Trần
Công Lân
08/07/2021
· by nganlau121212
https://nganlau.com/2021/08/07/tuong-quan-dan-chu/
Dân chủ: người dân, đảng chính trị và giới lãnh đạo.
Sau cuộc bầu cử 2020 sinh hoạt chính trị tại
nước Mỹ tưởng chừng trở lại bình thường nhưng không phải vậy. Đảng Dân Chủ với
sự đòi hỏi của phe cấp tiến (Progressive) đòi hỏi sự thay đổi nhanh hơn. Không
phải chỉ hồi phục những gì Trump đã phá bỏ mà còn đi xa hơn. Dĩ nhiên đảng Cộng
Hòa chống đối nhưng trong lúc nội bộ chia rẽ vì một phần chạy theo Trump với hy
vọng trở lại 2024; phần khác muốn ly khai với Trump để trở về truyền thống cũ.
Nhưng các nhà phân tích chính trị (*) vạch rõ
sự khác biệt giữa hai đảng là: Phe Dân Chủ lãnh đạo dựa trên chính sách
(Policy) để kêu gọi sự ủng hộ của quần chúng. Trong khi phe Cộng Hòa chủ trương
“sống còn” (survival). Đó không phải là sự ngẫu nhiên hay vô cớ. Nếu chúng ta
theo dõi chính trị Mỹ từ thập niên 1990s khi sự rạn nứt giữa hai đảng (không
còn sự thỏa hiệp để thông qua các dự luật, ngân sách hàng năm…) đưa đến sự đối
đầu có tính cách triệt hạ như kẻ thù (chủ tịch quốc hội Newt Gingrich với
Clinton).
Xung đột càng nặng hơn sau cuộc bầu cử 2000s
giữa Bush và Gore. Rồi đến biến cố 9/11 đưa đến cuộc chiến Afghanistan và Iraq.
Phe Cộng Hòa đã lợi dụng cuộc chiến để thủ lợi (Dick Cheney và Hãng
Halliburton) và sự lừa gạt thế giới một cách trắng trợn về việc Saddam Hussein
có vũ khí sát thương (mass destruction). Tiếp theo là sự thả lỏng lãi suất đã dẫn
đến sự sụp đổ tài chính 2007 khiến dân Mỹ mất nhà, việc làm, phá sản (12.8
trillions). Dĩ nhiên dân nghèo mất nhiều hơn và nếu bạn không mất của, mất nhà,
mất việc làm thì bạn phải đưa lưng gánh vác trách nhiệm xã hội (đóng thuế quận,
tiểu bang…) nhiều hơn để bù đắp cho con số hao hụt vì phá sản.
Thất bại của đảng Cộng Hoà dẫn đến sự thắng lợi
của đảng Dân Chủ khi chọn Obama là ứng cử viên tổng thống 2008. Nhưng thành
công đó cũng là khởi đầu của thất bại 2016 khi Trump thắng bà Clinton. Có lẽ
phe Dân Chủ không đo lường được hậu quả của việc chọn ứng cử viên da màu vào
Nhà Trắng đã khiến những người dân Mỹ còn mang nặng tính bảo thủ, kỳ thị, ám ảnh
của cuộc nội chiến mà các tiểu bang miền Nam (Confederate) vẫn âm thầm ôm ấp.
Nhìn thấy kẽ hở đó, Trump đã vận dụng, khai thác và thắng cử bất ngờ.
Lãnh đạo
Giới lãnh đạo của đảng Cộng Hòa bắt đầu suy
thoái sau khi Clinton thắng Bush 1992 và đề nghị chương trình y tế (healthcare
plan). Chủ tịch Quốc Hội Gingrich đã đưa ra khế ước với nước Mỹ (Contract to
America) để xuyên tạc chương trình y tế khiến Clinton phải bỏ dở dang. Mầm mống
gian dối để thắng bắt đầu từ đó và tiếp tục suốt 2 nhiệm kỳ của Bush II
(2000-2008). Khi phe Cộng Hòa cầm quyền thì mục đích chính là cắt giảm chính
quyền trung ương từ môi sinh, giáo dục, an sinh xã hội, thuế… trong khi tăng cường
khai thác dầu khí, quốc phòng, mậu dịch …. Tuy luôn luôn nhắc đến tạo công việc
cho dân Mỹ nhưng thực sự các công ty đã đem việc làm đến các nước Á Châu có
nhân công rẻ mạt và kết quả là lương của các chủ tịch công ty, cổ phiếu tăng vọt.
