Friday, 6 July 2012

CHÂN DUNG & CHÂN TƯỚNG (Tưởng Năng Tiến)




Fri, 07/06/2012 - 09:37 — tuongnangtienDescription: http://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

 - Bây giờ nhìn lại, con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc cho dân tộc.
Huỳnh Nhật Hải

-Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay. Và nếu xét về những căn bản để bảo đảm tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc thì tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh là “cách mạng” nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam.
Huỳnh Nhật Tấn 


----------------------------

Cách đây chưa lâu, hai nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật đã cho xuất bản cuốn Phác Hoạ Chân Dung Một Thế Hệ. Theo báo chí nhà nước đây là “một hồi ký đậm chất  văn chương của hai con người đã từng sống, từng viết và từng tranh đấu trong các đô thị miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” và tác phẩm đã “đưa ‘giấc mơ đẹp’ của một thế hệ đến những thế hệ tiếp nối.”

“Giấc mơ đẹp” này của hai nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật (chả may) lại là ác mộng của một người làm thơ khác, cùng thời:

“tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai
cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ
lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất
lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
           những đứa đau quan sát những con chuột
                                  chết lòi ruột ở bến xe đò
những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em
          con cái chưởi bới la hét trong bữa ăn
người điên ở trần đứng làm thinh
          giữa trời mưa ngoài chợ
những ngày hết gạo hết tiền hết củi
          muối sống không còn một hột của tôi
những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
                               dồn cứng chật cuống họng"

Toàn bản bài thơ thượng dẫn vừa được đăng lại trên trang Quà Tặng Xứ Mưa, vào hôm 11 tháng 6 năm 2012, với đôi lời giới thiệu (rất buồn) về tác giả:

Nhà thơ Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính) ở Đường Tuy Lý Vương, Phường Vỹ Dạ, Huế là nhà thơ nổi tiếng với bài thơ ‘Bài thơ người yêu nước mình’. Giữa lúc phong trào ‘xuống đường’ ở Huế những năm 1965-1968 đang rầm rộ mà dám lấy bút danh ‘Trần Vàng Sao’ là rất ghê gớm. Thế mà ,năm 1988, ông có bài thơ ‘ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình’ in ở Tạp chí Sông Hương đã gây nên cuộc cãi vã náo loạn ở Huế. Cán bộ chính trị, các ‘nhà văn đỏ’ đua nhau suy diễn chính trị , phán xét. Đài phát thanh, báo đảng địa phương đăng nhiều bài viết chửi rửa nhà thơ, họ ‘phỏng vấn’ cả các bà tiểu thương chợ Đông Ba để tố cáo nhà thơ . Trên diễn đàn họ gọi Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ ( Tổng biên tập TC Sông Hương) là ‘bọn tay sai của địch...

Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia cho biết chi tiết hơn:
 “Trần Vàng Sao sinh ở Thừa Thiên - Huế, năm 1961 ông thi đỗ tú tài rồi vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha. Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh. Ở nơi đây, ông có viết nhật ký gồm những suy nghĩ của ông về về cái gọi là ‘hậu phương xã hội chủ nghĩa’ đó và sau đó bị tố cáo, đấu tố và cô lập đến nỗi ông có cảm giác ông không còn được coi là con người mà đã thành ‘một con vật, một con chó, theo như Hồi ký
Tôi bị bắt (Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù)’ sau này của ông.”

Nguyễn Đính Trần Vàng Sao, ảnh chụp 3-2012. Nguồn ảnh:ngominh.vnweblogs.com

 Tập hồi ký này có thể đọc được ở diễn đàn talawas. Xin trích dẫn lại vài đoạn ngắn:

Thứ Ba, ngày 31.10.1978
Mong có một bữa cơm không, ăn với cá, cá vụn, với muối và một chút ớt.
Thứ Hai, 22.07.1979
Nhà cứ không có gạo hoài. Có nửa lon, một lon dành cho Bồ Câu. Phải bới sắn non, nhưng chỉ vài ba bữa, còn thì quá non. Hay chưa có được gạo. Giấy trả về làm việc từ 1.6. Chúng mày không có gạo thì chúng mày đói chứ tao có đói đâu.
Gạo.
Bây giờ ai cũng chỉ mong, không phải bữa nào cũng cơm mà sắn cũng được, mỳ hột cũng được. Miễn là dộng vào cho đầy cái dạ dày. Ước mơ của thiên hạ thì cũng đơn giản thôi: làm sao bữa nào nồi cũng đầy cơm, đầy tràn ra, đến nỗi hôi khói. Có cơm ăn với chi cũng được, với muối, nước mắm thì tuyệt rồi. Người ta không ao ước gì hơn nữa. Không có mơ ước, không có hy vọng.
Và không ai dám nói ra những suy nghĩ của mình về chế độ, thậm chí những suy nghĩ của mình về một người thứ ba cho một người thứ hai nghe. Người ta phải nói láo hoặc nói nhỏ. Kinh khủng thật. Thành ra có một không khí chính trị giả dối trong dân chúng. Nhưng mà chưa ai chết ngay cho. Có người nói: không chết tươi ngay mà chỉ chết mòn, chết dần...

Phần đời (“vô hậu”) này của Nguyễn Đính gần giống như hoàn cảnh sống cơ cực của Nguyễn Hữu Đang, sau 15 năm tù, qua cảm nhận của Phùng Cung:

Gót nhọc men về thung cũ
Qùi dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lượng
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn

Phùng Quán cho biết thêm là Nguyễn Hữu Đang phải sống nhờ vào… rắn rít và cóc nhái! Ông cũng đã chọn sẵn chỗ trong “… một búi tre gần cuối xóm, độc giữa cánh đồng…, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ dầy lá tre rụng, rất vừa người … Tôi sẽ nằm ở đó chết để khỏi phiền ai … Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay” (“Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc Lập  Nhớ Phùng Quán. Ngô Minh và nhiều tác giả. Việt Nam: Trẻ 2003, tr. 474).

Cớ sao mà “cách mạng” lại “chiếu cố” Nguyễn Hữu Đang tận tình (và tuyệt tình) như thế? Một trong những nguyên do – có thể nhìn thấy được – là vì ông đã không chịu chấp nhận sự “xộc xệch” trong hiến pháp của nước CHXHCNVN:

“Hoà bình lập lại đã hai năm, dù cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước có phức tạp, gay go thế nào thì cũng không thể coi miền Bắc như ở một hoàn cảnh bất thường để duy trì mãi tình trạng thiếu một nền pháp trị hẳn hoi…”
“Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính Nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe doạ chính trị trắng trợn…” (Nhân văn số 4, phát hành ngày 5.11.1956).

Sáu năm sau, vào năm 1961, “người ta đã trắng trợn vu cáo” Nguyễn Hữu Đang là gián điệp. Mười hai năm sau nữa thì đến lượt Nguyễn Đính bị vu cáo là CIA:

 “Khi ra Bắc, ai giao nhiệm vụ cho anh? Nhiệm vụ đó là nhiệm vụ gì? Anh đã gặp ai, ở đâu, bao giờ? Anh đã tổ chức họ như thế nào? Công việc của anh hiện nay đã tiến hành đến đâu? Anh phải nói thật, nói hết, không được giấu giếm. Sinh mạng của anh là do nơi sự thành khẩn của anh quyết định đó...”
“Chúng tôi biết hết những việc anh làm, nhưng chúng tôi muốn tự anh nói ra hết. Vì chỉ có như thế, anh mới hưởng được lượng khoan hồng của Đảng...”
“CIA giỏi thật, cài anh ta vào sâu đến như thế”.

Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đính đều đã trải qua nhiều năm tháng não nề, ê chề, và cay đắng. Họ bị chôn sống nhưng nhất định không chịu chết. Hai ông, nói nào ngay, chỉ là hai nạn nhân tiêu biểu – của hai thế hệ kế tiếp nhau – đã dấn thân vào cuộc cách mạng vô sản (và vô hậu) ở Việt Nam.

Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Đào Duy Anh, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Trần Dần, Trần Duy, Phan Khôi, Dương Bích Liên, Hữu Loan, Phùng Cung, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu... đều không còn nữa nhưng tâm cảm trân trọng  và qúi mến của mọi người dành cho họ chắc chắn sẽ còn lâu. Thế hệ của Nguyễn Đính (e) khó có nhận tình cảm tương tự. Sự nông nổi, ồn ào và lố bịch của nhiều người trong bọn họ khiến cho thiên hạ cảm thấy khó gần!

Dù vở kịch cách mạng đã hạ màn từ lâu, họ vẫn làm bộ như không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, vẫn cứ xưng xưng coi đó như Một Thời Để Nhớ, vẫn kịch cỡm viết sách tự phác hoạ Chân Dung của thế hệ mình và mô tả là tác phẩm đã “đưa ‘giấc mơ đẹp’ của một thế hệ đến những thế hệ tiếp nối.”


Họ cố tình quên rằng chính hiến pháp của hai chế độ đệ I và đệ II Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam, tuy non trẻ và yếu ớt, vẫn là đồ thật (chớ) không phải đồ sơn. Nó đã bảo vệ cho họ được sống như những con người, với những quyền tự do tối thiểu, để có được “những hình ảnh khí phách” và “những tháng ngày sục sôi” – thay vì bị đạp vào mặt chỉ vì đi tuần hành biểu lộ lòng yêu nước, như hiện cảnh.


Không ít kẻ thuộc thế hệ Nguyễn Đính đã được choàng vào người những vòng hoa (giả) và họ cứ thế mà đeo mãi cho đến cuốn đời. Tội!



No comments:

Post a Comment

View My Stats