Monday, 2 August 2021

VACCINE TRUNG QUỐC : CHÍNH QUYỀN CẦN LÀM GÌ ĐỂ HÁ MIỆNG KHÔNG CÒN MẮC QUAI? (Yên Khắc Chính - Luật Khoa)

 


Vaccine Trung Quốc: Chính quyền cần làm gì để há miệng không còn mắc quai?

YÊN KHẮC CHÍNH  -  LUẬT KHOA

02/08/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/08/vaccine-trung-quoc-chinh-quyen-can-lam-gi-de-ha-mieng-khong-con-mac-quai/

 

Công khai và minh bạch, để người dân có quyền lựa chọn, còn chính quyền có đường ra.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-1000x600.jpeg

Minh hoạ: Derek Zheng/ SupChina

 

Ngày 31/7 vừa qua, một triệu liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc, trong số năm triệu liều đã đặt mua, về tới TP. Hồ Chí Minh trong cảnh không kèn không trống.

 

Sở dĩ nói như vậy vì thông tin về nó xuất hiện một cách rất trầm lắng trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

 

Báo Tuổi Trẻ chỉ nhét một dòng ngắn gọn về sự kiện này trong một bản tin tổng hợp chung. [1] Báo Thanh Niên làm động tác y hệt, cũng đưa vào trong một bản tin tổng hợp tình hình dịch bệnh ngày 1/8. [2]

 

Những tờ như VnExpress hay Vietnamnet có bài riêng, nhưng bên dưới phần bình luận lại trống không, khác hẳn với không khí bình luận sôi động ở những bài viết trước đó về chủ đề vaccine. [3] [4]

 

Riêng trang Facebook Thông tin Chính phủ không có một dòng nào đề cập đến sự kiện này. [5]

 

Đây là điều bất thường, trong khi thông tin về những đợt vaccine khác về Việt Nam đều được các cơ quan truyền thông nhà nước tuyên truyền rầm rộ.

 

Sự im lặng của nhà nước không khiến dư luận yên ả. Ngược lại, nó càng khiến người dân lo lắng, hoang mang và giận dữ.

 

Người dân lo lắng về mức độ an toàn và hiệu quả của các vaccine đến từ Trung Quốc. Họ hoang mang không biết có bị ép buộc phải chích những vaccine này không. Và giận dữ vì chính quyền không làm gì để giải tỏa những nghi ngại của dân.

 

Chính quyền rõ ràng đang ở thế há miệng mắc quai.

 

Tuy đến nay không thừa nhận, nhưng gần như ai cũng tự hiểu là các quan chức lãnh đạo, và rất có thể là người nhà của họ, đều đã được tiêm vaccine từ lâu (từ bao lâu thì không ai rõ, khi bản thân họ và hệ thống tuyên giáo khổng lồ đến nay vẫn ngậm tăm không một lời giải thích).

 

Vì vậy, các quan chức chính quyền rõ ràng không có tư cách đạo đức gì rao giảng hay bắt buộc người dân không nên lựa chọn vaccine để tiêm.

 

Chưa có thông tin chính thức rõ ràng về nguồn tiền để mua năm triệu liều vaccine Sinopharm này, nhưng nhiều nguồn cho rằng tập đoàn Vạn Thịnh Phát là đơn vị tài trợ. Tập đoàn này lại cho nhân viên của mình tiêm vaccine AstraZeneca của Anh và Pfizer của Đức – Mỹ, theo các thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.

 

Đó có lẽ là một phần lý do mà trong các bản tin về một triệu liều vaccine Sinopharm ở trên, không có dòng nào trên các báo nhắc đến tên Vạn Thịnh Phát, dù trước đó đều ghi nhận việc tập đoàn này hứa đóng góp 1.500 tỷ đồng mua vaccine, với đợt đầu tiên là một triệu liều Sinopharm. [6]

 

Cần phải nói rõ, nhà tài trợ Vạn Thịnh Phát hay công ty dược nhập khẩu lô vaccine của Trung Quốc đều không có bất kỳ lỗi gì ở đây. Họ không có nghĩa vụ phải sử dụng vaccine do mình tài trợ.