Dĩ nhiên chỉ có dân nhà giàu hưởng lợi.
Khi Obama thông qua luật y tế thì phe Cộng Hòa
tăng cường chiến dịch xuyên tạc, bôi xấu (scare tactics) để lấy lại Quốc Hội
2010 và từ đó phá đám tất cả những gì Obama dự tính trong suốt thời gian
2010-2016.
Đảng
Khi người dân Mỹ chật vật vì các việc làm về sản
xuất đã di chuyển ra nước ngoài và kỹ thuật tân tiến khiến người nghèo không đủ
khả năng bắt kịp đà tiến của nền kinh tế hiện đại thì bất mãn đã âm ỷ tại các
tiểu bang miền Nam và Trung Tây (MidWest). Đó cũng là nơi tập trung các thành
phần kỳ thị, quá khích, võ trang tự vệ (militia) không có cơ hội tham dự các việc
làm tốt (chỉ tụ tập hai bên bờ đại dương). Đảng Cộng Hòa triệt để khai thác các
tiểu bang đỏ (Red states) để tranh thắng trong các cuộc bầu cử nhưng họ đã
không chuẩn bị nhân vật lãnh đạo. Nhìn vào các nhân vật Thống Đốc của các tiểu
bang đỏ và tại Thượng Viện là những người có cơ may ra tranh cử tổng thống mà
qua các việc làm, tranh luận chỉ cho thấy tầm nhìn quá kém cỏi (Scott Walker,
Bob Jindal). Thay vì chú trọng vào giải quyết vấn đề thì họ chỉ chú trọng đến
việc đánh gục đối thủ bằng thủ đoạn. Đó là điều mà đến 2020 các nhà phân tích gọi
là “sự sống còn” (survival) của đảng thay vì đưa ra chính sách (policy) để dân
chọn lựa cho tương lai đất nước.
Nếu sinh hoạt dân chủ cho phép các đảng chính
trị (chính sách để cai trị) tranh cử để cầm quyền và người dân có thể tham dự bằng
cách đặt câu hỏi để tìm hiểu về chính sách. Nhưng khi đảng chính trị dùng thủ
đoạn để tranh cử, thì bất cứ thủ đoạn nào cũng có thể áp dụng miễn là đem lại kết
quả: loại trừ đối thủ tiếp tục cầm quyền (thí dụ: tạo việc làm, tăng lương, cắt
thuế, nợ cho con cháu…). Và khi dùng thủ đoạn thì chỉ nghĩ đến bản thân, không
còn là phục vụ người dân nữa. Nhưng người dân Mỹ có hiểu như vậy không?
Một khi bị mù quáng bởi những thủ đoạn mỵ dân,
khơi dậy những bất mãn cá nhân đã bị đè nén quá lâu thì ngay cả những âm mưu ngớ
ngẩn nhất mà bộ máy tranh cử của Trump đưa ra cũng có thể là sự thật. Chỉ vì
người dân đã mất sự lý luận để tìm sự thật mà chỉ thích nghe những gì họ muốn
nghe. Họ tin rằng những nhà chính trị như vậy sẽ làm lợi cho họ mà không biết rằng
chính họ đang bị lợi dụng. Họ không biết rằng kẻ thù của nền dân chủ đang lợi dụng
sinh hoạt dân chủ để phá hủy cơ chế dân chủ. Kết quả là chúng ta có ngày
1/6/2021: Quốc Hội bị tấn công bởi những kẻ nổi loạn.
Họ (những kẻ nổi loạn) có đi bầu không?
Nếu không thì họ là kẻ đứng ngoài, có gian lận
hay không gian lận thì có liên quan gì tới kẻ đứng ngoài?
