‘Không
gian sinh tồn của Việt Nam’ không thể là vấn đề nội bộ của Trung Quốc!
20/10/2021
https://www.voatiengviet.com/a/bien-dong-khong-gian-sinh-ton-viet-nam-trung-quoc/6278237.html
https://gdb.voanews.com/AFC047DA-48C8-4B0D-86A1-E1D60B4B04F8_w650_r1_s.jpg
Trước đây mười năm
có lẻ, Trung Quốc chưa dám bộc lộ tham vọng độc chiếm Biển Đông, chỉ xếp
Biển Đông vào nhóm “lợi ích quan trọng”. Chuyện bây giờ đã khác.
Người
dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, phải tìm cách bảo vệ “không gian sinh tồn”
của dân tộc, quyết không thể để Trung Quốc coi đó là vấn đề nội bộ của họ. Mỹ
chắc chắn sẽ không chấp nhận “tối hậu thư” của Bắc Kinh. Dù ngấm ngầm hay công
khai, tối hậu thư ấy đồng nghĩa với việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đi
ngược lại luật pháp quốc tế.
Biển Đông – Tối hậu
thư ngầm?
Tuyên bố và lời lẽ cứng rắn trước và trong các
cuộc đối thoại ngoại giao lần thứ hai ngày 26/7 tại Thiên Tân (Trung Quốc) vẫn
mang dư âm của cuộc đối thoại “căng thẳng và trực diện” đầu tiên ngày 18/3 tại
Alaska (Hoa Kỳ). Thiên Tân tuy không mang lại kết quả cụ thể, nhưng vào lúc dư
luận quan ngại bang giao Trung – Mỹ dường như đang trượt dốc thì, cả Trung Quốc
lẫn Hoa Kỳ lại thành tựu khả năng một Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận
Bình và Tổng thống Joe Biden. Đây là bối cảnh của quyết định có thể coi là được
lấy vào giờ chót, giữa Chủ nhiệm Dương Khiết Trì và Cố vấn Jake Sullivan ngày
6/10/2021 tại Zurich (Thuỵ Sỹ), công bố cho báo chí, về Cuộc gặp Cấp cao (trực
tuyến) giữa hai Nguyên thủ vào cuối năm nay.
Ít ai ngờ rằng, Covid-19 gây đại hoạ cho toàn
cầu lại có một “hữu ích”, giải quyết được khâu “lựa chọn” địa điểm cho một Cấp
cao không dễ gì xác định được nơi chốn đối thoại. Hai bên đều mô tả cuộc đàm
phán kéo dài 6 giờ tại sân bay Zurich (6/10) mang tính xây dựng, thẳng thắn. Ông
Sullivan nêu quan ngại về các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến hành động của
Trung Quốc ở Biển Đông, nhân quyền và lập trường của Bắc Kinh đối với Hồng
Kông, Tân Cương và Đài Loan. Nhà Trắng phát đi tuyên bố cho biết cuộc gặp giữa
Sullivan và Dương Khiết Trì là tiếp nối cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden
và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 9/9. Trong cuộc điện đàm ấy, hai nhà lãnh đạo Mỹ –
Trung thống nhất quản lý có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc
Kinh, thảo
luận về sự cần thiết phải đảm bảo mối quan hệ cạnh tranh ấy sẽ không dẫn tới
xung đột.
Phải chăng vì vậy mà Cố vấn Sullivan nói cứng:
“Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng Mỹ cũng không nao núng trước những đe doạ
các lợi ích của Mỹ và các đồng minh”. Theo phát biểu từ phía Trung Quốc, tại cuộc
gặp ở Zurich, ông Dương khẳng định, Trung Quốc đánh giá cao tuyên bố tích cực của
Tổng thống Biden trong thời gian gần đây, đặc biệt là nội dung nói Mỹ không có
ý định kiềm chế Trung Quốc hay hướng đến cuộc chiến tranh lạnh mới. Trung Quốc
cũng cho hay cuộc gặp giữa Cố vấn Sullivan và Chủ nhiệm Dương đã bàn về tổng thể
nhiều vấn đề trong quan hệ giữa hai nước, nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cũng
như các mối quan tâm chung. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết Hoa Kỳ phản ứng
như thế nào về hai “tối hậu thư” mà Trung Quốc trao cho Mỹ cách đây gần ba
tháng tại Thiên Tân.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc
(CCTV), lúc bấy giờ, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra ba yêu cầu cho phái đoàn
Mỹ: Washington không được thách thức mô hình quản trị Bắc Kinh, không được can
thiệp vào quá trình phát triển của Trung Quốc, đồng thời, Washington cần tránh
có các hành động xâm phạm chủ quyền Bắc Kinh. Như để minh hoạ cho các yêu cầu ấy,
Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong đã trao cho phía Mỹ hai danh sách. Bản thứ nhất
gồm “những hành động Mỹ cần chấm dứt” và bản thứ hai, “những vấn đề khiến Trung
Quốc quan ngại hàng đầu”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc gộp các vấn đề đang
tranh cãi thành hai danh sách như
một kiểu “tối hậu thư ngầm” để trao cho phía Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong cho biết thêm,
phía Trung Quốc cũng bày tỏ bất bình với những tuyên bố và hành động của phía
Hoa Kỳ liên quan đến cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19, vấn đề Tân Cương, Đài
Loan, Hong Kong và Biển Đông. Cách phát biểu mập mờ của Thứ trưởng Tạ Phong cho
thấy Bắc Kinh muốn liệt kê Biển Đông vào bản danh sách thứ hai, “những quan ngại
hàng đầu” của Trung Quốc. Điều này có nguồn gốc sâu xa, bởi lâu nay, Biển Đông
được “ưu tiên” cùng với các vấn đề Tân Cương, Đài Loan và Hong Kong như là những
“lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Nhưng lần này, Trung Quốc leo thêm một nấc
thang mới, khi họ Dương nói với Sullivan tại Zurich rằng, bốn vấn đề này đều
thuộc “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và Mỹ không được lợi dụng những chủ đề
này để
can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Đó là bước leo
thang nguy hiểm
Trước đây mười năm có lẻ, Trung Quốc chưa dám
bộc lộ tham vọng độc chiếm Biển Đông, chỉ xếp Biển Đông vào nhóm “lợi ích quan
trọng”. Sau tuyên bố “Biển Đông là lợi ích cốt lõi”, Bắc Kinh vấp phải phản ứng
quyết liệt của Mỹ cùng nhiều nước Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền với
Trung Quốc. Bắc Kinh đối phó bằng cách đổ lỗi cho phía Mỹ tung tin này ra, kèm
theo các tuyên bố là Trung Quốc chưa hề có văn bản nào đề cập Biển Đông là vấn
đề '”lợi ích cốt lõi”. Nhưng rồi chính Ngoại trưởng Hillary Clinton là người đã
công khai xác nhận, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, người được
cho là lãnh đạo cao cấp nhất của ngành ngoại giao nước này đã loan báo cho
chính phủ Mỹ về quyết định nâng Biển Đông lên hàng “lợi ích cốt lõi”. Giáo sư
Thayer cũng tiết lộ quyết định của Trung Quốc về “lợi ích cốt lõi”, mặc dầu sau
đó, Trung
Quốc buộc phải rút lui trước phản ứng của các nước có liên can.
Ngày nay trên tất cả mọi diễn đàn, quan điểm
Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” đã được Trung Quốc biến thành “chuyện đã rồi”,
ngang nhiên tuyên bố, nếu can dự vào Biển Đông là can thiệp vào công việc nội bộ
Trung Quốc. Trung Quốc xây dựng những tiền đồn trên các đảo cưỡng chiếm, thực sự
biến các đảo đá ấy thành các căn cứ quân sự. Trung Quốc đã vận hành những tàu Cảnh
sát biển cực lớn, đe dọa và cản trở các nước tiếp cận các nguồn tài nguyên hợp
pháp theo Công ước và Luật Biển. Bắc Kinh cũng sử dụng các căn cứ quân sự để
báo hiệu rằng họ có thể có một số yêu sách vượt ra ngoài các tuyên bố hàng hải
hợp pháp. Hoa Kỳ và phương Tây lo ngại, Trung Quốc có thể ngăn chặn tự do hàng
hải trong khu vực. Không phải ngẫu nhiên, gần đây chúng ta chứng kiến các khí
tài hải quân, không chỉ của Hoa Kỳ, mà còn của cả Nhật Bản, Úc, Pháp và các nước
khác, đã tiến hành tập trận ở Biển Đông chỉ
để chứng minh rằng đây là vùng biển quốc tế, phải được rộng mở cho tất cả mọi
người.
Đánh giá cục diện chung, có thể thấy vấn đề Biển
Đông ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường. Chủ quyền biển đảo Việt Nam
đang bị thách thức nghiêm trọng và thách thức này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa
trong tương lai. Các thách thức mà chúng ta đang/sẽ phải đối mặt là chủ quyền,
kinh tế biển, an ninh quốc phòng, môi trường phát triển và thách thức đối với
không gian sinh tồn của dân tộc. Giữa thế kỷ 21, Việt Nam sẽ có quy mô dân số
trên cả trăm triệu người. Lúc này con cháu chúng ta cần phải tiến ra biển và biển
là không gian sinh tồn của các thế hệ sau này. Ấy vậy mà Trung Quốc lại trao “tối
hậu thư” báo cho phía Mỹ biết, Biển Đông là một trong những vấn đề thuộc công
việc nội bộ Trung Quốc, Mỹ không có quyền can dự. Rõ
ràng, không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam đang phải đối mặt với một bước
leo thang mới nguy hiểm.
Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền trên
Biển Đông, để khẳng định “không gian sinh tồn của Việt Nam không thể là vấn đề
nội bộ của Trung Quốc”? Hỏi là đã trả lời. Theo Đại sứ-Viện trưởng Viện Biển
Đông Nguyễn Trường Giang, khi thế hệ trẻ Việt Nam tự hỏi làm thế nào để cho đất
nước trở nên hùng cường, thì chúng ta đã đặt được một bước chân lên con đường
đi đến hùng cường. Trên đại lộ ấy, vấn đề truyền thông rất quan trọng. Sự an
toàn biển đảo tỷ lệ thuận với sự quan tâm của dân chúng đối với Biển Đông.
Chính quyền không được hạn chế và cấm cản, mà phải có trách nhiệm giúp dân, nhất
là thế hệ trẻ, nhận diện những thách thức với chủ quyền, củng
cố ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo, huy động sức mạnh tổng lực của quốc gia,
phát huy sức mạnh của thời đại, xây dựng Việt Nam giàu mạnh.
Trong tất cả bộn bề công việc nói trên, bài học
kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại ngày nay có nội hàm khác trước
đây. Ngày nay, ngay tại Đông Á đã/đang xuất hiện các “tiểu đa phương” với các
nhóm liên minh truyền thống và các đối tác mới nổi. AUKUS, QUAD, B3W (Tái thiết
một Thế giới tốt đẹp hơn)… là những điển hình. Việt Nam cần nghiên cứu để tham
gia tuỳ theo các nhóm vấn đề mà không nhất thiết phải chọn bên hay trở thành
thành viên. Việc Việt Nam cùng Hoa Kỳ tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương” (IPBF) năm ngoái là một ví dụ sinh động. Chính sách của
chính quyền Biden chắc chắn sẽ không chấp nhận “tối hậu thư” của Bắc Kinh, dù
là ngấm ngầm hay công khai. Gió đang đổi chiều. Hưởng ứng B3W hay tham gia QUAD
mở rộng là công việc hiển hiện của các nhà hoạch định chính sách. Người dân Việt
Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, phải tìm mọi cách để bảo vệ “không gian sinh tồn”
của dân tộc, quyết không thể để cho Trung Quốc coi đó là vấn đề nội bộ của họ.
No comments:
Post a Comment