 

Lỗi nằm ở phía chính quyền, khi tư duy quản lý nửa phong kiến nửa bao cấp của các quan chức khiến mọi thứ càng lúc càng rối tung.

 

Cái rối này không thể bị gỡ bằng mệnh lệnh hành chính.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/08/image-1-1024x684.jpeg

Đại diện Bộ Y tế tiếp nhận hơn 500.000 liều vaccine do hãng dược Trung Quốc Sinopharm sản xuất vào ngày 20/6/2021. Ảnh: CGTN.

 

Công điện của Thủ tướng ngày 31/7 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách 19 tỉnh, thành phía Nam có đoạn đề cập đến vấn đề vaccine, trong đó ghi “tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vaccine”. [7] Mệnh lệnh này không có giá trị pháp lý đối với người dân, nhưng đẩy áp lực tuân thủ xuống những cơ quan thực thi cấp dưới.

 

Chính quyền còn có những công cụ khác để biện minh cho việc cấm người dân lựa chọn.

Đó là tuyên bố những địa phương nào là vùng có dịch, từ đó ép buộc người dân phải tiêm vaccine. Cơ sở của việc này là Khoản 1, Điều 29 của Luật Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm năm 2007, với quy định “người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh.” [8]

 

Dựa vào đó, người không tiêm vaccine có thể bị xử phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 9 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP. [9]

 

Chính quyền cũng có thể sử dụng một công cụ gián tiếp là ban hành quy định bắt buộc người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine khi đi lại.

 

Những biện pháp này có thể sẽ buộc một bộ phận người dân vẫn còn nghi ngại vaccine Trung Quốc nhắm mắt đưa chân chấp thuận tiêm, nhưng cũng hoàn toàn có thể khiến một bộ phận không nhỏ phản kháng cực đoan.

 

Xét cho cùng, không ai có quyền buộc người khác phải tiêm vào cơ thể một thứ họ không hề mong muốn.

 

Nó cũng sẽ không giải quyết được mâu thuẫn của người dân với nhà nước, và có thể khiến tình hình dịch bệnh tệ hơn.

 

                                                          ***

 

Nếu thực tâm muốn giải quyết vấn đề, chính quyền cần phải làm những việc sau:

 

Thứ nhất, công khai thông tin về tình trạng tiêm vaccine của các lãnh đạo, nhận lỗi về việc đã che giấu dư luận.

 

Chính quyền tất nhiên sẽ hứng chịu sự phẫn nộ của dư luận, và họ xứng đáng với điều đó. Đổi lại, các quan chức sẽ không phải đội chiếc mũ đạo đức giả, ít nhất trong vấn đề vaccine, và điều này sẽ giúp người dân bớt đi một lý do phản kháng. Ngoài ra, không khó tưởng tượng một bộ phận dư luận sẽ cực kỳ ấn tượng trước thái độ chân thành và cầu thị của những người đứng đầu, từ đó khiến uy tín của các lãnh đạo càng lên cao trong hoàn cảnh đất nước đang rơi vào khủng hoảng.

 

Uy tín của các quan chức sẽ được đẩy lên một bậc nếu chính họ tự nguyện tiêm vaccine Trung Quốc, để lời nói đi đôi với việc làm, dùng bản thân mình làm gương thuyết phục người dân.

 

Thứ hai, công khai thông tin đến người dân về loại vaccine họ sẽ được tiêm. Mỗi người có quyền từ chối nếu không muốn tiêm loại vaccine đó.

 

Trên thực tế, sẽ có những người hoàn toàn tự nguyện tiêm các vaccine của Trung Quốc như Sinopharm hay Sinovac. Có rất nhiều lý do để họ lựa chọn như vậy: tin tưởng vào tác dụng và độ an toàn của chúng, muốn sử dụng vaccine theo công nghệ truyền thống vì các rủi ro sức khỏe, có nhu cầu qua lại Trung Quốc để làm việc, hay chỉ đơn giản là có thì chích, loại nào không quan trọng. Đó là những lựa chọn hoàn toàn chính đáng và phải được tôn trọng.

 

Thứ ba, cung cấp đầy đủ thông tin để giải đáp tất cả những lo ngại của người dân về vaccine Trung Quốc.

