Friday, 4 April 2025

TIN TỔNG HỢP VIỆT NAM & QUỐC TẾ NGÀY 03/04.2025

 



Tổng thống Mỹ tuyên chiến thương mại với thế giới, tấn công mạnh vào châu Á và EU

Nguyễn Giang|Anh Vũ|Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 03/04/2025 - 12:26  -  Sửa đổi ngày: 03/04/2025 - 14:38

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20250403-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-tuy%C3%AAn-chi%E1%BA%BFn-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-v%E1%BB%9Bi-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-t%E1%BA%A5n-c%C3%B4ng-m%E1%BA%A1nh-v%C3%A0o-ch%C3%A2u-%C3%A1-v%C3%A0-eu

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 02/04/2025 đã phát động một cuộc tấn công thương mại quy mô lớn với thế giới khi công bố các mức thuế quan rất nặng, đặc biệt nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu và châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những nước bị nặng nhất. Quyết định này có nguy cơ bóp nghẹt nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Mỹ.

 

HÌNH :

Tổng thống Mỹ Donald Trump bình luận về quyết định áp thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới tịa Vườn Hồng, Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 02/04/2025. REUTERS - Leah Millis

 

Như đã được thông báo từ nhiều tuần nay, sau bài phát biểu dài tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Donald Trump đã ký một sắc lệnh thiết lập "thuế quan đối ứng " đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ, với mức tương đương với thuế suất mà các đối tác thương mại của Washington áp dụng. Tổng thống Trump ca ngợi đây là một "tuyên bố độc lập về kinh tế" của nước Mỹ.

 

Trước khi trưng ra danh sách các đối tác thương mại bị ảnh hưởng, Donald Trump tuyên bố: "Đất nước chúng ta đã bị cướp bóc, tàn phá, hủy hoại và tàn tạ bởi các quốc gia gần xa, cả đồng minh lẫn kẻ thù",

 

Giới quan sát cho đây là biện pháp bảo hộ mậu dịch của Nhà Trắng, chưa từng có kể từ những năm 1930, bao gồm mức thuế nhập khẩu tối thiểu bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và các mức thuế cao hơn đối với các quốc gia bị coi là "thù địch thương mại".

 

Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu mới 34%, cộng thêm vào mức thuế bổ sung 20% đã được chính quyền Trump áp đặt trước đó. Hàng hóa từ Liên Hiệp Châu Âu sẽ chịu mức thuế 20%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26% và Việt Nam lên đến 46%. Anh, quốc gia đang đàm phán một hiệp định thương mại song phương với Mỹ, chỉ bị mức thuế tối thiểu 10% áp dụng cho tất cả các nước.

 

Những mức thuế này cũng nhằm đáp trả các "rào cản phi thuế quan" đối với hàng hóa Mỹ, chẳng hạn như các tiêu chuẩn vệ sinh hoặc môi trường, theo nguyên tắc "có qua có lại một cách lịch sự", theo cách nói của Donald Trump.

 

Nhà Trắng cho biết một số mặt hàng không bị ảnh hưởng, bao gồm vàng thỏi, dược phẩm, chất bán dẫn, đồng, gỗ xây dựng, sản phẩm năng lượng và khoáng sản không có sẵn trên đất Mỹ.

 

Nga và Bắc Triều Tiên không nằm trong danh sách bị áp thuế, vì theo một quan chức Mỹ, họ không còn là đối tác thương mại quan trọng.

 

 

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ: "Hãy bình tĩnh"

 

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo các nước không nên trả đũa: "Hãy bình tĩnh, chấp nhận thực tế và chờ xem tình hình diễn biến thế nào. Nếu các bạn đáp trả, sẽ có leo thang căng thẳng".

 

Mêhicô và Canada, hai nước có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, không nằm trong danh sách mới. Tuy nhiên, họ vẫn chịu tác động từ mức thuế bổ sung 25% đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài, sẽ có hiệu lực từ hôm nay 03/04.

 

Mức thuế chung 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn sẽ được áp dụng từ ngày 9/4.

 

Donald Trump luôn coi thuế quan là một "cây đũa thần", có khả năng giúp tái công nghiệp hóa nước Mỹ, thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất ở trong nước, lấy lại cân bằng trong cán cân thương mại và giảm thâm hụt ngân sách.

 

Tuy nhiên, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer, cho rằng chính sách bảo hộ này sẽ khiến một hộ gia đình trung bình của Mỹ tốn thêm hơn 6.000 đô la mỗi năm do giá hàng nhập khẩu tăng cao.

 

Các tập đoàn công nghệ hàng đầu và các thương hiệu lớn của Mỹ, vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại châu Á, cũng có thể chịu tác động lớn từ các đòn thuế quan

 

 

Hoa Kỳ: Những người ủng hộ Trump tán đồng chính sách thuế quan của tổng thống

 

Tại Hoa Kỳ, những người ủng hộ Donald Trump tán đồng chính sách thuế quan của tổng thống, tuy họ biết là vật giá sẽ leo thang. Từ Kentucky, thông tín viên Edward Maille gửi về bài phóng sự :

 

« Jessica vừa từ nơi làm việc trở về nhà. Đứng trước cửa nhà, bà cho biết vật giá không ngừng tăng, nhưng bà không nghi ngờ gì về hiệu quả của các biện pháp mà ông quốc tế ban hành. Jessica nói : « Tôi nghĩ rằng, về ngắn hạn, thuế quan có thể sẽ có tác động tới chi phí sinh hoạt, nhưng tôi tin tổng thống Donald Trump là một doanh nhân, nên ông ấy biết mình đang làm gì ».

 

Cách nhà bà Jessica vài km, tại mộ bãi đậu xe của một siêu thị, Joe, một người đàn ông khoảng 60 tuổi, đang xếp lên xe những hàng hóa mà ông vừa mua. Là người ủng hộ Donald Trump, ông Joe cũng đã lường trước là giá cả sẽ tăng, nhưng ông cho rằng phải chấp nhận như thế nếu muốn mọi chuyện tốt đẹp. Joe nói : « Việc làm sẽ trở lại nước Mỹ, đó là việc làm tại các nhà máy mà trước đây đã bị chuyển ra nước ngoài, sang Canada hoặc Mêhicô, nơi mà người ta sản xuất ô tô và chuyển sang Mỹ để bán cho chúng tôi. Chúng tôi cần sản xuất ngay tại Mỹ. Họ sản xuất xe cho họ và chúng tôi sản xuất cho chúng tôi ».

 

Thế nhưng một số người cũng lo sợ về các hậu quả. Albert, một trong số những người hiếm hoi ở đây đã không bỏ phiếu cho Donald Trump, giận dữ nói : « Thật là quá đáng. Ông ta sẽ phá hỏng tất cả. Ông ta sẽ chia rẽ mọi quốc gia trên thế giới. Chưa ai làm một chuyện ngu ngốc như thế. »

 

Albert chắn chắn Donald Trump sẽ không thể thành công trong việc đưa việc làm trở lại nước Mỹ. Ông cho rằng các việc làm đó đã vĩnh viễn  mất đi».

 

 

Thế giới phản ứng có chừng mực 

 

Ban hành biện pháp đối phó, phản đối, lên án, đe dọa trả đũa, kêu gọi đối thoại … là những phản ứng của các nước bị tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nặng nề. Các phản ứng có mức độ khác nhau, nhưng phần lớn vẫn thận trọng thay vì ngay lập tức đáp trả mạnh mẽ, gây leo thang căng thẳng thương mại.

