Friday, 6 July 2012

LẠI NÓI VỀ NỖI SỢ HÃI (Phạm Thị Hoài)




Tháng 7 5, 2012

Về phiên tòa xử luật sư Cù Huy Hà Vũ đầu tháng Tư năm ngoái, nhà toán học Ngô Bảo Châu cho rằng ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng có thể vì sợ phải đối mặt với những lí lẽ của ông Vũ, và bình luận rằng không thể lấy sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ. Về vụ cưỡng chế ở Văn Giang mới đây, luật gia Lê Hiếu Đằng cho rằng trấn áp chứng tỏ chính quyền hiện nay đang rất yếu và sợ dân. Nhiều phát biểu phê phán các chính sách kiểm duyệt, cấm đoán và đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam có chung nhận định là chính quyền đang sợ chính nhân dân của nước mình.

Tôi rất muốn đồng ý với những nhận định đó, vì ưu thế – ít nhất là ưu thế tâm lí – dường như nghiêng hẳn về phía người dân, nếu sự sợ hãi trong xã hội cộng sản mạt kì tại Việt Nam hiện nay là thuộc tính của riêng phía chính quyền, là nền tảng hay phương pháp tự bảo vệ chỉ của chính quyền. Nhưng tôi chắc chắn rằng người dân ở Việt Nam không có cái ưu thế đó. Ngược lại. Chế độ này, dù yếu hay mạnh, được đặt nền móng và bảo vệ trước hết bằng sự khiếp nhược của người dân. Chừng nào còn vững tin vào hiệu quả của sự khiếp nhược này, chính quyền còn cho phép mình ngang nhiên và tùy tiện hành xử bất chấp tất cả chứ không riêng gì bất chấp lí lẽ của một người bất đồng chính kiến hay bất chấp bi kịch của mấy trăm gia đình nông dân. Chừng nào nhận thấy sự khiếp nhược này bắt đầu có dấu hiệu sứt mẻ, việc đầu tiên và đương nhiên mà chính quyền tiến hành là củng cố và gia tăng sự khiếp nhược đó. Không phải nỗi sợ của chính quyền, mà sự khiếp nhược của người dân mới là điều đáng bàn đến.

Blogger Huỳnh Thục Vy đã nhiều lần đề cập đề tài này và có thẩm quyền về điều đó. Hôm nay cô vừa được thả tự do sau một ngày bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt, thẩm vấn và sẽ còn tiếp tục bị thẩm vấn. Tôi xin phép đăng lại một bài viết của cô, người phụ nữ xinh đẹp luôn làm tôi xúc động vì một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp của sự thông minh, lịch duyệt và quả cảm, được diễn đạt bằng một ngôn ngữ điềm tĩnh và già dặn hơn hẳn tuổi 27 của cô. Trong bài viết này, Huỳnh Thục Vy đặt nỗi sợ hãi của đa số người dân trong tương quan với sự thỏa hiệp và cơ hội của giới trung lưu Việt Nam. Cô đã trả lời cho mình câu hỏi “An toàn hay tự do?” đặt ra trong bài, đúng như tư chất và khí phách của cô đòi hỏi.

© pro&contra 2012
________________________


11:07:am 12/07/11

Dù trong một xã hội lớn hay một cộng đồng nhỏ, sự phản kháng luôn đóng vai trò một giềng mối giữ thăng bằng. Điều đó hợp quy luật tự nhiên, cũng giống như khi ta  tác dụng một lực thì tất nhiên chính tại đó xuất hiện một phản lực tương ứng. Trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, sự phản kháng là yếu tố quan trọng và cần thiết khiến cho sự tác động không đi theo một chiều thiên lệch, mà  bảo đảm cho mối quan hệ tác động song phương đi theo hai chiều ngược nhau. Ví như có chế tài thì phải có phản kháng. Mất đi sự phản kháng là mất đi động lực cải tạo xã hội.

