Thời gian không còn nhiều cho
Đài Loan
Yingtai Lung (Long Ứng Đài) - New
York Times
Nguyễn
Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2025/04/02/thoi-gian-khong-con-nhieu-cho-dai-loan/
HÌNH : https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2025/04/21.-Taiwan.jpg
Các
tài xế taxi Đài Loan nổi tiếng là thích nói chuyện, và gần đây, ngay khi tôi vừa
ngồi vào ghế sau của một chiếc taxi ở phía nam hòn đảo, bác tài đã quay sang
vui vẻ hỏi thăm tôi, rồi đột ngột tuyên bố rằng “Hôm nay là Ukraine, ngày mai
là Đài Loan.”
Ông
đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại chung trên khắp Đài Loan kể từ khi Tổng thống
Trump giảm sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ dành cho Ukraine và làm nhục Tổng thống nước
này, Volodymyr Zelensky, tại Nhà Trắng vào cuối tháng 2. Giờ đây, người dân Đài
Loan đang tự hỏi: Nếu Mỹ có thể làm như vậy với Ukraine để lấy lòng Nga, thì liệu
họ có làm như vậy với chúng tôi để lấy lòng Trung Quốc không?
Suốt
nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo Đài Loan đã coi sự đối đầu của chúng tôi với
Trung Quốc – quốc gia tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và thề sẽ chiếm
Đài Loan bằng vũ lực nếu cần – là để bảo vệ tự do và dân chủ, được củng cố bởi
kỳ vọng rằng Mỹ sẽ ủng hộ chúng tôi nếu Trung Quốc xâm lược. Điều này đã tạo ra
một cảm giác an toàn giả tạo, cho phép các chính trị gia và người dân Đài Loan
trì hoãn việc suy nghĩ về cách tốt nhất để chúng tôi đối phó với Trung Quốc nhằm
đảm bảo sự tồn tại lâu dài của nền dân chủ trên hòn đảo của chúng tôi.
Với
việc Trump gạt bỏ các giá trị dân chủ và bạn bè của Mỹ sang một bên, Đài Loan cần
ngay lập tức bắt đầu một cuộc đối thoại quốc gia nghiêm túc về cách đảm bảo hòa
bình với Trung Quốc theo các điều khoản mà chúng tôi có thể chấp nhận được,
thay vì để các cường quốc lớn hơn quyết định tương lai của chúng tôi.
Trong
các bình luận trực tuyến và các cuộc trò chuyện hàng ngày, người dân Đài Loan
ngày càng bày tỏ sự nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với Đài Loan và đặt ra câu hỏi:
Nếu Mỹ không còn sẵn lòng hỗ trợ một quốc gia thân thiện như Ukraine trong việc
bảo vệ tự do của họ, thì việc hàng chục nghìn thanh niên Ukraine đã chiến đấu
và hy sinh vì đất nước của họ liệu có vô ích hay không? Một cuộc thăm dò không
chính thức vào đầu tháng 3, do một nền tảng trực tuyến phổ biến với sinh viên đại
học Đài Loan thực hiện, đã hỏi rằng khi đứng trước những diễn biến mới nhất
liên quan đến Ukraine, những người trả lời khảo sát có sẵn lòng bảo vệ Đài Loan
trong một cuộc tấn công của Trung Quốc, hay họ thích đầu hàng hơn. Hầu hết đều
lựa chọn đầu hàng.
Nhưng
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức dường như không để ý đến những tình cảm này.
Thay vì tiếp cận mọi bên ở Đài Loan để khởi xướng một cuộc thảo luận cấp quốc
gia về hướng đi mà chúng tôi nên thực hiện, ông lại đi theo hướng gây sợ hãi, đối
đầu, và khơi dậy lại giọng điệu đen tối thời Chiến tranh Lạnh.
