Song Chi
Friday,
July 13, 2012 6:24:52 PM
Ðọc những lời kể chuyện của cháu Nguyễn Trí Dũng, con trai nhà
báo tự do Nguyễn Văn Hải, tức Hoàng Hải, tức blogger Ðiếu Cày, về chuyến đi
thăm cha gần đây trên BBC, RFA... những người bạn của Ðiếu Cày trong đó có tôi
cảm thấy phần nào nhẹ lòng. Vì anh vẫn còn sống, tinh thần vẫn minh mẫn, kiên
cường dù sức khỏe hao mòn trong điều kiện giam giữ quá khắc nghiệt.
Có
một dạo thông tin từ chính chị Dương Thị Tân, vợ cũ của Ðiếu Cày rằng một cán
bộ trong trại giam có đề cập việc Ðiếu Cày bị “mất tay” khiến mọi người hoang
mang, đau xót. Những cú điện thoại của bạn bè, người quen tới tấp gọi về cho
gia đình anh để hỏi han, kiểm chứng.
Không
ai rõ chuyện có thật hay không, nhưng với những ai biết về Ðiếu Cày, đặc biệt
là gia đình anh, đó thật sự là những ngày đau buồn.
Nhưng
rồi, sau một thời gian rất lâu, mọi người được tin anh vẫn bình thường. Ai nấy
thở phào nhẹ nhõm.
Thế
là Ðiếu Cày, người có số phận đặc biệt nhất trong hàng ngàn hàng vạn blogger
dũng cảm ở Việt Nam đã trải qua 30 tháng tù về tội danh ngụy tạo “trốn thuế”.
Cộng thêm 7 lần bị gia hạn quyết định tạm giam kể từ tháng 10 năm 2010 nghĩa là
gần 21 tháng nữa tính cho đến nay.
Nhưng
phiên tòa xử anh và hai người bạn cùng Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, blogger Anh Ba
Sài Gòn tức luật gia Phan Thanh Hải, blogger Công Lý và Sự Thật tức nhà báo Tạ
Phong Tần vẫn chưa biết có thể diễn ra không. Hay lại tiếp tục bị hoãn theo
chiến dịch “câu giờ”, né tránh dư luận của nhà cầm quyền.
Nhớ
lại những ngày Ðiếu Cày tức anh Nguyễn Văn Hải chưa bị bắt. Người cựu bộ đội
từng đứng trong quân đội của chính chế độ này lẽ ra đã có một cuộc sống khá là
thong dong, không phải bận tâm về kinh tế nữa sau nhiều năm làm việc, kinh
doanh vất vả. Nếu anh cứ sống, vui với gia đình, bạn bè, với niềm đam mê chụp
ảnh hay du lịch.
Thế
nhưng, Nguyễn Văn Hải đã không thể ngồi yên trước sự thật mất đất, mất đảo của
đất nước và họa bành trướng từ phương Bắc cũng như những sự trái tai gai mắt,
bất công đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong xã hội. Và anh đã quyết định lên
tiếng. Từ những bài báo, những bức hình, qua trang blog cá nhân và trang blog
của nhóm Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, do anh lập nên cùng với những người bạn.
Và
anh đã xuống đường biểu tình phản đối âm mưu xâm lược, bành trướng trên biển
Ðông của Trung Quốc, cùng với bạn bè, hàng trăm sinh viên, học sinh khác vào
những ngày của tháng 12 năm 2007.
Kể
cả cuộc biểu tình trước Nhà Hát Thành Phố vào ngày 19 tháng 1 năm 2008, công
khai tưởng niệm 34 năm ngày mất Hoàng Sa. Khi hai chữ Hoàng Sa và trận hải chiến
năm 1974 còn là những chủ đề cấm kỵ đối với nhà cầm quyền, thì việc người cựu
bộ đội của chế độ cộng sản cùng với bạn bè tưởng niệm sự kiện lịch sử này là
một điều hết sức ý nghĩa.
Khi
lên tiếng, Ðiếu Cày vào thời điểm ấy, cũng như bao nhiêu người khác sau này,
chỉ đơn giản nghĩ rằng mình xuất phát từ lòng yêu nước, muốn góp phần thức tỉnh
mọi người về họa ngoại xâm, cũng như những thực tế bất công trong xã hội. Mình
không ở trong bất kỳ đảng phái, tổ chức chính trị nào, chỉ thực hiện quyền tự
do ngôn luận có ghi trong Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì
không có tội.
Nhưng
Ðiếu Cày đã bị sách nhiễu, bị “mời” lên làm việc với công an hàng chục lần, bị
gây khó dễ đủ mọi điều trong cuộc sống. Cuối cùng là bị bắt. Như rất nhiều
người trước và sau anh.
Cái
khác, cái đặc biệt, anh là blogger đầu tiên bị giam tù dài hạn.
Thời
điểm Ðiếu Cày bị bắt, những blogger dũng cảm lên tiếng hay những người xuống
đường biểu tình còn đơn độc hơn bây giờ nhiều. Truyền thông, báo đảng tha hồ
bôi nhọ tư cách, đời tư của Ðiếu Cày mà không phải không có những người tin, kể
cả cái tội danh “trốn thuế” được chụp lên đầu anh.
