Wednesday, 25 July 2012

BA LAN : KHI NGƯỜI VIỆT BIỂU TÌNH CHỐNG LẠI NGƯỜI VIỆT (Mạc Việt Hồng)




03:03:pm 24/07/12

Có người không muốn gọi đây là cuộc biểu tình, mà muốn dùng từ “đình công” hay “bãi chợ”. Có thể vì nó không có những băng rôn, biểu ngữ nhiều mầu sắc, cũng không kèn trống ầm ĩ hay diễu hành trên đường phố như thường thấy trong các cuộc biểu tình khác. Những tranh cãi về từ ngữ như vậy đã diễn ra bên lề cuộc biểu tình sáng nay tại trung tâm thương mại ASG- một cuộc biểu tình hết sức đặc biệt, của khoảng vài trăm người Việt chống lại một nhóm người Việt khác.

Đàm phán thất bại
“Nhóm người Việt khác” ở đây là 4 ông chủ của trung tâm ASG. Khác với các khu thương mại kế bên trong quần thể Wólka Kosowska, ASG được đầu tư hoàn toàn bởi các doanh nhân người Việt và người buôn bán tại đây cũng gần như 100% là người Việt. Số người nước ngoài có quầy tại ASG có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đám đông biểu tình trước cửa khu văn phòng ASG

Cùng một ngôn ngữ, cùng máu đó da vàng, nhưng cuộc đàm phán về điều kiện hợp đồng mới ở đây đã đi vào bế tắc.
Hết hạn sau 10 năm xây dựng, trung tâm ASG muốn tăng mức tiền czynsz (tiền thuê hàng tháng) lên 3.300, PLN, mức cũ hiện nay là 2500, đồng thời đòi tiền cọc cho 3 tháng czynsz là 9.900, PLN. Với bà con, thì khoản tiền cọc là hoàn toàn vô lý, do mỗi quầy ở đây, tùy theo diện tích đã đóng 25.000, USD và 12.500, USD tiền vào cửa.
Những người có mặt tại đây từ đầu còn nhớ rõ, số tiền này được huy động thậm chí từ trước khi xây dựng trung tâm với lời hứa hẹn “coi như đóng góp cổ phần”.

Ngoài những bức xúc về tiền bạc là những lời phàn nàn về chỗ đỗ xe bị thu hẹp do chủ trung tâm tham lam quá đáng mở rộng khu vực buôn bán trên phần đất vốn là parking…

Thực ra bà con cũng rất biết điều, đã đồng ý với mức tiền thuê 3.000, coi như ‘cưa đôi’ giữa czynsz mới và czynsz cũ, nhưng họ vẫn không chấp nhận“- Chị Hạnh nói.

Cô bé bán hàng bên cạnh, với chiếc máy tính trên tay, thoăn thoắt bấm và cho biết thêm: “Nếu 3.300 cộng với thuế và tiền điện, tiền Internet nữa là 4.200 rồi. Buôn bán như bây giờ mỗi ngày mấy pas hàng thì lấy đâu ra tiền, nếu họ tăng vào thời điểm buôn bán được thì mọi người cũng có thể chặc lưỡi cho qua.”

Đàm phán đã diễn ra 2 lần nhưng đều thất bại. “Các anh đại diện bà con trong đoàn đàm phán nói rất là khéo, rất có tình có lý, đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra, thế mà họ vẫn không chịu“- Chị Thoa, một người chứng kiến cuộc đàm phán lần trước kể lại.

Trong xã hội dân chủ
Ghi nhận tại hiện trường cho hay, cuộc biểu tình có thể đã chưa nổ ra, hoặc nếu có cũng không rầm rộ như thế này, nếu không có một thông báo của phía trung tâm đưa ra khiến bà con bức xúc.

Thông báo được một công ty tư vấn luật soạn thảo dưới sự ủy quyền của Hội đồng quản trị ASG, trong đó có đoạn: “Để đảm bảo trật tự, an ninh và không làm xáo trộn hoạt động kinh doanh trong trung tâm ASG, chúng tôi khuyến cáo: Việc tham gia vào cuộc biểu tình và làm xáo trộn hoạt động trong trung tâm ASG là vi phạm nội quy của trung tâm và gây mất an toàn cho khách hàng cũng như những người đang hoạt động kinh doanh tại đây.
Những người tham gia biểu tình (chiểu theo hợp đồng thuê quầy và nội quy) có thể sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo luật pháp (trong đó có việc trung tâm ASG sẽ thanh lý hợp đồng thuê quầy ngay lập tức)”.

Các thông điệp được dán kín trên cửa kính lên khu văn phòng

Không biết ASG có đủ sức “thanh lý ngay lập tức” với mấy trăm người có mặt trong cuộc biểu tình ngày hôm nay hay không, nhưng rõ ràng lời dọa dẫm đã đem lại hiệu ứng ngược.

Phát biểu với báo chí, anh Tân nói: “Chúng tôi đang sống ở một nước dân chủ, một quốc gia tự do, không ai có thể ngăn cấm chúng tôi biểu tình, bày tỏ chính kiến hay đơn giản là để nói lên nỗi bức xúc của mình”.
Buôn bán từ năm nay sang năm khác một kém đi, tôi phải nuôi vợ và 3 con, giả sử tôi đi thuê nhà thì khi hết hạn hợp đồng, tiền đặt cọc cũ phải được chuyển qua, chứ không thể lại đòi tiền cọc mới, còn tiền cũ thì cũng không trả lại“- Anh Tân tiếp lời.

Anh Tân trả lời phỏng vấn

Trong khi đó, đứng kế bên, chị Phụng cho biết, “nội quy gì thì cũng phải phù hợp với hiến pháp, đây là nước dân chủ, chứ không phải nước độc tài cộng sản“. Ý kiến của chị ngay lập tức nhận được sự đồng cảm của đám đông vây quanh.

Đe dọa và thoái thác
Biểu tình bắt đầu lúc 11 giờ nhưng từ 8 giớ sáng nay, cổng chính vào trung tâm đã bị đóng kín và những tấm rào chắn bằng kim loại đã được dựng lên tứ phía nhằm ngăn chặn mọi sự tiếp cận với khu văn phòng của ASG.

Đúng 11 giờ, bà con đóng cửa tham gia

Và có lúc, toàn bộ điện của trung tâm đã bị cắt. Phía trong các rào chắn là những bộ mặt hình sự của những nhân viên bảo vệ cao to lực lưỡng của hãng Defensor Security vừa mới được thuê tới. Quang cảnh giống như những hình ảnh bảo vệ yếu nhân thường thấy trong các phim Mỹ.

Một tiếng trước giờ biểu tình, cố gắng phỏng vấn ‘phía bên kia’ của Đàn Chim Việt đã bị một người tên Marcin Pietrowski “được sự ủy quyền của trung tâm” từ chối. Tiếp theo đó, cuộc gọi tới số máy của ông Hoàng Mạnh Huê cũng chỉ nhận được câu trả lời “đang bận họp”.

Không xuống gặp bà con, phía trung tâm cũng tìm đủ mọi cách thoái thác bất kỳ sự tiếp xúc nào. Có lúc, họ đã đồng ý cho 5 người đại diện lên gặp, rồi lại nói chỉ cho 2 người và cuối cùng khi bà con cử ra đại diện, thì lãnh đạo trung tâm lại hủy bỏ vì cho rằng những người đại diện không có giấy ủy quyền!

Những chiếc xe tới tăng cường

Trong lúc cuộc biểu tình diễn ra khá ôn hòa và đã có một lực lượng bảo vệ cùng công an vừa đủ, thì trong khuôn viên trung tâm, bất ngờ xuất hiện thêm vài xe thùng cảnh sát nữa, kèm theo 1 chiếc xe lớn của biên phòng. Nhiều người có mặt cho rằng, đây là động thái dọa dẫm bà con của trung tâm ASG và nhận định này được chứng minh ngay sau đó, khi loa từ trung tâm cho biết, cảnh sát sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân của bà con.

Cuộc đấu lý với bà đồn trưởng
Đáp lại câu hỏi, tại sao lại kiểm tra giấy tờ của những người có mặt tại đây, anh công an trẻ chỉ tay về phía một người phụ nữ đeo kính đen, mặc chiếc váy đầm dân sự trông khá lịch lãm và cho biết, làm theo lệnh của bà trưởng đồn(1).

Một lực lượng công an có mặt từ sớm, nhưng sau đó còn có thêm 3 xe thùng to tới bổ sung

Ngay lập tức, một nhóm vây chặt bà đồn trưởng và cuộc đối thoại bắt đầu:
- Công an là những người dùng tiền thuế của dân, bà phải bảo vệ cả 2 phía, ở đây có mấy trăm người, chứ không phải chỉ vài người ngồi trên kia. Không thể bảo vệ bên này và dọa dẫm bên kia.
- Nhưng mọi người ở đây bạo động, đã làm vỡ cửa kính.
- Vậy bà đã bao giờ nhìn thấy người Ba Lan biểu tình chưa? Bà đã thấy họ đốt xe, đập cửa hàng, khóa nhà quốc hội, dùng gậy đánh công an và ném pháo chưa? Nếu so với người Ba Lan thì người Việt ở đây rất là hiền.
- Nhưng biểu tình thì phải có giấy phép.
- Chúng tôi không đứng ở ngoài đường phố, không làm cản trở giao thông. Chúng tôi đứng ở nơi buôn bán mà chính chúng tôi đã trả tiền thuê từ 10 năm nay và hiện vẫn đang trả. Tại sao chúng tôi chúng tôi lại phải xin phép ai…
Sau một hồi tranh cãi khá căng thẳng, bà đồn trưởng bỏ đi kèm theo câu nói nhấm nhắn, “thích thì cứ đứng đây tới sáng mai” và cùng với cái ngoắc tay của bà, việc kiểm tra giấy tờ cũng dừng lại.

Xe biên phòng tới góp mặt

Cuộc biểu tình kết thúc sau gần 3 giờ, dù một số, chừng vài chục người vẫn đứng ngồi tản mát xung quanh khu vực bên cổng ra vào chính và tiếp tục bàn tán về một biến cố rất hy hữu trong đời sống cộng đồng ở đây.

Biểu tình như vậy là thành công rồi, bà con tham gia đông, nhất là việc đàm phán được với công an”- Chị Vân nhận xét.

Có lẽ không phải ai cũng dễ bằng lòng như chị Vân, khi một số người ngay lập tức nghĩ tới cuộc biểu tình tiếp theo. Nhưng những người điềm tĩnh hơn, muốn chờ xem phản ứng của trung tâm ra sao, trước khi có những bước đi kế tiếp.

Xem thêm hình ảnh và video tại đây



(1) Tra cứu trên mạng cho biết, trưởng đồn công an Leszowoli là bà Edyta Grzeszczak

© Đàn Chim Việt






No comments:

Post a Comment

View My Stats