Vào
ngày 13/03, bằng việc viện dẫn hoạt động gián điệp, phá hoại và các mối đe dọa
quân sự của Trung Quốc, Lại chính thức dán nhãn Trung Quốc là “thế lực thù địch
nước ngoài” và hứa sẽ giám sát chặt chẽ hơn các liên hệ kinh doanh, văn hóa, và
các liên hệ khác với Trung Quốc. Ông cũng công bố kế hoạch khôi phục hệ thống
tòa án quân sự để truy tố những tội về an ninh quốc gia bị nghi ngờ do quân
nhân đang tại ngũ của Đài Loan thực hiện, hệ thống này vốn đã bị bãi bỏ vào năm
2013 vì lo ngại về vấn đề nhân quyền. Đảng đối lập hàng đầu của Đài Loan, Quốc
Dân Đảng, đã cáo buộc Tổng thống đẩy Đài Loan vào chiến tranh, và như dự đoán,
Trung Quốc đã cảnh báo rằng ông đang “đùa với lửa.”
Vấn
đề với cách tiếp cận của Lại Thanh Đức là Đài Loan không còn có thể trông cậy
vào sự hỗ trợ của Mỹ nữa. Đây không phải là điều mà chúng tôi chỉ mới nhận ra
nhờ Trump, người không chỉ phản bội Ukraine mà còn gieo rắc nghi ngờ về cam kết
bảo vệ Đài Loan của ông, và thậm chí còn cáo buộc chúng tôi đánh cắp ngành kinh
doanh chất bán dẫn của Mỹ.
Từ
lâu chúng tôi đã nhận thức một cách đau đớn rằng Mỹ, giống như bất kỳ quốc gia
nào khác, luôn đặt lợi ích của mình lên hàng đầu. Người dân Đài Loan ở mọi lứa
tuổi đều biết chuyện gì đã xảy ra vào ngày 16/12/1978, khi Tưởng Kinh Quốc, Tổng
thống của chúng tôi vào thời điểm đó, bị đánh thức lúc 2 giờ sáng và được thông
báo rằng Mỹ sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để công nhận Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa. Họ đã bỏ rơi chúng tôi – một đồng minh trong Chiến tranh Lạnh
– trong tình trạng cô lập ngoại giao ngày càng sâu sắc. Cách tiếp cận thô lỗ của
Trump chỉ là sự khác biệt về phong cách, chứ không phải về bản chất.
Với
việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và Mỹ quay lưng lại với thế giới, Đài Loan
đã đúng khi xây dựng quân đội để răn đe chống lại các cuộc tấn công. Nhưng cách
duy nhất để Đài Loan bảo vệ được nền tự do của mình một cách hòa bình là phải
hòa giải với Trung Quốc. Lịch sử gần đây cho thấy đây là nhiệm vụ có thể đạt được.
Suốt
nhiều thập kỷ, Đài Loan và Trung Quốc đã có một quan hệ xa cách và về cơ bản
luôn trong tình trạng chiến tranh. Nhưng kể từ sau Chiến tranh Lạnh, quan hệ đã
dần tan băng và đạt đến đỉnh cao trong nhiệm kỳ tổng thống của Mã Anh Cửu, thuộc
Quốc Dân Đảng, từ năm 2008 đến năm 2016. Quốc Dân Đảng nhấn mạnh sự hợp tác với
Trung Quốc như một cách để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của Đài Loan.
Dưới
sự quản lý của Mã, các hoạt động trao đổi về học thuật, văn hóa, và thương mại
phát triển mạnh mẽ, đạt đến đỉnh cao là cuộc gặp lịch sử của ông với Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2015. Có vẻ như sau nhiều thập kỷ thù địch, sự
hòa giải đã trở nên khả thi.
Nhưng
cửa sổ đã nhanh chóng đóng lại. Thái độ hoài nghi của công chúng về quan hệ nồng
ấm hơn với Trung Quốc dần gia tăng ở Đài Loan, đặc biệt là sau khi Trung Quốc
đáp trả các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bắt đầu từ năm 2014 ở Hong Kong bằng
một cuộc đàn áp tàn bạo, mà vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Đảng Dân Tiến, vốn
có lý do chính đáng để nghi ngờ Trung Quốc và nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền của
Đài Loan, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và tiếp tục
giữ chức vụ này kể từ đó đến nay. Và quan hệ với Trung Quốc đã trở lại trạng
thái đối đầu và sợ hãi.
Nhưng
có lẽ nỗi sợ mới là kẻ thù lớn nhất của chúng tôi. Sợ hãi sinh ra lòng căm thù
và ngờ vực, đến mức ngay cả việc đề xuất hòa bình với Trung Quốc cũng bị bác bỏ
trong diễn ngôn chính trị của Đài Loan, bị xem là ngây thơ, thiếu lòng yêu nước,
hoặc tệ hơn, là đầu hàng và phản bội.
Sợ
hãi cũng tạo ra động lực thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ hơn, đây chính là điều mà
Lại hiện đang theo đuổi. Tôi lớn lên ở Đài Loan vào thập niên 1950, khi mọi người
phải sống dưới chế độ thiết quân luật và luôn lo sợ bị Trung Quốc xâm lược. Bầu
không khí ngày càng căng thẳng hiện nay – việc Đài Loan mua vũ khí của Mỹ, việc
Lại khiêu khích coi Trung Quốc là kẻ thù, và sự trở lại của thái độ hoài nghi
kiểu Chiến tranh Lạnh xoay quanh các cuộc trao đổi với Trung Quốc – tất cả
trông như sự trở lại đáng lo ngại của thời kỳ đó, đe dọa hòa bình và tiến trình
mà Đài Loan đã đạt được trong việc xây dựng một xã hội dân chủ, cởi mở.
Đài
Loan đang cạn kiệt thời gian. Trump và Tập dự kiến sẽ sớm gặp nhau trực tiếp.
Sau những gì đã xảy ra với Ukraine, tồn tại một nguy cơ rất thực tế là Trump sẽ
gạt Đài Loan sang một bên để đạt được thỏa thuận thương mại hoặc địa chính trị
với Tập.
Hầu
như mọi người dân Đài Loan đều muốn bảo vệ nền tự do quý giá của mình. Điểm bất
đồng giữa chúng tôi là cách thức để đạt được điều đó – thông qua hòa giải hay đối
đầu với Trung Quốc. Nhưng giờ đây, có một điều chắc chắn rõ ràng: Việc hoàn
toàn dựa vào Mỹ, đồng thời từ chối và gây hấn với Trung Quốc không còn là con
đường khả thi nữa. Không thể có nền dân chủ nếu trước tiên không đảm bảo được
hòa bình.
-------------
Long
Ứng Đài là một nhà văn, nhà tiểu luận, và nhà phê bình văn hóa ở Đài Loan. Bà
là Bộ trưởng Văn hóa đầu tiên của Đài Loan, nhiệm kỳ từ năm 2012 đến năm 2014.
Các cuốn sách của bà bao gồm “Đại Hà, Đại Hải – Chuyện Chưa Kể Năm 1949.”
Nguồn: Yingtai Lung
(Long Ứng Đài), “The
Clock Is Ticking for Taiwan,” New York Times, 01/04/2025
====================
Có
thể bạn quan tâm:
1.
Tại
Đài Loan, bạn bè đang bắt đầu mâu thuẫn với nhau vì Trung Quốc
2.
Mỹ cần nghĩ lại
cuộc chơi đường dài ở Đài Loan (P1)
3.
Mỹ cần nghĩ lại
cuộc chơi đường dài ở Đài Loan (P2)
4.
Chính sách của
Mỹ về vấn đề Đài Loan đang chệch hướng?
5.
Tại
sao Tập và Biden chọn gửi thông điệp về Đài Loan vào cùng một ngày?
6.
Bài
học từ Berlin thời Chiến tranh Lạnh cho vấn đề Đài Loan ngày nay
7.
Trung Quốc
sẽ bóp nghẹt từ từ chứ không chiếm giữ Đài Loan
8.
Bản đồ năm
1950 báo trước chiến tuyến ngày nay ở Đài Loan
No comments:
Post a Comment