Friday, 2 September 2022

NGƯỜI LÍNH NGA, TÁC GIẢ NHẬT KÝ ZOV, XIN TỊ NẠN TẠI PHÁP (Thụy My / RFI)

 



 

Người lính Nga tác giả nhật ký « ZOV » xin tị nạn tại Pháp

Thụy My   -  RFI

Đăng ngày: 31/08/2022 - 11:06

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220831-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-l%C3%ADnh-nga-t%C3%A1c-gi%E1%BA%A3-nh%E1%BA%ADt-k%C3%BD-zov-xin-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n-t%E1%BA%A1i-ph%C3%A1p?fbclid=IwAR3UF737oePEUIf0MtnPjO66vaeIzrJ6b9FtgsHfDgVoJXkz-ShGvWdfeQc&ref=fb_i

 

Pavel Filatiev, người lính dù Nga đã phá vỡ luật im lặng và chạy trốn khỏi Nga sau khi đăng lên mạng nhật ký tố cáo cuộc xâm lăng Ukraina, hôm nay 30/08/2022 xin tị nạn chính trị tại Pháp.

 

https://s.rfi.fr/media/display/aa2468da-2890-11ed-9645-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/Pavel%20Filatiev%201.webp

Pavel Filatiev, người lính nhảy dù Nga là tác giả nhật ký « ZOV » phản đối cuộc chiến tranh với Ukraina, xin tị nạn chính trị tại Pháp ngày 29/08/2022. AFP - ELEONORE DERMY

 

Năm nay 34 tuổi, quân nhân này đã đến phi trường Roissy, Paris hôm Chủ nhật qua ngõ Tunisie, rồi tiếp xúc với các nhân viên Cơ quan bảo vệ người tị nạn và vô quốc tịch của Pháp (OFPRA) hôm thứ Hai 29/08.

 

Lý do ? Đầu tháng Tám, người lính dù đã tái ngũ năm ngoái, thuộc trung đoàn 56 đơn vị nhảy dù đóng ở Crimée, đã đăng lên mạng xã hội VKontakte cuốn nhật ký 141 trang, tố cáo tình trạng của quân Nga tham chiến tại Ukraina.

 

Pavel Filatiev khi được hãng tin Pháp AFP hỏi chuyện hôm qua tại khu vực dành cho người xin tị nạn ở Roissy, kể lại : « Khi biết rằng ban chỉ huy đòi kết án tôi 15 năm tù vì đưa thông tin sai lạc (chống lại quân đội Nga), tôi hiểu sẽ chẳng làm được gì và các luật sư cũng sẽ không giúp được gì cho tôi ở Nga ».

 

Cuốn nhật ký được đặt tên là « ZOV », có nghĩa là « lời kêu gọi » trong tiếng Nga, đồng thời nhắc lại những chữ « Z », « O », « V » được sơn lên những chiếc xe bọc thép Nga tại Ukraina, chỉ trích cuộc chiến được khởi động từ ngày 24/02. Pavel, vốn là con trai của một quân nhân cũng từng tòng sự ở trung đoàn 56, viết : « Về đạo đức, chúng ta không có quyền tấn công một quốc gia khác, hơn nữa lại là một dân tộc gần gũi nhất với chúng ta ».

 

Tham nhũng và « thân ai nấy lo »

 

Anh mô tả một quân đội Nga tả tơi, trang bị sơ sài và thiếu huấn luyện, « cùng một tình trạng mà nước Nga đang trở thành trong những năm qua ». Pavel Filatiev giải thích : « Từ năm này qua năm nọ, hỗn loạn và tham nhũng càng trở nên rõ nét. Tham ô, vô trật tự, vô cảm đã vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được ». Anh nhanh chóng thất vọng sau khi ký hợp đồng.

 

« Những tháng đầu tiên, tôi bị sốc. Tôi tự nhủ ‘không thể như thế được’, và đến cuối năm, hiểu rằng mình không thể nào phục vụ một quân đội như vậy ». Tuy vậy Pavel vẫn không rời quân ngũ, và bị điều ra mặt trận khi Kremlin tung ra « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Cùng với đơn vị, anh đến Kherson rồi Mykolaiv, hai thành phố Ukraina bên bờ Hắc Hải.

 

« Nếu quân đội trong thời bình đã lộn xộn, bị vơ vét nhưng ai nấy đều nhắm mắt làm ngơ như vậy ; thì đương nhiên vào thời chiến, trong chiến đấu, sẽ càng tệ hại hơn, tính thiếu chuyên nghiệp lại càng thấy rõ ». Theo Pavel, chính quyền Nga đóng vai trò chính trong việc « hủy hoại một quân đội thừa hưởng từ Liên Xô cũ ».

 

Chống chiến tranh, nhưng khó thể ra đi

 

Sau hai tháng giao tranh, mà Pavel Filatiev cam đoan rằng đơn vị mình không hề tham gia vào một cuộc hành quyết thường dân hay tù nhân nào, anh được sơ tán sang Sépastopol thuộc Crimée và nhập viện do bị nhiễm trùng ở mắt phải. Anh cố xin giải ngũ vì lý do sức khỏe, nhưng cấp trên ra lệnh quay lại tiền tuyến, đe dọa sẽ mở điều tra nếu không chấp hành. Đầu tháng Tám, Pavel ra khỏi Crimée và công bố cuốn nhật ký trên internet. Sau khi lang thang hết thành phố này tới thành phố khác để tránh bị phát hiện, cuối cùng anh rời nước Nga.

 

« Tại sao tôi kể lại tất cả những chi tiết ấy ? Tôi muốn người dân ở Nga và trên thế giới hiểu được cuộc chiến tranh này đã xảy đến như thế nào, và tại sao vẫn tiếp tục. Đó không phải vì những người lính muốn chiến đấu, mà vì họ ở trong những điều kiện rất khó thể ra đi ».

 

Pavel khẳng định : « Quân đội, cũng như xã hội Nga đều sợ hãi ». Theo anh, chỉ có 10 % lính Nga ủng hộ chiến tranh, nhưng đa số binh sĩ đều không dám công khai nói ra. « Những ai chống chiến tranh đều không dám nói hay xin giải ngũ vì sợ hậu quả ».

 

Nếu được chấp nhận cho tị nạn chính trị, Pavel Filatiev cho biết mong muốn hành động « sao cho cuộc chiến tranh này kết thúc ». « Tôi mong sao càng ít thanh niên Nga tham gia càng tốt, và họ cần biết được những gì diễn ra tại Ukraina ».

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

ĐIỂM BÁO

« ZOV », nhật ký của một lính dù Nga tố cáo cuộc chiến ở Ukraina





No comments:

Post a Comment

View My Stats