vùng đất” là “Lolita”, vậy thì sẽ có bao nhiêu cuốn sách dỏm tương tự mà Nhã
Nam sẽ phát hành trong tương lai? Phải chăng những cuốn sách khác đã phát hành
rồi đang được coi như ổn chỉ vì chưa có ai phân tích là chúng sai mà thôi? Độc
giả-những khách hàng bỏ tiền ra mua sách để Nhã Nam có được tên tuổi như ngày
nay-chỉ là những nạn nhân tiềm ẩn về cả vật chất lẫn tinh thần, là lũ ngốc để
bị dụ khị, là cái bung xung để hứng những lời đe nẹt theo kiểu “trứng đừng đòi
khôn hơn vịt!” hay “đừng vì một phép tu từ mà quay lưng lại với cả kiệt tác!”
(họ là “thượng đế” mà vẫn bị bắt phải “quay” dưới sự cho phép thì mới được
yên!); bị coi như những kẻ ngồi lê đôi mách tầm thường chỉ biết điền đơn xin cho
con đi học chứ không biết gì về văn chương bóng bẩy,[6]
là “nhân tố chính có khả năng làm thui chột hay thậm chí giết chết nhiệt tình
làm việc của giới dịch giả gây thiệt hại cho toàn thể cộng đồng”,[3]
vân vân, phải không? Đến thời điểm hiện tại, thực tế đã chứng minh những phản
ứng và phê phán của độc giả là xác đáng, Nhã Nam có thấy cần phải lên tiếng xin
lỗi và bảo vệ thanh danh cho họ, đồng thời nêu đích danh những người có thái độ
trịch thượng đã kết án họ để tránh những việc tương tự có thể bị lặp lại không?
Nếu Nhã Nam vẫn không có những ứng xử cần thiết mà chỉ biết đưa ra
những thông cáo như thế này[5]
trong hiện tại cũng như tương lai thì tôi có ba đề xuất để Nhã Nam lựa chọn như
sau:
1. Trước khi phát hành một bản dịch chính thức, Nhã Nam hãy phát
hành một bản không chính thức để độc giả có thể thoải mái góp ý chỉnh sửa (đưa
lên internet để khỏi tốn tiền giấy in). Sau khi việc chỉnh sửa đã hoàn thành
rồi, Nhã Nam phải tuyển dụng (những) độc giả có những đóng góp xác đáng ấy
vào làm việc trong ban biên tập thay thế (những) biên tập viên được phân công
chịu trách nhiệm với bản dịch đó nhưng đã không làm tròn bổn phận, kể cả chức
vụ tổng biên tập. Cách thanh lọc này sẽ giúp Nhã Nam dần dần có được một
đội ngũ biên tập đáng tin cậy. Nhã Nam có công nhận những người có bài đăng
trên Tiền Vệ phân tích việc dịch sai[1]
[4]
là những độc giả đang làm rất tốt công việc của người biên tập không?
2. In sách ra và ghi rõ “Chỉ bán cho những độc giả sẵn sàng nhắm mắt
tâng bốc như Toàn Phong, Phạm Anh Tuấn và Trần Tiễn Cao Đăng”.
3. Đừng làm sách văn học bán nữa mà nên chuyển qua kinh doanh mặt
hàng khác, bởi bán thứ văn chương nghệ thuật dỏm thì cũng đầu độc tâm hồn và
cảm xúc chẳng khác gì bán thức ăn độc gây bệnh chết người.
Nếu Nhã Nam không thể có đủ can đảm và lựa chọn dứt khoát để làm
một trong ba việc trên mà vẫn giữ thái độ đối phó như hiện nay thì tôi là một
khách hàng của Nhã Nam sẽ buộc phải hành xử như sau:
- là người đi mua sách mà vừa lật ra đọc ngay trang đầu tiên đã
thấy cái kiểu diễn dịch “miền Columbia” thì tôi biết ngay trình độ của người
dịch và tôi liệng cuốn sách đó qua một bên luôn chứ không phí thì giờ mà suy
diễn rằng đó là phép ẩn dụ của kiệt tác!
- là người bị hại khi mua phải sách dỏm của Nhã Nam thì tôi có
quyền kiện ra tòa đòi bồi thường và yêu cầu Nhã Nam đuổi việc những người có
trách nhiệm mà bất tài kém đức!
- là người biết kính phục và ngưỡng mộ các dịch giả văn học miền
Nam năm xưa và được vun trồng bằng dòng văn chương ấy, tôi tuyên bố tránh xa
cái miền dịch hạch - dịch tả - dịch vật của các ông!
Diên Vỹ
_________________________
Link các bài tham khảo có liên quan:
[1]Xin
xem các bài phân tích các lỗi dịch thuật của Cao Việt Dũng trên tienve.org
[2]Bài
của Trần Tiễn Cao Đăng: “Bản dịch Mật mã
Da Vinci: Một thảm họa dịch thuật”, talawas, 17.10.2005.
[3]Blog
của Trần Tiễn Cao Đăng:
[4]Xin
xem các bài phân tích các lỗi dịch thuật trong “Lolita” của Dương Tường trên
tienve.org
[5]Thông
cáo của Công ty Nhã Nam:
[6]Bài
viết của Phạm Anh Tuấn: “Lolita” và
những quý ông... nông nổi giếng khơi?! (Tuần Việt Nam,
04.05.2012). Bài viết của Toàn Phong: “Trên dòng kẻ
chấm” và chuyện dịch thuật của Dương Tường (evan,
19.04.2012).
*
*
No comments:
Post a Comment