Wednesday, 27 October 2021

NHÓM LÀM VIỆC của LIÊN HIỆP QUỐC : CẦN TRẢ TỰ DO NGAY LẬP TỨC CHO PHẠM ĐOAN TRANG (Yeden Khắc Chính - Luật Khoa)

 


 

Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc: Cần trả tự do ngay lập tức cho Phạm Đoan Trang

YÊN KHẮC CHÍNH  -  LUẬT KHOA

28/10/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/10/nhom-lam-viec-cua-lien-hiep-quoc-can-tra-tu-do-ngay-lap-tuc-cho-pham-doan-trang/

 

Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc là ai, và họ làm việc thế nào để ra kết luận.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/image-41-1024x536.jpeg

Ảnh: Trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ; Phạm Đoan Trang bị công an giải đi vào đêm 26/10/2020. Nguồn: UN, Pham Doan Trang/FB

 

Ngày 25/10/2021, Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện (UN Human Rights Council’s Working Group on Arbitrary Detention) đã công bố một bản thông cáo bày tỏ quan điểm đối với vụ việc của nhà báo – nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. [1]

 

Theo đó, sau khi xem xét thông tin được cung cấp từ các bên, bao gồm phản ánh của những người vận động cho Đoan Trang và phản hồi từ chính quyền Việt Nam, các chuyên gia trong Nhóm làm việc kết luận việc chính quyền bắt giam Phạm Đoan Trang được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các chuẩn mực và công ước quốc tế mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.

 

Bản thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo – nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, bồi thường cho các tổn thất của cô và điều tra về trách nhiệm của những người đã tiến hành việc bắt giam tùy tiện Đoan Trang.

 

Nhóm làm việc về Giam giữ Tùy tiện là gì?

 

Đó là một tập hợp các chuyên gia độc lập làm việc cho Hội đồng Nhân quyền.

 

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UN Human Rights Council) là một cơ quan liên chính phủ, có trách nhiệm cổ xúy và bảo vệ các giá trị nhân quyền khắp thế giới, đồng thời xem xét các trường hợp vi phạm nhân quyền tại các quốc gia và đưa ra khuyến nghị tương ứng. [2] Hội đồng ra đời vào ngày 15/3/2006 sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thành lập.

 

Hội đồng có các cơ chế giúp việc bao gồm các chuyên gia nhân quyền độc lập, được gọi là “Special Procedures”, trong đó có các Báo cáo viên Đặc biệt (Special Rapporteur) và các Nhóm làm việc (Working Group). [3]

 

Các chuyên gia độc lập này không hưởng lương của Liên Hiệp Quốc, được các quốc gia thành viên bầu ra ba năm một lần, và làm việc trên tinh thần tự nguyện.

 

Các chuyên gia theo dõi những chủ đề hoặc quốc gia nhất định, dựa trên thẩm quyền (mandate) được Hội đồng thông qua.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/image-42-1024x539.jpeg

Một buổi họp báo của Nhóm làm việc về Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc vào năm 2017. Ảnh: UN

 

Nhóm làm việc về Giam giữ Tùy tiện (Working Group on Arbitrary Detention – WGAD) là một nhóm chuyên gia theo chủ đề. [4] Họ gồm năm chuyên gia độc lập được bầu chọn từ các khu vực địa lý khác nhau, được trao thẩm quyền theo dõi các vấn đề về tình trạng giam giữ tùy tiện ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

 

“Quan điểm” mà Nhóm làm việc về Giam giữ Tùy tiện đưa ra là cái gì?

 

Theo quy trình làm việc thông thường, Nhóm làm việc sẽ điều tra các trường hợp bị cho là giam giữ tùy tiện ở các quốc gia. Họ có thể tự tìm hiểu hoặc tiếp nhận tố cáo trực tiếp từ các nguồn tin (source), bao gồm các cá nhân và tổ chức.

 

Khi có thông tin về những trường hợp trên, Nhóm sẽ gửi công điện trao đổi (communication) với chính phủ các quốc gia có liên quan, yêu cầu làm rõ những cáo buộc về giam giữ tùy tiện. [5]

 

Dựa trên phản hồi từ phía chính phủ, Nhóm sẽ phân tích các thông tin từ hai phía và công bố quan điểm (opinion) về vụ việc. [6]

 

Trong bản quan điểm, Nhóm sẽ kết luận rằng trường hợp đang điều tra có bị xếp vào loại giam giữ tùy tiện hay không, và nếu có, sẽ ra khuyến nghị gửi đến chính quyền các quốc gia liên quan – thông thường là yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho người đang bị giam giữ.

 

Các bản quan điểm được công bố kèm theo yêu cầu chính quyền và các bên liên quan phản hồi trong vòng sáu tháng để cập nhật tình hình.

 

Những quan điểm này không phải là phán quyết, không có ràng buộc pháp lý đối với các chính phủ. Tuy nhiên, chúng được đưa ra dựa trên những bằng chứng đã thu thập, thông tin từ nhiều phía, và căn cứ vào các chuẩn mực quốc tế trong Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights) cũng như các công ước quốc tế mà những quốc gia đã phê chuẩn.

 

Vì lẽ đó, các kết luận này thường có giá trị nhất định trong việc gây sức ép buộc các chính phủ phải có hành động cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước.

 

Nhóm làm việc đã ra kết luận về trường hợp của Đoan Trang ra sao?

 

Bản quan điểm về trường hợp bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang được đưa ra trong phiên làm việc thứ 91 của Nhóm vào đầu tháng 9/2021. [7]

 

Nó có năm phần. Phần một là các cơ sở để đánh giá xem trường hợp nào là giam giữ tùy tiện (dựa trên năm tiêu chí, hay năm hạng mục). Phần hai trình bày thông tin từ bên vận động cho Đoan Trang, được gọi là “nguồn tin”. Phần ba là phản hồi của chính quyền Việt Nam về các cáo buộc. Phần bốn là các phân tích của nhóm chuyên gia về thông tin có được từ hai phía. Cuối cùng là kết luận và kiến nghị gửi đến các bên.

 

Trong phần lập luận của mình, nguồn tin vận động cho Đoan Trang cho rằng trường hợp bắt giam cô được xem là giam giữ tùy tiện tính theo ba trong số năm tiêu chí đánh giá (five categories) của Nhóm làm việc. [8]

 

Đó là các tiêu chí nằm trong ba hạng mục đầu tiên.

 

Mục 1 là việc thiếu cơ sở pháp lý để tước đoạt quyền tự do của một người. Mục 2 là người bị tước đoạt quyền tự do khi thực thi các quyền cơ bản theo chuẩn mực quốc tế. Mục 3 là vi phạm quyền được xét xử công bằng.

 

Trong phần phân tích của mình, các chuyên gia trong Nhóm làm việc nhận định trường hợp của Đoan Trang ngoài ba hạng mục trên còn có dấu hiệu giam giữ tùy tiện tính theo hạng mục thứ 5: tước đoạt tự do của một người trên cơ sở phân biệt đối xử. 

 

Các chuyên gia đưa ra kết luận trên dựa trên những căn cứ như các điều luật dùng để buộc tội Đoan Trang có ngôn ngữ mơ hồ, phạm vi quá rộng, có thể bị diễn giải tùy tiện để trừng phạt bất kỳ ai; những người bắt giam Đoan Trang không trình lệnh bắt vào thời điểm xảy ra sự việc; Trang bị giam giữ trong điều kiện bí mật suốt hơn một năm, không được tiếp xúc với gia đình và luật sư; cô bị bắt khi thực hiện các quyền tự do biểu đạt phù hợp với Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền cũng như Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR); cô bị trừng phạt khi biểu đạt quan điểm chính trị khác biệt với chính quyền, v.v.

 

Nhóm làm việc kết luận việc bắt giam Phạm Đoan Trang có yếu tố của bốn trong số năm hạng mục đánh giá, và đó là một trường hợp giam giữ tùy tiện.

 

Nhóm làm việc phản hồi thế nào về lập luận của chính quyền Việt Nam?

 

Trong phần phân tích của mình, Nhóm làm việc đánh giá nhiều thông tin phản hồi từ phía chính quyền Việt Nam mâu thuẫn, mơ hồ và không có sức thuyết phục.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/10/image-15.png

Hình ảnh Phạm Đoan Trang trong buổi làm việc tại cơ quan điều tra. Ảnh: Pham Doan Trang/FB.

 

Ví dụ như việc chính quyền bác bỏ cáo buộc rằng Trang bị giam giữ trong điều kiện bí mật (incommunicado detention) nhưng ngay sau đó lại gián tiếp thừa nhận việc cô không được tiếp xúc với người nhà và luật sư trong hơn một năm bị giam giữ.

 

Hoặc chính quyền không bác bỏ cáo buộc rằng những người bắt giam Đoan Trang vào thời điểm xảy ra sự việc không trình ra lệnh bắt với lý do rõ ràng, và sau đó cũng không đưa cô ra tòa để xem xét tính hợp lý của yêu cầu bắt lẫn tạm giam. Thay vào đó, chính quyền cho rằng việc bắt và tạm giam Trang là phù hợp và đúng luật khi đã được Viện kiểm sát Nhân dân chấp thuận. Các chuyên gia trong Nhóm làm việc phản bác lập luận này vì kiểm sát là bên buộc tội, không có vai trò độc lập như tòa án trong việc phân định tính hợp lý của hành động bắt và giam người.

 

Trong phần phản hồi, chính quyền nhiều lần dùng lý do luật pháp quốc gia (national law) để chứng minh hành động bắt giam Đoan Trang là hợp lý. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đó không thể là cơ sở để biện minh cho mọi hành động của chính quyền, nhất là khi các điều luật được nhắc đến có ngôn từ mơ hồ, phạm vi điều chỉnh quá rộng, đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế và những công ước mà Việt Nam cũng là một nước thành viên tham gia.

 

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

 

Như đã đề cập, các quan điểm của Nhóm làm việc về Giam giữ Tùy tiện không phải là phán quyết và không có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các quốc gia.

 

Tuy nhiên, chúng là các hồ sơ tương đối hoàn chỉnh với thông tin được thu thập từ nhiều nguồn. Chính quyền các nước cũng có nghĩa vụ phải phản hồi lại các báo cáo này như trong cam kết với Hội đồng Nhân quyền. Việc thu thập và công khai những hồ sơ như trên có một sức ép ngoại giao không nhỏ đến chính phủ các nước.

 

Bên cạnh đó, trong phần kết luận của bản quan điểm, Nhóm làm việc thông báo đã chuyển tiếp thông tin về trường hợp của Đoan Trang đến ba Báo cáo viên Đặc biệt trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Đó là những người phụ trách các vấn đề cổ súy và bảo vệ quyền tự do tư tưởng và biểu đạt, vấn đề về quyền tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa, và vấn đề về tình trạng của những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.

 

Cùng với những trường hợp bị giam giữ tùy tiện khác ở Việt Nam, vụ bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ tiếp tục được các chuyên gia và tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên tiếng.

 

Trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đang muốn có được một chiếc ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào nhiệm kỳ tới, những hành vi đàn áp công dân của mình sẽ khiến họ khó có thể tiếp tục đối phó tùy tiện với các câu hỏi ngày càng gay gắt từ cộng đồng quốc tế. [9]

 

-----------------------------

 

Chú thích

 

1.  OHCHR | Opinions adopted by the Working Group on Arbitrary Detention at its 91st session. (2021). OHCHR. Retrieved 2021, from https://www.ohchr.org/EN/Issues/Detention/Pages/Opinions91stSession.aspx

 

2.  OHCHR | HRC Welcome to the Human Rights Council. (2021). OHCHR. Retrieved 2021, from https://www.ohchr.org/EN/HRBodies/HRC/Pages/AboutCouncil.aspx

 

3.  OHCHR | Special Procedures of the Human Rights Council. (2021). OHCHR. Retrieved 2021, from https://www.ohchr.org/EN/HRBodies/SP/Pages/Welcomepage.aspx

 

4.  OHCHR | Working Group on Arbitrary Detention. (2021). OHCHR. Retrieved 2021, from https://www.ohchr.org/en/issues/detention/pages/wgadindex.aspx

 

5.  OHCHR | Individual Complaints and Urgent Appeals. (2021). OHCHR. Retrieved 2021, from https://www.ohchr.org/EN/Issues/Detention/Pages/Complaints.aspx

 

6.  OHCHR | Opinions adopted by the WGAD. (2021). OHCHR. Retrieved 2021, from https://www.ohchr.org/EN/Issues/Detention/Pages/OpinionsadoptedbytheWGAD.aspx

 

7.  Xem [1]

 

8.  OHCHR | About Arbitrary Detention. (2021). OHCHR. Retrieved 2021, from https://www.ohchr.org/EN/Issues/Detention/Pages/AboutArbitraryDetention.aspx

 

9.  Jamal, U. (2021, March 15). Should Vietnam become a member of the UN Human Rights Council? | ASEAN Today. ASEAN Today | Daily Commentaries Covering ASEAN Business, Fintech, Economics, and Politics. Retrieved 2021, from https://www.aseantoday.com/2021/03/should-vietnam-become-a-member-of-the-un-human-rights-council/





No comments:

Post a Comment

View My Stats