Wednesday, 18 July 2012

HOAN HÔ TÁC GIẢ HUY THIÊM về bài viết từ "LỢI ÍCH NHÓM" đến "TỰ DIỄN BIẾN" (Nến Hồng - Danlambao)




19-7-2012

Đọc bài Từ "lợi ích nhóm" đến "tự diễn biến" của Huy Thiêm ở báo QĐND thì thấy trong phần kết tác giả có đưa ra một loạt các “khuyến nghị/giải pháp” mà có lẽ ai cũng nói ra được!! Điều này thì không trách tác giả được vì có thể do năng lực hạn chế hoặc không dám nói thẳng và nói thật ra do sợ “đụng chạm” hoặc “nhạy cảm” và mất bát cơm như chơi! Nhưng thú vị ở chỗ có lẽ đây chính là một bản đánh giá của tác giả về thực trạng nội bộ đảng và hoạt động của Nhà nước, được công khai đưa lên báo “Quân đội nhân dân”:

- “Tuyên truyền giáo dục nâng cao phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên”: hóa ra xưa nay phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên là thấp!! bởi vậy nên mới cần phải nâng cao!

- “Phải có cơ chế để khống chế quyền lực. Mà cơ chế để khống chế quyền lực có hiệu quả nhất là thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch… để người dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”: hóa ra xưa nay nước ta còn chưa thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và người dân chưa có quyền giám sát!

- “Ban hành các quyết định, các chính sách phải phải coi lợi ích toàn cục, lợi ích lâu dài của nhân dân của đất nước là “tối thượng”: hóa ra xưa nay, các nghị quyết, quyết sách là chỉ để phục vụ cho một số người chứ không phải là cho nhân dân!

- “Phải chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài bố trí vào những vị trí then chốt có quyền ban hành, quyết định công tác tổ chức, quyết định chính sách…”: hóa ra xưa nay toàn người thất đức và bất tài được lựa chọn vào những vị trí then chốt, ra quyết định chính sách…!

“Bỏ hẳn cơ chế "xin-cho" và tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng…”: hóa ra xưa nay toàn là xin-cho và bất bình đẳng trong cạnh tranh!

Xin có một số ý kiến bình luận thêm:

Về vị trí của bài báo:

Nếu như bài báo đứng ở một mục khác của báo thì có lẽ phù hợp hơn. Ở đây, bài báo được đặt ở mục “Chính luận” (chứ không phải “phụ luận” nhé!) và dưới cái tít được gạch chân cẩn thận: Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”. Hô hô, nịnh hót cũng nên phải biết cách!! tìm sách của ông Cao Cầu bên Tàu để lại mà đọc, nghiên cứu cách nịnh hót!! Mọi thứ bây giờ đều học bên đó cả mà!! Đằng này, ông cứ cố mà gắn chuyện nọ với vấn đề kia vào với nhau thì thiên hạ thấy buồn… cười lắm!

Đồng ý với tác giả là “lợi ích nhóm càng phát triển, … thì càng khoét sâu sự mất công bằng trong xã hội; …,bóp nghẹt dân chủ, … và khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội càng doãng ra”. Thực tế nước ta bây giờ đang là như vậy đấy. Huy Thiêm đã chỉ ra rất chuẩn!! Và cho rằng “lợi ích nhóm” phát triển là nguy cơ thúc đẩy “tự diễn biến” cũng đúng. Nhưng có lẽ nên viết thẳng thắn và sòng phẳng cái “Tự diễn biến” đó chính là sự suy thoái về chất của cái thể chế hiện nay hay một cách cụ thể hơn nữa là sự suy thoái bên trong đảng. Nếu không phải thế thì sao đảng phải “chỉnh đốn”?!!

Tác giả lại còn “chằng” thêm vào: Lợi ích nhóm “tiếp sức cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” lật đổ chế độ từ bên trong”. Đoạn này quá gượng gạo khi cố gắng kết nối vấn đề này với “thế lực thù địch thực hiện diễn biến hòa bình”. Hãy chỉ ra xem thế lực thù địch nào? chúng nó là những Ai để công an bắt bỏ tù hết đi!? Nếu người dân, các phóng viên báo chí có phanh phui ra các “nhóm lợi ích” thì họ cũng đang làm một việc tốt là giúp đảng, giúp Nhà nước loại bỏ những nhóm lợi ích đó khỏi đời sống xã hội, giúp đảng bảo vệ “mục tiêu lý tưởng của Đảng là: đem lại lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân”. Đã không biết ơn người ta lại còn coi họ là “thế lực thù địch” và coi những việc làm đó là hành động “lật đổ chế độ từ bên trong”?!. Thật là quá thể!