Vì thế thiển nghĩ, việc tìm ra những nguyên nhân làm thui chột sự phản kháng trong xã hội là bước đầu tiên trong việc vận động cho một sự đổi thay xã hội. Dưới nền cai trị độc đoán của những người cộng sản, nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt, đặc biệt là những người sinh trước năm 1975. Nỗi sợ hãi ấy gặm nhấm dần sự phản kháng và sẽ có thể đi đến chỗ tiêu diệt nó. Nhưng đó chỉ là một nguyên nhân lớn có thể được nhận thấy ngay, chắc chắn phía sau nó còn nhiều nhân tố khác. Ngoài tác động của sự sợ hãi và cái di sản văn hóa thụ động được thừa kế từ quá khứ (như đã được phân tích ở bài “Chủ nghĩa tập thể và tự do cá nhân”), tinh thần chủ động và năng lực phản kháng của người Việt chúng ta còn bị bào mòn đến mức có khả năng biến mất bởi những điều kiện chính trị, kinh tế-xã hội đương thời. Hôm nay trong bài này tôi chỉ tập trung nói về nhân tố thứ hai. Sau gần bốn thập kỷ áp đặt sự cai trị lên cả nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã triệt tiêu dần sự phản kháng của người dân bằng những điều kiện chính trị kinh tế mà họ chủ động tạo ra.

Sự xuất hiện của nhà nước trong nền văn minh nhân loại đã đương nhiên trao cho phần còn lại của cộng động quốc gia hai lựa chọn định mệnh: Một, là mỗi một chúng ta phải là những công dân mạnh mẽ để kiểm soát cái quyền lực mà chúng ta đã trao cho họ (nhà nước); hai, là chúng ta im tiếng thần phục kẻ cai trị như những thần dân yếu đuối hoặc những tên nô lệ ngoan ngoãn. Tôi vẫn luôn tin rằng chúng ta được sinh ra là có quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống theo cái cách mà chúng ta muốn. Tương tự như thế, nhận thức, thái độ và hành động của người dân quyết định vận mệnh của đất nước đó. Thái độ nghiêm khắc và sự phản kháng của người dân là tối cần thiết cho sự vận hành guồng máy quốc gia và cả những sự thay đổi chính trị cần thiết. Thay đổi chính trị là tiến trình phù hợp với quy luật phát triển chung của xã hội. Bất cứ sự lệch lạc nào (như cải cách kinh tế không đi đôi với sự tự do chính trị) sẽ là sự kìm hãm nếu không muốn nói là phá hoại xã hội.

Một nền cai trị với đặc quyền chính trị được ban phát, trao đổi, chuyển giao trong một vòng khép kín; cùng với nền kinh tế mà những cơ hội béo bở nhất chỉ được chia chác trong nội bộ cầm quyền, một cách rất tự nhiên, đã tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với lớp người muốn tìm kiếm cơ hội tiến thân. Những người có bằng cấp, học vị nhưng không có khả năng tài chính thường cảm thấy may mắn với một vị trí công chức trong các cơ quan công quyền hoặc những công ty quốc doanh. Còn những ai có tiềm lực tài chính đủ để thành lập một cơ sở làm ăn của riêng mình thì cũng không khỏi đến nương nhờ giới cầm quyền với hi vọng kiếm được những cơ hội làm ăn thuận lợi. Đây chính là đặc trưng lớn của cấu trúc giai tầng xã hội Việt Nam (cũng như Trung Hoa) hiện tại.

Thử nhìn lại một ví dụ điển hình về sự hình thành giai cấp tư sản hay còn gọi là quý tộc mới (gentlemen) trong lịch sử nước Anh để so sánh với điều đang xảy ra tại Việt Nam. Tầng lớp quý tộc mới này ban đầu là những địa chủ nông thôn hay những người thủ đắc tài sản bậc trung ở thành thị. Họ đã tích lũy được tài sản và lớn mạnh bằng chính năng lực sáng tạo và công sức lao động của mình, hoàn toàn không phụ thuộc vào giới cầm quyền phong kiến và quý tộc bảo hoàng. Đây là lớp người mới trỗi dậy trong lòng chế độ phong kiến Anh thời bấy giờ, năng động và có khả năng phát triển không ngừng vượt ra ngoài cái giới hạn bé nhỏ mà một xã hội phong kiến đủ khả năng tạo nên. Khả năng phát triển độc lập của họ bị sự cản trở đã trở thành động lực của cuộc cách mạng đòi tự do. Vì thế, ngày nay, khi nói đến những cuộc cách mạng dân chủ, người ta thường chú ý đặc biệt đến giới trung lưu trong xã hội. Tầng lớp này nếu có ý thức dân chủ càng mạnh thì triển vọng thay đổi xã hội càng sáng sủa.

Nhìn lại xã hội Việt Nam, chúng ta nhận thấy một bối cảnh ngược lại. Giới trung lưu và cả lớp người có triển vọng bước vào giới trung lưu là những người có học thức và tài sản đã hình thành, lớn mạnh chính nhờ xuất thân gia đình có liên quan đến chế độ hoặc nhờ sự nương tựa vào giới cầm quyền cộng sản. Lớp người này theo sự phát triển của nền kinh tế, giáo dục- xã hội trong hai thập niên qua đang ngày càng gia tăng. Cuộc sống hiện tại và triển vọng tương lai của họ nương theo sự phát triển và “ổn định” của cái thể chế độc tài hiện tại. Vì thế khó tìm được lý do thích đáng và đủ mạnh để họ từ bỏ quyền lợi kinh tế mà dấn thân đòi hỏi tự do chính trị. Đây là kiểu hình thành tầng lớp trung lưu chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc – nơi mà một nền kinh tế dần được cởi mở kết hợp với nền chính trị độc tài, trái ngược hẳn với ví dụ trên về nước Anh. Nền kinh tế còn tiếp tục phát triển, người ta còn tiếp tục im lặng và do đó chế độ độc tài còn có thể trông cậy vào sự hợp tác của họ để tiếp tục nắm quyền. Nhiều chuyên gia trên thế giới vào cuối thế kỷ trước đã hi vọng rằng những cải cách kinh tế sẽ dẫn dắt thay đổi chính trị ở Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng chúng ta đang nhận được một kết quả ngược lại. Bởi vì, bản chất của giới trung lưu tư bản xuất hiện trong lòng chế độ phong kiến phương Tây khác hẳn giới trung lưu được sinh ra từ “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tôi có một người bạn đang là giảng viên đại học. Khi nghe tôi nói về dân chủ tự do, anh ta buột miệng thốt lên: “Thay đổi chế độ cho tôi mất việc à?” Những người này đang có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều so với phần đông dân chúng nên không ngạc nhiên khi họ có tâm lý e sợ bất cứ sự thay đổi nào. Đối với họ, thay đổi như là một điều gì đó quá phiêu lưu, có khả năng cướp đi những may mắn và sự sung túc hiện tại. Thật vậy, hiện nay thông tin không thiếu, hiện trạng đất nước phơi bày ra trước mắt. Thế nhưng nhiều người, nhất là những người trẻ vẫn im tiếng. Không thể đổ hết mọi truy nguyên vào sự sợ hãi. Thế hệ những người sinh ra sau 1975, chưa đối mặt và kinh qua nhiều nỗi sợ hãi như cha anh họ. Nhưng chính sự gắn bó quyền lợi hiện tại hay ít ra là khát vọng vươn đến những lợi ích kinh tế và chính trị mà Đảng Cộng sản ban phát khiến tinh thần phản kháng nguội lạnh. Có thể người ta đã nhận thấy những khiếm khuyết của nền chính trị và xã hội nhưng hoặc vì quyền lợi, hoặc vì sự bất an về một tương lai, họ chấp nhận im lặng, bàng quan trước thời cuộc. Khi nói về dân chủ, những người trung lưu đang hưởng lợi từ giới cầm quyền thường đặt ra một câu hỏi rằng liệu dân chủ có tốt đẹp hơn đối với họ như thể chế hiện thời không, nghĩa là họ đang băn khoăn nếu thiếu sự “đỡ đầu” của nhà cầm quyền cộng sản và những nhà đại tư bản đỏ, liệu họ có đủ điều kiện để thọ hưởng thành quả như hôm nay không? Những ai thành công chỉ dựa vào sự luồn lách, bợ đỡ tầng lớp trên luôn có cái tâm lý đó. Còn những trí thức trẻ sau khi có một công việc tốt, ổn định và có khả năng bước vào giới trung lưu thường nuôi dưỡng một nỗi sợ sự thay đổi một cách vu vơ, không có căn cứ như anh bạn tôi. Nếu nỗi sợ bị đàn áp, ngược đãi hiện diện ở hầu khắp quần chúng lớp dưới của cấu trúc xã hội, thì sự e ngại đổi thay lại tồn tại trong lớp người ở tầng giữa này. Nhưng ngặt nỗi, lớp người thờ ơ với thời cuộc do sự gắn bó lợi ích với giới cầm quyền này lại là những người có học thức và tiềm lực tài chính hơn hẳn đại đa số dân chúng còn lại. Điều này đã tạo nên một lực hãm đối với mọi sự đổi thay.

Còn quá nhiều người trẻ Việt Nam có cái cung cách tư duy già cỗi và ích kỷ này. Điều quan trọng là làm sao cho những người này hiểu được rằng nền dân chủ mang lại lợi ích chung cho cả dân tộc, kể cả việc nó sẽ mang lại những gì nhà cầm quyền hiện tại không thể  bảo đảm như khả năng được sống như những công dân mạnh mẽ, tự do và sáng tạo. Tất cả chúng ta, trừ những kẻ cầm quyền đã gây tội ác, sẽ được hưởng lợi từ nền dân chủ. Vì thế không có lý do gì để chúng ta e ngại sự thay đổi.

Có một điều may mắn là tầng lớp trung lưu và lớp người có khả năng gia nhập tầng lớp này ở Việt Nam chưa nhiều so với tỉ lệ dân số phần đông sống ở nông thôn và nghèo khổ. Tầng lớp trung lưu trước nay luôn có cuộc sống dễ dàng và cơ hội cuộc sống trôi chảy hơn phần còn lại của dân số. Nhưng nền kinh tế đặt trọng tâm vào khu vực quốc doanh, được quản lý quá yếu kém, phụ thuộc vào Trung Quốc và không có động lực phát triển do thiếu vắng sự trợ giúp đắc lực của nền chính trị tự do đã lâm vào suy thoái. Chỉ số lạm phát ở Việt Nam trong tháng Sáu đã lên tới 20%. Kinh tế Việt Nam có thể đang bước xuống những bậc thang cuối cùng dẫn đến sự khủng hoảng toàn diện. An ninh và triển vọng tài chính của lớp người này trở nên bấp bênh và họ có nguy cơ trắng tay. Thêm vào đó, đất nước đang đối mặt với nguy cơ ngoại xâm, mà khả năng Đảng Cộng sản đang bất lực “vô kế khả thi” dẫn đến nhiều rủi ro khó lường đoán. Lợi ích của cả dân tộc, trong đó có lợi ích của lớp người này đang bị đặt vào tình thế nguy hiểm, vì nếu lợi ích quốc gia còn thì lợi ích mỗi cá nhân người Việt còn; nếu lợi ích và chủ quyền quốc gia bị tước đoạt thì chẳng có ai có thể tính đến quyền lợi hay tương lai nữa. Họ đang bị đặt trước một sự lựa chọn không thể né tránh: trở về với quần chúng cùng khổ, dấn thân, phản kháng để đòi lại quyền tự do, quyền quyết định vận mệnh đất nước mà trong đó lợi ích của họ tất nhiên bị gắn kết; hoặc là quyền lợi và tương lai của họ vĩnh viễn mất đi cùng với sự mất đi của quyền lợi dân tộc. Khi nền kinh tế phá sản và đất nước bị ngoại bang xâm phạm, có thể họ sẽ bị bỏ lại bên lề một thế cuộc đang sôi động hứa hẹn mang đến một cuộc đổi thay toàn diện cho đất nước.
Benjamin Franklin đã nói: “Người nào từ bỏ tự do thực sự để đổi lấy một ít an toàn tạm thời thì không xứng đáng được tự do, cũng chẳng xứng đáng được an toàn”. Dân tộc ta đang ở trong một thế cuộc khó khăn. Sự lựa chọn vì thế rất khó khăn. Nhưng lựa chọn một con đường hợp thời, hợp lòng người và hợp lý là cách duy nhất để tiến về phía trước. Lịch sử vẫn diễn ra dù ta có nhận thức và đồng hành cùng nó hay không. Chủ động tạo ra lịch sử hay để cho thời cuộc cuốn chúng ta đi. Điều đó tùy thuộc vào chúng ta. Sự “ổn định” (cả nội tại quốc gia lẫn ngoại giao) mà những người cộng sản trước nay luôn rêu rao đã phá sản rõ rằng trước thanh thiên bạch nhật. Vậy thì chúng ta có lý do gì để níu kéo một chút “an toàn” nhất thời đó mà từ bỏ tự do thực thụ?

Tam Kỳ, ngày 12 tháng 7 năm 2011



No comments:

Post a Comment

View My Stats