LTS. Nhà
văn Phan Nhật Nam là người
tù có duyên với đất
Thanh Hóa. Anh
thoạt tiên ở
trại Lam Sơn (trại 5), đến năm 1986 thì chuyển lên trại Thanh Cẩm cách trại cũ không xa, độ 30
km về phía mạn
ngược. Chuyện anh kể dưới đây là câu
chuyện “liên trại”, phần đầu xảy
ra tại Lam Sơn, phần kết tại Thanh Cẩm. Điều kỳ lạ là do
việc chuyển từ trại này đến trại kia, và vốn là người
chuyên bị nhốt ở kỷ luật và kiên
giam, Phan Nhật Nam đã biết hết mọi chuyện từ đầu đến
cuối, ở hai địa điểm khác nhau.
*
Tất cả dấu hiệu về con người của thằng Công chỉ hiện ra nơi hai tròng mắt. Tròng mắt người nhưng có ánh sắc loang loáng của loài chuột sống dưới hầm sâu, nơi cống rãnh ẩm tối nhầy nhụa những rác rưới, cặn bã. Vây quanh động vật gọi là con người kia là tấm màn dày dặt oi oi gây nôn bốc lên từ một thân thể không hề tắm rửa, và bộ áo quần tù khô mốc quết dính bởi mồ hôi, đất, bùn… sau năm tháng thấm ướt nước mưa, nước ruộng, nước tiểu ủ phân người dùng để tưới rau xanh. Và Công xử dụng sự bẩn thỉu nầy nên thành một vũ khí lợi hại. Mỗi khi lâm trận xô xát, giành giựt lá rau, củ sắn... hắn nhào vào địch thủ, ôm cứng như loài sên bám vào vỏ cây để mùi hôi thối từ thân người xông lên chụp lấy đối phương như bị ủ kín trong một chiếc chăn nồng nặc. Và nó cắm chặt vào bất cứ phần da thịt nào của đối thủ với hàm răng nhọn của một loài sài lang khủng đói. Mặc cho đối thủ dập xuống những nắm đấm đòn thù, Công chỉ buông kẻ nghịch khi miệng thấm ướt mùi máu và miếng da, thịt người tanh tưởi. Lẽ tất nhiên, đối thủ nó cũng là những tên tù đói, bẩn, nhưng mùi thối của thân thể Công nặng nề gay gắt hơn hẳn. Hơi thối có độ dày tởm lợm bốc lên từ đầu tóc rậm lởm chởm, trên lớp da đen xỉn nhầy nhầy đất ghét. Công cũng đã xử dụng mùi hôi thối của thân thể (mà bất kỳ ai đến gần cũng bị phản ứng nôn mửa) để chiếm cứ chỗ nằm sát bức tường ngăn khu cầu xí cuối buồng giam.
Em nó, thằng “Công em” được đặt nằm an toàn trên chỗ ngủ âm âm thối ủm nầy. Nó nằm ngoài che em với đôi mắt nhỏ liếc đảo ngang dọc từ đầu căn buồng đến khu chuồng xí. Khi khám phá ra một “con mồi” nào đấy đang nằm cử động nhẹ khẽ dưới tấm chăn đắp, Công lẻn tới im như một loài bò sát. Nó phóng nhanh lên thân người đang chuyển động kia, chớp lấy thứ, loại thức ăn mà kẻ kia đang nhóp nhép nhai, bỏ tọt vào miệng, xong gục đầu xuống ngực chấp nhận trận đòn cho đến khi nuốt xong miếng ăn vừa cướp được. Chỉ hai thứ vật chất Công chưa đưa vào miệng: đất, cát và lá, cỏ. Nó đã lập nên những thành tích: Ăn thức ăn từ mồm thằng Huân “con” nôn thốc ra khi tên nầy phải ăn nhanh hết hai cân gạo tẻ, cân đường chảy, lọ mắm ruốc từ nhà thăm nuôi trở về. Nó cũng vượt mặt tất cả toàn trại tù với gói phân của thằng em còn lẫn nhiều hạt bo bo chưa tiêu hóa kịp. Từ khu lao động hầm đá, thằng Công lận gói phân dưới đũng quần, vào trại, rửa qua loa, và đun lại trong chiếc bát nhôm mẻ. Tao ăn cứt của em tao chứ đâu ăn cứt của chúng mầy. Công nói tỉnh khi bọn tù xỉa xói chưởi rủa hành vi súc vật của hắn.
