Nguyễn-Xuân Nghĩa
Ngày Nay - Houston
2012-06-25
Mâu
thuẫn Nội tại và Nguy cơ Khủng hoảng
Từ bốn năm nay, các nền kinh tế
"hậu công nghiệp" như Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản đều bị suy trầm,
thậm chí khủng hoảng như trường hợp năm sáu nước thuộc khối Euro. Giữa khúc
quanh đó, năm 2010, Trung Quốc lại vượt Nhật Bản thành nền kinh tế thứ nhì thế
giới chỉ sau Hoa Kỳ. Mà thành tích đó chỉ khởi sự từ có 30 năm trở lại. Như
vậy, kinh tế Trung Quốc mạnh hay yếu? Là chuyên gia kinh tế, bỉnh bút
Nguyễn-Xuân Nghĩa theo dõi tình hình xứ này từ khá lâu nên đưa ra một câu trả
lời với nhiều nghịch lý cho độc giả Ngày Nay.
Những người bị mê hoặc bởi thành tích
kinh tế của Trung Quốc có thể đã mắc bệnh "quên trí nhớ", một đặc sản
của nước Mỹ quá trẻ, cứ hay hồ hởi sảng rồi hốt hoảng bậy.
Hãy nhớ lại ba chục năm trước và kho
sách được các học giả Mỹ viết về sự lớn mạnh đáng sợ của nước Nhật. Chiến lược
phát triển Nhật Bản được thâu tóm vào một chữ, Japan Inc. - Nhật Bản như
doanh nghiệp, với sự kết hợp tay ba của doanh gia, chính khách và hành chánh
công quyền. Người ta hồ hởi rồi e ngại Nhật Bản, đến độ thổi lên phong trào bài
Nhật với rất nhiều tác phẩm văn chương và điện ảnh "hoành tráng" -
chữ của Hà Nội, gần như đồng nghĩa với hào nhoáng mà ngây ngô. Chỉ vì khi đó,
Nhật đã thành chủ đầu tư và chủ nợ lớn nhất thế giới và tung tiền mua những tài
sản thuộc loại biểu trưng của Hoa Kỳ.
Vào ngày giao dịch cuối cùng của năm
1989, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật đã lên tới đỉnh là gần 39 ngàn
điểm. Khi ấy, thế giới đang ngó về nước Đức và sự tan rã cận kề của Liên bang
Xô viết nên không để ý là từ đó cổ phiếu Nhật đã mất gần 80% trị giá - đất đai
hay nhiều tài sản khác cũng vậy. Nhật Bản trôi vào chu kỳ khủng hoảng, bảy lần
suy trầm trong vòng hai chục năm. Mà chưa dứt. Năm ngoái, tổng số nợ của khu
vực công quyền (xin gọi là công trái) đã lên tới 220% Tổng sản lượng Nội địa
GDP.
Dù sao mặc lòng, ngày nay, nhiều
người quên chuyện Nhật mà quay ra Trung Quốc - cũng với sự khâm phục hay hãi sợ
tương tự. Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để thành nền kinh tế đứng hạng nhì thế
giới và trên đà bắt kịp nước Mỹ, có thể vào năm 2016 này!
Người ta càng dễ tin như vậy khi các
nền kinh tế "hậu công nghiệp" như Mỹ, Âu và Nhật đều bị suy sụp nặng
từ bốn năm nay.
Xưa nay, các nước tiên tiến đó đều đề
cao quyền tư hữu, áp dụng quy luật tự do, tôn trọng dân chủ và đảm bảo sự thực
thi của các hợp đồng với sự can thiệp rất ít của chính quyền vào thị trường.
Ngày nay, khuôn vàng thước ngọc đó như phá sản. Đối chiếu lại thì hình như
Trung Quốc đã tìm ra cây đũa thần để có bước nhảy vọi vĩ đại nhất lịch sử Trung
Quốc và nhân loại...
Bài viết này chỉ nói đến hai trong
nhiều khía cạnh khác về huyền thoại Trung Quốc, điều không thật mà vẫn mê hoặc
nhiều người.
***
Khía cạnh thứ nhất là tổ chức của bộ
máy công quyền, xuất phát từ hoàn cảnh địa dư và chính trị.
Trên một diện tích bát ngát gần triệu
cây số vuông, Trung Quốc chỉ là một "ốc đảo" tại vùng duyên hải, bao
vây bởi đại dương ở hướng Đông và sa mạc, thảo nguyên hay núi rừng kiểm trở ở
cả ba hướng còn lại. Khu vực "ốc đảo" là nơi trù phú nhất vì có độ ẩm
đủ cao cho canh tác và có lưu vực của hai con sông Hoàng hà và Dương tử. Đây là
nơi sinh sống của hơn 550 triệu dân trên tám tỉnh và ba thành phố lớn, đóng góp
tới 64% tổng sản lượng quốc gia, với đa số người dân đều nhìn về hướng Đông, ra
biển, để tìm nguồn sống và tư tưởng mới.
Ngoài ra là sự khô cằn và cách trở
nên khó đầu tư phát triển và thực tế là các địa phương nghèo khổ, lạc hậu.
Khoảng cách "trong ngoài", giữa miền Đông và các tỉnh bị khóa trong
lục địa và bốn vùng phiên trấn vây quanh (Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn
Châu) là bài toán địa dư ngàn đời của xứ này.
Mà ngay tại trung tâm thịnh vượng
nhất, diện tích canh tác trung bình tính theo đầu người trong cái ốc đảo ấy chỉ
bằng một phần ba trung bình của thế giới mà thôi. Thật ra, Trung Quốc là một xứ
nghèo và rất khó phát triển.
Sau khi giải phóng Hoa lục, Mao Trạch
Đông đóng cửa với thế giới bên ngoài để tránh những tư tưởng hay lý luận phản
động. Bên trong thì cào bằng tất cả để tiến tới một xã hội bình đẳng. Kết quả
của chiến lược hoang tưởng đó là 30 năm khủng hoảng khiến mấy chục triệu người
chết oan, từ 1949 đến 1979.
Khi giành được quyền bính, Đặng Tiểu
Bình tiến hành cải cách theo hướng khai phóng, mở cửa để phát triển xứ sở. Sáng
kiện đáng gọi là lịch sử của ông là thiết lập một chế độ quản lý hai mặt.
Chính trị thì tập trung tối đa, với
ưu tiên là tư tưởng và lý luận để bảo vệ quyền lực đảng, và kiểm soát trật tự
nội an ở mọi nơi là nghĩa vụ còn chiến lược hơn quốc phòng, và thuộc phạm vi
của Lực lượng Cảnh sát Võ trang. Ngược lại, kinh tế thì tản quyền tối đa, cho
đảng bộ địa phương tùy nghi áp dụng giải pháp thích hợp với hoàn cảnh ở tại
chỗ. Hệ thống chính trị tập quyền khiến tư tưởng và kỷ luật của đảng có giá trị
chỉ đạo. Hệ thống quản lý tản quyền giúp từng tỉnh có thể bung ra làm ăn và tạo
ra phép lạ.
Nếu hiểu và nhớ được lịch sử Trung
Quốc, người ta thấy ngay một áp dụng cổ điển của hệ thống phân quyền đã có hai
ngàn năm kinh nghiệm: triều đình tại trung ương cho bộ máy quan lại ở địa
phương một số quyền lực và quyền lợi kinh tế nhất định, miễn rằng ai ai cũng
xiển dương đức sáng của Thiên tử.
Cái lẽ hợp/tan hoặc trị/loạn của xứ
này cũng nằm ở đó. Lãnh đạo Bắc Kinh sau Đặng Tiểu Bình đều hiểu như vậy nên
càng tập trung quyền lực về chính trị. Đảng kiểm soát tư tưởng và lý luận và
quyết định về việc thăng quan tiến chức của các đảng viên ở địa phương theo
tiêu chuẩn đó.
Với kết quả - hậu quả bất lường nói
theo kinh tế học – là các đảng viên mọi cấp đều chịu trách nhiệm với thượng cấp
ở trên, hơn là với những người ở dưới, dưới cùng là người dân.
Việc dồn sức đầu tư bất kể lời lỗ đã
gây nhiều tốn kém mà không ai kiểm tra nổi vì ngần ấy bộ phận hữu trách đều tô
hồng thực tế để báo cáo lên trên như một thành tích. Vì vậy, đầu tư quá tải và
gây lãng phí đã thành quy luật phổ biến, nhưng vẫn làm thế giới bên ngoài trầm
trồ khen ngợi. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản lượng thép mà trong bốn tháng
đầu năm nay, mức lời của các doanh nghiệp thép đã sụt 96,7% so với cùng kỳ năm
ngoái. Chẳng khác gì nhiều doanh nghiệp Nhật trước cơn khủng hoảng. Hiện tượng
xây dựng các thành phố ma, những trung tâm thương mại nguy nga mà ể ẩm, hoặc xe
lửa cao tốc vắng khách đã là mặt trái của phép lạ.
Cũng thế, việc trưng thu đất đai và
bồi thường không thỏa đáng để lao vào các nghiệp vụ đầu cơ địa ốc đã dẫn tới
động loạn xã hội mà vì thông tin có thanh lọc và kiểm soát nên khó ai biết được
thực hư. Cho đến ngày nông dân dàn trận đánh nhau với "thành quản"
hay công an võ trang.
Vụ khủng hoảng chính trị vừa qua tại
Trùng Khánh là một điều bất ngờ cho những ai không thấy ra mâu thuẫn căn bản
của Trung Quốc chính là mô thức tập quyền chính trị và tản quyền kinh tế.
