Howard
W French | The
Guardian
Trần Giao Thủy dịch thuật
POSTED ON OCTOBER
17, 2021
https://dcvonline.net/wp-content/uploads/2021/10/africa-1024x614.jpg
La bàn khảm, Đài tưởng
niệm những khám phá, Belem, Lisbon, Bồ Đào Nha, Châu Âu. Nguồn: Image
Broker/Rex
Những người thám hiểm đầu tiên ở châu
Âu thường được ghi công là đã tạo ra thế giới hiện đại, liên kết với nhau.
Nhưng châu Phi là nguồn cội cho hầu hết mọi thứ họ đạt được – và sự sống
của người châu Phi là cái giá khủng khiếp.
Nếu một câu chuyện bắt đầu không đúng chỗ
nhưng lại đi đến kết luận đúng thì là điều không bình thường. Và đó là lịch
sử hình thành thế giới hiện đại. Truyện cổ đã dành vị trí ưu tiên cho Thời
đại Khám phá thế kỷ 15 của Châu Âu và sự kết nối đường biển mà nó thiết lập
giữa phương tây và phương đông. Đi đôi với kỳ tích lịch sử này là khám phá quan
trọng, nếu tình cờ, về cái được gọi là Thế giới Mới.
Những lời giải thích khác cho sự xuất hiện của
thế giới hiện đại thuộc về đạo đức và tính khí mà một số người liên kết với
niềm tin của Do Thái-Kitô giáo, hoặc với sự phát triển và truyền bá của phương
pháp khoa học, hoặc theo kiểu bá quyền, hống hách hơn, với niềm tin thường được
xưng tụng của người châu Âu về sự khéo léo và sáng tạo độc đáo của họ.
Trong trí tưởng tượng của mọi người, những tư tưởng này đã gắn liền với đạo
đức làm việc, chủ nghĩa cá nhân và khuynh hướng kinh doanh được cho là xuất
phát từ cuộc Cải cách Kháng nghị (Protestant Reformation) ở những nơi như
Anh và Hòa Lan.
Tất nhiên, không thể phủ nhận tầm quan trọng của
những cuộc thám hiểm của những người đi biển như Vasco da Gama, băng
qua Ấn Độ Dương đến Ấn Độ vào năm 1498, Ferdinand Magellan, đã đi về phía tây đến
châu Á, vòng qua mũi phía nam của Nam Mỹ, và Christopher Columbus. Như tác giả Marie Arana
đã nói một cách thanh lịch về Columbus :
“Ông là một con người thời trung cổ từ
thế giới thời trung cổ, với những quan niệm thời trung cổ về Cyclops, người
lùn, người Amazons, thổ dân mặt chó, những kẻ đối cực đi bằng đầu và
suy nghĩ bằng đôi chân của họ – về những chủng tộc da đen, tai khổng lồ sống
ở những vùng đất mà vàng và đá quý mọc lên. Tuy nhiên, khi bước chân đến
châu Mỹ, ông ấy còn làm được nhiều hơn là bước vào một thế giới mới:
ông đã bước sang một thời đại mới.”
Mặc dù những kỳ công khám phá nổi tiếng này
chi phối trí tưởng tượng của mọi người, nhưng chúng che khuất câu
chuyện thật về cách thế giới được kết nối vĩnh viễn với nhau như
thế nào và do đó trở thành “hiện đại”. Nếu chúng ta xem xét những bằng
chứng kỹ lưỡng hơn, sẽ thấy rõ ràng rằng châu Phi đóng
một vai trò trung tâm trong câu chuyện lịch sử này. Bằng cách phân
công sai vai trò của châu Phi, nhiều thế hệ đã được dạy về một câu chuyện
lịch sử sai lầm sâu sắc về nguồn gốc của sự hiện đại.
Lực đẩy đầu tiên đi đến Kỷ nguyên Khám
phá không phải là việc Châu Âu khao khát quan hệ với Châu Á, như rất nhiều người
trong chúng ta đã học ở trường, mà là mong muốn đã có hàng thế kỷ của Châu
Âu là tạo dựng mối quan hệ giao thương với những xã hội da đen giàu có
trong truyện cổ tích ẩn sâu trong trái tim “đen tối nhất” ở Tây Phi. Những
người đi biển nổi tiếng nhất của Iberia với kinh nghiệm ban đầu không
phải là tìm những con đường đến châu Á, mà là miệt mài đi dọc ven biển
phía tây châu Phi. Đây là nơi họ hoàn thành những kỹ thuật lập bản đồ và
lái thuyền đi biển; đây cũng là nơi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã
thí nghiệm những kiểu tàu cải tiến, và là nơi Columbus hiểu rõ về gió và hải
lưu ở Đại Tây Dương, đủ để sau này ông có thể đi đến góc biển phía
tây với niềm tin rằng trước đây chưa có người châu Âu nào có thể đến đó và trở
lại nhà.
Một đồn phòng thủ ở
Elmina, Ghana, do những người buôn bán nô lệ và vàng châu Âu từ thế kỷ
15 xây dựng. Ảnh: David Guttenfelder / Associated Press
Trước khi thay mặt Tây Ban Nha thực hiện những
cuộc thám hiểm, Columbus, một người Ý ở Genoa, đã đi thuyền đến tiền
đồn ở nước ngoài lớn, kiên cố đầu tiên của châu Âu, nằm trong vùng nhiệt đới tại
Elmina, thuộc Ghana ngày nay. Những cuộc thám hiểm của người châu Âu đến Tây
Phi vào giữa thế kỷ 15 đã kết thúc trong việc tìm vàng. Chính việc buôn bán kim
loại quý này, do người Bồ Đào Nha tìm được ở khu vực ngày nay là
Ghana vào năm 1471, và được củng cố bằng việc xây dựng pháo đài ở
Elmina vào năm 1482, đã giúp tài trợ cho sứ mệnh khám phá châu Á sau này của
Vasco da Gama.
Nguồn cung cấp vàng mới và phong phú này
đã giúp Lisbon, cho đến lúc đó, chỉ là một vương quốc nhỏ và túng thiếu ở châu
Âu, chiếm thế thượng phong đối với những nước láng giềng và thay đổi hoàn toàn
lộ trình lịch sử thế giới.
Bartolomeu Dias, một nhà thám hiểm người Bồ
Đào Nha khác, người biết rõ về Elmina, đã đến Mũi Hảo vọng của châu Phi vào năm
1488, chứng minh sự hiện hữu của một con đường biển đến nơi sau
này được biết đến là Ấn Độ Dương. Nhưng thậm chí sẽ không có chuyến hải
hành nào đến châu Á trong gần một thập kỷ sau đó, khi Da Gama cuối cùng đã
lên đường đến Calicut (bây giờ là Kozhikode ở Ấn Độ). Việc giảng dạy lịch sử về
thời đại của những khám phá mang tính biểu tượng này không chỉ im lặng một cách
bầy đàn về mười năm đó, mà còn trong gần ba thập kỷ từ khi người Bồ Đào
Nha đến Elmina năm 1471 và cuộc đổ bộ của họ xuống Ấn Độ năm 1498.
Chính khoảnh khắc này, khi châu Âu và những gì
ngày nay là châu Phi hạ Sahara tiếp xúc sâu rộng vĩnh viễn, đã đặt nền
móng cho thời đại hiện đại.
***
Việc đọc lướt qua gần ba mươi năm quan trọng
này chỉ là một ví dụ về tiến trình kéo dài hàng thế kỷ về sự giảm bớt, tầm thường
hóa và xóa sổ người châu Phi và những người gốc châu Phi khỏi câu chuyện của thế
giới hiện đại. Nó không phải là những sự kiện cơ bản không được biết đến; vấn đề
đó là chúng đã bị phụ bạc, bị coi thường hoặc bị cuốn vào những góc tối. Điều cần
thiết là phải khôi phục những chương chính như những chương này về vị trí nổi bật
thích đáng của chúng trong câu chuyện hiện đại thông thường của chúng ta.
Bắt đầu từ thế kỷ 15, những cuộc gặp gỡ giữa
người châu Phi và châu Âu đã khiến những người châu Âu hướng về Đại Tây
Dương nhất vào con đường mà cuối cùng sẽ đưa lục địa của họ vượt qua những
trung tâm văn minh lớn của châu Á và thế giới Hồi giáo về mặt giàu có và
quyền lực. Sự trỗi dậy của châu Âu không hình thành dựa trên bất kỳ đặc điểm bẩm
sinh hay vĩnh viễn nào tạo ra sự vượt trội. Ở một mức độ vẫn chưa được công nhận,
nó được xây dựng dựa trên những mối quan hệ kinh tế và chính trị của châu Âu với
châu Phi. Tất nhiên, trọng tâm của vấn đề ở đây là hoạt động buôn bán xuyên Đại
Tây Dương khổng lồ kéo dài hàng thế kỷ nhằm vào những người nô lệ, những người
bị bắt làm công việc trồng đường, thuốc lá, gòn và những loại cây thu tiền
khác trên những đồn điền của Tân Thế giới.
Đài tưởng niệm những
khám phá ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Ảnh: Renato Granieri / Alamy
Sợi
dây dài dẫn chúng ta đến hiện tại bắt đầu từ ba mươi năm cuối thế kỷ
15 đó, khi thương mại phát triển giữa Bồ Đào Nha và
châu Phi, mang đến một sự thịnh vượng mới, rửa sạch những gì trước
đây chỉ là một quốc gia ở bên lề châu Âu. Nó thúc đẩy tiến trình
đô thị hóa ở Bồ Đào Nha với mức độ chưa từng có, và tạo ra những bản sắc mới
dần dần giải phóng nhiều người khỏi những ràng buộc phong kiến với đất đai. Một
trong những bản sắc mới lạ này là tính chất một quốc gia, nguồn gốc của họ
kết thúc với việc đi tìm sự giàu có ở những vùng đất xa xôi, và ngay sau
đó là di cư và thuộc địa ở vùng nhiệt đới.
Khi Bồ Đào Nha bắt đầu khai phá đi ra thế
giới vào những năm 1400 – và trong gần một thế kỷ, việc khai phá này gần
như chỉ dành riêng cho Châu Phi – người dân của Bồ Đào Nha là một
trong những người đầu tiên tạo ra một bước nhảy vọt khác về khái niệm. Họ bắt đầu
nghĩ về việc khám phá không chỉ đơn thuần là tình cờ bắt gặp những thứ mới lạ
hay mở rộng tầm mắt đến những nơi chưa từng đến, mà là một thứ gì đó mới mẻ và
trừu tượng hơn. Khám phá đã trở thành một tư duy, và điều này sẽ trở thành một
nền tảng khác của sự hiện đại. Điều đó có nghĩa là hiểu rằng thế giới là vô hạn
trong sự phức tạp xã hội của nó, và điều này đòi hỏi sự mở rộng nhận thức, ngay
cả giữa cảnh bạo lực khổng lồ và nỗi kinh hoàng đi kèm với tiến trình này,
và một hệ thống hơn bao giờ, kéo neo rời bến bờ tác phong tỉnh lẻ.
Cuộc giao tiếp định mệnh giữa châu Âu và
châu Phi hạ Sahara đã tạo ra những chuyển đổi văn minh ở cả hai khu vực,
cũng như trong thế giới rộng lớn hơn – những biến đổi mà ngày nay nhìn lại,
đã tạo ra sự phân chia đặc biệt rõ ràng giữa “trước” và “sau”.
***
Hồi đó, người châu Âu đã lưu tâm đến
thực tế này. Vào cuối những năm 1530, cũng như sau khi Bồ Đào Nha bắt đầu
thương mại gia vị nổi tiếng hơn với châu Á, Lisbon vẫn công nhận châu Phi là động
lực hàng đầu của tất cả những gì mới. João de Barros, một cố vấn cho triều
đình của quốc gia đó, đã viết:
“Tôi không biết ở Vương quốc này một ách thống trị về
đất đai, thuế phí, thuế thập phân, thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc bất kỳ loại thuế
Hoàng gia nào khác đáng tin cậy hơn … lợi nhuận thương mại ở Guinea.”
Nhưng đáng chú ý như sự thừa nhận của Barros về
sức sống châu Phi, việc ông không coi chế độ nô lệ như một trụ cột của mối quan
hệ cũng đáng chú ý không kém. Có thể đây là lần đầu tiên vị trí trung tâm của
nô lệ Da đen chỉ đơn giản được chuyển qua trong một bản tường trình đầy đủ
thông tin về sự hiện đại ở phương tây. Nó sẽ không phải là cuối cùng. Khi
Barros viết, Bồ Đào Nha thống trị hoàn toàn hoạt động buôn bán của châu Âu đối
với người châu Phi, và chế độ nô lệ đang bắt đầu sánh ngang với vàng là nguồn
tiền thưởng châu Phi béo bở nhất của Bồ Đào Nha. Đến lúc đó, nó đang trên đường
trở thành nền tảng của một hệ thống kinh tế mới dựa trên nông nghiệp trồng rừng.
Theo thời gian, hệ thống đó sẽ tạo ra của cải cho châu Âu nhiều hơn so với vàng
châu Phi hoặc lụa và gia vị châu Á.
Nghe giống như một Barros cập nhật, Malachy
Postlethwayt, một chuyên gia hàng đầu của Anh thế kỷ 18 về thương mại, đã gọi
giá thuê và doanh thu của công nhân nô lệ trong đồn điền là “chỗ dựa và hỗ
trợ cơ bản” cho sự thịnh vượng của đất nước ông. Ông mô tả đế chế Anh là “một cấu
trúc thượng tầng tráng lệ của thương mại và sức mạnh hải quân của Mỹ [được xây
dựng] trên nền tảng châu Phi.” Cùng thời gian đó, một tư tưởng gia nổi tiếng
không kém người Pháp, Guillaume-Thomas-François de Raynal, đã mô tả những đồn
điền ở châu Âu do những người nô lệ châu Phi làm việc là “nguyên nhân chính của
chuyển động nhanh hiện nay đang khuấy động vũ trụ”. Daniel Defoe, người Anh, tác giả của Robinson Crusoe, nhưng cũng là một người kinh doanh,
người viết sách nhỏ bàn về thời sự và gián điệp, đã vượt qua cả hai,
Malachy Postlethwayt và Guillaume-Thomas-François de Raynal, khi viết:
“Không có buôn bán ở châu
Phi, không có người da đen; không có người da đen, không có đường, gừng, v.v.;
không có đường, vv, không có đảo, không có lục địa; không có lục địa, không có
thương mại .” (Daniel Defoe)
Postlethwayt, Raynal và Defoe chắc chắn đã
đúng, ngay cả khi họ không hiểu tất cả lý do tại sao. Hơn bất kỳ nơi nào khác
trên thế giới, châu Phi là đinh chốt của cỗ máy hiện đại. Nếu không có những
người châu Phi bị đem bán đi từ những bờ biển của nó, thì châu Mỹ có lẽ đã
không đáng kể trong sự thăng tiến của phương tây. Công nhân châu Phi, dưới hình
thức những người nô lệ, là điều đã làm nên sự phát triển của châu Mỹ. Nếu không
có người nô lệ da đen, những dự án thuộc địa của châu Âu ở Tân Thế giới là điều
không tượng.
Bằng sự phát triển của nông nghiệp đồn điền và
một loạt những loại cây thương mại làm thay đổi lịch sử – thuốc lá, cà phê, ca
cao, chàm, gạo và trên hết là đường – mối quan hệ sâu sắc và thường tàn bạo của châu Âu với
châu Phi đã thúc đẩy sự ra đời của một nền kinh tế tư bản toàn cầu thực sự.
Đường do người nô lệ trồng trọt đã thúc đẩy sự kết hợp của những tiến trình mà
chúng ta gọi là kỹ nghệ hóa. Nó đã thay đổi hoàn toàn đồ ăn thường ngày, làm
cho năng suất của công nhân có thể cao hơn nhiều. Và khi làm như vậy, đường đã
cách mạng hóa xã hội châu Âu.
Một tượng đài ghi nhớ về chế độ nô lệ tại một viện bảo
tàng ở Porto-Novo, Benin. Ảnh: Afolabi Sotunde/Reuters
Trước sự phát triển của đường, cây gòn do
những người nô lệ ở miền nam nước Mỹ trồng đã giúp khởi động tiến trình kỹ nghệ hóa
chính thức, cùng với làn sóng chủ nghĩa tiêu dùng thứ hai. Quần áo phong phú và
đa dạng cho quần chúng lần đầu tiên trở thành hiện thực trong lịch sử loài người.
Quy mô của sự bùng nổ bông gòn trước cuộc nội chiến ở Mỹ,
đã làm nên điều này, một chuyện đáng kinh ngạc. Chỉ riêng giá trị thu được từ
việc buôn bán và là chủ của những người nô lệ ở Mỹ – khác hẳn với gòn và
những sản phẩm khác mà họ sản xuất – đã lớn hơn giá trị của tất cả những
nhà máy, đường sắt và kinh đào của nước này cộng lại.
Những cuộc tranh giành quyền kiểm soát tiền
thưởng châu Phi hiện đang bị lãng quên ở châu Âu đã phần nào xây dựng nên thế
giới hiện đại, bằng cách củng cố lòng trung thành cố định với quốc gia. Tây Ban
Nha và Bồ Đào Nha đã tiến hành những trận hải chiến khốc liệt ở Tây Phi để
tranh giành vàng. Hòa Lan và Bồ Đào Nha, sau đó đã thống nhất với Tây Ban
Nha, đã chiến đấu trong một cuộc chiến gần như thế chiến vào thế
kỷ 17 ở Congo và Angola ngày nay, tranh giành quyền kiểm soát hoạt động buôn
bán những nguồn nô lệ giàu có nhất ở châu Phi. Ở phía xa bờ Đại Tây Dương,
Brazil – nước sản xuất đường do nô lệ trồng nhiều nhất vào đầu thế kỷ
17 – cũng bị cuốn vào chiến tranh tương tự và nhiều lần đổi chủ. Cuối
cùng trong thế kỷ đó, Anh chiến đấu với Tây Ban Nha để giành quyền kiểm soát
vùng Caribbean.
Tại sao những cường quốc ở xa lại cạnh tranh
gay gắt về những điều như vậy? Hòn đảo Barbados nhỏ xíu đã
cho câu trả lời. Vào giữa những năm 1660, chỉ ba mươi năm sau hoặc
lâu hơn sau khi Anh khởi xướng mô hình lao động nô lệ châu Phi cho những đồn điền
của họ ở đó – mô hình lần đầu tiên được thực hiện ở thuộc địa São Tomé của
Bồ Đào Nha trước đó hơn một thế kỷ – đường từ Barbados đáng giá hơn so với
kim loại xuất cảng của toàn bộ Mỹ của Tây Ban Nha.
Giữa câu chuyện này về những cuộc đấu tranh
quân sự để giành quyền kiểm soát đất đai và nô lệ, và về những kỳ tích kinh tế
mà họ tạo ra, một loại xung đột khác có thể nhìn thấy: cuộc chiến với chính người
Da đen. Điều này liên quan đến việc theo đuổi nhất quán những chiến lược để
đánh bại người châu Phi khiến họ phải phục tùng, khiến họ trở thành nô lệ của
nhau, và tuyển mộ người Da đen làm lính đánh thuê và phụ tá, cho dù để
chiếm giữ những lãnh thổ khỏi kiềm kiểm soát của dân bản địa của Tân Thế
giới hay tranh giành với những đối thủ châu Âu ở châu Mỹ.
Nói điều này không phải để tước bỏ quyền tự
quyết của người châu Phi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc chiến này đối với
sự phát triển tiếp theo của châu Phi là rất lớn. Ngày nay, ước tính đồng thuận
về số người châu Phi được đưa đến châu Mỹ là khoảng 12 triệu người. Bị lạc
trong cách tính toán tàn bạo nhưng quá gọn gàng này có thể 6 triệu người
châu Phi khác đã bị giết tại hoặc gần quê hương của họ trong cuộc săn lùng nô lệ,
trước khi họ có thể bị trói và đem bán đi. những con số ước tính khác
nhau, nhưng từ 5% đến 40% thiệt mạng trong những chuyến vượt cạn tàn bạo tới bờ
biển, hoặc trong khi bị giam giữ, thường là trong nhiều tháng, trong trại nhốt
nô lệ, hoặc nhà tạm giam, khi họ chờ lên tàu nô lệ. Và 10% khác trong số những
người được đưa lên tàu đã chết trên biển trong hải trình vượt Đại Tây
Dương, tạo thành một bài kiểm soát tâm lý và thể chất khắc nghiệt cho tất
cả những người nô lệ. Khi cho rằng tổng dân số của Châu Phi vào giữa thế kỷ 19
có lẽ là khoảng 100 triệu người, người ta bắt đầu đánh giá mức độ to lớn của cuộc
tấn công nhân loại mà việc buôn bán nô lệ gây ra.