Ðể
rồi sau 30 tháng tù, nhà cầm quyền lại tiếp tục giam giữ anh về tội “xuyên tạc
sự thật, nói xấu đảng và nhà nước” theo điều 88, là cái tội mà lẽ ra, anh phải
“bị xử” ngay từ đầu.
Hai
người bạn của anh, blogger Anh Ba Sài Gòn, blogger Công Lý và Sự Thật cũng lần
lượt theo anh vào tù.
Nhiều
người cho đến bây giờ vẫn thắc mắc không hiểu vì sao Ðiếu Cày, Anh Ba Sài Gòn,
Công Lý và Sự Thật cùng với cái CLBNBTD lại bị nhà cầm quyền xử nặng đến thế.
Trong khi CLBNCTD chỉ là một nhóm bạn blogger, chẳng phải là một tổ chức, đảng
phái chính trị gì. Những bài báo hồi đó Ðiếu Cày và các bạn viết, so với bây
giờ, nhiều bài của các blogger khác còn dữ dội hơn nhiều.
Cái
khổ chỉ vì họ là những người đi đầu.
Nhất
là Ðiếu Cày, với số phận đặc biệt của mình, đã được mọi người trong và ngoài
nước biết đến rộng rãi.
Trong
trại giam tối tăm, Ðiếu Cày chắc cũng không ngờ nhiều tổ chức nhân quyền thế
giới, kể cả Human Rights Watch, Phóng Viên Không Biên Giới, và Ủy Ban Bảo Vệ
Nhà Báo từng kêu gọi trả tự do cho anh.
Nhiều
nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng về trường hợp của anh.
Vị
tổng thống đầy quyền lực của cường quốc số một thế giới Barack Obama đã nhắc
đến tên anh, và kêu gọi “đừng quên những người khác như blogger Ðiếu Cày”. Một
trong ba thí dụ ông nêu ra về tình trạng đàn áp báo chí trên thế giới, khi lên
tiếng nhân ngày Quốc Tế Tự Do Báo Chí 3 tháng 5 năm 2012.
Và
mới đây, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong chuyến viếng thăm Việt Nam
ngày 10 tháng 7 vừa qua đã nói “Chúng tôi lo ngại về hạn chế tự do ngôn luận
trên mạng và phiên xử sắp tới với những người sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự
Do” (“Bà Clinton tiếp xúc lãnh đạo Việt nam”, BBC).
Ðiếu
Cày và những người bạn cùng bị bắt trong nhóm CLBNBTD của anh đã trở thành biểu
tượng của những nạn nhân trong một chế độ không có tự do ngôn luận và trong
thời đại Internet.
Có
những con người trở thành chứng nhân của lịch sử.
Ðiếu
Cày, một con người bình thường nhưng sự kiên cường của anh thì nhiều người hoạt
động chính trị cũng chưa chắc đã giữ được khi rơi vào tay nhà tù cộng sản. Có
những người là đảng viên của một tổ chức chính trị thật sự, nhưng đã nhận tội,
xin khoan hồng.
Dù
rất hiểu thế nào là tù đày trong chế độ cộng sản cũng như lập luận của những
người trong cuộc và người bênh vực, rằng chẳng thà nhận tội, ra tù sớm, tiếp
tục hoạt động còn hơn bị giam giữ phí uổng trong nhà tù của một chế độ không hề
biết tôn trọng con người và pháp luật.
Nhưng,
nói như nhà văn Phạm Thị Hoài trong bài “Chọn đường” trên blog pro... contra,
đó là sự đóng thuế tư cách. Và khi đã chấp nhận cúi đầu tuân phục cường quyền
thì điều đó là một con dao hai lưỡi.
Trong
hoàn cảnh như thế thì những con người bình thường, không hề có ý định làm chính
trị như Ðiếu Cày thật sự là dũng cảm.
Ðiều
anh ủi cho Ðiếu Cày là khi anh bị bắt, người vợ cũ từng không hiểu công việc
của anh, đứa con trai như chính lời cháu thú nhận từng trách móc bố, đã hiểu ra
nhiều điều.
Và
quan trọng hơn, tiếp bước sau anh, đã có rất nhiều khuôn mặt mới hôm nay trong
đội ngũ blogger hay những người xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc trong
thời gian qua.
Con
đường đấu tranh bảo vệ sự độc lập toàn vẹn lãnh thổ cũng như giành lại quyền tự
do dân chủ, quyền làm người cho cả dân tộc là một con đường dài, rất dài. Mỗi
người, đóng góp phần việc của mình.
Không
ai mong ai phải trả giá cho những hành động của mình để trở thành biểu tượng,
thành anh hùng. Mỗi người thắp lên một ngọn lửa, những người kế tiếp sẽ lại giữ
lấy và thắp lên những ngọn lửa mới.
Ngọn
lửa của lòng yêu nước, của sự thức tỉnh trước họa ngoại xâm và nội xâm. Ngọn
lửa của lòng yêu tự do dân chủ, khát vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho một đất
nước đã quá điêu linh và một dân tộc đã quá đau thương.
Ðể
khi ấy tất cả chúng ta có thể sống bình yên mà không phải lo âu, suy nghĩ, thao
thức chuyện đất nước, xã hội. Một đời sống với những niềm vui nhỏ bé như ngồi
với bạn bè, làm một hơi thuốc từ chiếc điếu cày đơn sơ, chẳng hạn.
Gia
Minh, biên tập viên RFA
2012-07-11
No comments:
Post a Comment