Hai anh em thằng Công thuộc Đội 12 Trại Cải Tạo Số 5, Xã Lam Sơn, Tỉnh Thanh Hóa - Đội tù trừng giới (gồm những phạm nhân chịu án phạt tập trung vô hạn định) có nhiệm vụ cung cấp đá ong cho toàn vùng để xây các trụ sở hành chánh, công trường, nhưng chủ yếu là những hầm tù khác của hệ thống trại tù Lý Bá Sơ để lại từ những năm chiến tranh Việt-Pháp (1946-1954). Công tác sản xuất nầy có giá trị kinh tế cao, đem về cho trại nguồn thu nhập tài chánh lớn nhất (so với các đội làm gỗ, đốn củi, trồng rau, chăn nuôi...) nhưng cũng là công tác nặng nề gây chết im lặng, chắc chắn mà các “Trường Vừa Học Vừa Làm” (nơi huấn luyện, đào tạo nên những con người “xã hội xã hội chủ nghĩa tiên tiến” từ thuở vị thành niên) tiếp chuyển giao đến khi bọn “trại viên cải tạo” tới tuổi thành người - Thành người tù nếu muốn nói rõ hơn. Trai hay gái đồng chung một chế độ quản lý, giáo dục. Chế độ không có hiện tượng “người bóc lột người” nếu muốn xác định thêm “tính chất ưu việt của chế độ ta”.
Khu vực hầm đá thoạt tiên là bãi đất trống mọc rải rác một loại bụi nhỏ khô cằn có tên là “cây cốt khí”. Không ai hiểu vì sao loại cây nầy được đặt tên bởi tính danh kỳ cục ấy. Nhưng thật ra không có tên gọi nào thích hợp hơn. “Cây cốt khí” không là loại cỏ do mọc cao hơn mặt đất khoảng vài gang tay, nhưng cũng không hẳn là cây vì không cành, lá. Đấy chỉ là một loại bụi lùm hoang dã, thân có gai nhỏ, và những lá nhọn tua tủa sắc, lởm chởm như lông nhím. Đéo mẹ cái thứ quỷ quái nầy đun bếp cũng không được nốt! Bọn tù ngao ngán đánh giá loại cây, cỏ vô dụng. Nhưng, ban giám thị trại đã nhìn thấy “tiềm năng” dưới lòng đất: Hầm đá ong được thành hình trên vùng đất không cỏ mọc. Đại úy Trịnh Bắc (một đại tộc của vùng Thanh Hóa), cán bộ nhân lực Trại 5 đưa cặp mắt đứng tròng sắc xảo nhìn lướt qua vùng đất khô nỏ ong ong bốc hơi dưới nắng nói cùng viên giám thị trưởng trại, Thiếu Tá Đỗ Năm (một đại tộc thứ hai có viên tổng bí thư đảng đương quyền họ Đỗ suốt hai thập niên 70, 80).
Thưa Ban (Ban giám thị) dưới lớp đất nầy là đá ong, ta xử dụng bọn Đội 12 đang làm rau xanh cho ra làm đá.
Liệu có làm được không, đá ấy cứng như thế, sợ bọn chúng không làm nổi?
Phải được, sẽ chỉ định quản giáo Chuyên phụ trách bọn nầy. Không làm không được. Phải làm đúng chỉ tiêu mỗi ngày, thiếu viên nào bớt suất ăn phần ấy!