Cuộc chiến chống lại người Da đen này cũng diễn
ra ác liệt ở bờ Tây Đại Tây Dương, và cuộc kháng cự chống lại cũng mãnh liệt
không kém. Những xã hội của những kẻ trốn chạy tìm tự do đã tập hợp lại ở
nhiều nơi, từ Brazil, Jamaica đến Florida. Người ta thường nhận xét rằng chính
người Châu Phi đã bán những người nô lệ cho người Châu Âu. Điều ít được biết đến
là ở nhiều vùng của Châu Phi, chẳng hạn như Vương quốc Kongo và Benin, người
Châu Phi đã chiến đấu để chấm dứt hoạt động buôn người một khi họ hiểu rõ ảnh
hưởng của nó đối với xã hội của họ. Những người bị nô lệ đã chống lại bằng nhiều
cuộc nổi dậy trên tàu, hoặc đơn giản là tự kết liễu mạng sống của họ trên
biển thay vì phải chịu nô lệ.
Trong hầu hết những xã hội đồn điền ở Thế giới
Mới, tuổi thọ trung bình còn lại của những người Da đen bị đem bán được tính là
bảy năm hoặc ít hơn.
Vào năm 1751, một chủ đồn điền người Anh ở Antigua đã tổng kết
lại tình cảm phổ biến của chủ nô lệ theo cách này:
“Bắt nô lệ làm việc tối đa thì rẻ hơn, đồng thời
với giá thấp và việc tận dụng, làm họ hao mòn trước khi trở nên vô dụng và
không thể làm việc được; và sau đó là mua những nô lệ mới để thay
vào chỗ của họ.”
***
Tôi đã may mắn được giới thiệu đến Châu Phi
khi vẫn còn là sinh viên đại học, đầu tiên là một du khách say mê trong thời
gian đi nghỉ hè, và sau đó sống ở đó sáu năm sau khi tốt nghiệp. Tôi đã từng là
một nhà báo viết về châu Phi và đi du lịch khắp nơi, và tôi kết hôn với một phụ
nữ lớn lên ở Bờ Biển Ngà, nhưng gia đình của vợ tôi là dân của một vùng
lân cận của Ghana. Lúc đó tôi hoàn toàn không biết về điều đó, nhưng chính
trong vòng vài dặm cách ngôi làng của tổ tiên của vợ tôi, người châu
Âu lần đầu tiên tình cờ tìm thấy nguồn vàng Tây Phi dồi dào mà họ đã khai
thác một cách sốt sắng trong vài chục năm vào thế kỷ 15. Đó là một
khám phá đã thay đổi thế giới.
Tôi rời Tây Phi đi làm cho tờ New York
Times vào năm 1986. Ba năm sau, nhiệm vụ đầu tiên của tôi với tư cách là phóng
viên nước ngoài là đưa tin về lưu vực Caribbean. Ở đây đã tập hợp một số lĩnh vực
tổ chức quan trọng nhất cho những chuyển đổi toàn cầu tiếp theo. Ngoài ra, một
số chuyên gia còn tưởng tượng rằng những hòn đảo như Barbados và Jamaica trong
thời của họ còn quan trọng hơn nhiều so với những thuộc địa của Anh sau đó
đã trở thành Hoa Kỳ. Quốc gia hiện nay được biết đến với cái tên Haiti,
vào thế kỷ 18, nó đã trở thành thuộc địa giàu có nhất trong lịch sử, và vào thế
kỷ 19, nhờ cuộc cách mạng thành công của dân nô lệ, Haiti đã sánh
ngang với Mỹ về ảnh hưởng của nó đối với thế giới, đặc biệt là trong việc giúp
thực hiện giá trị Khai sáng cơ bản nhất của tất cả: chấm dứt chế độ nô lệ.