 

Brazil là một trong số ít quốc gia có phản ứng đáp trả. Không lâu sau khi Mỹ áp thuế 10% đối với Brazil,  Quốc Hội nước này đã thông qua một đạo luật gọi là "luật đối ứng" trao cho chính phủ quyền phản ứng trước các rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu.

 

Liên Hiệp Châu Âu EU, bị áp mức thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, đã kêu gọi một phản ứng "có cân nhắc" và nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại thay vì đối đầu. Một số quan chức EU đề xuất áp dụng các biện pháp trả đũa mang tính chiến lược, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế khu vực.

 

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen lấy làm tiếc về quyết định của chính quyền Mỹ, nhưng khẳng định các nước Châu Âu "sẵn sàng phản ứng" và đã bắt đầu làm việc về "một gói biện pháp đối phó mới" trong trường hợp các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ thất bại.

 

Trung Quốc, quốc gia chịu mức thuế nhập khẩu 34%, đã phản đối mạnh mẽ và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh mong muốn giải quyết căng thẳng thông qua các cuộc thảo luận thương mại, thay vì ngay lập tức có hành động trả đũa mạnh mẽ. Bắc Kinh kêu gọi Hoa Kỳ "ngay lập tức hủy bỏ các mức thuế đơn phương và giải quyết thỏa đáng các tranh chấp với các đối tác thương mại thông qua đối thoại công bằng", trong khi Bộ Thương Mại nước này nhấn mạnh các loại thuế này "gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế toàn cầu".

 

Nhật Bản và Ấn Độ, bị đánh thuế 24% và 26%, đã bày tỏ lo ngại, nhưng vẫn giữ thái độ kiềm chế, trong khi các quan chức thương mại của hai nước này đang cân nhắc những bước kế tiếp.

 

Tại Thái Lan, thủ tướng Paetongtarn Shinawatra hôm nay cho biết họ có "kế hoạch vững vàng" để ứng phó với mức thuế 36% của Mỹ và hy vọng sẽ đàm phán để giảm mức thuế này,

 

Việt Nam là một trong những nước bị áp mức thuế cao nhất. Theo Công thông tin Điện tử của chính phủ, hôm nay thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp đột xuất giữa lãnh đạo của chính phủ và các bộ ngành. Ông yêu cầu « lập ngay tổ phản ứng nhanh để có đối sách chủ động khi Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam ».

 

Thủ tướng Canada Mark Carney, cho rằng mức thuế quan mới sẽ "thay đổi căn bản" thương mại quốc tế, đã hứa sẽ "chống lại những mức thuế quan này bằng các quyết định ứng phó ".

Nhìn chung hầu hết lãnh đạo các nước trên thế giới đều lên tiếng phản đối, tỏ "lấy làm tiếc" hay đánh giá là "bất công" , "sai lầm lớn" quyết định của chính quyền Trump áp thuế lên gần như toàn bộ đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu về một cuộc chiến thương mại toàn diện ngay lập tức. Các chính phủ đang cố gắng cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích kinh tế và tránh leo thang căng thẳng với Washington.

 

 

Nỗi bất an của Anh Quốc

 

Dù chỉ bị áp thuế quan 10%, Anh Quốc vẫn cảm thấy bất an trước cuộc chiến thương mại toàn cầu do chính quyền Donald Trump phát động.

 

 Thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân Đôn :

 

"Sáng hôm nay, 03/04, chỉ số các mã chứng khoán ở sàn giao dịch Luân Đôn đồng loạt đỏ, với cả thị trường FTSE 100 Index sụt 122,4 điểm báo hiệu sự lo ngại lớn của giới đầu tư về kinh tế Anh và mậu dịch toàn cầu, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump hào hứng công bố các mức thuế quan cao từ 10% tới 49% vào hàng hóa từ mọi nước nhập vào Mỹ.

 

Cảm xúc ở Anh là pha trộn giữa niềm vui và lo âu. Anh chỉ bị thuế quan của Mỹ ở mức 10%, ngang Singapore và Brazil, nhưng thuế cho ô-tô từ Anh sang Mỹ vẫn bị mức 25%, đe dọa việc làm của 25 nghìn công nhân trong ngành xe hơi Anh.

 

Bộ trưởng Thương Mại Jonathan Reynolds chia sẻ quan ngại sâu sắc về việc làm và doanh thu của ngành sản xuất xe hơi. Ông cũng nói Anh Quốc “thất vọng” vì không được chính quyền Trump bỏ ra ngoài danh sách áp thuế quan.

 

Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng chuyển giọng đôi chút, một mặt nói Anh vẫn đặt ưu tiên cho việc ký được hiệp định mậu dịch với Hoa Kỳ, một mặt, “không loại trừ biện pháp nào ” để bảo vệ doanh nghiệp Anh.

 

Nhưng giới quan sát nói Anh cần nhận ra nền kinh tế của họ đang bị “hở sườn” (exposed) rất nhiều, vì trao đổi mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu (EU) và các nền kinh tế châu Á mới chiếm tỷ trọng lớn, so với thương mại Anh-Mỹ chỉ chiếm 15,3% xuất khẩu của Anh.

Bức tranh lớn ở châu Âu và hàng chục nền kinh tế châu Á đang xấu đi nhanh chóng, với hàng rào thuế quan dựng lên nay mai để đáp trả Hoa Kỳ.

 

Theo tin mới nhất, Donald Trump chưa muốn sang thăm Anh vào tháng Sáu theo lời mời của Vua Charles III, nên viễn cảnh ký được gì với Mỹ vẫn còn xa, trong khi các tác động liên đới từ chiến tranh thương mại toàn cầu đã chính thức bắt đầu từ tuần này, và sẽ nhanh chóng đẩy Anh vào thế yếu đi, khiến Luân Đôn sẽ phải nhượng bộ chính quyền Trump hơn nữa."

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI - DONALD TRUMP

Thương mại : Các nước chuẩn bị ứng phó với cơn bão thuế quan Donald Trump như thế nào

 

HOA KỲ - THUẾ QUAN

"Ngày Giải phóng" : Mỹ tăng thuế quan với toàn thế giới

 

ĐIỂM BÁO

« Liberation Day » của Trump : Ngày giải phóng hay ngày áp bức ?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội họp khẩn sau khi Trump thông báo áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 03/04/2025 - 12:39  -  Sửa đổi ngày: 03/04/2025 - 16:10

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20250403-h%C3%A0-n%E1%BB%99i-h%E1%BB%8Dp-kh%E1%BA%A9n-sau-khi-trump-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-%C3%A1p-thu%E1%BA%BF-46-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-h%C3%A0ng-h%C3%B3a-vi%E1%BB%87t-nam

 

Vài giờ sau khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp mức thuế 46% đối với hàng hóa nhập từ Việt Nam, chính quyền Hà Nội đã có cuộc họp khẩn vào sáng nay 03/04/2025, nhưng vẫn khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8%.

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc họp với tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 28/03/2025. AP - Minh Hoang

 

Theo truyền thông trong nước, cuộc họp do thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì với sự hiện diện của nhiều lãnh đạo cao cấp khác như bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nguyễn Thị Hồng và bộ trưởng Tài Chính Nguyễn Văn Thắng, cùng nhiều lãnh bộ ngành khác.

 

Trong cuộc họp này, thủ tướng Việt Nam ra lệnh thành lập ngay một tổ phản ứng nhanh do phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu. Ông Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng xuất khẩu lớn, nhằm tìm kiếm các « đối sách chủ động, linh hoạt với mọi diễn biến ».

 

Kết thúc cuộc họp, trong thông cáo, lãnh đạo chính phủ Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ có những chính sách phù hợp với vị thế « quốc gia đang phát triển » của Việt Nam và với những nỗ lực gần đây của nước này, nhưng không giải thích thêm.

 

Tuy nhiên, thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là « cơ hội » để tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, theo hướng mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường sản phẩm và chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Thông cáo chính phủ Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên cho năm 2025 là « không thay đổi ».

 

Bất chấp các nỗ lực từ nhiều tuần qua của Hà Nội nhằm « xoa dịu » tổng thống Mỹ hôm qua, ông Donald Trump vẫn tuyên bố áp mức thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một « cú sốc » cho nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 142 tỷ đô la, chiếm gần 30% GDP. Thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ đã vượt quá 123 tỷ đô la trong năm 2024.

 

Ngay sau thông báo từ Nhà Trắng, chỉ số chứng khoán chuẩn của Việt Nam đã giảm mạnh đến 6,7%, tính đến chiều hôm nay.

 

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, theo hãng tin Bloomberg hôm qua, phó thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc và các giám đốc điều hành của các công ty, bao gồm hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet, sẽ đến thăm Hoa Kỳ vào cuối tuần này. 

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Giảm thuế hàng Mỹ trước "Ngày Giải phóng" của Trump : Nước cờ rủi ro nhưng chiến lược của Việt Nam

 

VIỆT NAM - MỸ - THƯƠNG MẠI

Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng, mở cửa cho Starlink của Mỹ

 

 

 

 

 

 

 

 

Thuế hải quan của Donald Trump gây náo loạn toàn thế giới

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 04/04/2025 - 13:05

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20250404-thu%E1%BA%BF-h%E1%BA%A3i-quan-c%E1%BB%A7a-donald-trump-g%C3%A2y-n%C3%A1o-lo%E1%BA%A1n-to%C3%A0n-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi

 

Sự kiện tổng thống Donald Trump đánh thuế lên tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ được chú ý nhiều nhất hôm nay 03/04/2025, trên báo giấy cũng như trên phiên bản internet.

 

HÌNH :

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm một sắc lệnh vừa ký vào ngày thông báo một loạt thuế hải quan tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ở Washington, D.C., ngày 02/04/2025. REUTERS - Carlos Barria

 

Việt Nam chịu mức thuế quan cao ngất

 

Libération nhận định, « Với thuế hải quan, Donald Trump thảm sát hệ thống trao đổi quốc tế có từ thời hậu chiến ». Tổng thống Mỹ gây sốc cho các nhà kinh tế và thị trường bằng hàng loạt sắc thuế nặng nề đối với các đối tác, làm tăng nguy cơ suy thoái cho nước Mỹ.

 

Ngay từ tối qua, thị trường chứng khoán suy sụp sau khi tổng thống Trump với giọng điệu vui tươi phấn khởi, loan báo đánh thuế « đối ứng » hơn 60 nước trong đó có các đồng minh trung thành nhất, vì đã « lừa đảo nước Mỹ quá lâu ». Mức tối thiểu 10 % được loan báo cho toàn thế giới, rốt cuộc chỉ dành cho một ít nước như Anh quốc, Singapore, Brazil ; đa số đạt đỉnh cao nhất kể từ cơn say bảo hộ thập niên 30 đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lịch sử.

 

Trump cáo buộc châu Âu đánh thuế 39 % lên hàng Mỹ, nên áp thuế « có qua có lại », đã « lịch sự giảm xuống phân nửa », còn... 20 %. Trung Quốc bị cho là đánh thuế 67 % với Mỹ, chịu mức thuế 34 % cộng với 20 % trước đó, Nhật Bản 34 %. Israel dù một ngày trước đó đã hủy bỏ mọi sắc thuế với hàng Mỹ nhập khẩu, « chỉ » chịu 17 %. Còn Việt Nam ? Đến 46 % ! Les Echos lưu ý rằng Hà Nội đã làm đủ mọi cách để xoa dịu tình hình. Thuế đánh vào một số loại xe hơi còn 32 % thay vì 45-60 %, khí hóa lỏng 5 % giảm còn 2 %, đùi gà đông lạnh từ 20 % còn 15 %.

 

Mức thuế cao có nguy cơ gây rối loạn chuỗi cung ứng của nhiều ngãn hàng quen thuộc, giảm đi lợi tức. Năm ngoái, cứ hai đôi giày Nike thì có một sản xuất tại Việt Nam, Adidas gia công 38 % số giày basket tại đây, 30 % số mặt hàng Gap xuất xưởng từ Việt Nam. Samsung Electronics có đến 6 nhà máy ở Việt Nam, sản xuất phân nửa số điện thoại thông minh, máy tính bảng, hàng điện tử gia đình, màn hình Oled.

 

 

Quần đảo toàn chim cánh cụt cũng bị áp thuế

 

Từ đâu ra những con số được dùng để biện minh rằng Mỹ chỉ trả đũa ? Đối với châu Âu, có lẽ là thuế trị giá gia tăng (VAT) bị coi như thuế hải quan. Châu Âu không hề áp thuế 39 % lên hàng Mỹ, Việt Nam cũng không đánh thuế đến 99 % như được trình bày trên tấm bảng của Nhà Trắng. Các nhà kinh tế đoán rằng, để tính toán cho dễ, các cố vấn kinh tế của tổng thống chỉ đơn giản lấy tỉ lệ thâm hụt thương mại với từng nước, đem chia đôi để lập ra mức thuế khủng khiếp này. 

 

Đảo Réunion bị cáo buộc đánh thuế 74 % lên hàng Mỹ, nên hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ chịu thuế 37 %. Quần đảo Coco (Keeling), dân số chủ yếu là chim cánh cụt, cũng không thoát khỏi mức thuế 10 %. Trump, có lẽ ý thức đến các rủi ro cho kỹ nghệ, không đánh thêm thuế vào thép và nhôm vốn đã chịu mức 25 % từ tháng Hai. Đáng ngạc nhiên là Mêhicô và Canada không nằm trong danh sách bị trừng phạt, hai nước này đã bị áp thuế 25 %, không phải vì thương mại mà về di dân và fentanyl. Bộ trưởng tài chánh Scott Bessent khuyến cáo các nước liên quan không nên trả đũa.

 

Phải chăng Nhà Trắng chờ đợi các nạn nhân nhượng bộ ? Mỹ cũng hy vọng rằng sợ không còn được bảo vệ về quân sự, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ không phản ứng. Trong khi chờ đợi, các dự báo suy thoái tăng lên, do người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả giá cao hơn. Gene Sperling, cựu chủ tịch hội đồng kinh tế của Bill Clinton và Barack Obama chỉ trích : « Mới cách đây hai tháng, đang chứng kiến “soft landing”, một sự hạ cánh nhẹ nhàng với lạm phát giảm mà kinh tế không chậm lại, nay thì đối mặt với suy thoái và thất nghiệp ».

 

 

Giới kinh doanh tàn giấc mơ hoa trước Donald Trump

 

Trong bài xã luận, Le Figaro nhận xét ngay cả trong giới kinh doanh mà chó sói vốn nhiều hơn cừu, đôi khi cũng rất ngây thơ. Chỉ mới cách đây vài tháng, viễn cảnh Donald Trump quay lại Nhà Trắng khiến họ vô cùng phấn khích. Phản đối thuế má và các quy định, ủng hộ kinh doanh, thù địch với sự can thiệp của nhà nước, quan tâm đến thị trường tài chánh, tổng thống Mỹ hội tụ nhiều ưu điểm.

