20/10/21
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/22981-vi-sao-ph-i-noi-nhi-u
Có lẽ đa số những người biết đến Tập Hợp
Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) đều cho rằng chúng tôi... nói nhiều. Điều
đó xuất phát từ tâm lý người Việt không thích... nói nhiều. Văn hóa của Việt
Nam không có thói quen thảo luận nên chúng ta thường mệt mỏi khi phải nghe...
nói nhiều. Văn hóa Việt Nam gắn liền với văn hóa Khổng giáo, đó là thứ văn hóa
ngu dân và biện minh cho sự cai trị của các chế độ phong kiến.
Văn hóa Khổng giáo (hay Nho giáo) dạy chúng ta
từ nhỏ là phải "ngoan", phải biết vâng lời cha mẹ và người lớn chứ
không được thắc mắc cha mẹ hay người lớn đúng hay sai. Đó là thứ văn hóa áp đặt
một chiều từ trên xuống theo thứ tự "quân, sư, phụ". Trong văn hóa Khổng
giáo thì vua là thượng đế, là ông trời. Vua đứng trên tất cả, trên cả tôn giáo,
đạo lý và phép tắc. Một tay anh chị mà cướp được chính quyền thì mỗi lời nói đều
là chân lý trong khi đó một người nông dân có nói đúng đến mấy cũng không ai
nghe.
Trong văn hóa Ki-tô giáo thì "vua là vua,
thượng đế là thượng đế". Nhờ có sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị mà
các nước theo Ki-tô giáo đã chuyển hóa thành công về dân chủ. Với các nước Hồi
giáo thì "thượng đế là vua". Chính trị phải phục tùng tôn giáo. Đó là
lý do khiến các nước Hồi giáo rất khó chuyển hóa về dân chủ.
Văn hóa Khổng giáo được duy trì suốt 2.500 năm
tại một số nước và nó có một sức sống mãnh liệt. Tại Trung Quốc nó bị đánh đổ
sau cách mạng Tân Hợi 1911 bởi nhà cách mạng Tôn Trung Sơn nhưng sau đó đã hồi
sinh cùng với Mao Trạch Đông. Người kế tục Tôn Trung Sơn là Tưởng Giới Thạch đã
thất bại trước anh nông dân Mao Trạch Đông.
https://live.staticflickr.com/65535/51610047177_212717635f.jpg
Tôn Trung Sơn và Tưởng
Giới Thạch đã thất bại trước anh nông dân Mao Trạch Đông vì không vượt qua được
bức tường văn hóa Khổng giáo. Ảnh minh họa Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới thạch
và Mao Trạch Đông
Văn hóa Khổng giáo không cho phép đổi mới,
"thuật nhi bất tác". Mọi suy nghĩ và hành động đều phải tuân theo một
khuôn phép đã định sẵn. Tầng lớp sĩ phu (trí thức), là những người có học và hiểu
biết nhất trong xã hội không được phép bàn chuyện chính sự vì mọi chuyện đã có
vua và triều đình lo.
Văn hóa Khổng giáo không có tư tưởng vì người
dân không được phép thảo luận. Trí thức và người dân chỉ là nô lệ của các ông
vua. Họ được dạy chỉ để vâng lời và tuân phục. Kẻ nào có sức mạnh thì kẻ đó có
lẽ phải và chân lý. Mọi bất đồng đều được giải quyết bằng bạo lực. Các cuộc chiến
liên miên, diễn ra không ngớt trong lịch sử là vì thế.
Đảng cộng sản Việt Nam không là ngoại lệ, họ
cũng cướp chính quyền bằng bạo lực và sau đó cai trị đất nước bằng bạo lực. Tư
tưởng Mác-Lê chỉ để trang điểm và che đậy cho bạo lực. Đảng cộng sản không có
khả năng và ý định tranh luận với người dân và với những tiếng nói bất đồng
chính kiến. Dù có Ban tuyên giáo, 800 báo đài nhưng Đảng cộng sản vẫn dùng đến
đội ngũ dư luận viên để tấn công những người khác chính kiến trên mạng xã hội.
Đảng cộng sản chưa bao giờ đối thoại một cách đàng hoàng, sòng phẳng và công
khai với người dân. Tự do ngôn luận, tự do thành lập đảng phái, tự do bầu cử và
ứng cử luôn bị cấm cản tại Việt Nam.
Không chỉ mỗi Đảng cộng sản mà người Việt hiện
nay vẫn chưa có văn hóa thảo luận cho dù họ không phải là đảng viên và dù sống
trong môi trường tự do ở nước ngoài hay trên không gian ảo của mạng xã hội. Bất
cứ trong một cuộc thảo luận nào, trên mọi chủ đề thì vẫn có người, khi đuối lý
hay bất đồng quan điểm thì lập tức "bỏ bóng đá người", tấn công cá
nhân và chụp mũ bằng những ngôn từ mạ lị nhất mà họ có thể nghĩ ra. Ngay cả các
cuộc tranh cãi vớ vẩn trong các buổi nhậu giữa những người vốn là bạn bè cũng
có thể dẫn đến án mạng.
Các cuộc thảo luận về chính trị của người Việt
luôn rơi vào bế tắc vì không ai nghe ai. Mỗi người hiểu vấn đề và các khái niệm
chính trị theo mỗi kiểu khác nhau. Thiếu kiến thức và các khái niệm căn bản về
chính trị nên người Việt hiểu rất lơ mơ về chính trị nhưng lại không muốn học hỏi.
Văn hóa Khổng giáo phân chia đẳng cấp rất rõ,
sau quân (vua) là đến sư (thầy) rồi mới đến phụ (cha) vì thế người Việt Nam ai
cũng muốn làm thầy của người khác. Vai trò của người thầy trong văn hóa Khổng
giáo rất lệch lạc và phản giáo dục khi mặc định người thầy luôn luôn đúng và chỉ
cần hơn người khác nửa chữ cũng là thầy, "nhất tự vi sư, bán tự vi
sư". Thầy trong quan niệm của người Phương Tây chỉ là người hướng dẫn,
chuyển giao kiến thức về một lĩnh vực nào đó cho người khác. Giữa thầy và trò
là quan hệ bình đẳng, tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau. Trong cuộc sống, ai cũng
có thể là thầy và ai cũng có thể là trò vì mỗi người chỉ biết về một lĩnh vực
nào đó, không ai có thể biết và giỏi trong tất cả mọi lĩnh vực. Ai cũng phải học
và học suốt đời. Văn hóa Khổng giáo mặc định thầy là bề trên và luôn luôn đúng.
Người bên dưới không thể đúng và không biết gì nên trên nói dưới phải nghe.
Giáo dục Việt Nam vì thế luôn là sự áp đặt, nhồi sọ và một chiều. Người Việt Nam
không muốn học mà chỉ muốn làm thầy nên mới có tình trạng "thừa thầy, thiếu
thợ".
https://live.staticflickr.com/65535/51611106438_c6c6739c5d_w.jpg
Giáo dục Việt Nam luôn là sự áp đặt, nhồi sọ và một
chiều.
Trong một cuộc thảo luận đứng đắn, người
"thua" luôn là người "được" nhiều nhất vì họ có cơ hội mở
mang đầu óc và biết thêm nhiều kiến thức mới. Nhưng với người Việt, thua lý người
khác là nhục nhã và không thể chấp nhận được vì thế phải cãi đến cùng. Sự hơn -
thua trong văn hóa Khổng giáo rất độc hại và vớ vẩn ví dụ người ta thi nhau xem
ai uống được nhiều rượu hơn, ai có nhiều bồ hơn...
Một hệ lụy của sự hơn thua trong lĩnh vực
chính trị là nhiều bạn trẻ và các nhân sĩ luôn đứng một mình, tranh đấu một
mình, nếu thua thì bỏ cuộc chứ nhất định không ủng hộ bất cứ ai hay bất cứ tổ
chức nào. Có lẽ họ cho rằng làm như thế là hạ thấp khả năng của bản thân, như
thế là kém cỏi ?! Ngay cả một cô gái rất dũng cảm và thông minh như Phạm Đoan
Trang cũng không vượt qua được bức tường văn hóa Khổng giáo khi chọn con đường
tranh đấu một mình thay vì tham gia hay ủng hộ cho một tổ chức nào đó. Trần Huỳnh
Duy Thức cũng chọn cách đấu tranh kiểu nhân sĩ khi không có tổ chức và tư tưởng
chính trị chỉ dựa trên... sấm Trạng Trình.
Mặc dù Đảng cộng sản Việt Nam đi từ hết sai lầm
này đến sai lầm khác và cách thức tổ chức của họ rất luộm thuộm nhưng họ vẫn đứng
vững cho đến ngày hôm nay là vì văn hóa của họ phù hợp với văn hóa của dân tộc.
Đảng cộng sản không phải là tai họa từ trên trời rơi xuống mà là sản phẩm của
văn hóa và lịch sử Việt Nam. Trung Quốc cũng nhờ văn hóa Khổng giáo mà tồn tại
đến giờ. Không phải tự nhiên mà Tập Cận Bình cho xây dựng hàng trăm viện Khổng
tử trên khắp Trung Quốc và thế giới.
Thiếu văn hóa thảo luận nên người Việt, trong
lúc họp hành để bàn công việc thì không ai có ý kiến gì nhưng khi bắt tay vào
làm việc thì cãi nhau loạn xạ. Trong khi đó, người văn minh họ bàn cãi, thảo luận
rất nhiều khi họp hành cho đến khi sáng tỏ mọi vấn đề và mọi người đều đồng thuận
với nhau thì mới bắt tay vào việc.
Trong chính trị, ở các nước dân chủ, nếu ý kiến
của ai đó hay một tổ chức nào đó không được chính quyền lắng nghe thì họ sẽ vận
động và thuyết phục người dân để tạo dư luận và gây sức ép buộc chính quyền phải
thay đổi. Ở Việt Nam và Trung Quốc, nếu trí thức có ý kiến mà chính quyền không
nghe thì họ cũng thôi, một số người không chịu được thì sẽ chống đối bằng bạo lực,
dù chỉ là bạo lực ngôn ngữ. Ở các nước Khổng giáo thì những người anh hùng được
tôn vinh đều là quan võ, giỏi đánh nhau trong khi phương Tây luôn tôn vinh những
nhà tư tưởng. Thậm chí người lãnh đạo bộ quốc phòng cũng thuộc về dân sự chứ
không phải các tướng lĩnh.
Lịch sử cận đại của Việt Nam chứng minh rằng
người Việt chỉ thích hành động chứ không thích thảo luận bằng việc chọn Phan Bội
Châu và Hồ Chí Minh cùng với giải pháp vũ trang và bạo lực thay vì chọn con đường
canh tân đất nước trong hòa bình của Phan Châu Trinh. Đó cũng là lý do mà Tập Hợp
vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Việt Nam. Chúng tôi cho rằng
giải pháp vũ trang, lật đổ chế độ không phù hợp và có hại cho đất nước. Về bản
chất, cuộc cách dân chủ lần này là một cuộc cách mạng về văn hóa vì vậy nó phải
diễn ra trên mặt trận tư tưởng và lý luận. Trên mặt trận đó, lời nói là tất cả.
Dùng lời nói để thuyết phục người dân là rất
khó khăn và mất nhiều thời gian nhưng đó là giải pháp đúng đắn và cần thiết vì
vậy khó đến mấy, lâu đến mấy, cũng phải làm. Phải có kiến thức và sự tự tin mới
chọn giải pháp đó. Lời nói (và viết) là sản phẩm của trí tuệ nên không phải ai
cũng nói hay và nói đúng. Tập Hợp có tư tưởng và lẽ phải nên chúng tôi luôn có
cái để nói và sẵn sàng thảo luận về bất cứ chủ đề gì. Đảng cộng sản và các tổ
chức khủng bố đâu có gì để nói nên họ chỉ biết đàn áp và khủng bố.
Tập Hợp cho rằng, càng "nói nhiều"
trong hiện tại chừng nào thì sẽ càng bớt đổ máu trong tương lai chừng ấy. Chúng
tôi luôn cố gắng nâng cao kiến thức chính trị cho người dân Việt Nam để mọi người
tự biết phải làm gì hoặc ủng hộ cái gì chứ chúng tôi không áp đặt hay "dụ
dỗ" bất cứ ai. Càng nói nhiều, thảo luận nhiều thì mới hiểu được vấn đề và
tạo ra được đồng thuận dân tộc. Chỉ có đồng thuận dân tộc mới xây dựng được một
tương lai dân chủ và tự do thật sự cho Việt Nam.
https://live.staticflickr.com/65535/51611113618_345d374a25.jpg
Tư tưởng chính trị
quyết định hướng đi và số phận của dân tộc. (Ảnh : Dự án chính trị của Tập Hợp
Dân Chủ Đa Nguyên).
Chính trị là việc chung, là cùng nhau kiến tạo
một tương lai chung. Tương lai của dân tộc Việt Nam không thể trông chờ vào sự
may rủi mà phải có một Dự án chính trị trong sáng vàkhả thi. Nó rất quan trọng
nên mọi người dân phải hiểu rõ thì mới có niềm tin và mới ủng hộ. Rất tiếc là Dự
án chính trị của Tập Hợp vẫn chưa được nhiều người đọc và chia sẻ. Chúng tôi biết
người Việt lười đọc. Không chỉ người dân mà ngay cả trí thức cũng lười đọc. Dự
án chính trị Khai
Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai trình bày rất cụ thểvề lộ trình và phương
pháp đấu tranh của Tập Hợp đồng thời cũng là dự án xây dựng đất nước, thế nhưng
nó vẫn chưa nhận được sự quan tâm và ủng hộ cần có của dư luận.
Ai cũng nói được nhưng nói cái gì và nói như
thế nào lại là một chuyện khác. Người Việt Nam vẫn đang sống trong truyện thuyết
Khổng giáo nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của tư tưởng, nhất là tư tưởng
chính trị. Nên biết rằng tư tưởng chính trị quyết định hướng đi và số phận của
dân tộc. Chính tư tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác-Lê, một phiên bản cải tiến của
chủ nghĩa Khổng giáo đã kìm hãm và trói buộc dân tộc Việt Nam trong suốt chiều
dài lịch sử và chúng ta đã là chúng ta như bây giờ cũng vì thế.
Đã đến lúc nói lời chia tay với văn hóa cũ, tư
duy cũ, truyện thuyết cũ để đón nhận một văn hóa mới, tư duy mới và một truyện
thuyết mới, đó là truyện thuyết "dân chủ đa nguyên" mà Tập Hợp đề nghị.
Trí thức Việt Nam cần đọc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn để nói nhiều hơn. Chỉ
có "nói nhiều" mới thức tỉnh được người dân Việt Nam và mở ra một kỷ
nguyên mới cho đất nước.
Việt Hoàng
(20/10/2021)
No comments:
Post a Comment