Bây giờ và lúc đó trong thời gian ở
Caribbean, tôi có thể thấy rõ những dấu ấn về vai trò đặc biệt của khu vực này
trong câu chuyện toàn cầu của chúng ta. Một lần nọ, ở đảo Cộng hòa Dominica,
tôi đứng ngập đầu gối trong nước biển khi chứng kiến một cuộc đào khảo cổ nhằm
xác định một xác tàu từ chuyến đi đầu tiên của Columbus. Một lần khác, tôi đi bộ
trên một đỉnh núi xanh tươi ở phía bắc Haiti, nơi Henri Christophe, thủ lĩnh
người da đen đầu tiên của đất nước đó, đã xây dựng một pháo đài đáng gờm, Citadelle
Laferrière, trang bị cho nó 365 khẩu thần công để bảo vệ nền độc lập đầy máu
xương mới giành được từ đế quốc Pháp. Những gợi ý khác đến khi tôi đi lang
thang vào những ngọn núi và rừng nhiệt đới của Jamaica và Suriname, và rất vui
khi có thể hiểu được cách nói của tiếng Twi (ngôn ngữ của Ghana, mà tôi đã học được
khi tán tỉnh cô gái sau đó là vợ mình) khi tôi đã nói chuyện với con cháu của
những cộng đồng người nô lệ bỏ trốn đáng tự hào được gọi là maroons.
Nhưng hồi đó, tôi vẫn chưa có một bức tranh lớn nào trong đầu; giống như hầu hết
những phóng viên, tôi đã quá bận rộn theo dõi tin tức để theo đuổi những mối
liên hệ lịch sử xa vời.
Thành cổ Laferrière
ở Haiti, được xây dựng bởi cựu nô lệ và nhà lãnh đạo cách mạng Henri
Christophe. Ảnh: National Geographic/Getty Images
Ngay cả khi biết sự im lặng và sự thiếu hiểu
ép buộc về sự đóng góp chính của Châu Phi và người Châu Phi vào việc
hình thành thế giới hiện đại, tôi vẫn thường ngạc nhiên vì việc truy cập
một số dấu vết vật chất của lịch sử này hoặc tìm kiếm những
hình thức tưởng nhớ ở địa phương nhằm nâng vai trò của châu Phi lên
đúng với tầm vóc thích đáng của nó khó đến mức nào. Tôi đã thấy điều này ở
nhiều nơi đã hình thành nên lịch sử chung của chúng ta, chẳng hạn như Nigeria
và Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi có rất ít những địa điểm về ký ức Đại Tây
Dương được thành lập công khai. Tôi đã nhìn thấy nó ở São
Tomé, hòn đảo nơi mô hình phức thể đồn điền nô lệ thúc đẩy việc tạo
ra của cải ở Bắc Đại Tây Dương trong bốn thế kỷ đã xuất hiện lần đầu tiên, được
hình thành hoàn chỉnh – một sự thật mà không có được đến một một tấm
bia hay sự tưởng nhớ.
Điều ngạc nhiên lớn nhất đến với tôi ở
Barbados, nơi có lượng đường do người nô lệ sản xuất, được cho là nhiều hơn bất
kỳ nơi nào khác trên trái đất, đã giúp đánh dấu sự thăng thiên của nước Anh vào
thế kỷ 17. Tôi đã đến thăm hòn đảo cách đây không lâu, quyết tâm tìm kiếm càng
nhiều dấu vết của di sản này càng tốt, chỉ để khám phá ra chúng đã được che giấu
hoặc bị tẩy xóa kỹ như thế nào. Trong số những ưu tiên hàng đầu của tôi là
đến thăm một trong những nghĩa trang nô lệ lớn nhất ở bất kỳ đâu trên bán cầu,
nơi gồm cả hài cốt được khai quật của gần 600 người. Để đến được nghĩa
trang, tôi đã mất vài lần cố gắng đi tìm; không có biển báo từ bất kỳ con
đường công cộng nào dẫn đến nghĩa trang đó. Dường như có ít người dân địa
phương nhận thức được tầm quan trọng lịch sử của nó, hoặc thậm chí về sự hiện hữu của
nó.
Tất cả những gì tôi khám phá được khi lái
xe theo một con đường đất gập ghềnh, tiến xa nhất có thể cho đến khi bản năng bảo
tôi phải xuống xe và đi bộ, là một khoảng trống khiêm tốn bên cạnh một đồn
điền đang hoạt động có những cây mía đã cao bằng tôi. Có một tấm biển đã mờ được
gắn vào một cột sắt hoen rỉ. Nó tuyên bố khu vực này là một phần của cái
gì đó được gọi là “Con đường nô lệ”, nhưng nó không cho thêm thông tin.
Khi mặt trời đang lặn dần trên bầu trời phía Tây, tôi đi đi lại lại, chụp một
vài bức ảnh, rồi cuối cùng thu mình lại khi gió rít qua ruộng mía. Tôi đã
cố gắng hết sức gợi lại cảm giác nào đó về nỗi kinh hoàng đã xảy ra gần đó, và
về sự giàu có và sung sướng mà mồ hôi của những người đã chết đã giành được cho
những người khác.
Nhưng những hình thức xóa sổ lịch sử nghiêm trọng
nhất không liên quan đến một nhóm đa số là những hội buôn bán nô lệ hoặc đồn
điền nhỏ, trước đây nằm rải rác quanh Vành đai Đại Tây Dương. Cho đến nay, khu
vực quan trọng nhất của sự tẩy xóa đã nằm trong tâm trí của những người ở thế
giới giàu có. Khi tôi viết những dòng chữ này, Hoa Kỳ và một số cộng đồng Bắc Đại
Tây Dương khác, từ Richmond, Virginia, đến Bristol, Anh, gần đây đã trải qua những
khoảnh khắc phi thường của biểu tượng. Chúng ta đã chứng kiến việc kéo đổ những bức tượng của những người từ lâu được coi
là anh hùng của những hệ thống kinh tế và đế quốc đã xây dựng trên sự bóc lột bằng
bạo lực đối với những người đến từ châu Phi.
***
Để những cử chỉ này có ý nghĩa lâu dài hơn,
chúng ta vẫn còn một nhiệm vụ lớn hơn và nhiều thách thức hơn. Nó đòi hỏi chúng
ta phải thay đổi cách chúng ta hiểu lịch sử của sáu thế kỷ qua và đặc biệt là
vai trò trung tâm của châu Phi trong việc khiến gần như mọi thứ quen thuộc với
chúng ta ngày nay trở thanh hiện thực. Điều này sẽ liên quan đến việc viết lại
những bài học về lịch sử ở trường cũng giống như nó sẽ đòi hỏi sự phát minh lại
những chương trình giảng dạy ở trường đại học. Nó sẽ thách thức những nhà báo
suy nghĩ lại cách chúng ta mô tả và giải thích thế giới mà tất cả chúng ta đang
sống. Nó sẽ yêu cầu tất cả chúng ta kiểm soát lại những gì chúng ta biết hoặc
nghĩ rằng chúng ta biết về cách thế giới ngày nay được xây dựng và bắt đầu kết
hợp sự hiểu biết mới này vào những cuộc thảo luận hàng ngày của chúng ta.
Trong nhiệm vụ này, chúng ta không còn có thể
trốn đằng sau sự thiếu hiểu biết. Gần một thế kỷ trước, WEB
Du Bois đã khẳng định nhiều điều chúng ta cần biết về chủ đề này. Ông
viết:
“Chính những công nhân da đen đã thiết lập nền
thương mại thế giới hiện đại, khởi đầu là hoạt động buôn bán thân thể của những
nô lệ.”
WEB Du Bois
Bây giờ là lúc để cuối cùng chúng ta thừa nhận
điều này.
Tác giả và tác phẩm: Bài viết dựa theo “Sinh ra trong bóng tối: Châu Phi, Người Châu
Phi và Sự hình thành Thế giới Hiện đại, năm 1471 đến Chiến tranh Thế giới thứ
hai” (Born in Blackness: Africa, Africans, and the Making of the Modern
World, 1471 to the Second World War), của Howard W French do WW Norton
& Co xuất bản và có trên trang Guardianbookshop.com
Howard W French
Howard French là phóng viên nước ngoài và là
ngòi bút hàng đầu của tờ The New York Times trong hơn hai thập kỷ, làm việc ở
Trung Mỹ và Caribbean, Tây và Trung Phi, Nhật Bản, Nam Hàn, và Trung Quốc.
Từ năm 2008, ông là phó giáo sư tại Trường Báo
chí Hậu đại học thuộc Đại học Columbia. Trong thời gian này, ông thường xuyên
là cộng tác viên tự do cho The Guardian, The Atlantic, The Wall Street Journal
và The New York Review of Books.
© 2021 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Built on the bodies
of slaves: how Africa was erased from the history of the modern
world | Howard W French | The Guardian | Oct 12,
2021.
No comments:
Post a Comment