 

Dù Trump không ngừng nhấn mạnh việc tái lập sức mạnh của nước Mỹ, người ta vẫn cho rằng một khi đã chiến thắng ông sẽ hòa dịu hơn. Nhưng kịch bản giờ đây không hề giống như trong mơ. Không chỉ thô bạo, đả kích thường xuyên các đồng minh lịch sử, Donald Trump còn khởi động một cuộc chiến tranh thương mại mang tầm vóc nguyên tử đối với họ. Ngoài một nhúm cố vấn, chẳng ai hiểu nổi việc này có lợi lộc gì.

 

Lịch sử cho thấy chủ nghĩa bảo hộ thay vì bảo đảm thịnh vượng, luôn gây ra hàng loạt thảm họa nơi kẻ tấn công lẫn nạn nhân. Nếu việc bế quan tỏa cảng mang lại hạnh phúc, thì Bắc Triều Tiên đã là thiên đàng. Vấn đề hiện là không ai có thể khuyên được tổng thống. Kể cả việc Wall Street lao dốc, lẫn sự lo ngại thấy rõ nơi các chủ doanh nghiệp Mỹ, vốn được cho là sẽ hưởng lợi từ cuộc tấn công quy mô này.

 

 

Tin tốt và tin xấu từ việc Mỹ áp thuế

 

Dưới tràng súng liên thanh, châu Âu từ tốn cân nhắc cách đáp trả cơn thịnh nộ của Trump. Tại Bruxelles đang có tranh luận giữa phe muốn trả đũa lập tức và mạnh mẽ - mắt đổi mắt, răng đổi răng, và những người muốn thương lượng với ông vua « deal ». Theo Le Figaro, giải pháp có lẽ nằm ở lưng chừng : một loạt trừng phạt chủ yếu nhắm vào các tập đoàn công nghệ, để tạo tương quan lực lượng, trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

 

Giáo sư Vincent Pons của đại học Harvard, trên Les Echos cho rằng đây là lúc để trả đũa. Trước hết, tin tốt lành là tác động tiêu cực của chính sách kinh tế sẽ được cảm nhận nhanh chóng. Chỉ vài tháng nữa, thuế quan do ông Trump áp đặt sẽ làm cho hàng tiêu dùng và các sản phẩm trung gian tăng giá. Từ tháng Giêng, chỉ số lòng tin nơi các hộ gia đình đã giảm 18 %, chứng khoán Mỹ mất giá 7 %. Nếu rơi vào suy thoái, Nhà Trắng sẽ phải linh hoạt hơn.

 

Tin xấu là tác động sẽ vượt qua khỏi biên giới Hoa Kỳ. Ngoài các công ty xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp, toàn bộ chuỗi giá trị bị rúng động. Đại dịch Covid đã bộc lộ sự hội nhập tuyệt vời của sản xuất toàn cầu, sau nhiều thập niên tự do mậu dịch. Chẳng hạn năm 2022, chỉ riêng việc Thượng Hải bị phong tỏa đã làm chi phí và thời gian vận chuyển tăng lên trên toàn thế giới. Cú sốc gây ra từ cuộc chiến tranh thương mại tổng lực vừa bắt đầu sẽ còn kinh khủng hơn nhiều.

 

 

Liên kết với các nước, tấn công vào dịch vụ Mỹ : Một số giải pháp

 

Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại lao vào cuộc phiêu lưu quá rủi ro này ? Giai đoạn 2018-2019, thương chiến với Trung Quốc đã làm yếu đi các lãnh vực kinh tế Mỹ bị trả đũa, nhưng làm tăng số phiếu bầu cho Cộng Hòa. Có lẽ Trump hy vọng tiếp tục huy động được cử tri, và thuế quan giúp bù vào số thuế giảm xuống cho người giàu. Hơn nữa, nhờ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, Hoa Kỳ có thể đánh thuế vào hàng nhập nhiều hơn các đối tác. Năm 2019, Trung Quốc đã « hết đạn » không thể trả đũa tiếp.

 

Như vậy có thể đáp trả hành động thù địch của Trump ra sao ? Dù tổng thống Mỹ nghĩ gì đi nữa, thương mại không phải là một trò chơi có tổng bằng không. Pháp và châu Âu trước hết phải tăng cường quan hệ với các nước thứ ba, bắt đầu là Canada, Mêhicô và các nước khác bị Mỹ đánh thuế cao.

 

Cũng không nên tự giới hạn ở hàng hóa. Châu Âu có thể nhắm vào các dịch vụ nhập từ Hoa Kỳ, hay do các công ty Mỹ cung cấp trên lãnh thổ nước mình. Ngược với cán cân hàng hóa, cán cân dịch vụ Mỹ là thặng dư, như vậy lợi tức của GAFA có thể là mục tiêu. Đánh thuế vào món lợi này tạo được thu nhập đáng kể và có thể làm giảm bớt sự ủng hộ Trump của các đại gia công nghệ. Les Echos cho rằng trong cuộc chiến vừa khởi động, đó là đòn bẩy thương lượng mà các nhà lãnh đạo sẽ sai lầm nếu bỏ qua.

 

 

Thất bại đầu tiên của Trump và Musk tại phòng phiếu Wisconsin

 

Tại nước Mỹ, « Trump và Musk vừa lãnh nhận một thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu ở bang Wisconsin ». Le Figaro cho biết việc bầu ra một thẩm phán Tối cao Pháp viện ở bang này đã mang tầm vóc quốc gia sau khi ông chủ Tesla và SpaceX chi ra rất nhiều tiền để vận động cho ứng cử viên của mình. Rốt cuộc vô số thông điệp trên X, chiến dịch gõ cửa từng nhà và nhiều triệu đô la của Elon Musk vẫn không đủ.

 

Susan Crawford, nữ thẩm phán Dân Chủ đã giành được chiếc ghế. Đây là trắc nghiệm bầu cử đầu tiền từ sau khi Donald Trump lên ngôi, và trở thành cuộc trưng cầu dân ý về chính quyền mới của Mỹ cũng như bản thân ông Musk. Người giàu nhất thế giới đã chi trên 100 triệu đô la, số tiền kỷ lục cho một cuộc bỏ phiếu tư pháp, để hỗ trợ ứng cử viên Cộng Hòa Brad Schimel, cựu công tố viên. Bà Susan Crawford được một số đại gia ủng hộ trong đó có George Soros. Tỉ lệ tham gia thường ít ỏi đối với những cuộc bỏ phiếu loại này, đã đạt mức lịch sử, thậm chí một số thành phố còn không đủ phiếu bầu.

 

Chiến thắng của Crawford mang lại sự lạc quan cho đảng Dân Chủ - đang chia rẽ, tinh thần sa sút, không có lãnh đạo từ sau tháng 11 năm ngoái. Tranh thủ sự bất bình trước việc Elon Musk cắt giảm thô bạo trong chính quyền liên bang, Dân Chủ tập trung chỉ trích nhân vật này. Sau khi có kết quả bầu cử, Elon Musk vốn lắm lời trên mạng X đã hoàn toàn im lặng. Thất bại này làm lu mờ ngôi sao chính trị của ông.

 

Musk đã chi ra trên 20 triệu đô la để ủng hộ Brad Schimel, tặng 100 đô la cho tất cả những ai ký vào kiến nghị phản đối, vận động trên các mạng xã hội. Hôm Chủ nhật Musk đã tổ chức một cuộc mít-tinh và tặng hai tấm séc 1 triệu đô la cho hai cử tri, làm mờ cả ứng cử viên. Wisconsin vốn là một bang nghiêng ngả - swing state, Donald Trump chỉ thắng nhờ hơn được chỉ 30.000 phiếu. Dù chỉ là cuộc bầu cử địa phương, thất bại này sẽ gây tranh luận trong nội bộ đảng Cộng Hòa, rất lo lắng trước công luận. Theo báo chí, một số nhân vật bảo thủ trong hậu trường còn vui mừng trước cái tát dành cho Elon Musk.

 

 

Công ty xây dựng Trung Quốc bị nghi ngờ sau động đất ở Thái Lan

 

Tại Đông Nam Á, La Croix cho biết « Sau trận địa chấn ở Thái Lan, đã đến lúc nghi ngờ ». Gần một tuần lễ sau trận động đất làm một tòa nhà 30 tầng ở thủ đô Bangkok sụp đổ, đè bẹp ít nhất 15 công nhân và làm 70 người khác mất tích, những cái nhìn ngờ vực đều hướng về phía hai công ty Trung Quốc. Đó là China Railway No 10 phụ trách xây dựng và Xin Ke Yuan Steel, công ty cung cấp hầu hết các thanh thép cho tòa nhà.

 

Những mẫu thử lấy sau thảm họa cho thấy các vật liệu này không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Tại sao chỉ có tòa nhà này sụp đổ trong khi nhiều công trình khác cũ kỹ hơn, cao hơn lại không bị ảnh hưởng ? Ngay sau khi tòa nhà sụp đổ, bốn người Trung Quốc bị bắt quả tang đã rút đi rất nhiều hồ sơ liên quan đến công trình, đã bị câu lưu. Tuy những người này được trả tự do sau đó, nhưng người dân Thái vẫn đặt dấu hỏi lớn, nhất là một tổ chức chống tham nhũng đã từng báo động cho chính quyền về những dấu hiệu bất thường trên công trường xây dựng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hai tháng cầm quyền đầu tiên của Trump: « Cờ vua » Mỹ đọ « cờ vây » Trung Quốc ?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 03/04/2025 - 16:02

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20250403-hai-th%C3%A1ng-c%E1%BA%A7m-quy%E1%BB%81n-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-c%E1%BB%A7a-trump-c%E1%BB%9D-vua-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BB%8D-c%E1%BB%9D-v%C3%A2y-trung-qu%E1%BB%91c

 

Sự trở lại cầm quyền của Donald Trump tại Mỹ đặt thế giới trước tình trạng bất định cao độ. Nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của ông Trump (2017-2021) in dấu ấn với nhiều chính sách táo bạo bất ngờ, được quảng bá có nhiều triển vọng, nhưng rút cuộc bất thành, như vụ đàm phán vũ khí hạt nhân với Bắc Triều Tiên, chính sách đơn phương áp thuế với Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại...

 

HÌNH :

Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ, 06/04/2017. REUTERS - Carlos Barria

 

Cũng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, giấc mơ « một quốc gia hai chế độ » với Hồng Kông chấm dứt, đặc khu trở lại dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

 

Nhiệm kỳ 2.0 của Donald Trump mở đầu với các chính sách còn quyết liệt hơn gấp bội nhiệm kỳ thứ nhất, với các tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraina « trong 24 giờ », hay tuyên bố đánh thuế « đối ứng » với toàn thế giới (tức sắc thuế mang tính trả đũa, ăn miếng trả miếng), hủy diệt nền móng của hệ thống thương mại thế giới dựa trên đàm phán thỏa hiệp, được định hình từ Thế chiến Hai.

 

·        Đọc thêm : Mỹ và thuế đối ứng : « Big Bang » trong thương mại toàn cầu

 

Cho dù có nhiều khác biệt rất lớn trong chính sách, nếu không nói là gần như đối nghịch trong nhiều lĩnh vực, đối thủ số một của tổng thống Trump - tương tự như các chính quyền tiền nhiệm - vẫn là Trung Quốc, được coi là có thể vươn lên soán ngôi siêu cường số một của Mỹ. Hai tháng cầm quyền đầu tiên của Trump cho thấy gì về chiến lược của Washington và Bắc Kinh ?

 

 

Những màn nắn gân

 

Ông Donald Trump mở đầu nhiệm kỳ 2 với phong cách mang tính « giao dịch » của thương nhân như lần trước, để ngỏ cơ hội siết chặt quan hệ cá nhân với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Phá lệ, tổng thống đắc cử Donald Trump mời lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ nhậm chức ngày 20/01. Chủ tịch Trung Quốc rút cục đã cử « đại diện đặc biệt » là phó chủ tịch Hàn Chính (Han Zheng) thay mặt.

 

Tỏ ra hồ hởi với Tập Cận Bình, nhưng Trump cũng ngay lập tức đe dọa sẽ cứng rắn về thương mại để buộc Bắc Kinh phải có các nhân nhượng. Trung Quốc, cùng Mêhicô và Canada, là những nước đầu tiên mà chính quyền Trump đe dọa tăng mạnh thuế hải quan. Không có tín hiệu nhân nhượng từ Bắc Kinh, Trump áp thuế bổ sung 20%.

 

Cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng cùng lúc Donald Trump hy vọng sớm dàn xếp để có được một cuộc hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc. Cuộc điện đàm đầu tiên dự kiến giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi Trump nhậm chức đầu tháng 2/2025 bị hủy, sau khi Trung Quốc áp đòn thuế trả đũa. Theo nhà ngoại giao Wendy Cutler, nguyên phó Đại diện Thương mại Mỹ thời Obama, phó chủ tịch tư vấn viện tư vấn Asia Society, « không có gì ngạc nhiên nếu ta thấy Trump gặp Tập Cận Bình trong những tháng tới ». Nhưng theo bà, « Trung Quốc sẽ muốn có rất nhiều đảm bảo trước bất kỳ cuộc họp nào như vậy, bởi họ sẽ không muốn lãnh đạo của họ bị đặt tình thế phải xấu hổ, bị làm nhục, hoặc phải chịu những đòi hỏi mới », « chủ tịch Tập Cận Bình là một lãnh đạo độc đoán của một quốc gia mà việc ông ấy được Đảng, quân đội và dân chúng nhìn nhận như thế nào là rất quan trọng. Tôi nghĩ ông ấy không thể để mất mặt » (bài « Why Isn’t China Playing Trump’s Game ? Beijing has opted for defiance instead of flattery. Will the strategy backfire? » (Tại sao Trung Quốc không chơi trò của Trump? Bắc Kinh đã chọn thách thức thay vì nịnh hót. Liệu chiến lược này có phản tác dụng ?) Foreign Policy, 7/3/2025 )

 

 

Trump cờ vua, Tập cờ vây: « Lửa » chọi với « Nước » ?