 

Trên thực tế, vào tháng Năm và tháng Sáu vừa qua, vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận để sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp (cùng dạng chấp thuận đối với AstraZeneca, Pfizer hay Moderna). [10] [11] Giữa tháng Bảy, COVAX đã đặt mua 550 triệu liều hai loại vaccine trên. [12] COVAX là sáng kiến giúp các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiếp cận vaccine. Việc COVAX đặt mua vaccine của Trung Quốc có nghĩa là sớm muộn chúng cũng được phân phối đến Việt Nam thông qua con đường tài trợ.

 

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nghi ngại của giới khoa học quốc tế về độ an toàn và hiệu quả của vaccine Trung Quốc. Nhiều người nghi ngờ các báo cáo về tiêm phòng của nước này không phản ánh đúng thực tế. [13] Ví dụ như với Sinovac, trong 35,8 triệu liều tiêm, chỉ có 49 trường hợp phản ứng nặng được ghi nhận, tỷ lệ 0,00014%. Với Sinopharm, trong 1,1 triệu liều chỉ có 79 trường hợp được ghi nhận có phản ứng phụ, hầu hết là tình trạng nhẹ, tỷ lệ là 0,007%. Các con số này thấp hơn từ vài trăm đến vài ngàn lần so với những loại vaccine khác. Để so sánh, những người được tiêm vaccine AstraZeneca tại Việt Nam trong thời gian qua có tỷ lệ gặp phản ứng nhẹ là 33%, còn phản ứng nặng là 0,1%. [14]

 

Bên cạnh đó, còn có những lo ngại khác về tác dụng của vaccine Trung Quốc đối với chủng Delta của virus corona. Việc thiếu hụt các dữ liệu chi tiết khiến các nhà khoa học quốc tế khó kiểm chứng những tuyên bố của các chuyên gia Trung Quốc. [15]

 

Để giải quyết nghi ngờ của công luận, những người có trách nhiệm ở Việt Nam cần yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp thêm các dữ liệu về những loại vaccine trên, và nếu cần thiết, tiến hành thử nghiệm kỹ càng trước khi cho tiêm đại trà.

 

Thứ tư, nhà nước cần có cam kết rõ ràng về trách nhiệm đối với những người tiêm trong trường hợp có rủi ro xảy ra.

 

Nếu không thể chịu trách nhiệm, chính quyền hoàn toàn không có quyền bắt buộc người dân phải tiêm vaccine, cho dù là bất kỳ loại nào. 

 

Việc lựa chọn tiêm vaccine và tiêm loại nào phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Mọi loại vaccine đều có nguy cơ gây tác dụng phụ, thậm chí dẫn đến tử vong. Nguy cơ này dù rất nhỏ, nhưng luôn có. Nếu bắt buộc một người tiêm vaccine trái với nguyện vọng của họ, đến khi có sự cố không may xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm đền mạng cho người đó?

 

                                                   ***

Những cuộc thảo luận về vaccine của Trung Quốc cần được tiến hành công khai, cởi mở và hoàn toàn tự do, không áp đặt hay kiểm duyệt.

 

Thảo luận công khai sẽ cho ra một bức tranh rõ ràng và tách bạch. Yếu tố chính trị sẽ không chi phối các vấn đề khoa học, và chủ nghĩa dân tộc sẽ không lấn sân sang chuyện chống dịch.

 

Công khai minh bạch giống như ánh sáng trong phòng phẫu thuật. Nó không có tác dụng chữa bệnh hay cứu mạng, nhưng ai cũng cần có ánh sáng để biết mình đang làm gì, để tìm ra được đúng khối u gây hại mà cắt bỏ, thay vì cắt xẻo tanh bành cơ thể bệnh nhân.


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.


 

Chú thích

 

1.  Online T. T. (2021, August 1). Sáng 1–8: Cả nước thêm 4.374 ca COVID-19, 23 tỉnh thành tiếp tục thực hiện chỉ thị 16. TUOI TRE ONLINE. 

https://tuoitre.vn/sang-1-8-ca-nuoc-them-4-374-ca-covid-19-23-tinh-thanh-tiep-tuc-thuc-hien-chi-thi-16-20210731232628557.htm

 

2.  Châu, L. (2021, July 31). Sáng 1.8 Có 4.372 ca Mắc Covid-19 ghi nhận trong nước tại 19 tỉnh, thành. Báo Thanh Niên. 

https://thanhnien.vn/thoi-su/sang-18-co-4372-ca-mac-covid-19-ghi-nhan-trong-nuoc-tai-19-tinh-thanh-1423419.html

 

3.  Nga L. (2021, August 1). Một triệu liều vaccine Sinopharm về TP HCM. vnexpress.net. 

https://vnexpress.net/mot-trieu-lieu-vaccine-sinopharm-ve-tp-hcm-4333555.html

 

4.  News, V. N. N. (n.d.). Một Triệu LIỀU vắc xin SINOPHARM đã về TP.HCM. VietNamNet.

 https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/mot-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-sinopharm-da-ve-den-tp-hcm-761525.html

 

5.  Facebook Thông tin Chính phủ. (2021). 

https://www.facebook.com/thongtinchinhphu/

 

6.  Đông, S. (2021, June 30). TP.HCM được CÁC DOANH nghiệp TÀI Trợ, GIỚI thiệu hơn chục TRIỆU LIỀU vắc XIN COVID-19. Báo Thanh Niên. 

https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-duoc-cac-doanh-nghiep-tai-tro-gioi-thieu-hon-chuc-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-1406746.html

 

7.  Online T. T. (2021a, July 31). Công điện Thủ tướng: 19 tỉnh thành phía Nam tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16, “ai ở đâu ở đấy.” TUOI TRE ONLINE. 

https://tuoitre.vn/cong-dien-thu-tuong-19-tinh-thanh-phia-nam-tiep-tuc-gian-cach-theo-chi-thi-16-ai-o-dau-o-day-20210731183929241.htm

 

8.  L. (2019, May 24). Luật Phòng, chống  bệnh truyền nhiễm năm 2007. LuatVietnam. 

https://luatvietnam.vn/y-te/luat-phong-chong-benh-truyen-nhiem-2007-33913-d1.html

 

9.  L. (2020, October 22). Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế. LuatVietnam. 

https://luatvietnam.vn/vi-pham-hanh-chinh/nghi-dinh-117-2020-nd-cp-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-linh-vuc-y-te-191577-d1.html

 

10.  WHO lists additional COVID-19 vaccine for emergency use and issues interim policy recommendations. (2021, May 7). WHO. 

https://www.who.int/news/item/07-05-2021-who-lists-additional-covid-19-vaccine-for-emergency-use-and-issues-interim-policy-recommendations

 

11.  WHO validates Sinovac COVID-19 vaccine for emergency use and issues interim policy recommendations. (2021, June 1). WHO. 

https://www.who.int/news/item/01-06-2021-who-validates-sinovac-covid-19-vaccine-for-emergency-use-and-issues-interim-policy-recommendations

 

12.  Hollingsworth, J. C. (2021, July 13). Sinovac, Sinopharm: COVAX signs deal for 550 million Chinese Covid-19 vaccines, even as efficacy questions grow. CNN. 

https://edition.cnn.com/2021/07/13/asia/covax-china-vaccines-intl-hnk/index.html

 

13.  Hart, J., & Russell, F. (2021, June 21). What are the Sinopharm and Sinovac vaccines? And how effective are they? Two experts explain. The Conversation. 

https://theconversation.com/what-are-the-sinopharm-and-sinovac-vaccines-and-how-effective-are-they-two-experts-explain-162258

 

14.  D. (2021, April 9). 33% phản ứng thông thường, 0,1% phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Covid-19. https://nld.com.vn

https://nld.com.vn/suc-khoe/33-phan-ung-thong-thuong-01-phan-ung-nang-sau-tiem-vac-xin-covid-19-20210409065239878.htm

 

15.  Reuters. (2021, June 29). Explainer: Are Chinese COVID-19 shots effective against the Delta variant? 

https://www.reuters.com/world/china/are-chinese-covid-19-shots-effective-against-delta-variant-2021-06-29/





 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats