Friday, 16 September 2022

NHỮNG NGUY CƠ ĐE DỌA SỰ TỒN VONG CỦA CHẾ ĐỘ CỌNG SẢN VIỆT NAM (Vũ Ngọc Yên)

 



Những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ Cộng sản Việt Nam

Vũ Ngọc Yên

16/09/2022

https://baotiengdan.com/2022/09/16/nhung-nguy-co-de-doa-su-ton-vong-cua-che-do-cong-san-viet-nam/

 

Đảng CSVN không mạnh như chúng ta tưởng. Đảng đang bệnh, thậm chí bệnh còn nghiêm trọng hơn những người lãnh đạo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đảng đã thay đổi trở thành một chính đảng phục vụ lợi ích các gia tộc và tư bản thân hữu của giai cấp chức thống trị … Lý tưởng xã hội chủ nghĩa vốn là niềm tin của đảng viên không còn nữa. Chất keo gắn bó, đoàn kết nội bô chỉ là Quyền và Tiền.

 

Tập đoàn lãnh đạo đảng nay chỉ loay hoay lo những chuyện tranh chấp quyền lực, bố trí nhân sự và quân bình lợi ích phe nhóm, thay vì quan tâm đến những vấn đề hiện đại hoá, canh tân đất nước và quốc kế dân sinh. Chế độ Cộng sản đang đứng trước nhiều thách thức tồn vong.

 

1.– Đất nước vẫn còn tụt hậu

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất tự hào tuyên bố trong buổi khai mạc Đại hội XII của đảng vảo ngày 26.1.2021, rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay…” Sự hãnh diện của Nguyễn Phú trọng không sai nếu lấy thành quả kinh tế và chính trị của ông đối chiếu với nhiệm kỳ của những người tiền nhiệm Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh. Nhưng so với các nước láng giềng thì nước Việt nam cộng sản thực tế đã phát triển tới đâu?

 

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2021 chỉ hơn 362,6 tỷ đô la Mỹ.

Bộ Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI) được Ngân hàng Thế giới cập nhật hôm 1.7.2022, cho thấy, Thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người của Việt Nam vào năm 2021 là 3.560 đô la. So với các nước trong cùng khu vực, con số của Việt Nam chỉ bằng gần 1 phần 18 của Singapore, 64.010 đô la. Thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người của Việt Nam đứng thứ 7 trong số 11 nước Đông Nam Á và thứ 130 trên 195 nước được Ngân hàng Thế giới thống kê, xếp hạng, theo số liệu vừa được ngân hàng này cập nhật vào đầu tháng 7.

 

Lần lượt đứng thứ hai và thứ ba ở Đông Nam Á là Brunei và Malaysia với các con số tương ứng là 31.510 và 10.930 đô la, cao hơn Việt Nam gấp khoảng 9 lần và 3 lần.

 

Ba nước khác thuộc khối ASEAN đứng trên Việt Nam là Thái Lan, với 7.260 đô la/người, đứng thứ 88 trên thế giới; Indonesia, 4.140 đô la, vị trí 119; và Philippines, 3.640 đô la, vị trí 128.Các nước cùng khu vực có GNI đầu người thấp hơn Việt Nam là Lào, Timor Leste, Campuchia và Myanmar.

 

GDP bình quân đầu người Việt Nam, dự báo đến năm 2030 sẽ đạt 7.000 – 7.500 USD, tương đương GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2019 và chưa theo kịp Malaysia năm 2010.

 

2.– Tham nhũng ngày càng lan rộng.

 

Tham nhũng và lũng đoạn tài sản quốc gia hiện tại là quốc nạn. Độc tài, tham nhũng là bản chất của các chế độ độc tài, độc đảng, đặc biệt ở các quốc gia CS như Việt Nam và Trung Quốc. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu: “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người“. Giai cấp thống trị đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi. Chạy chức, chạy quyền là những hình thức hối lộ, tham nhũng phổ biến.

 

Tham nhũng được các quan chức đảng coi là chất keo kết dính các phe phái lại với nhau và tạo động lực cho các cán bộ trẻ đầy tham vọng, thuộc loại 5c (con cháu các cụ cả). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu ra trong một bài viết ngày 2-9-2014: “Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: ‘Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ‘,” trong công tác cán bộ.

 

Quan hệ gia đình trở thành tác nhân trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự ở các cấp. (Xem thêm https://baotiengdan.com/2020/11/20/chuyen-thai-tu-dang-va-nhung-hat-giong-do-cua-dai-hoi-xiii/.)

 

Song song với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nạn tham nhũng ở Việt Nam mỗi lúc lan rộng. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước, lĩnh vực tín dụng ngân hàng, công tác tổ chức cán bộ. Việc xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp.

 

Hàng trăm vụ tham nhũng làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng ngân sách quốc gia, gây phẫn nộ trong dư luận. (Xem thêm https://danviet.vn/nhin-lai-12-dai-an-tham-nhung-kinh-te-trong-10-nam-2022062804425177.htm)

 

Công luận chỉ trích việc xử lý tham nhũng đã không mang lại hiệu quả vì cơ chế độc đảng ở Việt Nam đẻ ra tệ nạn tham nhũng và bọn tham nhũng lại ra sức bảo vệ cơ chế này. Vì vậy, giao phó cho Đảng Cộng sản độc quyền chống tham nhũng thì tham nhũng càng phát triển.

Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền vào năm 2011, hứa hẹn sẽ chấm dứt tình trạng “suy thoái tư tưởng và kiềm hãm tham nhũng” vì lo ngại đảng và chế độ chính trị khó tồn tại. Tại đại hội 12, Trọng đã điều động lật đổ Nguyễn Tấn Dũng và bè lũ khét tiếng tham ô. Tranh chấp quyền lực trong đảng luôn có chủ đích.

 

Thành phần của cơ quan cao nhất của đảng, Bộ Chính trị gồm 19 người, đại diện cho sự cân bằng của các lực lượng phe phái phản ánh các lợi ích khác nhau. Bộ Chính trị là cơ quan quyết định chính trị của cả nhà nước và đảng. Không giống như các Bộ Chính trị trước đây, năm 2021 Trọng đã củng cố quyền lực với ​​nhiều thành phần thuộc các khu vực nhà nước, nhiều cảnh sát, công an và nhiều người trung thành với đảng thay vì các nhà kỹ trị. Thực chất các chiến dịch chống tham nhũng của Trọng chỉ là những cuộc tấn công vào sự tham nhũng của kẻ thù phe ông, như một cách để loại bỏ các đối thủ.

 

Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

 

Theo cách xếp hạng Nhận thức về Tham nhũng của Tổ chức Minh Bạch Quốc tế (Transparency International) công bố năm 2021, thì Việt Nam có chỉ số tham nhũng 39 được xếp hạng 87 trong số 180 quốc gia.

 

3.– Lý tưởng cách mạng suy thoái

 

Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” là những biểu hiện suy thoái lý tưởng cách mạng . Báo Quân đội nhân dân (QĐND) ngày 18/08/2022 cảnh báo “Sự suy thoái đạo đức, lối sống, nhất là về sự suy thoái lý tưởng cách mạng của một bộ phận cán bộ, kể cả một số cán bộ cấp cao, trong thời gian vừa qua hết sức đáng ngại. Chủ nghĩa cá nhân, động cơ kiếm tiền, bao che để trục lợi, lợi dụng khe hở của công tác quản lý và luật pháp để thu vén, làm giàu cho bản thân và gia đình đều là những nguyên nhân trực tiếp khiến người có chức, có quyền, có địa vị cao trong xã hội trở thành tội phạm.

 

Theo QĐND: “Sự lao dốc của những cán bộ đã từng trải ấy trên các cương vị công tác họ được đảm nhận, suy đến cùng là do lối sống buông thả, do sự tham lam quyền lực vô độ, muốn có thật nhiều tiền, muốn làm giàu thật nhanh mà không nghĩ đến hậu quả. Chính họ đã không đủ can đảm để chống lại những “bả” vinh hoa, phú quý không chính đáng. Sự lao dốc không phanh ấy, một lúc nào đấy thuận lợi, rất có thể sẽ dẫn đến chỗ góp phần bán rẻ cả đồng chí, đồng đội, phản bội lại Tổ quốc và quay lưng lại với nhân dân.”

 

4.– Bất công xã hội gia tăng

 

Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục trong nhiều thập niên qua không chuyển biến. Văn hoá, đạo đức xuống cập, lối sống gây bức xúc; tệ nạn xã hội gia tăng.

 

Sự phân hóa giàu nghèo hiện nay ở Việt Nam có xu hướng phân thành hai cực rõ rệt. Nhiều quan chức có thu nhập quá cao với rất nhiều nhà đất và vợ con tiêu xài một cách xa hoa, lãng phí, trong khi phần lớn người lao động vẫn phải đối mặt với cuộc sống cơ cực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Số hộ nghèo ở các huyện ở thôn quê vẫn còn ở mức độ lo ngại.

 

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), bình quân tiền lương của người lao động là 4,9 triệu đồng/ người/ tháng. Vì lý do lương thấp nên hơn 12% lao động phải thường xuyên đi vay để chi tiêu. Nếu không làm thêm, lao động khó có thể đủ chi tiêu, sinh hoạt. Lương thấp cũng khiến hơn 54% lao động không dám lập gia đình… Cũng theo điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, 5% công nhân được hỏi cho biết, rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt, cá (chỉ 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng có ăn (3 lần/tuần); 41% cho biết chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. Họ không dám đi khám bệnh vì không có tiền.

 

Năm 2022 đã chứng kiến ​​một làn sóng đình công ở Việt Nam, khi công nhân chiến đấu để giành lại những gì họ đã mất trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Vào tháng Giêng, đã có một cuộc đình công của từ 14.000 đến 16.000 công nhân tại các nhà máy sản xuất giày dép Pou Chen ở Biên Hoà, Đồng Nai, miền Nam Việt Nam. Doanh nghiệp Đài Loan này là nhà cung cấp lớn nhất cho Nike và Adidas. Kế tiếp 5.000 công nhân Công ty giầy da Viet Glory ở tỉnh Nghệ An và 2.500 công nhân tại bộ phận kiểm tra hàng hóa của một nhà máy ở miền Trung Việt Nam đã đình công. VnExpress, một tờ báo mạng dưới sự kiểm soát của đảng CSVN, báo cáo rằng đã có 30 cuộc đình công tính đến tháng 3 năm 2022.

 

5.– Toàn vẹn lãnh thổ và phát triển kinh tế không vững chắc

 

Thế giới liên tục chứng kiến nhiều biến động, từ chiến tranh Ukraine đến căng thẳng eo biển Đải Loan. Khả năng nước lớn sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế với các nước nhỏ có chiều hướng tăng lên. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược là khu vực cạnh tranh giữa các cường quốc, tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự. Trên Biển Đông, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo vẫn diễn ra phức tạp.

Tranh chấp Mỹ-Trung chi phối quan hệ quốc tế nói chung và tác động đến quan hệ giữa các nước với một trong hai nước này. Mỹ nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một thực tế, nhưng không bỏ lỡ những thời cơ thuận lợi khống chế Trung Quốc. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc luôn đe doạ chủ quyền các nước láng giềng. Trung Quốc sẽ tăng áp lực đối với các nước, trước hết là Việt Nam trong quan hệ với Đài Loan và các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

 

Kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng, suy thoái, lạm phát. Nền kinh tế Việt nam phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19, chiến tranh Ukraine và sự suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra. Thương maị Việt Nam hiện lệ thuộc nhiều vào hai nước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nếu vẫn tiếp diễn, căng thẳng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất nhập và sản xuất hàng hoá.

 

Lời kết

 

Đảng CSVN không mạnh như chúng ta tưởng. Đảng đang bệnh. Một tập hợp chính trị có cấu trúc tổ chức vững chắc và xem lý tưởng cách mạng là niềm tin thì tổ chức sẽ có trọn vẹn 100% sức mạnh. Nhưng nay đảng CSVN không còn hai yếu tố này nữa. Lý tưởng Xã hội chủ nghĩa từ lâu đã không hiện thực và trở thành bóng ma. Tham nhũng bây giờ là phương cách duy nhất được thực hiện như một chất keo gắn bó giữa các phe nhóm lợi ích nhằm duy trì tổ chức. Không có tham nhũng, cơ cấu đảng sẽ tan rã. Đảng và Chế độ đang trực diện trước nguy cơ tồn vong.





No comments:

Post a Comment

View My Stats