Việt
Nam: Vac-xin Covid tự chế trong nước xin ‘‘cấp phép khẩn’’, chuyên gia dè dặt
Trọng
Thành -
RFI
Đăng ngày: 08/08/2021 - 20:45
https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20210808-vacxin-vietnam-xin-cap-phep-khan-chuyen-gia-de-dat
Việt Nam đang đứng trước áp lực khẩn cấp có đủ
vac-xin ngừa Covid nhằm hãm lại dịch bệnh có nguy cơ lan rộng. Sớm sản xuất vac-xin
tự chế trong nước là điều nhiều người hy vọng. Hôm qua, 07/08/2021, bộ Y Tế họp
khẩn để xem xét các kết quả thử nghiệm sơ bộ vac-xin Nanocovax của công ty
Nanogen. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học hàng đầu dè dặt về « khả năng bảo
vệ » thực sự của loại vac-xin này.
Khắp nơi trên thế
giới, vac-xin ngừa Covid-19 mang niềm hy vọng thoát khỏi dịch bệnh. Ảnh minh họa:
Vac-xin Covaxin do hãng dược Ấn Độ Bharat Biotech sản xuất. AP - Anupam
Nath
Theo thông tin của trang mạng bộ Y Tế Việt Nam, trong cuộc họp khẩn
ngày hôm qua, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia của bộ Y Tế,
đã « nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1
vac-xin Nanocovax và giữa kỳ giai đoạn 2 ». Cuộc họp khẩn được tổ
chức ngay sau khi công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Nanogen - nơi sản xuất
Nanocovax - gửi « công văn hỏa tốc » đến bộ Y Tế. Trước
đó, ngày 29/07, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu bộ Y Tế xem xét, sớm
cấp phép để sản xuất vac-xin Nanocovax và chính thức sử dụng.
Theo trang Vietnamnet đầu tháng 8, Khánh Hoà
và Bình Dương là hai địa phương đầu tiên đề nghị tham gia thử nghiệm quy
mô lớn. Tỉnh Bình Dương hy vọng vac-xin Nanocovax ngay trong giai đoạn thử nghiệm
sẽ cho phép trực tiếp hạn chế các hậu quả của dịch bệnh, đúng vào lúc tỉnh này
đang có xu thế trở thành một tâm dịch thứ hai, sau Sài Gòn. Việt Nam thiếu
vac-xin trầm trọng. Cho
đến nay cả nước mới tiêm được hơn 8 triệu liều trên tổng số hơn 96 triệu
dân. Tính đến ngày 06/08, Việt Nam nhận được tổng cộng hơn 19 triệu liều từ nhiều
nguồn khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại, Nanocovax là
vac-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng
thứ 3 (gồm tổng cộng ba pha a, b và c). Nhóm nghiên cứu đã hoàn thành pha 3a và
đang hoàn tất tiêm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên tham gia pha 3b (dự kiến
hoàn tất trước ngày 15/08). Cùng với việc xin cấp phép « sử dụng khẩn cấp
có điều kiện » đối với vac-xin Nanocovax, công ty Nanogen kiến nghị bộ
Y Tế cho triển khai pha 3c với khoảng từ 500.000 đến 1 triệu người tham
gia.
« Nhanh »
nhưng phải « bảo đảm an toàn, hiệu quả và khách quan »
Trong buổi họp hôm qua, Hội đồng Đạo đức trong
Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia đã chính thức « cho phép triển khai thử
nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ». GS.TS. Trương Việt Dũng, chủ tịch Hội đồng
chủ trì cuộc họp, nêu nhận định : « thúc đẩy nghiên cứu nhanh nhưng
phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và khách quan ». Thứ trưởng bộ Y Tế Trần
Văn Thuấn – phụ trách nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng - đề nghị Hội đồng họp tiếp
vào ngày 15/8, để đánh giá kết quả pha 3a, trước khi đưa ra khuyến nghị mới.
Trước cuộc họp của Hội đồng, Ủy Ban Thường Vụ
của Quốc Hội Việt Nam đã họp ngày 06/08, để góp ý về đề nghị « cấp phép
lưu hành có điều kiện với vac-xin Covid-19 trong nước đang thử nghiệm
lâm sàng » của chính phủ. Ủy ban này nhấn mạnh: « Để bảo đảm
an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề cấp
giấy lưu hành… vac-xin phòng Covid-19, kể cả khi được phê duyệt sử dụng khẩn cấp
thì các bước quan trọng, các tiêu chí bắt buộc cũng không được bỏ qua ».
GS. TS. Trần Tịnh Hiền, chuyên gia đầu ngành dịch
tễ học tại Việt Nam theo dõi sát các diễn biến của việc thử nghiệm lâm sàng
vac-xin tự chế đầu tiên của Việt Nam. Giáo sư Trần Tịnh Hiền nguyên là phó giám
đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới thành phố Hồ Chí Minh, giám đốc chuyên môn Vietnam
Oucru, đơn vị nghiên cứu lâm sàng trực thuộc Đại Học Oxford Vương quốc Anh.
Trên trang Facebook cá nhân hôm 27/7, GS Hiền đã hoan nghênh việc cơ sở chủ trì
nghiên cứu công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 trên tạp chí khoa học quốc
tế Medrxiv. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhận xét là dựa trên kết quả sơ bộ
nói trên « khó đánh giá tính sinh miễn dịch và tác dụng bảo vệ của
vac-xin… ngoài ra cũng chưa có đánh giá được tác dụng của vac-xin với biến chủng
Delta, là biến chủng chiếm gần như đa số hiện nay... Mục tiêu của
giai đoạn 1 và 2 là tính an toàn và đánh giá tính sinh miễn dịch- hiệu lực; như vậy mục tiêu thứ 2 (tức tính
sinh miễn dịch) chưa đạt hoàn toàn. Giờ đây chờ đánh giá ở giai đoạn 3
trên con người và hiệu lực bảo vệ với số lượng lớn hơn mà đúng ra là phải giải
quyết hết các vấn đề tồn tại ở giai đoạn 2. Việc tiến nhanh như vậy cũng có
nguy cơ! ».
Số ca nhiễm chính
thức trong ngày cao nhất từ đầu dịch
Vietnamnet, trang web của bộ Thông Tin - Truyền
Thông, ghi nhận trong 24 giờ qua 9.690 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2
gây bệnh Covid-19, nhiều nhất từ trước đến nay. Hiện tại Việt Nam, theo số liệu
chính thức, có tổng cộng hơn 200.000 người nhiễm tính từ đầu dịch. Tuy nhiên,
theo nhiều chuyên gia, con số nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng
chìm, số lượng người nhiễm thật có thể cao hơn gấp vài lần, thậm chí hàng chục
lần. Chỉ có điều tra dịch tễ học bằng các xét nghiệm kháng thể (antibody
test) mới cho phép xác định được tương đối chính xác quy mô thực sự của dịch bệnh,
là căn cứ để có được chính sách phù hợp, sát thực tế, giảm thiểu các thiệt hại
do những biện pháp căng thẳng quá mức cần thiết.
Kết quả cuộc điều tra dịch tễ quốc gia lần thứ
tư tại Ấn Độ, do Indian Council of Medical Research (ICMR) thực hiện,
công bố cuối tháng 7/2021, cho thấy khoảng 900 triệu dân Ấn đã nhiễm
SARS-CoV-2, gấp khoảng 30 lần so với số ca nhiễm chính thức. Đầu tháng 7, điều tra do CDC Hoa Kỳ hỗ trợ tại vùng thủ đô
Jakarta (Indonesia) với xét nghiệm kháng thể cho thấy gần
một nửa dân cư đô thị hơn 10 triệu dân này đã nhiễm virus, gấp hơn 5 lần so với
số chính thức.
Theo số liệu chính thức, tại Việt Nam có hơn
3.300 người chết vì Covid-19. Từ hai tuần nay, số người chết được ghi nhận mỗi
ngày liên tục vượt quá con số 100, thậm chí 200 người, đa số là tại Sài Gòn. Hệ
thống y tế tại thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng quá tải, nhiều bệnh nhân
chết do không kịp cấp cứu.
No comments:
Post a Comment