 

Nhận định về chính sách của tổng thống Mỹ là điều không dễ dàng, do các phát biểu đầy mâu thuẫn và mang tính cá nhân cao độ của Donald Trump, theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát. Tuy nhiên, so sánh hành xử của Trump và lãnh đạo Bắc Kinh có thể cho phép rút ra một số sắc thái đáng chú ý. Chuyên gia về Trung Quốc André Chieng, trong cuộc trao đổi với nhà chính trị học Pascal Boniface, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nhận định tổng thống Mỹ chọn chiến lược « cờ vua » với « những nước đi thần tốc » trong lúc Tập Cận Bình chơi « cờ vây », trò chơi lâu đời của người Hoa khuyến khích lối hành xử thiên về kiên nhẫn.  Ông André Chieng giải thích:

 

« Điều mà tôi nhận thấy là Trump chơi cờ vua. Cờ vua là trò chơi mà các quân cờ chuyển động rất nhiều, và trong nhiều ván cờ, các nước cờ diễn ra một cách mau lẹ nhất có thể. Luôn luôn có sự chuyển động mạnh. Điều được ngưỡng mộ trong trò chơi này là những nước cờ tấn công. Người Trung Quốc không chơi cờ vua, họ chơi cờ vây. Cờ vây lấy kiên nhẫn làm thế mạnh. Trong trò chơi này không có nhiều chuyển động. Đây là trò chơi với các quân cờ có giá trị ngang nhau và cái đích của cuộc chơi là chiếm lĩnh được nhiều không gian.

 

Như vậy chúng ta có ấn tượng là trong cuộc cờ đang diễn ra trên thế giới hiện nay, hai đối thủ, Mỹ và Trung Quốc, không chơi cùng một trò. Trump chơi cờ vua, người Trung Quốc chơi cờ vây. Người Trung Quốc đi theo chiến lược, mà người ta thường gọi là chiến lược của NƯỚC. Đây là một nhận định mà ta có thể thấy trong Đạo Đức Kinh, cuốn sách kinh điển của Đạo Lão, tương truyền của Lão Tử. Trong cuốn sách này, có một câu nói lạ thường. Lão Tử nói : ‘‘Thiên hạ mạc nhu nhược vu thủy, nhi công kiên cường giả mạc chi năng thắng’’ (nghĩa là : Không có gì yếu hơn nước và không có hình thù hơn nước, nhưng cũng không có gì kháng cự lại được nước’’). Diễn đạt này đã được Lý Tiểu Long (Bruce Lee) sử dụng để mô tả về võ thuật Trung Hoa.

 

Đây chính là hành xử của Trung Quốc : Mỗi khi Mỹ rút khỏi một vị trí nào đó thì Trung Quốc trám chỗ. Điều này đúng với trường hợp Mỹ cắt giảm các hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế USAID, hay Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới. Chúng ta có thể nêu ra hàng loạt ví dụ về việc Trung Quốc chiếm lĩnh một cách lặng lẽ và bình thản các vị trí mà Hoa Kỳ bỏ trống. »

 

 

Trung Quốc : Chờ đợi, giảm thiệt hại trong « bối cảnh hỗn loạn » và ra đòn có trọng điểm

 

Chuyên gia André Chieng là công dân Pháp, sinh tại Marseille. Cha mẹ ông là người Hoa. Ông là người sáng lập và chủ tịch hiệp hội thương mại Âu – Á (AEC - Asiatique Européenne de commerce) từ năm 1988 và là phó chủ tịch Comité France-Chine, hiệp hội các doanh nghiệp Pháp chuyên thúc đẩy các quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Từ năm 2001, André Chieng định cư tại Trung Quốc. Giải thích cụ thể hơn về chiến lược hành xử của Bắc Kinh trong giai đoạn hai tháng cầm quyền đầu tiên của Donald Trump, ông André Chieng nhận định:

 

« Phản ứng của phía Trung Quốc thiên về chừng mực. Trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung, lợi thế tất nhiên thuộc về phía Mỹ. Đơn giản bởi vì Mỹ nhập khẩu đến 400 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, trong lúc Trung Quốc chỉ nhập của Mỹ khoảng 100 tỉ đô la. Trung Quốc có nhiều cái để mất hơn là Mỹ. Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, ngay hôm sau ngày Mỹ áp thuế mới, ta thấy điều thú vị là các biện pháp trả đũa rất đa dạng.

 

Bắc Kinh không chỉ có một loại vũ khí, khác với Trump chỉ có một vũ khí là tăng thuế hải quan. Trung Quốc có hàng loạt biện pháp. Một mặt, họ tăng thuế với một số mặt hàng, chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp, tức đánh vào một nhóm cử tri bỏ phiếu cho Trump. Bên cạnh đó là các biện pháp khác, như cấm vận một số mặt hàng, cụ thể là đất hiếm, như gallium, germanium… Lợi thế của Trung Quốc là nắm độc quyền về nhiều loại đất hiếm.

 

Để thấy được tác động của các biện pháp chọn lọc của Trung Quốc, tôi lấy ví dụ về Skydio, công ty lớn này vốn rất ít được công chúng biết đến. Đây là công ty sản xuất drone quan trọng nhất của nước Mỹ, chuyên cung cấp cho quân đội Mỹ và quân đội Israel. Từ khoảng 6 tháng nay, hoạt động của Skydio bị đình trệ, do thiếu đi một loại bình điện được sản xuất tại Trung Quốc.

 

Một loại biện pháp trả đũa thứ ba là Bắc Kinh khởi động vụ kiện chống độc quyền nhắm vào Google. Biện pháp này bị coi là khó hiểu, bởi Google bị cấm hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ kiện này là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể khởi kiện chống độc quyền, không phải nhắm vào Google, nhưng là vào hai tập đoàn Tesla và Apple, mà Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai. Nếu hai tập đoàn lớn nhất trong số 7 tập đoàn của Mỹ mất thị trường Trung Quốc, thì đây quả là tai hại đối với thị trường tài chính Wall Street. Những đòn trả đũa của Trung Quốc có vẻ nhỏ nhẹ, nhưng là những tín hiệu cho thấy, nếu Trump ra đòn quá mạnh thì Mỹ có thể gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn Trung Quốc ».

 

Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ Jude Blanchette, giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á của RAND (Research And Development – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển), chuyên tư vấn cho Quân đội Mỹ, tuy quan hệ Mỹ - Trung có thể được nhiều người kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn giảm căng thẳng về thương mại và quân sự nhờ một « thỏa hiệp lớn » giữa Trump và Tập, nhưng sự ngờ vực cao độ giữa hai bên có thể chuyển thành thế đối đầu ngày càng gia tăng. Jude Blanchette nhấn mạnh đến việc Trung Quốc chọn hành xử thận trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại trong « tình trạng hỗn loạn » hiện nay (bài « China Sees Opportunity in Trump’s Upheaval » (Trung Quốc nhìn thấy cơ hội trong cuộc đảo lộn  của Trump), Foreign Affairs, ngày 27/03/2025).

 

 

Sách lược « bất nhất » và hung bạo của Trump đẩy nhiều đồng minh về phía Trung Quốc

 

Đối đầu giữa khối « phương Tây » và Trung Quốc hiện rõ tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao, (Boao), Hải Nam, năm nay (25-28/03/025). Tham gia « Davos châu Á » lần này chỉ có một đại diện có tầm cỡ thuộc khối « phương Tây », là cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại và công nghệ với Mỹ lơ lửng trên đầu Bắc Kinh, Trung Quốc nắm giữ lợi thế là nằm ở trung tâm khu vực tăng trưởng cao nhất hành tinh.

 

Sự rút lui của Mỹ khỏi nhiều định chế quốc tế, khỏi các quyền lực mềm (soft power) nói chung, cùng các đe dọa đi kèm hành động phá vỡ hệ thống thương mại quốc tế, rõ ràng đã biến Washington trở thành thủ phạm trực tiếp của tình trạng hỗn loạn, đầy bất trắc hiện nay trước mắt thế giới. Tình hình này đang mang lại lợi thế cho Trung Quốc. Trong bài diễn văn thường niên đầu tháng 3, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tuyên bố : « Thế giới đang trong giai đoạn đảo lộn, chỗ dựa vững vàng đáng tin cậy ngày càng trở nên hiếm hoi… Chúng tôi sẽ dùng chỗ dựa vững vàng đáng tin cậy của Trung Quốc để bình ổn thế giới đầy bất trắc hiện nay ».

 

Trung Quốc không chỉ hành xử với sách lược uyển chuyển như nước, mà có cao vọng trở thành núi Thái Sơn của thế giới. Trong lúc Trump dựng hàng rào thuế quan chống tất cả thế giới, không loại trừ đồng minh, Bắc Kinh mở vòng tay với hai đồng minh chủ chốt của Mỹ tại khu vực. Trung Quốc cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm đến một phần tư khối lượng kinh tế toàn cầu và 20% trao đổi thương mại thế giới.

 

Tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao, phía Trung Quốc cổ vũ cho việc Bắc Kinh xích lại gần Seoul và Tokyo. Ngày 30/03, bộ trưởng công nghiệp và thương mại ba nước Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc lần đầu tiên gặp nhau kể từ năm 2020. Sau cuộc họp khẩn này, ba bên đã đồng thuận tái thúc đẩy một thỏa thuận tự do mậu dịch.

 

 

« Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Tạm thời » của Mỹ : Đài Loan và Nhật Bản ở tuyến đầu

 

Tổng thống Donald Trump, trên thực tế, cho dù có những hành xử thô bạo, tiền hậu bất nhất trong nhiều chuyện, nhưng xét về chiến lược toàn cầu, Trump vẫn đang thực thi chính sách xoay trục sang châu Á, trung tâm kinh tế thế giới, chính sách vốn được khởi động từ thời Obama. Có điều chính quyền Trump dường như quyết định dồn toàn lực sang châu Á, bỏ hẳn an ninh châu Âu cho người châu Âu tự lo, kể từ giờ, chiến tranh Ukraina và đe dọa Nga là việc của châu Âu.

 

·        Đọc thêm : Mỹ « bình thường hóa » quan hệ với Nga: Ác mộng với châu Âu và Ukraina?

 

Hơn hai tháng sau khi Trump trở lại nắm quyền, lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth được cử đi châu Á. Đúng vào thời điểm chuyến công du này, báo Mỹ đăng tải bản « Hướng dẫn Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Tạm thời » (Interim National Defense Strategic Guidance) của bộ trưởng Quốc Phòng. Văn bản chiến lược quốc phòng lưu hành nội bộ này nhấn mạnh đến ưu tiên số một là « ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan và củng cố quốc phòng nội địa ».

 

Văn bản này được một số chuyên gia cho rằng đã là một nguyên nhân khiến Trung Quốc giận dữ bất ngờ tổ chức cuộc tập trận đạn thật oanh kích « các cơ sở hàng hải và năng lượng chiến lược » của Đài Loan. Trung Quốc đã cực lực lên án văn bản của bộ Quốc Phòng Mỹ. Tờ Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ trích Washington thổi bùng điểm nóng Đài Loan, đồng thời vạch ra những khác biệt lớn giữa quan điểm của tổng thống Trump, né tránh vấn đề Đài Loan, và quan điểm của bộ Quốc Phòng, coi Đài Loan là vấn đề trọng tâm.

 

Tình trạng nhiều liên minh với Mỹ tại châu Á, được lập ra dưới thời Biden để ngăn chặn Trung Quốc, bị chính sách của Trump hủy hoại gây khó khăn cho mặt trận đoàn kết ngăn chặn các tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Chuyên gia André Chieng bày tỏ: « Nếu so sánh chính sách của Trump với người tiền nhiệm, ta thấy chính sách của Biden hiệu quả hơn. Chúng ta nhớ rằng Biden đã thiết lập được một loạt cơ chế liên minh để chống lại Trung Quốc : liên minh AUKUS với Anh và Úc, liên minh QUAD với Nhật Bản, Ấn Độ và Úc… Nhờ vậy rút cục đã bao vây được Trung Quốc, thông qua sự phối hợp với các quốc gia đồng minh. Biden đã đặc biệt thành công trong việc hòa giải Nhật Bản với Hàn Quốc, hai nước vốn có bất hòa sâu sắc từ thời Thế chiến Hai với hồ sơ ‘‘phụ nữ giải sầu’’ (phụ nữ bị buộc phải phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật), thúc đẩy Nhật – Hàn tham gia vào liên minh với Mỹ. Trong khi đó, Trump trong vòng một hai tháng đã phá hủy tất cả các thành quả như vậy. »

 

 

Đài Loan ở tuyến đầu : Trump có đáng tin ?

 

Sau hai tháng cầm quyền đầu tiên của ông Trump, Đài Loan dường như đang dần được xác định sẽ là tâm điểm của cuộc đối đầu Mỹ - Trung về an ninh. Trong chuyến công du châu Âu lần đầu tiên của bộ trưởng Quốc Phòng dưới thời Trump, một điểm đáng chú ý là lãnh đạo quốc phòng hai nước dự lễ tưởng niệm các binh sĩ Mỹ - Nhật tử trận trong một trận chiến khốc liệt thời Đệ Nhị Thế Chiến, dấu hiệu cho thấy quan hệ siết chặt.

 

·        Đọc thêm : Trung Quốc bất ngờ tập trận mô phỏng tấn công các cơ sở hạ tầng chiến lược của Đài Loan

 

Ngày 30/03, Mỹ - Nhật thỏa thuận tiếp tục dự án, từ thời Biden, nâng cấp trụ sở Lực lượng Mỹ tại Nhật thành sở chỉ huy song phương (joint force headquarters), để tăng cường thế trận răn đe Mỹ - Nhật, đặc biệt tại khu vực tây nam Nhật Bản, với trọng tâm là Đài Loan. Hợp tác quân sự Mỹ - Nhật được tái khởi động dưới thời Trump có đủ giúp Washington khắc chế được các tham vọng quân sự của Bắc Kinh tại khu vực ?

 

Chính sách bất nhất của chính quyền Trump nói chung, về Đài Loan nói riêng, đang gây nhiều lo ngại. Chính quyền Trump có thực sự nỗ lực vì an ninh của Đài Loan ? Trump có chủ trương thổi bùng căng thẳng như Bắc Kinh cáo buộc ? Liệu hòn đảo có nguy cơ chịu cùng cảnh ngộ như Ukraina hay không ? Đây là những câu hỏi mà không ít người đặt ra.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cuộc chiến thuế quan toàn cầu : Những ẩn ý của chính quyền Trump

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 03/04/2025 - 14:34  -  Sửa đổi ngày: 03/04/2025 - 14:45

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20250403-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-thu%E1%BA%BF-quan-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u-nh%E1%BB%AFng-%E1%BA%A9n-%C3%BD-c%E1%BB%A7a-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-trump

 

Ngày 02/04/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước. Vì sao Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác phải chịu mức thuế cao nhất ? Ý đồ thực sự của tổng thống Trump là gì sau những đòn thuế quan toàn cầu này ?

 

HÌNH :

Tổng thống Mỹ Donald Trump bình luận về quyết định áp thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 02/04/2025. REUTERS - Carlos Barria

 

Thị trường chứng khoán châu Á đã chao đảo ngay sau thông báo biểu thuế mới của Nhà Trắng đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước trong khu vực : Cam Bốt 49%, Lào 48%, Việt Nam 46%, Sri Lanka 44%, Bangladesh 37%, hay Thái Lan 36%, cao hơn cả mức thuế đối với Trung Quốc là 34% hay Liên Hiệp Châu Âu là 20%. Vì sao như vậy ?

 

Một điều chắc chắn là hiện nay tại Mỹ có một sự đồng thuận rõ nét về tính cấp thiết của việc tái công nghiệp đất nước, đòi hỏi phải giảm mức tiêu thụ hiện chiếm đến 70% GDP, và nhất là để tái cân bằng các nguồn thu-chi của quốc gia, bị xuống cấp mạnh dưới thời chính quyền Biden.

 

 

Hai mục tiêu

 

Do vậy, theo phân tích của ông Matthieu Courtecuisse, tổng giám đốc hãng Sia Partners, trong bài viết đăng trên nhật báo Les Echos, để đạt được điều này, nguyên thủ Mỹ phải sử dụng một trong số những đòn bẩy sức mạnh duy nhất có sẵn trong tay : « Những hiệp ước thương mại ».

 

Mục tiêu chính thức là nhằm tăng cường động lực đầu tư công nghiệp, hiện đang diễn ra, và áp đặt chính sách « Nước Mỹ trên hết » đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiện đang trong thế gọng kìm. Những tuyên bố thường nhật cho thấy xu hướng trên đã tăng tốc từ những năm gần đây và được dùng để minh chứng cho tương quan lực lượng do ông Trump áp đặt.

 

Nhưng mục tiêu ngầm của ông là còn nhằm bẻ gãy dòng xuất khẩu công nghiệp của Trung Quốc, trực tiếp hay thông qua các cơ sở lắp ráp ủy nhiệm. Chính quyền Trump luôn tin rằng nền công nghiệp Mỹ rồi sẽ lấy lại vị thế hàng đầu thế giới trong tất cả các lĩnh vực như nước này hiện đang có trong các ngành công nghệ, dược phẩm và năng lượng.

 

Nhìn từ góc độ này, hãng tin Anh Reuters cho rằng, cuộc chiến thuế quan toàn cầu của ông Trump hiện đang đánh vào cốt lõi của hai chiến lược chính từ các nhà sản xuất Trung Quốc nhằm giảm tác động của chiến tranh thương mại : Chuyển dịch một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài và tăng doanh số bán hàng cho các thị trường ngoài Mỹ.

 

Đối với ông Yuan Yuwei, giám đốc Quỹ Đầu tư tại Water Wisdom Asset Management, đòn thuế quan này của ông Trump chẳng khác gì « một lệnh phong tỏa toàn diện đối với Trung Quốc ». Trước khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11/2024, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đã di dời một số cơ sở sản xuất sang Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, cũng như sang các khu vực khác.

 

 

Châu Âu trong thế "kềm kẹp" của Mỹ

 

Về phần châu Âu, ông Matthieu Courtecuisse lưu ý chỉ có giới « dư dả » ở Mỹ mới tiêu thụ nhiều hàng hóa châu Âu, nên cuộc chiến thương mại này chưa hẳn là một thách thức bầu cử cho ông Trump. Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan này sẽ là một đòn bẩy để ông Trump gây sức ép đối với các doanh nghiệp châu Âu, để buộc họ nhanh chóng chấp nhận chính sách « Nước Mỹ trên hết » trên bình diện công nghiệp, tài chính và năng lượng.

 

Để rồi tiếp đến, những công cụ thuế này của ông Trump sẽ « đánh gục » tất cả chuẩn mực và quy định của châu Âu nhằm cản trở xuất khẩu Mỹ trong một số lĩnh vực, cũng như ngăn cản Mỹ thâm nhập thị trường dịch vụ tài chính hay công nghệ. Trong trường hợp này, việc duy trì quyền tiếp cận các công nghệ của Mỹ, dù là công nghệ quân sự, không gian hay kỹ thuật số, thực tế sẽ là một con bài mặc cả, vào thời điểm châu Âu không có phương án B.

 

Ông Matthieu Courtecuisse cảnh báo : Cuộc chiến thương mại sẽ nhanh chóng được thay thế bằng chiến tranh chuẩn mực. Ủy ban Châu Âu sẽ phải nhanh chóng nhận ra rằng họ không còn chọn lựa nào khác là phải đi theo lịch trình quy định của Mỹ, có nguy cơ dẫn đến việc thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phi công nghiệp hóa và bị gạt ra bên lề thị trường tài chính thế giới ! 

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Giảm thuế hàng Mỹ trước "Ngày Giải phóng" của Trump : Nước cờ rủi ro nhưng chiến lược của Việt Nam

 

PHÂN TÍCH

Doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ loay hoay chống đỡ cơn bão thuế quan của Trump

 

Tạp chí Kinh tế

Mỹ và thuế đối ứng : « Big Bang » trong thương mại toàn cầu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Công lý nhãn tiền: Trên đường gây án, siêu máy bay Nga gặp nạn. Tân Tổng Tư Lệnh Mỹ bênh vực Ukraine   

VietCatholicNews

Apr 3, 2025

https://www.youtube.com/watch?v=Bur4YjMeBkY

 

15,264 views Apr 3, 2025

00:00:00 Đài Hiệu

00:00:20 Giới thiệu chương trình

00:00:34 Một trong 60 máy bay ném bom Tu-22M cánh xoay của Nga vừa bị rơi 00:03:57 Máy bay ném bom của Nga rơi ở tỉnh Irkutsk, phi công thiệt mạng 00:06:14 Người được Tổng thống Trump chọn làm tướng hàng đầu của Hoa Kỳ ủng hộ việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine

00:10:06 Tổng thống Trump châm ngòi chiến tranh thương mại với tất cả, áp thuế 20% lên Liên Hiệp Âu Châu, 10% lên Ukraine

00:14:18 Tai nạn máy bay ở Ohio

00:15:30 Ba Lan bắt giữ người Ukraine bị tình nghi làm gián điệp cho Nga

00:17:20 Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump cho biết lệnh ngừng bắn khó có thể xảy ra trong những tháng tới, Reuters đưa tin

00:20:19 Phần Lan sẽ rút khỏi hiệp ước bom mìn toàn cầu khi nỗi lo ngại về Nga ngày càng tăng

00:22:02 'Liên minh những người tự nguyện' sẽ họp tại Ukraine vào ngày 4 tháng 4, Tổng thống Zelenskiy nói

00:24:11 Liên Hiệp Âu Châu chuyển 3,7 tỷ đô la cho Ukraine theo chương trình các cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine, Thủ tướng Shmyhal cho biết

00:26:29 Cuộc thăm dò cho thấy 73% người Ukraine cho rằng Tổng thống Trump không tốt cho Ukraine

00:30:46 Lãnh đạo người Serb Bosnia thân Nga Dodik bỏ chạy sang Mạc Tư Khoa trong bối cảnh bị buộc tội ở Bosnia

00:33:13 Hỏa xa Nga bị tấn công mạng nghiêm trọng

00:34:56 Lãnh thổ mà Nga giành được ở Ukraine giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2024

00:37:35 Kết thúc

00:38:01 Closing Credits

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats