NguyênHuy/Người Việt
Sunday,
July 22, 2012 4:11:00 Pm
GARDEN
GROVE (NV)
- Trên 200 nam nữ giáo sư của VNCH trước 1975,
từng là những giáo sinh của trường Sư Phạm Sài Gòn, vừa có cuộc họp mặt khá
đông vui vào trưa Chủ Nhật, 22 Tháng Bảy, tại nhà hàng Diamond Seafood, Garden
Grove.
Ðại
diện Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn cùng cất cao tiếng hát quốc thiều như ngày nào
đứng trong những sân trường khắp các nẻo đường Việt Nam nhìn thế hệ nối tiếp
hát quốc ca vào mỗi sáng Thứ Hai. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Cựu
giáo sinh Lê Minh Phú, trưởng ban tổ chức, cho nhật báo Người Việt biết: “Hàng
năm, Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn chúng tôi có một cuộc họp mặt để mừng vui chia sẻ
cuộc sống với nhau khi đã rời nghề 'gõ đầu trẻ' với biết bao kỷ niệm thân yêu
đã hằn ghi trong tâm trí. Trong những dịp họp mặt như thế này, bao giờ chúng tôi
cũng mời được các vị giáo sư đã dẫn dắt chúng tôi vào nghề, để chúng tôi có dịp
đóng góp vào công việc xây dựng nền giáo dục của miền Nam, mà bây giờ nhìn lại,
đánh giá nó thấy là một nền giáo dục nhân bản, khai phóng tạo nên một thế hệ
Việt Nam biết sống đạo đức và là những công dân hữu ích của đất nước.”
Cựu
giáo sinh Mai Minh, một trong những thành viên ban tổ chức, cũng cho chúng tôi
biết thêm: “Số giáo sư mà chúng tôi mời được trong kỳ họp mặt này đặc biệt có
Giáo Sư Nguyễn Hữu Phước, cựu giám đốc Nha Sư Phạm, cựu hiệu trưởng Sư Phạm Sài
Gòn, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, một thành viên xây dựng nên Gia Ðình Sư Phạm Sài
Gòn ở hải ngoại, Giáo Sư Nguyễn Tử Quý, Giáo Sư Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ... Chương
trình của chúng tôi lần này dành một thời gian lớn để chúng tôi ghi nhớ và tri
ân các vị giáo sư, cả những giáo sư đã không còn tại thế là các Giáo Sư Phan
Hữu Niệm, Lê Thị Mão, Trần Quang Minh, Bùi Văn Giần, Nguyễn Hữu Bảng, Bùi Quang
Kim và Vũ Văn Tịnh. Ngoài ra, chương trình còn có phần chúc thọ các vị giáo sư đã
vào 'tuổi hạc' là Nguyễn Quí Bổng, Trần Thế Uy, Doãn Quốc Sỹ, Vũ Văn Ðại, Ðoàn
Hữu Khánh, Trần Văn Chơn và Nguyễn Thanh Quang. Sự tri ân này chúng tôi đã khắc
ghi trên một tấm plaque được trao kính đến quí vị.”
Giáo
Sư Dương Ngọc Sum, trong dịp này cũng cho anh em báo chí biết sơ lược về Gia
Ðình Sư Phạm. Ông nói: “Sau năm 1975, một số anh em chúng tôi vượt thoát được
khỏi nước, nhìn lại thấy anh em bị kẹt lại khá đông, chúng tôi mới họp nhau lại
thành một nhóm chung góp với nhau để gửi về cứu giúp anh em ở lại. Việc làm của
chúng tôi dần dần được anh chị em giáo sinh các khóa sư phạm biết đến và tham
gia đông đảo. Thế là Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn thành hình. Cho đến nay thì cũng
qua cả trên mấy chục năm, sinh hoạt của Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại chúng
tôi đã thành nề nếp. Năm nào chúng tôi cũng gặp gỡ nhau ít ra là một lần vào
dịp hè để quần tụ nhau, ôn lại bạn xưa, trường cũ cùng là tình thầy trò của thế
hệ chúng tôi. Gần đây chúng tôi cũng được tin là anh chị em Sư Phạm Sài Gòn kẹt
lại cũng đã tổ chức được những buổi họp mặt gặp gỡ nhau hàng năm và chúng tôi
đã liên lạc được với nhau khá mật thiết để biết ai còn ai mất, ai khó khăn
trong chế độ không chấp nhận giáo giới chúng tôi ngay từ những ngày họ cưỡng
chiếm được Việt Nam Cộng Hòa.”
Cựu
giáo sinh Nguyễn Thị Hiền, cũng trong ban tổ chức, cho biết: “Nay nhìn lại thì
cả thầy lẫn trò đều có hai thứ tóc trên đầu, nhưng vẫn còn chung một nhịp thở
'nhà giáo.' Người đi trước dẫn kẻ đi sau, cùng chung một mộng ước là góp tay
thực hiện nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trong đó đạo đức làm người được
rèn luyện trên tinh thần khai phóng và nhân bản. Lớp người đó, một phần hiện
nay đang ở hải ngoại đã minh chứng được cho kết quả tốt đẹp của nền giáo dục
đó. Hôm nay, kính ơn thầy cô một thời dẫn dắt, chúng tôi cũng ngầm kiêu hãnh
với nhau rằng đã một thời được đóng góp vào nền giáo dục tốt đẹp đó.”
Thầy
trò xưa gặp lại nhau, vẫn một niềm tôn kính trong ngày Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn
họp mặt. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Cuộc
họp mặt hàng năm của Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn sau những phút hàn huyên trước
giờ khai mạc, có một chương trình đầy ý nghĩa khi ban hợp ca Gia Ðình Sư Phạm
cất lên tiếng hát hai bài “Việt Nam tôi đâu?” và “Anh là ai?” của nhạc sĩ Việt
Khang, mở đầu cho một chương trình văn nghệ của các cựu giáo chức VNCH luôn
luôn nhớ đến những bài công dân giáo dục về lòng yêu nước và tinh thần trách
nhiệm của người dân trong một nước.
Sư
Phạm Sài Gòn, hậu thân của trường Sư Phạm Quốc Gia, chuyên đào tạo giáo chức
tiểu và trung học bên cạnh Ðại Học Sư Phạm, chuyên đào tạo các giáo sư trung
học đệ I và đệ II cấp. Tất cả đã như một “Sư Ðoàn Văn Hóa” chiến đấu với giặc
dốt, mở mang bờ cõi kiến thức cho nhiều thế hệ tại miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa.
Chính các thầy cô phụ trách bậc tiểu học là những người đáng vinh danh nhất.
Bởi vì họ là những người khai phá đất trồng là trí óc non nớt của từng thế hệ
để những đất trồng ấy nuôi dưỡng được những gì học hỏi được mà ứng dụng vào
đời, cung ứng cho xã hội mai sau.
Sau
khi cộng sản chiếm miền Nam, một nền giáo dục khác hẳn được áp đặt trên toàn
đất nước. Kết quả ra sao, một thế hệ thanh niên Việt Nam hiện tại ở trong nước
như thế nào chắc các nhà giáo cũng lượng định được nên Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn
lại càng thấy phấn khích hơn trong những lần gặp gỡ nhau để nhớ lại một thời
được học và được dạy cho một nền giáo dục nhân bản, khai phóng và dân tộc.
––
Liên
lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment