12:00:am 28/07/12
“Nói chung
bọn quỷ này mà còn thì đất nước muôn đời không khá lên được!”
-
H. K. Phuc (Độc giả Dân Luận)
Mãi
đến năm 2006, tôi mới nghe đến địa danh Con Cuông – sau khi có tai nạn chìm đò
xẩy ra ở nơi đây, khiến cho 19 em học sinh thiệt mạng. Phóng viên của báo Tiền Phong Online tường thuật:
“Đêm
7/10, bản Chôm Lôm (Lạng Khê, Con Cuông) thức trắng. Tiếng khóc não nề cất lên
từ những căn nhà sàn, bóng người bó gối ngồi bên bờ sông ngóng tìm con như hóa
đá.”
Sáng
hôm sau, đọc Tuổi Trẻ Online, tôi lại được tin thêm rằng đây
không phải là lần đầu tiên Con Cuông bị nạn đắm đò:
“Một
nguồn tin cho biết, sau ba lần bị chìm đò tại bến sông này làm thiệt mạng năm
HS, năm 2004, dự án Luxembourg đã tài trợ cho xã Lãng Khê một thuyền lớn 12 sức
ngựa, có thể chở từ 25 – 30 người để đưa các em HS qua sông đi học. Nhưng xã
Lăng Khê lại không đưa vào sử dụng vì ‘tốn dầu’, thu sẽ không đủ chi. Thay thế
chiếc thuyền này, xã đã thuê đóng chiếc thuyền có trọng tải dưới 1 tấn và ký
hợp đồng với ông Lô Quốc Phong (sinh 1951) người bản Chôm Lôm làm người lái.
Chính chiếc đò này đã gây vụ tai nạn thương tâm ngày 7-10.”
Sông
Giăng – Con Cuông. Ảnh: choi-vui/ben-ben-song-giang
Từ
đó, cứ mỗi lần nghe báo chí trong nước nhắc đến huyện “Con Cuông” là y như rằng
thế nào cũng có xẩy ra một chuyện gì đó “thương tâm,” hoặc chẳng lành:
-
Báo Nông Nghiệp: Con Cuông – Nghệ An: Lật đò, 13
người thoát chết.
-
Báo Dân Trí: Con Cuông hiện là một trong những
huyện có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh Nghệ An với hơn 200 người.
Nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ “con lốc” ma túy trên mảnh đất này.
- Báo Dân Việt: Lúc 4h sáng nay ngày 7.12 , chiếc
xe ben chở gỗ đang đi từ trên núi cao Pù Uột (xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông,
Nghệ An) xuống lưng chừng núi thì bị lật ngửa, 10/14 người trên xe đã tử vong.
-
Báo Tiền Phong: Bé gái 7 tuổi bị giết thả trôi
sông… Cùng ngày, tên Kha Văn Lính (22 tuổi), nhà ở cạnh bé Hường đã tới công an
huyện Con Cuông đầu thú. Hắn khai nhận rằng đã dùng tay bóp cổ cháu Hường cho
đến chết, sau đó quẳng xuống sông Lam.
-
Báo Hà Nội Mới: Toà án nhân dân huyện Con Cuông
(Nghệ An) cho biết vừa mở phiên toà sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo Lô Thị
Xuân, Lê Thị Minh, Nguyễn Thị Minh, Lê Thị Đảm về tội “mua bán phụ nữ”.
-
Báo Đại Đoàn Kết: xã Đôn Phục (huyện Con Cuông,
tỉnh Nghệ An) – địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, và từ
nhiều năm nay được biết đến với nhiều vụ mất tích bí ẩn của nhiều phụ nữ, trẻ
em gái, mà nhiều người nơi đây cho biết là bị “đưa đi” Trung Quốc.
-
Dân Trí: Phó công an huyện Con Cuông bị côn đồ
đánh trọng thương.
-
Công An Nhân Dân: Truy bắt nhanh 9 tên cướp tài
sản trên sông Lam, huyện Con Cuông.
-
Dân Trí: Chiều ngày 16/7, Công an TX Hương Trà
(TT Huế) cho biết, Cơ quan CSĐT-CATX Hương Trà đã ra quyết định bắt khẩn cấp và
tạm giữ đối với Nguyễn Thị Sáu (SN 1977, quê Con Cuông, Nghệ An) về hành vi môi
giới mãi dâm.
-
Người Đưa Tin: Công an huyện Con Cuông (Nghệ An)
vừa phát hiện một số lượng súng tự chế tại nhà ông Lương Văn Trường ở bản Huồi
Mác, xã Lạng Khê.
-
Báo Nghệ An 24 Hour:
*
Tại xã Lạng Khê, Tòa án nhân dân huyện Con Cuông vừa mở phiên tòa xét xử lưu
động 4 vụ án tàng trữ, mua bán chất ma túy.
*
Con Cuông: Khám phá nhanh vụ cướp tài sản.
*
Con Cuông: Báo động nạn mất cắp trâu bò.
*
Con Cuông: Yêu râu xanh hai lần hiếp dâm bé gái.
-
Báo Đại Đoàn Kết:” Gần đây báo chí đã có lần phản ánh
tình trạng người dân tại xã Thạch Ngàn và xã Cam Lâm, huyện Con Cuông tự ý lập
cầu, đường chặn thu tiền người qua lại khiến dư luận bất bình. Nay vẫn tại Con
Cuông lại xuất hiện tình trạng này ở xã Môn Sơn và xã Lục Dạ, tiếp tục gây bức
xúc cho người dân…
Trước
sự việc trên, ông Lưu Văn Cứu – Trưởng phòng Công thương huyện Con Cuông khẳng
định, việc dân tự ý lập cầu thu phí phương tiện và người qua lại là việc làm
không đúng. Biết là vậy, nhưng chính quyền không thể đứng ra làm cầu, do không
có kinh phí…”
Trẻ
con Xã Đan Lai, Huyện Con Cuông. Ảnh: Kiến Thức.
Điều
“khẳng định” trên, xem ra, hơi khác với những gì Bách Khoa Toàn Thư Mở
Wikipedia ghi nhận về địa danh này:
“Con
Cuông là một huyện trực thuộc tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Huyện Con Cuông là một
nằm ở phía tây tỉnh Nghệ An, phía đông nam giáp huyện Anh Sơn, phía đông bắc
giáp huyện Quỳ Hợp và Tân Kỳ, phía tây bắc giáp huyện Tương Dương, phía tây nam
có đường biên giới nước Lào dài 55,5km. Là huyện vùng cao, lợi thế về vị trí và
điều kiện thuận lợi để phát triển nông-lâm nghiệp và du lịch, thương mại. Đây
là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển
miền tây Nghệ An.”
Những
nhân vật lãnh đạo huyện Con Cuông, xem chừng, không lưu tâm lắm về “lợi thế về
vị trí và điều kiện thuận lợi để phát triển nông-lâm nghiệp và du lịch, thương
mại” của vùng đất này. Qúi vị lãnh tụ ở tận trung ương, dường như, cũng thế.
Bởi thế, Con Cuông không có đủ ngân sách để xây một cái cầu, và người dân nơi
đây không có điều kiện để “phát triển nông-lâm nghiệp và du lịch, thương mại.”
Thay vào đó, họ đã “phát triển” theo những hướng sinh hoạt khác:bán dâm, buôn
người, buôn ma túy, chở gỗ lậu, trộm cắp, cướp bóc, và làm cầu thu phí!
Chưa
hết, chỉ qua một hôm – hôm Chủ Nhật ngày 1 tháng 7 năm 2012 – địa danh Con
Cuông bỗng nổi như cồn, được tất cả những cơ quan truyền thông quen thuộc (ở
nước ngoài) nhắc đến:
-
BBC: Những người đứng đầu giáo phận Vinh đã kêu
gọi hợp thông sau khi họ cáo buộc linh mục và giáo dân ở huyện Con Cuông, thuộc
tỉnh Nghệ An, đã bị đánh, tượng thánh bị đập vỡ hồi đầu tháng Bảy.
- RFI: Hàng chục ngàn giáo dân dự lễ cầu nguyện
cho Giáo điểm Con Cuông… Trong bức thư gởi Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày
10/7, Tòa Giám mục Vinh còn tố cáo là tình hình ở Con Cuông vẫn tiếp diễn,
chính quyền Nghệ An vẫn dùng quyền lực và phương tiện truyền thông để “bóp
méo sự thật, vu khống các tín hữu, đồng thời tiến tới việc triệu tập, bắt bớ
những người dân vô tội.”
Ảnh:
thieubinhdanangvn.blogspot.com
Con
Cuông, rõ ràng, là một vùng đất dữ – nếu nhìn qua những sự kiện vừa nêu. Tuy
nhiên, vẫn theo Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia thì lại có một
Con Cuông hoàn toàn khác:
“Khu
dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An có diện tích 1.303.285ha, thuộc
địa bàn 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn; trong đó Vườn quốc gia Pù Mát
làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen
quý về động, thực vật với đầy đủ đại diện của 4/5 lớp quần hệ (rừng thưa,
rừng kín,
cây bụi và cây thảo).
Trong
số gần 2.500 loài thực
vật bậc cao có mặt tại khu vực này, thì có gần 2.000 loài
thuộc nhóm chồi trên mặt đất chiếm tỷ lệ 74%, là
yếu tố chủ đạo cấu thành nên hệ sinh thái rừng nhiệt đới
và á
nhiệt đới gió mùa ở Việt Nam. Khu hệ động vật hiện có 130 loài
thú lớn, nhỏ, 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư và bò sát, 84 loài cá, 39 loài dơi, 305 loài bướm ngày, 14
loài rùa, hàng ngàn loài côn trùng khác.
Đặc
biệt, khu DTSQ có đặc trưng văn hóa-nhân văn nổi bật của cộng đồng người Thái,
với những giá trị bản địa sâu sắc và không thể bỏ qua giá trị cội nguồn của tộc
người Ơ Đu có dân số ít nhất trong cộng đồng dân
cư Việt Nam.
Khu
dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có tính đa dạng sinh học rất cao đại diện cho hầu
hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới,
các sinh cảnh sống rất đa dạng bao gồm: núi, đất ngập nước,
suối và sinh cảnh khác. Đây là khu vực duy
nhất của miền Bắc
còn lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh
đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên
giới Việt Lào. Trong khu vực có 1.297 loài thực vật đã được
điều tra và ghi nhận. Một báo cáo gần đầy nhất thì khu vực này có khoảng 2.500
loài, trong đó có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao (74%); có 130 loài động
vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, trong đó có một số loài đặc biệt quý hiếm như: sao la, hổ, thỏ
vằn trường sơn…; 295 loài chim; 54 loài lưỡng cư và bò sát;
83 loài cá và 39 loài dơi. Đây cũng là nơi có tính đa dạng về văn
hóa dân tộc lớn nhất trong số các khu dự trữ sinh quyển Việt
Nam với 9 dân tộc...”
Ở
giữa một vùng đất thơ mộng, trù phú, và hiền hoà như thế, vài chục ngàn người
dân Con Cuông – lẽ ra – phải có một sống an lành và phú túc. Tiếc thay, họ đã
trở thành những nạn nhân của đói nghèo, dốt nát, bạo lực, cùng với tất cả những
tệ đoan xã hội tệ hại nhất của thế kỷ này.
Em
Lương Thị Thuần, sáu tuổi, ở xã Đôn Phục (Con Cuông, Nghệ An), có mẹ bị lừa bán
sang Trung Quốc và cha bỏ vào Tây Nguyên. Ảnh: phapluattp.vcmedia.vn
Nhìn
từ Con Cuông, người ta không thấy có chút hy vọng nào ở tương lai. Cuộc sống
không chỉ bất an mà còn tối tăm, ảm đạm. Và
Con Cuông (nghĩ cho cùng) chính là hình ảnh của Việt Nam thu nhỏ.
©
Tưởng Năng Tiến
------------------------------------------
No comments:
Post a Comment