Jane Perlez
Người dịch: Nguyễn
Tâm
Posted by basamnews on 15/07/2012
PHNOM PENH, Campuchia — Các tranh chấp trên
biển Đông, vùng biển có tầm quan trọng chiến lược, cho thấy rất dễ gây bất đồng
tại đây khi cuộc họp khu vực hàng năm [Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN] kết thúc mà
không hề có thông cáo chung, hình như điều này đã bị Trung Quốc ngăn chặn.
Chủ trì hội nghị này của ASEAN là
Campuchia, một đồng minh thân cận của Trung Quốc, đã từ chối đóng vai trò theo
thông lệ là tìm kiếm sự đồng thuận từ 10 quốc gia thành viên, do vậy làm hủy
hoại khả năng thống nhất lập trường trong khối, một quan chức ngoại giao cao
cấp của hiệp hội này cho biết hôm thứ Năm.
“Trung Quốc đã mua đứt chiếc ghế
[Camphuchia], đơn giản là thế”, đó là nhận xét của nhà ngoại giao, người từ
chối công khai danh tính theo nghi thức ngoại giao thông thường. Vị này cũng
chỉ rõ một bài viết hôm thứ Năm đăng trên Tân Hoa xã, thông tấn xã của nhà nước
Trung Quốc, theo đó bộ trưởng ngoại giao nước này, Dương Khiết Trì, được trích
lời bày tỏ cám ơn thủ tướng Campuchia vì ủng hộ “lợi ích cốt lõi” của Trung
Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton,
người đã có cuộc gặp với các vị đồng nhiệm khối ASEAN tại hội nghị, đã đưa ra
nhận định rất rõ nhằm vào Trung Quốc: điều quan trọng là các tranh chấp phải
được giải quyết trên tinh thần “không chèn ép, không dọa nạt, không đe dọa, và
không sử dụng vũ lực”.
Theo tiết lộ của nhà ngoại giao cao cấp nói
trên, cố gắng cuối cùng nhằm đạt sự đồng thuận về bản thông cáo chung có lời lẽ
nhẹ nhàng hơn đã thất bại sau khi Campuchia, vốn được Trung Quốc chống lưng, tỏ
ra không đồng ý. Vị này cũng cho hay các ngoại trưởng Indonesia và Singapore đã
cố thuyết phục ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong theo hướng thỏa hiệp. Nhưng
quan chức Campuchia này đã bác bỏ, cho rằng đây là “vấn đề mang tính nguyên
tắc” đối với hiệp hội ASEAN, là không đứng về bất cứ bên nào trong những tranh
chấp song phương.
Cũng theo nhà ngoại giao này, Việt Nam và
Philippines, hai quốc gia hiện đang có tranh chấp trên biển Đông với Trung
Quốc, đã đồng ý đi đến thỏa hiệp [về bản thông cáo chung]. Sau khi ngoại trưởng
Singapore và Indonesia gia tăng nỗ lực thuyết phục, vị đồng nhiệm phía
Campuchia đã cầm lấy giấy tờ và giận dữ bỏ ra khỏi phòng họp.
Ảnh hưởng của Trung Quốc, với đại diện tại
hội nghị là ông Dương Khiết Trì, đã tạo mối bận tâm đối với những toan tính
phía sau hậu trường ở nhiều phương diện trên bàn cờ biển Đông, gây chia rẽ giữa
nhóm nước đang “mang ơn” Trung Quốc và nhóm nước đang sẳn sàng đương đầu với
Trung Quốc.
Campuchia nhận sự trợ giúp rất lớn từ Bắc
Kinh, bao gồm khoản viện trợ quân sự mới toanh mà quốc gia này nhận được chỉ
cách đây ít tháng.
Indonesia, nước không có yêu sách lãnh thổ
trên biển Đông, đã cố gắng tạo nên sự đồng thuận tại hội nghị vào phút chót,
nhưng không thành công. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khen bà Clinton
vì “đã thể hiện sự quan tâm nhưng cũng tạo bầu không khí cần thiết” trong nỗ
lực nhằm đạt được thỏa thuận.
Tranh chấp lãnh hải trên biển Đông đã leo
thang trong vài tháng qua giữa Trung Quốc với Philippines, và giữa Việt Nam với
Trung Quốc. Phải kể đến cuộc xung đột kéo dài hàng tháng nay, liên quan đến
cuộc giằng co giữa các tàu vũ trang hạng nhẹ của Trung Quốc và Philippines tại
bãi cạn Scarborough, ngoài khơi bờ biển Philippines. Một tranh cãi khác [giữa
Trung Quốc và Việt Nam] tập trung vào Luật Biển vừa được Việt Nam thông qua,
khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi
Trung Quốc cũng có yêu sách chủ quyền.
Khi Mỹ, siêu cường giữ ưu thế vượt trội từ
lâu và Trung Quốc, quốc gia đang vươn lên nhanh chóng theo đuổi sự tăng cường
sức mạnh hải quân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, những tranh chấp này đã
trở thành nguy cơ đe dọa nhiều hơn.
Trung Quốc nhắc đi nhắc lại với giới chức
ngoại giao Mỹ rằng vùng biển Đông giàu năng lượng không phải là công việc của
Washington.
Nhưng chính quyền Obama nêu rõ quyền tự do
đi lại đang bị đe dọa tại một trong các vùng biển quan trọng nhất thế giới về
mặt thương mại.
Trong tuyên bố với giới truyền thông, bà
Clinton khẳng định “Mỹ vẫn luôn là một cường quốc Thái Bình Dương”, một cụm từ
nhằm đưa ra tín hiệu với Trung Quốc và các nước trong vùng, rằng Mỹ đang tiếp
tục ở lại, và thậm chí đang gia tăng sự hiện diện của mình trong khu vực.
“Không nước nào có thể cho rằng mình không
liên quan đến sự gia tăng căng thẳng, cũng như hiện tượng châm thêm những lời
lẽ đối đầu và bất đồng chung quanh vấn đề khai thác tài nguyên”, bà Clinton
nhấn mạnh.
Bà nói, “chúng ta đã nhìn thấy một số trường
hợp chèn ép về mặt kinh tế đáng quan ngại, và việc sử dụng lập lờ các tàu quân
sự và tàu chính phủ can thiệp vào tranh chấp giữa các ngư dân trên biển”. Sự đề
cập tình trạng chèn ép kinh tế có vẻ ám chỉ quyết định của Trung Quốc ngưng
nhập khẩu chuối của Philippines và đình chỉ các đoàn khách du lịch Trung Quốc
[đến Philippines].
Trung Quốc tuyên bố rõ họ muốn giải quyết
tranh chấp biển Đông với từng quốc gia riêng lẻ, chứ không phải qua bất kỳ diễn
đàn khu vực nào. Lập trường này đã làm cho tương lai của Bộ Quy tắc ứng xử
(COC) nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển Đông trở nên mờ mịt.
Giới ngoại giao các nước châu Á cho biết
hôm thứ Năm rằng, các yếu tố chính của Bộ Quy tắc Ứng xử biển Đông mà Mỹ vẫn
thúc giục nhóm các nước Đông Nam Á thực hiện, đã được các nước đồng ý tại cuộc
họp tuần này. Giới ngoại giao từ chối nêu rõ nội dung của Bộ quy tắc dự kiến.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc
lập lại tuyên bố Trung Quốc sẽ sẳn sàng thảo luận về COC chỉ khi “các điều kiện
chín muồi”.
Chủ nhật vừa qua, bà Clinton đã bắt đầu
chuyến công du đến châu Á, chuyến đi nhằm biểu thị sự chuyển hướng của chính
phủ Mỹ đối với khu vực này còn vượt xa hơn cả sự can dự về mặt quân sự.
Chuyến đi của bà Clinton đã thu hút làn
sóng đưa tin tiêu cực trên báo chí Trung Quốc từ hôm thứ Năm. Tờ Nhân dân Nhật
báo viết rằng, hiệp định thương mại mà Washington đang theo đuổi, gọi là Đối
Tác Xuyên Thái Bình Dương, không bao gồm Trung Quốc, là nỗ lực làm suy yếu sự
hội nhập của các nước châu Á. Tờ China Business News đề cập “những nước đang
thổi phồng vấn đề biển Đông”, một sự ám chỉ úp mở với Mỹ.
Cuộc họp được tổ chức trong một đại sảnh
hội nghị với những hàng cột màu trắng, mang tên Cung Điện Hòa Bình, được chính phủ Trung
Quốc đứng ra xây dựng phục vụ cho sự kiện này. Khi
một phóng viên Campuchia hỏi bà Clinton về sự giúp đỡ của Mỹ dành cho nước này,
bà viện dẫn sự khác nhau giữa viện trợ của Trung Quốc và của Mỹ.
“Chúng tôi không thể nhắm đến việc xây dựng
tòa nhà to lớn nào đó”, bà cho biết viện trợ của Mỹ là nhằm giúp những người
dân Campuchia đang trong hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo sức khỏe của các bà mẹ, cố
gắng cải thiện cuộc sống người dân, đặc biệt là trẻ em.
Nguồn: New York Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Nguyễn Tâm
Mời xem thêm: Phát
biểu của bà Clinton ở Phnom Penh (BNG Mỹ/ Ba Sàm).
No comments:
Post a Comment