18/10/2021
https://www.voatiengviet.com/a/khong-quen-nguon-goc/6275025.html
https://gdb.voanews.com/a24f05b6-2c7d-4e67-93bd-4424256fbf06_w650_r1_s.jpg
ông Ban Ki Moon, cựu
tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, từng tiết lộ gia phả ghi tổ tiên ông họ Phan Huy ở
Làng Thầy, Sơn Tây cũ.
Nếu không vì Covid-19 thì chắc tôi chưa tới tiểu
bang Colorado nước Mỹ! Vì trận đại dịch, người Mỹ không muốn đi máy bay, nếu
không “tối cần thiết!” Khi ngồi trên máy bay, nhìn trước nhìn sau, tôi mới thấy
họ lo lắng là đúng! Từ 19, 20 tháng nay tôi tránh không đến chỗ đông người, vì
sợ mình lãnh loài vi khuẩn corona của người khác hoặc truyền corona cho bà con
chung quanh. Bây giờ phải ngồi trong bụng chiếc máy bay, một cái phòng kín
bưng, suốt mấy tiếng đồng hồ với mấy trăm người lạ mặt! Nghe thấy hãi! Nếu
tránh được thì nên tránh!
Nhưng tôi đã qua Colorado chơi gần một tuần để
coi mùa Thu trên miền núi Rocky chỉ vì … giá vé máy bay rẻ quá! Các hãng máy
bay đại hạ để câu khách! Khứ hồi hai chuyến chỉ có $50 đô la! Nếu Đức Khổng Tử
thấy giá vé rẻ như vậy thì cũng muốn đi!
Ngày thứ nhì ở Denver, cậu cháu đưa chúng tôi
lên núi. Đi qua thành phố Boulder, bỗng nhiên tôi nhớ đến những ngày đầu tiên
sau khi rời khỏi nước Việt Nam, tới ở Montreal, Canada. Địa chỉ duy nhất ở Mỹ
mà tôi có trong sổ là mẹ một người bạn, ở Boulder, Colorado! Mươi năm gần đây
tôi đã lái xe đi qua Colorado mấy lần nhưng không bao giờ nhớ đến. Hơn 46 năm,
giờ tôi mới đặt chân lên thành phố Boulder này! Không hiểu sao, trong óc tôi lại
hiện ra ngay tên bà mẹ người bạn: Bà Ziegler. Nhớ được họ của bà, thì cái tên
cũng hiện ra: Ethel. Ethel Ziegler. Cái tên viết trên bì thư, trên trang đầu những
cuốn sách bà gửi tặng. Tôi đã viết thư qua lại với bà nhiều lần trong mấy năm
liền. Họ và tên bà được cất giữ trong tàng thức hơn 40 năm nay, chợt hiện hành,
vì tôi đang ở Boulder!
Câu chuyện khá lòng thòng. Ở Sài Gòn, từ khoảng
năm 1970 chúng tôi có một bà bạn người Mỹ, hơn tôi chừng 20 tuổi. Bà làm việc
cho một hãng tư cung cấp pizza cho lính Mỹ; khi quân Mỹ rút thì công ty pizza
cũng rút. Bà Ruth Talovich thích đời sống Việt Nam, thích chả giò, thích nước mắm
quá, không về Mỹ. Bà đi dạy tiếng Anh, phải vất vả xin được cái “giấy phép làm
việc” của bộ Lao Động. Chính phủ Việt Nam lúc đó cũng khó khăn y như các sở lao
động ở Mỹ bây giờ.
Tháng Tư năm 1975, Tòa đại sứ Mỹ yêu cầu Ruth
phải ra khỏi Việt Nam. Họ cung cấp máy bay miễn phí, một cách dụ dỗ có hiệu quả.
Bởi vì lúc đó công việc khó khăn, có khi Ruth phải đến mượn tiền chúng tôi.
Trước khi rời Sài Gòn, Ruth cũng chưa biết
mình sẽ ở đâu, nên ghi cho tôi địa chỉ bà mẹ ở Mỹ. Đó là địa chỉ người Mỹ duy
nhất trong cuốn sổ bỏ túi tôi mang đi. Tới Montréal mấy tháng tôi mới viết cho
bà Ethel Ziegler ở Boulder, Colorado, chỉ cốt hỏi thăm con gái bà đang ở đâu.
Bà Ziegler lúc đó đã gần 80 tuổi, gia đình bà
cũng từng làm dân tị nạn từ Âu châu qua. Bà hỏi tôi có cần giúp đỡ chi không.
Tôi đáp mình chỉ thiếu hai thứ: Một là mất hết bạn bè; hai là không mang được tủ
sách theo! Từ đó, bà Ziegler gửi sách cho tôi. Hết hộp này đến hộp khác. Những
cuốn sách trong tủ sách của gia đình bà, còn nguyên dấu đóng tên. Bà chọn những
cuốn sách triết học, văn chương, chắc do Ruth đề nghị. Tôi còn nhớ một cuốn là
Trung Dung và Đại Học của Khổng Tử, do thi sĩ Ezra Pound dịch sang tiếng Anh.
Pound không biết chữ Hán, phải nhờ mấy người dịch và giảng cho nghe trước khi
ông đặt bút viết.
Biết chắc bà Ethel Ziegler không còn nữa, nếu
còn thì bà cũng 120 tuổi; nhưng tôi vẫn cảm thấy ân hận suốt 40 năm qua không hề
nghĩ đến bà. Đi qua Boulder, tôi càng bồi hồi muốn tìm lại một dấu vết nào đó về
bà. Bạn tôi, bà Ruth cũng đã mất hơn 10 năm nay. Người con trai duy nhất còn lại
của Ruth thì đã thành dân Đài Loan từ 50 năm, lần chót tôi gặp trong đám tang
Ruth, tại nghĩa trang quân đội Mỹ.
Thời bây giờ, muốn tìm cái gì mình cũng có thể
nhờ các mạng thông tin internet.
Quả nhiên, hôm sau tôi tìm ngay được địa chỉ của
bà Ethel Ziegler tại Boulder vào năm 1940! Lúc đó bà đã 46 tuổi. Tôi thấy khác
với địa chỉ khi bà gửi sách cho tôi. Nhưng trong tài liệu Sở Kiểm tra Dân số
(Census Bureau) năm đó cũng thấy tên Ruth, con gái đầu lòng của bà. Gia đình
này trước ở Kansas. Thời còn sống lâu lâu Ruth vẫn kể tôi nghe về các cơn “bão
cát” ở Kansas.
Trong các mạng internet mình còn có thể tìm ra
nhiều tin tức khác, vì có rất nhiều công ty đang cung cấp những dữ liệu thuộc
phạm vi công cộng cho độc giả. Tất nhiên muốn biết thêm thì mình phải trả tiền!
Nhưng ngay khi chưa cần trả đồng nào, tôi cũng
biết thêm rất nhiều về hai mẹ con người bạn quá cố. Tôi chưa bao giờ hỏi Ruth
ngày sanh tháng đẻ. Bây giờ thì Census Bureau cho biết bà sinh 27 tháng 10 năm
1918! Trong tài liệu công cộng còn hình ảnh mộ bia của bà ở Riverside National
Cemetery. Trên bia ghi bà là “MSGT USA ARMY, WW II” Thượng sĩ (hay Trung sĩ Nhất)
Lục quân Mỹ thời Đại Chiến II. Mộ bia cũng viết bà được tặng huy chương “Legion
of Merit,” tôi tra tìm không thấy tiếng Việt gọi là gì.
Bây giờ người Mỹ muốn tìm lại ông bà, cha mẹ
mình thì sẽ được rất nhiều công ty cung cấp. Giáo hội Mormon làm dịch vụ “gia
phả” miễn phí. Những di dân tới Mỹ muốn để lại dấu tích cho con cháu các đời
sau tìm được dễ dàng thì nên liên lạc với họ, cung cấp các thông tin và con số.
Nhiều trẻ em Việt Nam bây giờ vẫn tò mò hỏi: Tại sao gia đình mình qua ở nước Mỹ?
Từ năm nào? Thử tưởng tượng một đứa cháu 5 đời sau vẫn có thể tra cứu, tìm ra
ông bà tổ của mình vượt biển qua Mỹ năm 1980; quê cũ ở một làng tỉnh Bình Định,
trong họ đã có người tuẫn tiết khi bị quân Pháp bắt năm 1882!
Trong lịch sử nhiều người Việt Nam ra sống ở
nước ngoài vẫn giữ được liên hệ tinh thần với gia đình và quê hương cũ. Năm
1862, phái đoàn Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp, Phó sứ Phạm Phú Thứ ghi lại
chuyện một bà người Việt, Nguyễn Thị Sen, người Phường Đúc, Huế, đưa con đến
thăm phái đoàn. Bà Sen đã theo chồng, Francois Vannier đi Pháp từ năm 1825. Thế
mà 37 năm sau còn lặn lội từ miền quê đi lên Paris để gặp những người đồng
hương, hai mẹ con ở lại thủ đô cho tới khi phái đoàn về nước!
Một giòng họ lưu vong nổi tiếng nhất lịch sử
nước ta chắc là các người họ Lý đã vượt biển qua Cao Ly khi nhà Lý bị họ Trần lật
đổ. Họ Trần tuy đoạt ngôi vua nhưng vẫn được ghi công huy động cả nước Đại Việt
chống ba cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ. Những hoàng thân họ Lý lập nghiệp vẻ
vang ở Triều Tiên. Họ đã lập một cái đài ở bờ biển, để hướng về tổ quốc. Con
cháu họ Lý ở Hàn Quốc đã từng về làng Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh lễ nhà thờ tổ.
Mấy năm trước, ông Ban Ki Moon, tổng thư ký
Liên Hiệp Quốc cũng tới Việt Nam chỉ để được lễ nhà thờ tổ. Ông tiết lộ gia phả
ghi tổ tiên ông họ Phan Huy ở Làng Thầy, Sơn Tây cũ, đã qua sống ở Hàn Quốc!
Nhiều người họ Phan Huy cũng không biết có bà con sống lưu vong ở Triều Tiên!
Người Việt có học đều biết các danh sĩ Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, nhà thơ Phan
Huy Thực. Dòng họ này gốc từ Nghệ An ra Bắc, vốn giỏi nghề đàn hát, đến đời
chúa Trịnh Giang mới được phép đi thi, và đậu tiến sĩ liên tiếp nhiều đời!
Nhưng cũng vì vậy, họ phải làm quan cho các triều đại nhà Lê, họ Trịnh, nhà Tây
Sơn, rồi đến nhà Nguyễn! Mỗi một lần chính quyền cũ sụp đổ, thế nào cũng có người
vượt biển tị nạn. Chỉ trừ hồi 1979, 80, người Việt từ Nam chí Bắc đều rủ nhau
vượt biển!
Ông Ban Ki Moon chưa kể tổ tiên ông từ Việt
Nam qua Hàn Quốc vì lý do nào. Con cháu nhiều đời sống ở một quốc gia khác, suốt
mấy trăm năm vẫn giữ nguyên họ cũ! Vì những chữ Phan Huy và Ban Ki đọc khác
nhưng viết bằng chữ Hán thì giống nhau.
Tôi đi tìm các dữ liệu về bà Ethel Ziegler ở
Boulder, Colorado, thì yên tâm rằng các thế hệ sau con cháu mình có thể tìm hiểu
về nguồn gốc tổ tiên dễ dàng lắm. Mong các cháu sẽ học theo dòng họ Ban Ki!
Một gia đình đã sống lưu vong, đã làm công dân
một nước khác mấy thế kỷ, đã thành công như vậy, mà vẫn ghi nhớ quê hương tổ
tiên mình! Không ai xin đổi sang một họ mới, cho giống người Cao Ly hơn. Thật
đáng kính phục! Những người đó phải hãnh diện về nguồn gốc tổ tiên Việt Nam của
mình. Chỉ những người không thấy tổ tiên có gì đáng hãnh diện mới dễ dàng đổi họ.
No comments:
Post a Comment