Ngần ấy quốc gia Tây phương đều có
thể bị suy trầm, suy thoái, thậm chí khủng hoảng, nhưng chế độ dân chủ dù tèm
lem vẫn tạo ra cơ hội cho người dân thay thế lãnh đạo và tìm giải pháp khác qua
bầu cử. Tại Trung Quốc thì không, suy trầm dẫn tới suy thoái và khủng hoảng
kinh tế tất nhiên dội ngược lên trên thành khủng hoảng chính trị.
***
Nếu hệ thống tổ chức của bộ máy công
quyền là bộ xương của cơ thể thì hệ thống tài chánh ngân hàng chính là huyết
mạch. Trung Quốc cũng có vấn đề nguy ngập trong lãnh vực này.
Trong vụ khủng hoảng đang xảy ra tại
các nước Tây phương, người ta tranh luận rất nhiều về chế độ bao cấp của nhiều
nước khiến gánh nặng công chi chiếm một tỷ trọng quá lớn của kinh tế. Pháp là
quán quân với ngân sách lên tới 56% của Tổng sản lượng, trung bình của cả Âu
châu là 45%, của Hoa Kỳ đang bị báo động là vỡ nợ thì lên tới gần một phần ba.
Trung Quốc là một nước xưng danh xã
hội chủ nghĩa mà số công chi của nhà nước chỉ lên tới 28% của GDP! Phép lạ ở
đây là bộ máy nhà nước có quyền vọc tay vào ngân hàng để giải quyết nhu cầu chi
dụng rất linh động của mình.
Đi vay ngân hàng không là cái tội,
chỉ là vấn đề khi vay mà khỏi nghĩ đến trả và sẽ là khủng hoảng nếu để tài trợ
các dự án đầu tư đầy lãng phí mà chẳng bao giờ vỡ nợ!
Một người có nhìn ra chuyện đó là
Tổng lý Quốc vụ viện, nhân vật thứ ba trong hàng ngũ lãnh đạo, đó là Thủ tướng
Ôn Gia Bảo. Ông than phiền rằng các ngân hàng của Trung Quốc kiếm lời quá dễ
nhờ vị trí độc quyền của chúng. Các ngân hàng lớn nhất đều là doanh nghiệp nhà
nước, với lãnh đạo là các đảng viên cao cấp được bố trí và điều động qua sự
phán xét của ban Tổ chức Trung ương đảng, chứ không phải Hội đồng Quản trị hay
các cổ đông, hay thị trường.
Năm đại gia đứng đầu xứ này kiểm soát
phần lớn nguồn tín dụng và làm chủ 50% tổng số tài sản đầu tư, trong khi 90%
nguồn tài trợ của doanh nghiệp Trung Quốc, từ quốc doanh đến tư doanh, đều là
tín dụng ngân hàng - chứ không là vốn riêng, hoặc huy động trên thị trường cổ
phiếu.
Từ trung ương đến từng địa phương,
các ngân hàng của nhà nước kiếm tiền từ đâu?
Nhờ ký thác của công chúng với lãi
suất cận âm, gần bằng số không. Chính sách "mỗi hộ một con" khiến
thành phần trung niên khá giả một chút - 300 triệu dân trên ốc đảo miền Đông
chứ không ít - phải nuôi tứ thân phụ mẫu mà không có ngả đầu tư hay bảo hiểm
nào hơn là một chút tiền lời từ trương mục tiết kiệm của ngân hàng.
Với nguồn vốn huy động quá rẻ, ngân
hàng ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, hoặc các công ty đầu tư do
chính quyền nhà nước ở địa phương lập ra để thực hiện các dự án đầu tư cũng của
nhà nước. Dù tài trợ theo điều kiện ưu đãi thì các ngân hàng vẫn được bảo đảm
là có sai biệt lãi suất là 3% (giữa lãi suất ký thác và lãi suất tín dụng) mà
khỏi cần đảm bảo là sẽ thu được nợ. Vì các khoản nợ này cũng gián tiếp là của
nhà nước.
Hệ thống huyết mạch quái đản ấy không
thể cải tiến – tư nhân hoá chẳng hạn, hoặc phải theo quy luật lãi suất của thị
trường cung cầu – vì nó được dựng lên và bành trướng để nuôi hệ thống tổ chức
công quyền. Và yếu tố khiến cho khí huyết lưu thông chính là quan hệ với đảng
viên cán bộ, là tham nhũng..... Chỉ xét riêng về hai khía cạnh đó, những ai chú
ý theo dõi cũng đã có câu trả lời về sức mạnh kinh tế Trung Quốc.
Một mô hình ăn cướp theo kiểu Ponzi – nhưng rất "phải đạo".
Một mô hình ăn cướp theo kiểu Ponzi – nhưng rất "phải đạo".
No comments:
Post a Comment