Thursday, 21 October 2021

TRUNG QUỐC MỞ 'CHIẾN TRANH NHÂN DÂN' ĐỂ BẮT GIAN ĐIỆP MỸ (theo CNN)

 


Trung Quốc mở ‘chiến tranh nhân dân’ để bắt gián điệp Mỹ

Đàn Chim Việt   (Theo CNN)

18/10/2021

http://www.danchimviet.info/trung-quoc-mo-chien-tranh-nhan-dan-de-bat-gian-diep-my/10/2021/24165/

 

“Hãy tham gia cuộc ‘chiến tranh nhân dân’ chống lại bọn gián điệp, để chúng không thể nhúc nhích và không có chỗ ẩn nấp!”

 

Đó là lời kêu gọi của một tờ báo quân đội Trung Quốc trên mạng xã hội vào cuối tuần qua, vào lúc Bắc Kinh phát động chiến dịch yêu cầu nhân dân  cảnh giác chống lại hoạt động gián điệp của Mỹ, sau khi tình báo CIA ra mắt trung tâm đặc trách Trung Quốc.

 

Chiến dịch sẽ kéo dài nhiều năm, sau khi William Burns, Giám đốc CIA hôm 7 tháng 10 tuyên bố rằng Trung tâm này sẽ chống lại “mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt trong thế kỷ 21”.

 

Một đoạn video không nêu nguồn của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV  cho biết CIA đang tuyển dụng các đặc vụ nói tiếng Trung không chỉ riêng giọng Quan Thoại mà còn biết nhiều giọng khác như Quảng Đông, Thượng Hải, Phúc Kiến.

 

Đoạn clip, phát hôm thứ Bảy, đã được các phương tiện truyền thông nhà nước phụ họa rộng rãi trên mạng xã hội và ngay lập tức gây tiếng vang. Trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc, một thẻ # có liên quan đến tin này đã trở thành chủ đề bàn tán nhiều nhất vào thứ Bảy và đã thu hút được hơn 280 triệu lượt xem.

 

Nhiều người Trung Quốc đã đổ xô vào tài khoản Weibo của đại sứ quán Mỹ, để lại những bình luận chế giễu để yêu cầu được tuyển dụng.

 

Cũng trên Weibo, Quân Chính Bình – một tài khoản của Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân – đặt câu hỏi: “Chúng ta nên làm gì khi CIA ngang nhiên tuyển dụng điệp viên nói tiếng Trung?” Tài khoản Quân Chính Bình hôm Chủ nhật còn nói “Các thế lực thù địch nước ngoài đã làm việc rất chăm chỉ, và (chúng ta) không bao giờ được mất cảnh giác đối với sự nghiệp an ninh quốc gia”, và cáo buộc cơ quan tình báo Mỹ có nhiều “biện pháp thâm độc và không thể tha thứ. Nhưng không có con cáo xảo quyệt nào có thể đánh bại một thợ săn giỏi. Để bảo vệ an ninh quốc gia, chúng ta chỉ có thể tin tưởng vào nhân dân, dựa vào nhân dân”.

 

Ngay khi CIA loan báo trung tâm mới, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng tố giác, gọi đây là “một biểu hiện điển hình của não trạng Chiến tranh Lạnh.” Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói trong cuộc họp báo ngày 8 tháng 10: “Cơ quan liên hệ của Hoa Kỳ nên nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc và quan hệ Trung – Mỹ dưới ánh sáng khách quan và hợp lý, đồng thời ngừng làm những việc gây phương hại đến sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ; cũng như chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”.

 

Việc đẩy mạnh tuyên truyền cho thấy ​​Bắc Kinh đang lặp lại luận điệu quen thuộc của họ rằng an ninh quốc gia của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ đe dọa nghiêm trọng, và gián điệp Mỹ là mối nguy đối với cuộc sống của những người dân Trung Quốc bình thường, mối nguy này to lớn hơn họ nghĩ.

 

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tung ra hàng loạt chiến dịch để nhắc nhở công chúng về mối đe dọa được tố giác với chủ đích – và động viên người dân hành động.

 

Năm 2015, Trung Quốc đã thiết lập một đường dây nóng quốc gia để người dân báo cáo các hoạt động bị nghi là gián điệp hoặc gián điệp thực sự. Vào ngày 15 tháng 4 năm 2016, Trung Quốc đánh dấu Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia hàng năm đầu tiên bằng một loạt tuyên truyền, bao gồm một áp phích được phổ biến rộng rãi trên khắp Bắc Kinh, cảnh báo các nữ công chức trẻ không nên bồ bịch với mấy ông nước ngoài đẹp trai – kẻo lại dính với một anh chàng James Bond.

 

Năm 2017, chính quyền thành phố Bắc Kinh bắt đầu treo thưởng lên tới nửa triệu nhân dân tệ (78.000 USD) cho bất kỳ ai giúp phát hiện một điệp viên.

 

Nhân Ngày Giáo dục An ninh Quốc gia lần thứ hai, một nhà xuất bản trực tuyến đã phát hành sách cho học sinh học cách bảo vệ an ninh quốc gia, trong sách có các trò chơi như “tìm gián điệp.” Thời báo Hoàn cầu cho biết những sách giáo khoa này là một phần trong nỗ lực xây dựng học sinh từ tiểu học đến đại học thành “một lực lượng phản gián khổng lồ.”

 

Cùng lúc đó, một thông báo không chính thức được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, liệt kê 8 “đặc điểm” của các gián điệp trà trộn trong giới phóng viên nước ngoài, các nhà truyền giáo và nhân viên tổ chức phi chính phủ.

 

Nhưng các chiến dịch truy bắt gián điệp vẫn chưa dừng lại ở việc gây nghi ngờ đối với những người nước ngoài sống ở Trung Quốc. Chúng còn được sử dụng để nhắm vào người trong nước; đặc biệt là các nhà phê bình chính phủ, nhà hoạt động xã hội, luật sư, nhà báo, người bênh vực nữ quyền và người nào hay móc méo đảng và nhà nước.

 

Khi ông Tập đẩy mạnh chủ nghĩa dân tộc và tiến hành một cuộc đàn áp sâu rộng đối với “các giá trị phương Tây” như dân chủ, tự do báo chí và độc lập tư pháp, thì những tiếng nói có xu hướng tự do – vốn đã từng phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi đất nước mở cửa kinh tế – hầu như bị im lặng bởi những người nhiệt tình đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

 

Trên mạng xã hội, các nhà bình luận theo xu hướng tự do thường bị những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cáo buộc là những kẻ phản bội đất nước và bị gán mác “đi biểu tình để lãnh 500k” của gián điệp nước ngoài. Tài khoản của họ thường xuyên bị tấn công bởi những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc và bị báo cáo cho cơ quan chức năng để sau đó bị xóa khỏi mạng xã hội.

 

Chiến dịch tuyên truyền mới nhất có thể sẽ có thêm những vụ tố giác những kẻ “phản bội đất nước”. Do định nghĩa cực kỳ rộng rãi và mơ hồ về “an ninh quốc gia” của Bắc Kinh, bất kỳ ai bị xem là “không yêu nước” đều có rủi ro đội chiếc mũ này và bị báo cáo là “gián điệp”.

 

(Theo CNN)




No comments:

Post a Comment

View My Stats