Kể cũng lạ, học đâu ra sao lại có cái lối nhìn chỗ nào cũng thấy kẻ thù, bất kể một cá nhân, hay một vấn đề gì đều có thể quy kết thành “Thế lực thù địch” và/hoặc “âm mưu của các thế lực thù địch”. Cần nhớ rằng trong cuộc sống, ai đó mà có nhiều kẻ thù, nhiều thế lực thù ghét mình thì cũng nên xem lại chính mình trước, lời các cụ dạy rồi: “tiên trách kỷ hậu trách nhân”! Anh sống thế nào, anh làm những gì mà để có nhiều kẻ thù vậy?? mà theo cái cách quy kết của tác giả thì kẻ thù ở đây lại chính là những người dân mong muốn được sống dưới một chế độ công bằng, dân chủ, và khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội ở mức độ tối thiểu, hay nói cách khác là được sống trong một xã hội Dân chủ, Công bằng, Văn minh, Ấm no, Hạnh phúc! Một tư duy, một cách nhìn và phân tích rất lộn xộn và đối chọi nhau.

Một vấn đề nữa, cách nói/diễn giải của tác giả cứ làm như đảng đứng ngoài cuộc “lợi ích nhóm”! coi như đảng bị ai đó lợi dụng danh nghĩa, uy tín của mình để tạo ra “lợi ích nhóm”: “Đó là những điều đi ngược lại với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đảng chiến đấu hy sinh trước hết và trên hết vì lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân”. Xin hỏi tác giả Ai có thể tạo ra được “lợi ích nhóm” ?? “nhóm lợi ích” là những ai? Nói như Huy Thiêm thì còn chung chung quá, ai chẳng nói được? Và mới nói trên ngọn!: “nhỏ thì bộ phận”, “lớn thì ngành này ngành kia”. Mới chỉ dừng ở đó thôi sao? Nếu chỉ có đám đó thì có gì khó khăn mà không triệt được?

Đơn cử hai trường hợp điển hình:

Con bác Rứa – một cô gái sinh năm 1988, vừa ra trường, tốt nghiệp ngành báo chí mà lại lên giữ Chủ tịch HĐQT của Vinaconex có vốn mấy nghìn tỷ đồng (nay đã xuống rồi), đó có phải là lợi ích nhóm không?

Hay con gái Thủ tướng Dũng làm chủ tịch của quỹ Vietcapital với số vốn hàng trăm triệu USD – đó có phải là lợi ích nhóm không? Hay là nhờ tài ba học hành, năng lực giỏi giang của bản thân cả? Nếu được thế thì non sông ta, đất nước ta, dân tộc ta vẻ vang quá vì có những thánh nhân xuất hiện!!!

Và thêm một câu hỏi nữa, bác Rứa, bác Dũng có phải là đảng viên không? hay đều người ngoài đảng? Các bác có biết rõ thế nào là lợi ích nhóm không? Chắc chắn là quá biết vì các bác là người chỉ đạo chống nó cơ mà. Chuyện đó không thể xảy ra nếu không có cái gật đầu của các bác được. Hay là do “các thế lực thù địch” đang “thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình”“lật đổ chế độ từ bên trong” bằng cách đưa con các bác vào những vị trí đó??? Bởi vậy, cần phải chỉ thẳng thắn ra rằng ở bất kỳ cấp nào, từ cấp xã (thậm chí là thôn/tổ) đến cấp trung ương thì “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích” bắt nguồn, xuất phát từ những người/nhóm người có quyền ra quyết định. Mà để giữ được một vị trí ra quyết định ở nước ta hiện nay thì gần như 100% tiêu chuẩn đầu tiên phải là ĐẢNG VIÊN. Đảng luôn luôn là lực lượng lãnh đạo duy nhất mà!!

Ở bài báo này, tác giả Huy Thiêm cũng đã chỉ ra rõ thủ phạm/nguyên nhân của “lợi ích nhóm” là tại thằng “cơ chế’ (vì nó tạo ra những kẽ hở cho lợi ích nhóm nên mới phải “bịt”) hay nói đúng hơn là trăm sự tại thằng “thể chế”!! (Điển hình nhất là Tại sao các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp Nhà nước tiêu tiền như tưới xăng vào đốt mà vẫn bình chân như vại, cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm trước nhân dân? Xin thưa đó cũng là tại “thằng” thể chế cả thôi!!). Hiểu đúng nhất thì đó là “thể chế chính trị”. Và thể chế chính trị của chúng ta hiện nay là gì và như thế nào thì mọi người cũng đều biết rõ rồi. Bởi vậy, mấy cái giải pháp mà tác giả đưa ra như tuyên truyền, nâng cao, tăng cường, cải thiện, coi trọng, kiên quyết, triệt để, củng cố, học tập và làm theo… chẳng tác dụng gì đâu. Cơ quan chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm dù có đặt dưới quyền của ai trong cái thể chế này thì cũng như nhau cả thôi bởi chỗ nào chẳng có sự hiện diện của đảng!

Chúng ta không kỳ vọng xóa bỏ hẳn được “lợi ích nhóm” mà chỉ ở mức kiểm soát hoặc hạn chế tối đa sự phát triển và ảnh hưởng của nó. Giải pháp có thể làm ngay là như tác giả đã chỉ ra: dân chủ hóa, minh bạch để người dân giám sát. Cũng cần phải thêm nữa là để làm được điều này thì tự do báo chí là điều cần thiết, và quan trọng hơn nữa là phải thực thi một Nhà nước pháp quyền, đảm bảo mọi công dân từ người đứng đầu đất nước đến người dân “đen” đều tuân thủ và bình đẳng trước pháp luật. Về lâu dài, giải pháp để xóa bỏ “lợi ích nhóm” thì có lẽ phải đi từ việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ: cái gì sinh ra nó thì cần xóa bỏ nó đi, tự khắc sẽ giảm hoặc biến mất!! Khi đã biết rõ nguyên nhân gốc rễ sinh ra “lợi ích nhóm” ở nước ta là gì thì về nguyên tắc là loại bỏ cái nguyên nhân đó đi là cuộc sống của người dân sẽ dần đần được cải thiện, xã hội sẽ chuyển hướng đi vào trật tự hơn nhờ kiểm soát tốt hơn tình trạng “lợi ích nhóm”!


*
*
Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”
QĐND - Chủ Nhật, 15/07/2012, 19:52 (GMT+7)

Huy Thiêm (QĐND) - Tuy vẫn chưa được giải nghĩa trong Từ điển tiếng Việt, nhưng “lợi ích nhóm” nay đã trở thành cụm từ quen thuộc chỉ một bộ phận những người có chung lợi ích tác động đến cơ quan, người có quyền ra những quyết định theo hướng có lợi cho họ - nó đi ngược lại với lợi ích của tập thể.

Lợi ích nhóm ở nước ta có quy mô hết sức đa dạng, nhỏ thì người này với người kia, bộ phận này với bộ phận kia, lớn thì ngành này với ngành khác liên kết với nhau “lách luật” làm méo mó, bẻ cong đường lối, chính sách của Đảng để trục lợi. Đây chính là một hình thức tham nhũng tập thể, được biểu hiện dưới nhiều dạng vẻ khác nhau như báo cáo không trung thực, chạy dự án, chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách… Khi đạt được lợi ích riêng của cá nhân, của bộ phận thì lợi ích chung, của đất nước, của nhân dân bị xâm hại. Thế mới có chuyện doanh thu của doanh nghiệp lỗ, lương vẫn cao, thưởng vẫn lớn. Những ngày vừa qua, thanh tra công bố số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng lên tới 202 nghìn tỷ đồng (8,6%), con số đó cao gần gấp đôi so với con số do các ngân hàng thương mại báo cáo trước đó. Vì sao lại báo cáo thấp hơn con số thực? Báo cáo thấp để vẫn được hưởng lương cao, vẫn thưởng và giảm bớt được quỹ dự phòng rủi ro. Thanh tra còn cho biết, nợ xấu ngoài nguyên nhân khách quan do khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu, còn do ngân hàng đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán, mà không ít trong số đó chính là doanh nghiệp sân sau của các ngân hàng... Nghĩa là, cũng xuất phát từ lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm làm rối loạn, gây thất thoát nền kinh tế đất nước thì đã quá rõ, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn, lớn hơn không dễ nhìn thấy của “lợi ích nhóm” còn là nguy cơ thúc đẩy “tự diễn biến” trong nội bộ. Phải chăng, do tiên lượng được “sức công phá” của lợi ích nhóm mà cả hai Nghị quyết Trung ương 3, 4 (khóa XI) về các vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và xây dựng Đảng, Đảng ta đều cảnh báo nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến” từ lợi ích nhóm, từ tư duy nhiệm kỳ, từ những tính toán cục bộ.

Do vun vén cá nhân, lại thiếu tu dưỡng rèn luyện, một bộ phận cán bộ đảng viên đã đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho để tham ô, tham nhũng dưới nhiều hình thức, trong đó có hình thức thông qua lợi ích nhóm. Họ không chỉ làm hoen ố truyền thống vẻ vang của Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân, mà còn tiếp sức cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” lật đổ chế độ từ bên trong.

Một thực tế là lợi ích nhóm càng phát triển, càng mang lại lợi ích cá nhân cho một số người thì càng khoét sâu sự mất công bằng trong xã hội; càng khuyến khích lối sống không lành mạnh trong xã hội, bóp nghẹt dân chủ, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau và khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội càng doãng ra. Đó là những điều đi ngược lại với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đảng chiến đấu hy sinh trước hết và trên hết vì lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân. Cũng từ mục tiêu cao cả đó mà Đảng được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Nếu lợi ích nhóm và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên không được ngăn chặn thì nguy cơ dẫn đến sụp đổ chế độ là điều có thật.

Thực trạng đó, hơn lúc nào hết đòi hỏi Đảng ta phải kiên quyết, hành động để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ lợi ích nhóm như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đề ra. Phải thấy rằng trong lúc này chống lợi ích nhóm chính là chống nguy cơ “tự diễn biến”.

Xóa bỏ lợi ích nhóm cũng như cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí đều phải rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhưng quan trọng không kém nữa là Nhà nước, Chính phủ phải đề ra được những cơ chế, chính sách phù hợp, “bịt” được những kẽ hở không để “lợi ích nhóm” có đất để nảy nở, sinh sôi. Phải có cơ chế để khống chế quyền lực. Mà cơ chế để khống chế quyền lực có hiệu quả nhất là thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để người dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Đồng thời phải chấn chỉnh ngay công tác cán bộ, phải chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài bố trí vào những vị trí then chốt có quyền ban hành, quyết định công tác tổ chức, quyết định chính sách… Cơ quan, người ban hành các quyết định, các chính sách phải vượt qua được chính mình, phải coi lợi ích toàn cục, lợi ích lâu dài của nhân dân của đất nước là “tối thượng”. Trong thực tế, không phải không có những tổ chức, những cán bộ cố tình kéo chậm sự hoàn thiện của cơ chế, chính sách để lợi dụng. Kéo dài quy hoạch một khu phố, một con đường, một trường học; thay đi, đổi lại một quyết định nhằm tạo ra khoảng trống cho những kẻ cơ hội lách vào. Nghiêm trọng hơn thậm chí nhóm lợi ích lại thắng thế trong những quyết định cụ thể, làm cho lợi ích chung bị xâm hại, mà không bị xử lý kỷ luật.

Thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, bỏ hẳn cơ chế "xin-cho" và tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế…

Để xóa bỏ lợi ích nhóm, suy cho cùng là phải hiểu đúng và thực hiện triệt để lời dạy của Bác Hồ "Dĩ công, vi thượng". Muốn ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, phải triển khai thật thiết thực, hiệu quả Nghị quyết 4 về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của BCT về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", vừa củng cố niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, vừa góp phần quan trọng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ./.

Huy Thiêm








No comments:

Post a Comment

View My Stats