Thursday, 7 October 2021

TRUNG ƯƠNG 4 CÓ TẠO ĐÀ ĐỂ THAY ĐỔI THỂ CHẾ? (Trần Đông A)

 


Trung ương 4 có tạo đà để thay đổi thể chế?

Trần Đông A

06/10/2021

https://www.voatiengviet.com/a/trung-uong-4-co-tao-da-thay-doi-the-che/6259450.html

 

https://gdb.voanews.com/FFF207C5-DDBC-47C4-BF0A-54922B1A59F0_w650_r1_s.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: TTXVN via VTV)

 

Cuộc “phá vây” của “Bộ Ba” Hành pháp – Lập pháp – Tư pháp chỉ thực sự thành công, nếu sau kỳ họp Trung ương 4 này (TƯ-4), pháp quyền sẽ dần dần thay thế “đảng quyền”. Phải tôn trọng quy luật thị trường, không được đặt Điều lệ Đảng lên trên Hiến pháp. Phải trả lại người dân các quyền Hiến định. Hãy bắt đầu cú hích tạo đà cho quá trình chuyển đổi ngay trong giai đoạn quá độ, vừa sống chung với dịch, vừa bắt tay phục hồi sản xuất.

 

“Dịch ơi tao cảm ơn mày/ Mày như nhát cuốc phơi bày chúng ra”. Hai câu cảm thán này cùng bài “Bi hài phú” dài hơn 1240 từ, sẽ trở thành văn hoá dân gian (Folklore). Nó phản ánh sự yếu kém mọi mặt, từ trình độ quản lý đến nhân cách của đội ngũ công bộc thuộc các cấp từ trung ương đến địa phương của chính quyền CSVN. Một loạt các phân tích như bài “Những phát lộ đáng sợ”, “Thủ tướng chuyển bại thành… thắng”, “Đổi tên để làm gì?”, “Không bỏ lại ai phía sau?”… với hàng loạt phóng sự dường như “gióng chuông” cùng vào một thời điểm, như để ghi dấu ấn ngày 4/10 – ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN (Khoá 13).

 

 

Như một thảm hoạ nhân đạo

 

Hàng trăm ngàn người thất nghiệp trong những ngày này vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai,… khiến nhà cầm quyền đang bế tắc. Truyền thông trên mạng xã hội, kể cả trên guồng máy tuyên truyền của chế độ cho thấy, công nhân sống nhờ vào các khu công nghiệp, hoặc là những người lao động tự do ở Sài Gòn và Bình Dương, vẫn tiếp tục bỏ chạy. Cuộc bỏ phiếu bằng chân cho thấy người dân đã kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất, khi lệnh phong tỏa xả ra, họ như được tháo cũi sổ lồng, túa ra đường tìm về quê. Tiền ăn không có, tiền nhà không có, nên chỉ có con đường duy nhất là quay lại cố hương. Thói đạo đức giả của chính quyền này là sau 4, 5 ngày hàng triệu người tự vượt hàng ngàn cây số đã về đến quê, tuy chưa được về nhà (vì còn bị cách ly), thì chính quyền mới công bố có phương tiện đưa họ về. Trong khi những người có tiền (nhất là có đô la) thì Đảng đã “thương xót” cho máy bay sang tận nơi rước về.

 

Đại dịch này giết chết gần 20 ngàn người (con số thật chắc cao hơn nhiều), tàn phá các cơ sở kinh tế – xã hội, nặng nề hơn cả thời chiến tranh. Tuy nhiên, đại dịch cũng có “công” làm phát lộ, phơi bày nhiều thứ xấu xa bị che lấp của chính quyền. Nhưng qua phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TƯ-4 hoàn toàn không thể biết, ĐCSVN nhìn nhận và đánh giá như thế nào về tình hình phòng chống Covid-19 vừa qua. Một mặt, Đảng cố tình che dấu thực trạng bi đát của người dân, doanh nghiệp và cả xã hội, nhưng mặt khác, TBT Trọng vẫn kêu gọi phải nhìn thẳng vào sự thật mà đánh giá tình hình. Vấn đề là sự thật nào?. Ít nhất, có 3 sự thật về đại dịch, không biết có được đúc kết trong các báo cáo “Tuyệt Mật” gửi các đồng chí trung ương dự họp?

 

Thứ nhất, chủ trương bao quát về chống đại dịch bộc lộ sai lầm căn bản, vì làm trái với các nguyên lý của thị trường tự do; quy luật dịch tễ hoàn toàn không giống các quy luật xã hội – kinh tế khác. Liệu TƯ-4 có dám công khai trước quốc dân, nhận sai lầm của cái chủ trương “chống dịch như chống giặc”? Ngay từ đầu, xã hội công dân đã cảnh báo sai lầm đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường, lấy “chính trị làm thống soái” trong chống dịch. Cho quân đội và tăng thiết giáp xuống đường, xem mỗi tỉnh là một vương quốc, mỗi huyện là một pháo đài, mỗi thôn xã là một lô cốt. Coi chống dịch là một cuộc chiến, “không thắng không về”. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Xã hội dân sự góp ý nhiều lần từ hơn nửa năm nay. Nhưng tất cả chỉ là những tiếng kêu trong hoang mạc. Đã thế, cho đến nay, VTV1 vào giờ vàng vẫn “lải nhải” chống dịch theo cách “Zero Covid” bên Trung Quốc. Trung Quốc có dân số hơn một tỷ, còn ta, đã điều chỉnh, từ “5 tầng” xuống “3 tầng”, “F0” điều trị tại nhà, sống chung với dịch… thì há cớ gì mà tối nào cũng bắt dân nghe “Tập tuyển”.

 

Thứ hai, chủ trương sai dẫn đến hỗn loạn hệ thống. Khu vực tư nhân hầu như bị loại bỏ khỏi công cuộc chống dịch. Xã không nghe huyện, huyện không nghe tỉnh, tỉnh không nghe trung ương. Đội ngũ thực thi “mệnh lệnh” vừa bất tuân vừa quân phiệt. Từ công an đến quân đội, từ dân phòng đến dân phố hành xử như trong thời chiến, một cách cách vô cảm, phi nhân tính. Chống dịch mà ngân khố trống rỗng, không có quỹ dự phòng nào thay thế. Chưa thấy có một sáng kiến nào làm kế “sâu rễ bền gốc”, quy tụ được sức dân sau đại dịch. Tại sao cả thế giới bị Covid, vô số nước còn nặng nề hơn ta mà tình cảnh họ đâu đến nỗi vậy? Thái Lan ca nhiễm gần gấp đôi (chỉ chết bằng một nửa). Singapore ca nhiễm mỗi ngày nếu theo tỉ lệ dân số gấp mấy lần Việt Nam (tỉ lệ chết tới giờ là 1%). Chưa thấy nước nào hoảng loạn trong dân và trong cả chính quyền như ở Việt Nam. Doanh nghiệp FDI siêu quốc gia Nike đã chuyển một số đơn hàng sang Indonesia, nơi mà tình hình dịch còn căng gấp mấy Việt Nam. Căng nhưng họ vẫn sang, vì ở đấy có pháp luật và trật tự.

 

Thứ ba, qua đại dịch Vũ Hán, thấp thoáng trận đánh “giáp la cà” giữa các đồng chí trong “Tứ Trụ”. Sự thật này có thể góp phần làm cho tình hình trở nên “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Thời gian đầu, khi ông Phúc còn làm Thủ tướng, người ta không thấy Tổng bí thư tham gia công cuộc chống dịch đâu cả. Có thể đó là thời gian “cột điện ở Mỹ” cũng còn muốn sang Hà Nội tránh dịch, nên ông Trọng bình tâm ở nhà dưới sự săn sóc cẩn mật của mấy vị lương y “cao tay ấn”. Dân gian bấy giờ đã có lời bình về Tổng chủ là “thợ lặn nhả bong bóng”. Nghĩa là không thấy tăm hơi ông đâu, ngoại trừ thỉnh thoảng ông xuất hiện với những “kiệt tác” hàng vạn từ về “chủ nghĩa xã hội” và “con đường nhân dân Việt Nam đã chọn”. Sau hơn hai tháng kịch chiến với đại dịch, giờ thì mọi chuyện lại đổ lên đầu ông Phạm Minh Chính. Mặc dầu Thủ tướng đã chuyển “bại” thành “thắng”, nhưng có vẻ như ông Chính vẫn là tâm điểm trong cuộc rút kinh nghiệm ở Trung ương lần này, ngoại trừ yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đòi kiểm toán ngân sách chống Covid và giá cả mua các sinh phẩm và thiết bị. Trong trường hợp “bị quây”, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc sẽ chia lửa với ông Phạm Minh Chính.

 

 

Tiền đề nào cho thay đổi thể chế?

 

Cuộc chiến “giáp la cà” giữa “Tứ Trụ” đang che giấu một cuộc chiến khốc liệt khác. Đó là cuộc “phá vây” của “Bộ Tam” Chính – Huệ – Phúc đòi thay đổi thể chế để mỗi nhánh quyền lực phát huy tối đa năng lực. Nếu TƯ-4 có những cuộc thảo luận nghiêm túc và dân chủ trong kỳ họp, thì tiền đề đầu tiên phải rút ra là: Nguyên nhân của mọi sai lầm là do Việt Nam thiếu một thể chế phù hợp trong quản trị nhà nước và xã hội. Để có thể xây dựng một thể chế pháp trị, thay cho chế độ “đảng trị”, điều tiên quyết là phải loại bỏ suy nghĩ hồ đồ trong não trạng lãnh đạo. Từ hồ đồ, ông Trọng đánh tráo khái niệm, coi tất cả những ai có tư tưởng tiến bộ và đổi mới đều là “phần tử suy thoái tư tưởng chính trị”. Ông Trọng cho rằng, “tiêu cực”, tức “suy thoái tư tưởng chính trị” là tất cả những ai dám phát hiện và lên án quá trình mất dân chủ trong đảng và trong xã hội, chống lại tuyên truyền dối trá, chống lại sự đàn áp của công an trị, vạch ra những vi phạm nhân quyền và dẫm đạp lên công lý, phê phán cách tổ chức nhà nước nặng nề, kém hiệu quả, vạch ra bản chất của một Quốc hội và Tư pháp chưa thực sự đại diện cho tinh hoa, cho trí tuệ của nhân dân. Thảo luận chống “tiêu cực” mà không vạch ra được trò tháu cáy chính trị này thì thật là nguy hiểm.

 

Tiền đề thứ hai để có thể đi đến thay đổi thể chế là gấp rút giải quyết vấn đề nhân lực cho sản xuất. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị TƯ-4, ông Trọng nhắc nhở “tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” thì phải thừa nhận, việc người dân tháo chạy về quê chính là cuộc bỏ phiếu bằng chân đối với chính sách chống dịch của đảng/chính phủ Việt Nam. Cuộc tháo chạy mấy ngày nay của hàng triệu người dân khắp bắc, trung, nam diễn ra trước, ngay và sau khi ông Trọng đang “nhả ngọc phun châu” tại TƯ-4 là những hành động phản kháng tuyệt vọng. Người dân bị dồn vào thế cùng cực và túng quẫn đến mức không còn ý thức về sự an toàn tính mạng. Nếu muốn mượn cớ chống dịch để đàn áp người dân thì đúng là đảng đã thành công. Nhưng xin nhắc với ông Tổng và các Uỷ viên trung ương một quy luật cơ bản Marx tổng kết là “lượng đổi thì chất đổi”. Nỗi thống khổ chồng chất sẽ biến thành lòng căm thù. Người dân không thể trốn chạy mãi, cùng đường họ sẽ đứng lên, nổi dậy.

 

Tiền đề thứ ba rất quan trọng là tìm mọi cách khôi phuc nguồn tài chính cho các doanh nghiệp trong nước. Đúng ngày khai mạc TƯ-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho “xuất bản” một bài viết khá công phu, được coi là định hướng chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong hàng loạt các cơ chế chính sách cấp thiết, dư luận chú ý đến việc đề xuất các chính sách tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội mang tính dài hạn cho giai đoạn 2021 – 2025. Mục đích nhằm kích thích nền kinh tế hơn là đơn thuần hỗ trợ. Cho phép cơ cấu lại những khoản vay, tiếp tục giãn nợ, giảm, miễn một số loại thuế, phí, lệ phí, miễn và giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới, bổ sung vốn lưu động để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích cầu nội địa... Tuy nhiên, nếu trước mắt, cả lập pháp lẫn hành pháp không có những đột phá để khai thác tối đa dư địa chính sách tiền tệ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, để hỗ trợ cho các công ty, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, thì “đại kế hoạch” của GS. Vương Đình Huệ cũng chỉ nằm trên giấy.

 

Tiền đề thứ tư là tăng cường vai trò của Ngoại giao trong giai đoạn “bình thường mới”. Lần đầu tiên Bộ Ngoại giao đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với sự tham gia của tất cả 96 đại sứ, trưởng các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài để trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phòng chống dịch và góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội trong 6 tháng cuối năm. Chín mươi sáu đại sứ, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần cập nhật tình hình, triển khai chính sách Ngoại giao Vaccine, vắt óc suy nghĩ ra mọi kế sách để góp phần giữ các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) bắt đầu rút chạy khỏi Việt Nam.

 

Tiền đề thứ năm, cuộc “phá vây” của “Bộ Ba” Hành pháp – Lập pháp – Tư pháp chỉ thực sự thành công, nếu sau kỳ họp TƯ-4, “đảng quyền” sẽ được dần dần thay thế bằng pháp quyền. Tôn trọng quy luật thị trường! Không đặt Điều lệ Đảng lên trên Hiến pháp! Trả lại người dân các quyền Hiến định, đặc biệt hai quyền hàng đầu là, công dân đều ngang quyền về mọi phương diện và đều bình đẳng trước pháp luật. Hãy bắt đầu cú hích tạo đà cho quá trình này ngay trong giai đoạn chuyển đổi, vừa sống chung với dịch, vừa bắt tay phục hồi sản xuất. Phải có một cuộc cách mạng tư duy nhằm thay đổi não trạng xưa nay để sống chung với dịch và thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đương chức Thủ tướng đã từng nói “Đi mãi đường cũ thì không thể phát triển”. Đúng vậy, không thể đi theo đường cũ để bước vào cuộc hành trình mới. Đã có nhiều tiếng kêu ai oán trên mạng xã hội. Đừng hành dân tộc này thêm nữa! “Bão ngày mai là gió nổi hôm nay/ Trời chớp giật ắt đến ngày sét đánh!”





No comments:

Post a Comment

View My Stats