Trịnh Bắc tin chắc vào khả năng “Mắt công an/Gan bộ đội” của bản thân – Anh ta đã “nghĩ, thấy” thế nào thì sự việc cũng “phải xẩy đến” như thế. Bọn ngụy quân, ngụy quyền mấy ngàn người trong Nam đưa ra từ cấp đại úy đến trung tướng, bao gồm cả tổng, bộ trưởng, giáo sư, tiến sĩ… lọt vào tay anh không dám hó hé một âm mưu, hành vi phản động. Ta bóp chúng từ khi chúng mới được nghĩ ra. Chẳng thế, năm 1978 kia mới mang cấp trung sĩ nhất mà nay đã là đại uý công an không cần qua trường, lớp “Sĩ quan đại học biên phòng”. Bắc còn có quản giáo Chuyên phụ tá, xử dụng dưới tay bọn “Thường Trực Thi Đua – Ban đại diện tù” và những tên đội trưởng như gã tù coi Đội 12, Nhiền. Nhiền mặt vuông, thân hình thấp, ngón tay ngắn chỉ hai đốt, vốn gốc công an Hải Phòng, do phạm tội giết người đoạt của nên chuyển về Trại 5. Nhiền được đề bạt làm Đội trưởng Đội 12 do thành tích đánh chết Định “già” (Cựu thượng úy bộ đội, chuyên nghiệp tình báo, thuộc diện “B quay – Hồi chánh theo quân đội cộng hòa”, trao trả về quân đội giải phóng năm 1973 tại Thạch Hãn, Quảng Trị) do trên ra lệnh giết. Định “già” chết không để lại dấu vết. Không giọt máu ứa ra. Cũng không kịp kêu lên tiếng gào hấp hối. Định chết khi đang đứng lãnh phần bắp trước mặt Nhiền.
Buổi sáng, ra đến bãi, mỗi tên tù Đội 12 được phát một cây cuốc chim loại nhỏ, một đầu dùng để cuốc đá, đầu kia dùng để đẽo theo hình mẫu: Khối đá ong hình chữ nhật có góc cạnh 10 phân dày, 20 bề ngang, và 40 chiều dài. Chỉ tiêu mỗi ngày 8 viên. Qua tháng thứ hai, chỉ tiêu nâng lên 12 viên/ngày; tháng thứ ba, tư 15 viên, và ngừng ở con số nầy. Bởi bãi đá trở nên là một chiếc giếng khô khổng lồ với vòm miệng loe rộng lên bầu trời. Bọn tù làm đá lúc nhúc dưới đáy lấm chấm như một đàn chuột bị bẫy sập. Hơi nóng từ trời cao ủ xuống vực đá tích tụ vào trung tâm nên thành một luồng hơi sầm sập ẩn hiện lung linh qua ánh nắng. Đầu trần (chiếc áo tù đã cởi ra trùm đầu thay mũ, nón), chân đất, những tên tù Đội 12 bò lên nền đá ong, gõ chiếc búa chim rời rạc kiệt cùng. Sẵn vũ khí, chúng gây chuyện đánh lộn để đi nằm nhà kỷ luật thay vì phơi thân làm đá. Trò bạo loạn chạm tới cao độ khi tên Tịnh “mắt” (do có đôi mắt đặc biệt đen thẫm) chém đứt gân chân thằng Định “nhạn trắng”, chấp nhận án tử hình do đã gây vụ việc từ những năm trước, ở những “Trường vừa học vừa làm” phía Bắc, sát biên giới Hoa-Việt.
Sau vụ thằng Tịnh, bốn vệ binh được lệnh đứng gác bốn góc bãi đá, trên cao nhìn xuống, theo dõi từng cử chỉ của mỗi tên tù. Vệ binh được lệnh nổ súng khi thấy dấu hiệu bạo động. Bọn tù cũng được chia thành từng nhóm ba tên để chỉ huy, rình rập, thúc dục nhau công tác hầu đạt được chỉ tiêu. Thiếu một viên cả ba đồng phải chịu cắt khẩu phần ngô, khoai sắn. Hai anh em thằng Công được chỉ định ở chung một tổ. Một hôm, thằng Công em “bất ngờ” bị té từ trên thềm đá cao xuống một chỗ thấp hơn, đầu đánh vào góc bậc đá đang đẽo dở, máu từ trán chảy ra thấm ướt đậm màu nền đá đỏ.
Ông cho cháu cõng em cháu về bệnh xá.
Gã bộ đội đứng gác ý hẳn cũng đang mệt nhọc dưới trời nắng hươi mũi súng thuận cho lời cầu xin của Công. Trên đường đi, Công “em” úp mặt lên lưng anh hỏi khẽ... Mầy xô tao ngã xuống phải không? Im, nhớ giữ kỹ “cây bút chì”! Thằng em cắn vào lưng áo anh tỏ vẻ hiểu. Hai ngày sau Công “em” xuất viện, thằng anh ôm em ngủ vẻ săn sóc, yêu thương… Nhưng thật ra nó nói khẽ với em: Đêm nay, khi tao “đánh” cái vòm. Mầy đừng cho thằng nào vào nhà xí! Với “cây bút chì” (dùi đẻo đá) thằng Công mở rộng vòm tròn lỗ đại tiện không khó khăn do lớp vôi vữa từ bao năm bị nước tiểu, chất dơ bào mòn, thấm nhũn. Chỉ cần mở mỗi bên rộng khoảng gang tay. Thằng Công nhảy xuống trước, chân ngập vào hố phân. Không cần để ý, nó bò theo lỗ hổng hầm cầu (ngang mặt đất) thông ra sân sau buồng giam. Công em bò theo nói nhỏ:
- Tao dính đầy cứt!
- Im, theo tao, chạy xuống nhà bếp!
- Tại sao không ra cổng?
- Đánh soong ngô để khi ra nằm ngoài kia có cái mà ăn. Phải nằm chờ bên khu công trường trồng cam vài ngày, chưa chạy thẳng về Thanh Hóa, Hà Nội được.
Khi hai anh em thằng Công lọt vào được khu nhà bếp cuối trại thì từ căn buồng Đội 12 có tiếng la lớn
Báo cáo cán bộ… Báo cáo cán bộ… Trốn trại!... Báo cáo cán bộ… Trốn trại!!
Tiếng súng nổ vang. Kẻng đánh dồn bốn phía trên các chòi gác. Công chạy nhanh đến chiếc giếng nơi có cây sào dùng kéo nước.
Bình tĩnh, nó nói chắc với em. Tao giữ sào, mầy bám vào, chân đạp vào tường trèo lên trước.
Loạt đạn từ vọng gác góc nhà bếp bắn tung lớp mảnh chai rải trên đầu bức tường. Thằng em chạm tay lên bờ tường cố rút người lên… Tao, tao bị rồi… Thân nó rơi xuống nhanh. Thằng Công ôm em, ngồi gục mặt trên khoảng ngực dần đập yếu. Nó ngửi ra mùi máu đầm đìa ngập ngập. Những báng súng dập xuống lưng, đầu. Công vẫn ôm chặt xác đứa em như khả năng bám cứng thường áp dụng. Nhưng lần nầy, cuối cùng nó phải buông rời xác em, ngã ra chết ngất, chỉ tỉnh dậy ba ngày sau nơi phòng kỷ luật. Công biết nó chưa chết do ngửi ra mùi máu quen thuộc đóng khô trên mặt. Sáu tháng sau, Công được tháo cùm cho về buồng. Nó bò với hai tay, hai gối, nhích tới từng khoảng ngắn, xong nằm bẹp lên đất. Quản giáo Chuyên đi theo, dùng chân đè lên lưng, đầu, đá vào hai chân lê lết, cong queo của nó nói lời khinh bỉ:
Mầy có thành con dòi cũng không trốn khỏi đây được. Tao có thể bắn chết mầy ngay bây giờ nhưng cho mầy sống để ăn cứt!
Thằng Công lết chậm im lặng, mắt ráo hoảnh, không cảm giác, tròng đen khô như hòn than. Về đến đội, Công nói cùng Huân “con”, tên đội trưởng mới:
Tao sẽ không gây vụ việc gì để mầy phải liên hệ. Mầy chỉ cho tao biết thằng Nhiền đâu rồi? (Nhiền là tay đội trưởng cũ).
Nó được chuyển vào trong Thanh Cẩm làm Trực Thi Đua vì thành tích báo cáo vụ trốn trại của anh em mầy.
Một tháng sau, tại bãi đá, Công chụp cứng bàn tay của một gã vệ binh, cắn đứt ngón trỏ khi tên nầy xoè tay xỉa xói, tát tai nó do tội không làm đủ chỉ tiêu 15 viên đá. Ban giám thị Trại 5 có quyết định nhân hậu khôn ngoan. Cho nó lên trại Thanh Cẩm, thằng Nhiền sẽ trị nó.
