Tạp
ghi Huy Phương
Friday,
July 20, 2012 5:55:04 PM
Năm 1954, năm Hiệp Ðịnh Geneva chia cắt đắt nước, tôi được gần
17 tuổi. Trong thời gian hội nghị đang bàn cãi sẽ dùng vĩ tuyến nào để phân
ranh hai miền Nam Bắc, tôi chỉ mong đất nước sẽ cắt ngang vĩ tuyến 19 ở Ðà
Nẵng, để mình có thể di cư vào Nam, tránh một đời sống bình lặng, nhàm chán của
một tỉnh nhỏ. Trong trí óc non nớt ngày đó, tôi đâu biết bỏ quê hương ra đi là
một điều đau xót nhất của đời người.
Nhiều
năm sau ngày chia cắt đất nước, là một công chức tại tỉnh địa đầu giới tuyến,
tôi đã có dịp tháp tùng nhiều phái đoàn đồng bào di cư từ miền Nam ra thăm sông
Bến Hải. Ðứng phía bên này sông, nhìn lá cờ đỏ bay bên kia cầu Hiền Lương, tôi
mục kích cảnh nhiều người khóc nức nở, khi nhìn về quê hương mịt mờ ở một vùng
đất nào xa xôi khuất bóng bên kia. Quê hương đó nhưng còn đường về đã tắc
nghẽn. Những bài hát của một thời chia cắt đất nước như “Chuyến Ðò Vĩ Tuyến,”
“Nắng Ðẹp Miền Nam,” “Hình Ảnh Quê Xưa,” “Về Ðây Anh,” đã làm rung động lòng
người tha hương và làm chảy bao dòng nước mắt thương nhớ.
Nhưng
một bài hát mang ấn tượng về Hà Nội nhất trong lòng tôi là bài “Hướng
Về Hà Nội ” của Hoàng Dương, một ca khúc viết sau ngày 20 Tháng Bảy,
1954, sau khi nhiều triệu đồng bào miền Bắc bỏ quê hương, làng mạc, mồ mả cha
ông di cư vào Nam. Nội dung bài hát mang tâm trạng của một người đã xa Hà Nội:
“...Hà Nội ơi, hướng
về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc
muôn nơi, biết đâu ngày ấy anh về!
Hà Nội ơi, mắt huyền
ngây ngất đê mê
Tóc thề thả gió lê
thê, hãy tin ngày ấy anh về.”
Người
ra đi, bỏ quê hương trong một niềm tuyệt vọng, gần như người nhạc sĩ không tin
đến một ngày về, nói đến “hãy tin” là lòng chưa dám tin, nói đến “biết đâu” là
một sự hoài nghi không chắc chắn. “Hướng Về Hà Nội” ngày ấy đã làm thổn thức
bao nhiêu con tim không chỉ riêng cho người Hà Nội mà còn cho tất cả những
người ngoài vĩ tuyến di cư vào Nam sau ngày chia cắt.
Sau
đó, người ta không ai nghe nói đến Hoàng Dương nữa, có người nói, ông là người
ở lại Hà Nội. Dù không ra đi, Hoàng Dương đã cảm nhận nỗi đau sẽ mất Hà Nội và
gửi những nỗi thương nhớ về “Hà
Nội ngày tháng cũ” theo những người di cư vào Nam. Nhạc của Hoàng Dương
được phổ biến ở bên này con sông Bến Hải cho những người thương tiếc Hà Nội, và
dù sau này, 20 năm sau, bài hát được trình diễn lại, người ta cũng biết đó là
một Hà Nội trong trí nhớ, một Hà Nội đã mất, không phải là Hà Nội của hôm nay.
Ông
để lại cho đời một nỗi nhớ thương Hà Nội, mà dù không phải là một người Hà Nội
bỏ thành phố này ra đi, chính lòng tôi cũng mang một nỗi buồn se sắt như một
người nhớ Hà Nội, như nhớ một người tình mà mình chưa hề biết mặt.
Hà
Nội trong trí tưởng của tôi được hình dung qua những tác phẩm của Tự Lực Văn
Ðoàn mà thời niên thiếu tôi đã say mê. Từ Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng cho
tới Hoàng Ðạo, tôi đã sống bằng trí tưởng tượng về những con đường, những khu
phố của Hà Nội 36 phố phường, những con đường thanh lịch mang tên Hàng Ðào,
Hàng Ngang, những con đường gọi là Cổ Ngư, những chiếc hồ gọi là Trúc Bạch,
Hoàn Kiếm, hồ Tây, có vườn Bách Thảo, chùa Trấn Quốc, sông Nhị Hà... Nơi đó có
những con đường cây bàng lá đỏ, có liễu rũ ven hồ...
Và
sau này, với Hoàng Anh Tuấn, những buổi chiều thu, hình ảnh những cô gái dịu
dàng xinh đẹp và quý phái của “Hà Nội yêu, áo lụa ngà óng ả, thoáng khăn san
nũng nịu với heo may!”
Lần
đầu tiên tôi được trông thấy Hà Nội trong mộng tưởng là Hà Nội của năm 1982,
khi chúng tôi những người tù đang ở trên chuyến xe, qua cầu Long Biên trở về
Nam, để cảm nhận “Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù” mà tôi đã hình dung qua
“Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” của ngày nào!
Hà
Nội trong trí nhớ của những người đi xa, không còn là Hà Nội của bây giờ. Hà
Nội đã thay đổi. Không còn người, còn cảnh, còn tiếng nói. Nhiều người đã mất
hẳn Hà Nội vì không bao giờ còn muốn trở về. Cũng như tôi đã mất Huế của tôi để
chỉ còn gọi hai tiếng xót xa, thương tiếc: “Huế ơi!” hay như đối với nhiều
người, Sài Gòn đã là vĩnh biệt! Nha Trang còn có chăng một “ngày về” và Ðà Lạt
bây giờ “chỉ đẹp như chuyện ngày xưa!”
Những
thành phố của tuổi trẻ, những thành phố của tình yêu, những thành phố của kỷ
niệm và hình ảnh của thành phố trong thời thơ ấu chính là quê hương mà chúng ta
đã mang theo suốt cuộc đời. Do vậy, đối với Hà Nội, có thể là một giọng hát
quan họ, đối với Huế, đôi khi là một điệu hò mái nhì, đối với Sài Gòn thường là
một câu vọng cổ, trong khoảnh khắc nào đó khơi dậy nỗi nhớ quê hương. Tuổi trẻ
hăm hở bước đến tương lai, trong khi người già tần ngần thương tiếc, nhớ lại
quá khứ, do đó, một giọt đàn bầu, một vần điệu dân ca một buổi chiều nào bỗng
dưng đem lại trong lòng chúng ta những cảm xúc đến đau đớn của một người đã mất
quê hương.
Nhiều
người đã về lại Hà Nội nhưng Hà Nội khác xa với những ngày tháng cũ, đã trở lại
Huế nhưng Huế đã đổi khác, đã tìm lại Sài Gòn nhưng Sài Gòn hôm nay không còn
là Sài Gòn của hôm qua! Ðành rằng quê hương “chỉ một” nhưng chúng ta đã lầm lỡ
đánh mất quê hương rồi!
Giờ
đây, quê hương là tiếng mời mọc réo gọi những đứa con đi xa. Một buổi chiều
nào, nghe như tiếng còi tàu từ xa vẳng lại. Một đêm trăng từ tiềm thức vọng một
tiếng ru hời. Những bước chân tưởng chừng như đi qua bao nhiêu cánh đồng, rặng
núi, con sông. Thương cho ai vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê hương, nhưng
nếu trở về, đứa con ngày xưa chỉ là một người khách lạ lạc loài, ở với quê
hương mà nhớ quê hương.
Tôi
biết nhiều người bạn già đã bỏ Hà Nội gần 60 năm về trước, lại phải bỏ Sài Gòn
20 năm về sau, chưa một lần về lại chốn xưa. Nhưng dù bây giờ đã là cuối đường,
cũng xin đừng tắt niềm hy vọng, không phải là “biết đâu,” mà “hãy tin ngày ấy
anh về!” Chỉ tiếc rằng khó lòng xây dựng lại một Hà Nội của những ngày tháng
cũ, niềm tin này xin hãy trao lại cho con cháu đời sau.
No comments:
Post a Comment