Posted by basamnews on 26/07/2012
Đôi lời: Một bài
viết của TS Nguyễn Minh Phong trên báo Nhân dân điện tử đã gây ra phản ứng dữ
dội chỉ trong hai ngày qua *. Ba Sàm cũng đã có chút bình luận và nghi vấn quanh
vụ này, có nhắc tới một vụ việc liên quan tới ông **.
Rất may, liền đó, một độc giả thân thiết đã
gửi tới “bản gốc” của bài viết, trước khi bị “biên tập”. Xin đăng tải cả 2, có
đánh dấu những đoạn bị thêm, bớt, để độc giả đánh giá. Trên bản gốc, những đoạn
bị bỏ, để thêm “mắm muối” hình thành nên bản chính thức, có màu đỏ thẫm. Trên bản
đăng báo ND, những đoạn được BBT thêm vào có màu đỏ tươi. Riêng tựa bài viết đã được ND sửa lại.
Dù sao cũng có một sự lạ khi mà theo thông
tin cho biết, TS NMP hiện là người “có cương vị” kha khá ngay tại báo Nhân dân. Vậy
mà bài viết của ông đã bị sửa chữa, thêm bớt làm thay đổi rất nhiều ý tứ quan
trọng trong đó. Kinh nghiệm đã có ít nhất một vụ việc tương tự, khi một nhà
nghiên cứu trả lời phỏng vấn báo Trung Quốc, bản được đăng lên không giống bản
mà tác giả loan tải để thanh minh sau khi có dư luận phản ứng tại VN. Nhưng
trường hợp của TS NMP thì nghiêm trọng hơn và rất khó hiểu.
Vậy, để đối phó với thứ phương tiện truyền
thông không giống ai này, chỉ có cách duy nhất đối với các “khổ chủ” là hãy
công khai, chính thức lên tiếng. Với TS NMP, bằng bản được cho là “gốc” dưới
đây vẫn chưa đủ, chưa đáng tin cậy, rằng ông có đồng ý với việc biên tập như
vậy của ND hay không. Tuy nhiên, nếu đòi hỏi ông phải có một bài viết, dù là
trên mạng tự do, để làm rõ vụ việc là điều hầu như không thể. Đành chấp nhận có
hai con người trong một TS NMP, một với các độc giả hiếm hoi, là những đương,
cựu “đầy tớ” vẫn nghiền tờ báo “Nhân dân” mỗi ngày, một với NHÂN DÂN từ lâu đã
quay lưng với tờ báo mượn danh mình. Bổ
sung, 16h30′, cùng ngày, bài mới trên blog Nguyễn
Trọng Tạo: TS NGUYỄN MINH PHONG NÓI BÀI GÔC CỦA ÔNG ĐÃ BỊ BÁO NHÂN DÂN
CĂT BỎ VÀ VIẾT THÊM.
-------------------------
LÒNG
YÊU NƯỚC VÀ SỰ LẠM DỤNG…!
TS Nguyễn Minh Phong
Sinh ra trên trái đất và lớn lên dưói ánh mặt trời, mỗi
người đều có một gia đình để yêu thương, một nghề nghiệp làm sinh kế và có một
Tổ quốc để gắn bó, phụng sự.
Lòng yêu nước là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, dù đó là
nguyên thủ quốc gia hay người dân bình thường.
Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng, gắn liền với lòng
tự hào, tự tôn dân tộc, cần được nâng niu, bảo vệ, phát huy, nhưng cũng cần
tránh bị ngộ nhận, lạm dụng, lợi dụng…!
Qua dòng chảy thời gian và qua các thế hệ, với mọi người Việt Nam, lòng yêu nước như đã trở thành
một giá trị cao quý tự thân, máu thịt và được “di truyền” từ đời này sang đời khác, với những
biểu hiện ngày càng sinh động, đa dạng, cụ thể. Ai vì lý do nào đó phải xa quê hương, mới càng
thấm thía, khắc khoải và thêm sâu đậm tình yêu xứ sở, nơi “chôn nhau cắt rốn”,
nơi “cha sinh mẹ dưỡng”. Có đi xa mới thấy nhớ quay nhớ quắt những bờ đê, ao
làng, lũy tre, hàng cau, ngôi nhà của ông bà và mẹ cha, nhớ dẫy phố nhỏ, con
ngõ nhỏ và thấy thân thương hơn màu xanh hiền hòa của ruộng đồng, nương rẫy,
với bóng câu trắng, tiếng chim gù giữa trưa hè ngợp nắng; nhớ tiếng chó sủa những đêm hội trăng rằm, tiếng đàn bầu trong bóng trăng lu, nhất là tiếng nói
mộc mạc, tiếng võng kẽo kẹt, tiếng ru con ngủ, những nụ cười và tấm lòng cởi mở
của người thân, bè bạn, bà con lối xóm nơi quê nhà…
Thực tế đã, đang và sẽ còn chứng tỏ, lòng
yêu nước đã trở thành một giá trị truyền thống và là tài sản vô giá, tạo sức
sống bất khuất và trường tồn của dân tộc “con Lạc cháu Hồng” qua nghìn năm lịch
sử trước mọi hiểm hoạ xâm lược và đồng hoá, là mạch nguồn cho sự sinh sôi và
phát triển ngày càng mạnh mẽ của đất nước, giống nòi. Không ai có thể phủ nhận
được rằng, dù là người dân đang sinh sống trên xứ sở quê hương hay với cộng
đồng người Việt đã định cư và hội nhập ổn định ở nước ngoài, mỗi khi thiên tai
địch họa đe dọa cuộc sống và vận mệnh của Tổ quốc, là lập tức mọi người Việt
Nam, muôn ngưòi như một, kết thành khối vững chắc, sẵn sàng cống hiến công sức,
xả thân vì lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, vì vận mệnh của Tổ quốc và cuộc sống
của đồng bào mình…
Ngày nay, hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc, cùng hoàn cảnh mới của sự nghiệp phát triển đất nước, đang đặt ra và
đòi hỏi lòng yêu nước cần được mở rộng nội hàm, bổ sung cách thức thể hiện mới.
Lòng yêu nước kết tụ và tạo cơ hội chung tay xây dựng khối đoàn kết toàn dân
đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, vì nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, sự
công bằng, dân chủ và phát triển thịnh vượng của đất
nước như là điều kiện cho sự tự do và phát
triển lành mạnh của mỗi gia đình và cá nhân. Lòng yêu nước khiến mỗi người thêm
hăng say lao động, tự giác thực hiện tốt bổn phận của mình trong công việc,
trong các quan hệ xã hội, chung sức vượt qua mọi thử thách, hiểm họa, làm giàu
chính đáng cho bản thân và quê hương, đóng góp lặng lẽ, khiêm nhường vào sự
phát triển chung và làm rạng danh đất nuớc, ngời sáng trí tuệ và tâm hồn Việt
Nam.
Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng, gắn
liền với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cần được nâng niu, bảo vệ, phát huy cao
độ, nhưng cũng cần tránh bị ngộ nhận, lạm dụng, lợi dụng. Lòng yêu nước sâu sắc khiến người lãnh đạo thấy trách
nhiệm của mình cao hơn, từ đó nêu tấm gương sáng về đạo đức, cống hiến trí tuệ
và tài năng, để “toàn dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành”, để đất
nước ngày càng hưng thịnh; Lòng yêu nước
cao cả không cho phép “nói một đằng, làm một nẻo”, hoặc bị chi phối bởi lợi ích
nhóm và tư duy nhiệm kỳ, tham nhũng và lạm dụng quyền chức để làm giầu cho dòng
họ, gia đình, bè phái, để rồi hy sinh quyền lợi và lạm dụng sức chịu đựng của người dân, cũng như vì nhu cầu ích kỷ của cá nhân mà làm băng hoại
văn hóa, đổ vỡ lòng tin, tổn thương thương tình cảm, làm suy kiệt các nguồn lực, cơ hội và điều kiện sống ngày càng tốt hơn của các thế
hệ con cháu tương lai.
Lòng yêu nước thực sự giúp mỗi người luôn
tỉnh táo, nhận diện đúng đắn các vấn đề – sự kiện – hiện tượng trong bối cảnh
cụ thể, nhận thức được xu hướng tất yếu khách quan và các giá trị Chân – Thiện
– Mỹ có tính chuẩn chung của nhân loại, của bản sắc dân tộc và sự phát triển
bền vững; thu hẹp và cởi bỏ định kiến cá nhân; phát ngôn và hành động có trách
nhiệm với cộng đồng; không có hành động sai trái về lương tâm và pháp luật;
không vô tình hay cố ý bị lạm dụng, bị khống chế và lôi kéo vào một số bè phái,
tổ chức, nhóm, phong trào luôn nhân danh lòng yêu nước, nhưng thực chất là đầy
toan tính ích kỷ, gây tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, tới sức mạnh và
lợi ích quốc gia, tiếp tay cho những kẻ âm mưu “chuyển lửa về quê hương”, tăng cuờng hoạt động khủng bố,
phá hoại, đốt cháy những mái nhà ước mơ, hạnh phúc bình dị của muôn dân, bá
tính…
Lịch sử nhân loại luôn ghi nhớ, lưu danh và
tôn vinh những ngưòi yêu nuớc chân chính trong mọi thời đại và ở bất kỳ nuớc
nào trên thế giới. Những vĩ nhân yêu nuớc thực sự luôn sống mãi trong sự yêu
quý của đồng bào, dân tộc mình và ngay cả đối thủ hay kẻ thù cũng ít nhiều phải
nể trọng. Lòng yêu nước không phải là độc quyền của bất cứ cá nhân nào, đồng
thời càng không ai có thể ra lệnh hay cấm đoán lòng yêu nước của người khác,
dân tộc khác vì lợi ích của mình. Tuy nhiên, không thể nhân danh lòng yêu nước,
chống tham nhũng và tiêu cực, mà coi thường lòng yêu nước của người khác, lợi dụng
lòng yêu nước để thỏa mãn thói háo danh, hoang tưởng, vĩ cuồng, mưu cầu lợi ích
cá nhân, cố tình chia rẽ, xuyên tạc sự thật, níu kéo cừu hận lỗi thời, reo rắc
mầm mống và tác nhân có thể gây ra các hỗn loạn “nồi da nấu thịt” nhằm “đục
nước béo cò”, làm giàu trên mồ hôi, xuơng máu đồng bào mình, nhất là người dân
vô tội…
Đặc biệt, đối với chủ quyền quốc gia và nền
độc lập dân tộc, lòng yêu nước mãnh liệt chính là nền tảng vững chắc nhất để
bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giang sơn cha ông để lại, nhưng không
phải là điểm tựa để dung túng, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, “mục hạ vô nhân”,
đề cao bá quyền, đe dọa sử dụng bạo lực và bất chấp thủ đoạn gian dối, hèn hạ,
bất chấp đạo lý và luật pháp của văn minh nhân loại, cốt tranh đoạt trắng trợn
và phi pháp lãnh thổ của người khác. Điều này đã và phải tiếp tục trở thành yêu
cầu của lương tri, của đạo đức không chỉ với Việt Nam, mà với mọi quốc gia –
dân tộc khác trên thế giới. Như lời
Viện trưởng Viện Triết học (Trung Quốc) GS Hà Quang Hộ đã khẳng định tại hội
thảo Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế do Viện Nghiên cứu Kinh tế và
báo mạng Tân Lãng (Trung Quốc) tổ chức trong tháng 6-2012 vừa qua: “Làm
nguời phải có nhân tính. Chúng ta đều là con người, chứ không phải loài dã thú
trong rừng sâu. Trong quan hệ người – người, chúng ta phải tính đến lợi ich của
người khác”. Cũng với tinh thần đó, trong hội thảo này, GS Thịnh Hồng – Đại
học Sơn Đông (Trung Quốc) còn nhấn mạnh và chỉ rõ: “Chúng ta không nên chỉ
nghĩ đến lợi ích cho mình, mà cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể thế
giới bằng cách tuân thủ các quy tắc quốc tế”…!
Và như thế, trên bất kỳ phương diện nào,
lòng yêu nước luôn phải là một giá trị nhân tính, phù với hợp đạo lý, văn minh, không thể ngộ nhận, lạm dụng và bị lợi dụng. Chỉ có lòng
yêu nước chân chính mới có thể giúp mỗi quốc gia – dân tộc giữ gìn sự toàn vẹn
lãnh thổ của mình; đồng thời, không chỉ làm cho quốc gia – dân tộc mình ngày
càng hưng thịnh, trường tồn, mà còn giúp bảo đảm hoà bình và sự hưng thình
chung của các quốc gia – dân tộc khác trong một thế giới ngày càng hội nhập,
toàn cầu hoá và phụ thuộc lẫn nhau…/.
N.M.P.
———-
Không
ai được lợi dụng lòng yêu nước!
Cập nhật lúc 01:46, Thứ ba, 24/07/2012
(GMT+7)
.
Sinh ra trên trái đất và lớn lên dưới ánh mặt trời, mỗi
người đều có một gia đình để yêu thương, một nghề nghiệp làm sinh kế và có một
Tổ quốc để gắn bó, phụng sự. Lòng yêu nước là quyền và nghĩa vụ của mỗi công
dân. Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng, gắn liền với lòng tự hào, tự tôn
dân tộc, cần được nâng niu, bảo vệ, phát huy, nhưng cũng cần tránh bị ngộ nhận,
lợi dụng.
.
Với mọi người Việt Nam, lòng yêu nước từ
lâu đã trở thành một giá trị cao quý, được truyền từ đời này sang đời khác, với
những biểu hiện ngày càng sinh động, cụ thể. Ai vì lý do nào đó phải xa quê
hương, mới càng thấm thía, khắc khoải và thêm sâu đậm tình yêu xứ sở, nơi “chôn
nhau cắt rốn”, nơi “cha sinh mẹ dưỡng”. Có đi xa mới thấy nhớ quay nhớ quắt
những bờ đê, ao làng, lũy tre, hàng cau, ngôi nhà của ông bà và mẹ cha, nhớ dãy
phố nhỏ, con ngõ nhỏ và thấy thân thương hơn mầu xanh hiền hòa của ruộng đồng,
nương rẫy, với bóng câu trắng, tiếng chim gù giữa trưa hè ngợp nắng; nhớ tiếng
đàn bầu trong bóng trăng lu, nhất là tiếng nói mộc mạc, tiếng võng kẽo kẹt,
tiếng ru con ngủ, những nụ cười và tấm lòng cởi mở của người thân, bè bạn, bà
con lối xóm quê nhà…
Thực tế đã, đang và sẽ còn chứng tỏ, lòng
yêu nước đã trở thành một giá trị truyền thống và là tài sản vô giá, tạo sức
sống bất khuất và trường tồn của dân tộc “con Lạc cháu Hồng” qua nghìn năm lịch
sử trước mọi hiểm họa xâm lăng và đồng hóa, là mạch nguồn cho sự sinh sôi và
phát triển ngày càng mạnh mẽ của đất nước, giống nòi. Không ai có thể phủ nhận
được rằng, dù là người dân đang sinh sống trên xứ sở quê hương hay với cộng
đồng người Việt đã định cư và hội nhập ổn định ở nước ngoài, mỗi khi thiên tai
địch họa đe dọa cuộc sống và vận mệnh của Tổ quốc, là lập tức mọi người Việt
Nam, muôn người như một, kết thành khối vững chắc, sẵn sàng cống hiến công sức,
xả thân vì lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, vì vận mệnh của Tổ quốc và cuộc sống
của đồng bào mình…
Ngày nay, hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc, cùng hoàn cảnh mới của sự nghiệp phát triển đất nước, đang
đặt ra và đòi hỏi lòng yêu nước cần được mở rộng nội hàm, với những cách thức
thể hiện mới. Lòng yêu nước kết tụ và tạo cơ hội chung tay xây dựng khối đoàn
kết toàn dân đấu tranh chống “thù trong, giặc ngoài”, vì nền độc lập, toàn vẹn
lãnh thổ, vì dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như là điều kiện cho
sự tự do và phát triển lành mạnh của mỗi gia đình và cá nhân. Lòng yêu nước
khiến mỗi người thêm hăng say lao động, tự giác thực hiện tốt bổn phận của mình
trong công việc, trong các quan hệ xã hội, chung sức vượt qua mọi thử thách,
hiểm họa, làm giàu chính đáng cho bản thân và quê hương, đóng góp lặng lẽ,
khiêm nhường vào sự phát triển chung và làm rạng danh đất nước, ngời sáng trí
tuệ và tâm hồn Việt Nam.
Lòng yêu nước là tài sản thiêng liêng, gắn
liền với lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cần được nâng niu, bảo vệ, phát huy cao
độ, nhưng cũng cần tránh bị ngộ nhận, lạm dụng, lợi dụng. Lòng yêu nước cao cả
không cho phép “nói một đằng, làm một nẻo”, hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm
và tư duy nhiệm kỳ, tham nhũng và lạm dụng quyền chức để mưu cầu lợi ích cho
dòng họ, gia đình, gây
chia rẽ, bè phái, hy sinh quyền lợi và lạm dụng
sức dân. Lòng
yêu nước chân chính không cho phép bất cứ ai vì nhu cầu ích kỷ mà
có những việc làm băng hoại văn hóa, đổ vỡ lòng tin, tổn thương tình cảm, cơ
hội và điều kiện sống của các thế hệ con cháu.
Lòng yêu nước giúp mỗi người luôn tỉnh táo,
nhận diện đúng đắn các vấn đề, sự kiện, hiện tượng trong bối cảnh cụ thể, nhận
thức được xu hướng tất yếu khách quan và các giá trị Chân – Thiện – Mỹ có tính
chuẩn chung của nhân loại, của bản sắc dân tộc và sự phát triển bền vững; thu
hẹp và cởi bỏ định kiến cá nhân; phát ngôn và hành động có trách nhiệm với cộng
đồng; không có hành động sai trái về lương tâm và pháp luật; không vô tình hay
cố ý bị lạm dụng, bị khống chế và lôi kéo vào một số bè phái, tổ chức, nhóm,
phong trào luôn nhân danh lòng yêu nước, nhưng thực chất là đầy toan tính ích
kỷ, háo
danh, hoang tưởng, gây tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn
dân, tới sức mạnh và lợi ích quốc gia, tiếp tay cho những kẻ âm mưu “chuyển lửa
về quê hương”.
Ðặc biệt, đối với chủ quyền quốc gia và nền
độc lập dân tộc, lòng yêu nước mãnh liệt chính là nền tảng vững chắc nhất để
bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giang sơn cha ông để lại, nhưng không
phải là điểm tựa để dung túng, kích động tinh thần dân tộc cực đoan, đề cao bá
quyền, đe dọa sử dụng bạo lực và bất chấp thủ đoạn gian dối, hèn hạ, bất chấp
đạo lý và luật pháp của văn minh nhân loại, cốt tranh đoạt trắng trợn và phi
pháp lãnh thổ của người khác. Ðiều này đã và phải tiếp tục trở thành yêu cầu
của lương tri, của đạo đức không chỉ với Việt Nam, mà với mọi quốc gia – dân
tộc khác trên thế giới.
Một số tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài
nước thời gian qua thông qua các đài phương Tây thiếu thiện chí và qua mạng
in-tơ-nét, tuyên truyền xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà
nước ta, kích động bạo loạn gây rối trật tự, hô hào đòi thay đổi chế độ, lật đổ
chính quyền… Trong số này có các nhóm phản động lưu vong được sự hà hơi tiếp sức
của các thế lực chống phá nước ngoài, có những kẻ từng gây tội ác, nợ máu với
nhân dân phải chạy bán sới xa Tổ quốc, nay thật nực cười lại nhân danh lòng yêu
nước hô hào các hoạt động phi pháp chống phá trong nước. Ðáng tiếc, có người
nhẹ dạ cả tin, cũng có kẻ háo danh đã hùa theo các luận điệu này.
Gần đây, một số cuộc tụ tập đông người nhân
danh “biểu tình yêu nước”. Ðó không phải là hành động yêu nước một cách phù
hợp. Ðáng lưu ý hơn là trong các cuộc tụ tập đó, người ta nhận ra một số người
từng có hành vi chống đối chính quyền, tuyên truyền chống lại đường lối, chính
sách của Ðảng và Nhà nước, nay lại nhân danh và lợi dụng lòng yêu nước để kích
động, gây rối trật tự công cộng, có những hành động và lời lẽ thóa mạ, xúc phạm
nhà chức trách, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Hơn bao giờ hết, trên bất kỳ phương diện nào,
lòng yêu nước luôn phải là một giá trị, phù hợp với đạo lý, văn
minh, không thể ngộ nhận, lạm dụng và bị lợi dụng. Chỉ có lòng yêu nước chân
chính mới có thể giúp mỗi quốc gia – dân tộc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của
mình; đồng thời, không chỉ làm cho quốc gia – dân tộc mình ngày càng hưng
thịnh, trường tồn, mà còn giúp bảo đảm hòa bình và sự hưng thịnh chung của các
quốc gia – dân tộc khác trong một thế giới ngày càng hội nhập, toàn cầu hóa và
phụ thuộc lẫn nhau…
TS NGUYỄN MINH PHONG
Nguồn: Nhân Dân
—
* Đọc thêm:
Phỏng vấn TS Nguyễn Quang A: ‘Không bị ai kích động biểu tình’ – (BBC)
ÔNG TIẾN SĨ NHẠO BÁNG “LÒNG YÊU NƯỚC” TRÊN BÁO NHÂN DÂN
(Nguyễn Trọng Tạo)
TS NGUYỄN MINH PHONG RAO GIẢNG, DẠY DỖ, COI LÒNG YÊU NƯỚC LÀ
THỨ PHẢI BAO CẤP, ĐỘC QUYỀN ? (Phạm Viết Đào);
No comments:
Post a Comment