*
Người tù thở hơi dài thanh thản. Đây là phòng kỷ luật “tiện nghi” nhất ông được ở của mười năm qua, kể từ 1978 khi chuyển về vùng Thanh Hoá nầy. Phòng vuông vức mỗi bề ba thước, hai bệ nằm, ở giữa có lối đi. Ông có thể “đi bộ” qua, lại nơi chiếc sân rộng một thước, dài ba thước nầy. Điều tuyệt diệu hơn hết là ông có được khung cửa sổ mỗi bề rộng bốn gang tay, chắn bởi bốn thanh sắt dọc và ngang bởi một bản sắt dày. Nhưng những thanh sắt chấn song không ngăn cản được tầm nhìn ra dãy núi thượng nguồn Sông Mã, và lắng nghe âm tiếng sông trôi về xuôi xa dưới chân đồi trước mặt trại. Nếu đứng ép mình sang góc phải, người tù có thể nhìn xéo ra chiếc cổng chính của khu kỷ luật, cực trái sân cỏ, nơi có cây hoa gạo nở đỏ rực mỗi dịp xuân, báo hiệu ngày Tết. Từ khung cửa sổ thần tiên nầy, ông nghe được hơi thở nhẹ của tự thân rung động theo từng di chuyển im lặng của trăng. Ông ấy lên rồi đó!! Người tù nói ra thành lời khi căn phòng bắt đầu dọi sáng ánh biên biếc, rồi chuyển sang sắc xanh thanh khiết thắm thiết… Ông bước xuống khỏi bệ nằm, kéo chân cùm ra một góc để có được tầm nhìn tối đa khi đứng ở cửa sổ. Cảm giác tắm đẫm giữa sắc trăng xanh. Và “ông ấy” lên chậm rãi, lặng lẽ, uy nghi... Rồi cả một vùng núi trải dài hùng vĩ đồng rộ sáng dưới mầu trăng miên man cảm động. Những chấn song khung cửa sổ dọi lên tường thành hình hàng Thánh Giá nghiêng nghiêng. Ông thấy Chúa Cứu Thế có thật trên dãy Thánh Giá màu Đen kỳ diệu nầy dẫu chưa được phép rửa tội theo nghi thức Công Giáo.
Năm hàng soong sắt lạnh
Dọi Thánh Giá lên tường
Chúa chịu phần khổ nhục
Với Con Người đau thương
Người tù đọc nhiều lần lời thơ đơn giản như một cách cầu kinh của riêng mình. Nhưng bình minh lại đến với hân hoan làm rưng rưng nước mắt. Mặt trời chưa lên mà người tù đã nghe toàn vũ trụ, vạn vật rộn ràng chào đón. Tiếng vượn hú dài hơi theo trùng điệp rặng núi. Bầy chim đen vùn vụt bay lên khoảng không, đồng lần sà xuống trên sân cỏ, và những con bướm... Những chấm vàng, trắng nổi bật nơi xa trên mầu xanh của núi, rừng dần dần bay về tụ lại trên sân cỏ trước phòng giam... A… bướm tìm ra nhau theo màu của cánh! Ông miên man theo dõi, khám phá sự huyền bí kỳ diệu từ những cánh bướm im lặng, chập chờn. Người tù cũng thật sự cảm khích với cách kiên trì nhẫn nại của cách con tò vò làm tổ. Tò vò kẹp từng viên đất tròn nhỏ với hai ngàm và hai chân trước, tô đắp nên thành chiếc tổ qua từng mỗi ngày khó nhọc. Xong “hắn” tất tả bay đi kiếm sâu (loại sâu màu xanh lá mạ có chiều dài hơn thân tò vò), đặt vào tổ làm mồi dự trữ, đẻ trứng, đóng kín tổ bằng lượng nước dãi cố gắng mỏi mòn. Anh yên tâm, tôi giữ tổ cho anh để hai-mươi mốt ngày sau con anh ra đời. Người tù nói chuyện cùng tò vò thân thiết thật lòng khi thấy ra cách bay mệt mỏi của “gã bạn” với đôi cánh đập dần dần yếu đuối. Tò vò sẽ rớt chết ở một nơi nào đó. Người tù muốn sống trong tình thế nồng nhiệt mến thương nầy để quên khuất một cảnh tượng đau lòng... Thân con người bị kéo ngược (gã trật tự kéo bằng cách nắm hai cổ chân) đâu từ dưới trại, qua mấy mươi bậc thang (để đưa lên khu kỷ luật nơi đỉnh đồi cuối trại). Căn buồng cực trái dãy sau (Người tù luôn cách biệt các bạn tù bởi những phòng để trống, và hai dãy buồng đối lưng nhau) có tiếng mở cửa, kéo chân cùm, và tiếng chưởi Địt mẹ cha cố cũng đánh theo cha cố!! Hôm đó, năm xẩy ra cảnh tượng đau lòng ấy đã quá lâu, nhưng người tù luôn nhớ rõ, hiện sống với cảm giác khiếp sợ làm thân người ông run lên bần bật (dẫu ông là người lính tác chiến của một đơn vị kiệt liệt của Miền Nam). Người bị kéo ngược như thế chắc hẳn đã là một xác chết! Nhưng tại sao còn bị đánh bồi và xỉ nhục?! Sau nầy hỏi ra, ông biết người thụ nạn là một Linh mục Công giáo. Chúa ơi! Sao con người có thể đau thương đến thế?! Mỗi lần đứng ở cửa sổ, người tù đồng có mối hân hoan (trước cảnh trí rực rỡ vui hòa của thiên nhiên) chen lẫn mối nặng lòng (do ác độc của con người) với câu hỏi như trên nhiều lần lập lại...
Sáng nay, từ buồng giam cực trái (buồng số 1, cùng dãy trước với buồng ông) có tiếng mở khóa cùm chân và lời quát tháo
Địt mẹ, lần sau ông đéo cho mầy đi đổ ống… ỉa xong thì ăn đi… Đi ra, đồ chó đẻ... Chó nó cũng không bẩn đến như mầy!
Nghe tiếng chưởi của Nhiền, gã thường trực thi đua, người tù đứng nép vào góc phải cửa sổ nhìn ra sân theo dõi… Gã tù khom người bước đi mệt nhọc, chậm chạp.
Địt mẹ mầy có nhanh được hay không hay đợi ông đá cho mấy cái.
Nhiền đi cách khoảng gã tù ý chừng như muốn tránh xa sự bẩn thỉu. Gã tù lê ống tre bương trên sân cỏ, lúc lắc thân người rề rà hướng về phía hầm chứa phân khu kỷ luật.
Đổ vào đây. Địt mẹ đổ vào đây!! Nhiền hét lớn chỉ vào hố chứa. Mầy làm rơi vải tao bắt mầy phải ăn cho hết! Địt mẹ… đồ ăn cứt!!
Gã tù đã đến bên hố chứa phân, gã lóng cóng với ống bương. Phân, nước giải rơi vải tung toé…
Đổ xuống hố. Địt mẹ thằng chó.
Nhiền xoay xoay chùm chìa khoá buồng giam tiến gần chực đánh. Gã tù với một phản ứng nhanh nhẹn bất ngờ tạt ống bương vào mặt Nhiền. Tên nầy hét lớn hốt hoảng đưa tay vuốt những mảng phân thối, dòng nước dơ. Gã tù nhảy thoắt đến viên đá chận nắp hố phân. Nó nâng lên… Đập mạnh xuống khuôn mặt lầy nhầy chất bẩn. Nhiền ngã quay quắt trên đất. Thằng Công nhảy lên ngồi trên ngực Nhiền, thọc tay vào ổ mắt.. Móc ra!! Nó nuốt khối nhầy ươn ướt máu và cứt. Súng trên chòi canh nổ sắc, gọn, chính xác từng phát một. Lưng thằng Công ưỡn lên, nẫy nẫy… Trong nầy, người tù cúi gập xuống. Nôn khan..
Chuyện nghe và thấy…
Nơi Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa
(1986-1988)
PNN
No comments:
Post a Comment