Nếu đã đi bầu (và các kỳ bầu cử trước đó) thì
họ phải tin vào hệ thống kiểm phiếu, về các đại diện dân cử có trách nhiệm kiểm
phiếu. Như vậy thì tại sao khi thua lại chống đối?
Nếu có gian lận thì tại sao không xảy ra từ
trước mà bây giờ mới xảy ra? Tại sao không xảy ra ở địa phương ABC mà lại
xảy ra ở XYZ? Đã ăn gian thì phải ăn gian hết. Còn bảo có gian lận mà không có
chứng cớ thì ai gian lận ai?
Cho tới khi đảng Cộng Hòa thua và mất 2 ghế
Thượng Nghị Sĩ tại Georgia thì cán cân tại Thượng Viện là 50/50. Dĩ nhiên phe Cộng
Hòa cố gắng chống lại chính sách của Biden. Nhưng chống như thế nào? Phe Dân Chủ
đã vặn hỏi: “Bạn chống với mục đích gì? Chiến lược (hay kế hoạch) của bạn ra
sao?” (what is your goal? what is your strategy?).
Bạn (đảng Cộng Hoà) không đồng ý về sự thay đổi
khí hậu (climate change)? Vậy hãy chứng minh qua khoa học, kỹ thuật chứ đừng phản
đối (hay đe dọa) một cách ngu xuẩn như là tố cáo Biden (đảng Dân Chủ) sẽ bắt
dân không được ăn thịt, trứng, sữa hay uống bia “chay”? **
Đó là thất bại của giới lãnh đạo đảng Cộng
Hòa.
Nhưng đảng viên và cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa
có thấy như vậy không?
Sự phân hoá trong đảng Cộng Hòa sau cuộc bầu cử
2020 cho thấy giới lãnh đạo tại địa phương (các tiểu bang đỏ) và tại trung ương
(Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu Quốc Hội đòi bác bỏ kết quả bầu cử 2020 vì cho là
gian lận nhưng lại không có chứng cớ và quên rằng nếu đã có gian lận thì tại
sao chính họ lại đắc cử?) không còn khả năng để lãnh đạo ngoại trừ xúi bậy, nói
nhảm và phá thối.
Dân chủ
Thất bại trong việc hủy bỏ luật y tế (ACA) cho
thấy phe Cộng Hòa không có thiện chí xây dựng mà chỉ phá hôi. Bế tắc của chính
trị Hoa Thịnh Đốn đã mở đường cho Trump ra tranh cử đánh bại 15 ứng cử viên
khác của đảng Cộng Hòa 2016.
Từ khi nhóm Tea Party của đảng Cộng Hòa đã phá
hôi (chỉ đả phá mà không đưa ra ý kiến xây dựng) thì hoạt động của giới lãnh đạo
Cộng Hòa đi vào bế tắc vì không giải quyết được xung đột để thi hành nhiệm vụ
soạn thảo các đạo luật cần thiết cho nhu cầu đất nước. Khi các tờ báo lớn nhỏ dần
dần bị đào thải vì mạng xã hội xuất hiện nên phải bán cho các nhà tỷ phú (cũng
như các đài phát thanh, truyền hình) và từ đó vai trò của giới truyền thông bị
bóp méo.
Thêm vào đó phán quyết của Tối Cao Pháp Viện
(United citizen, 2010) cho phép các công ty với tư cách pháp nhân được đóng tiền
cho các cuộc vận động tranh cử. Từ đó sinh hoạt dân chủ tại Mỹ bị đảo lộn vì giới
nhà giàu thao túng bầu cử qua các ủy ban tranh cử độc lập (super PAC). Các đại
diện dân cử chạy theo các nhóm vận động (lobby) để kiếm tiền tái tranh cử. Và
tiền được dùng để thuê mướn những kẻ ném đá giấu tay, bôi xấu đối thủ… khiến những
ứng cử viên lương thiện phải bỏ cuộc. Kết quả là Quốc Hội là nơi tập trung những
kẻ bất tài, lưu manh hơn là phục vụ nhân dân. Tiền và thủ đoạn thắng thế mở đường
cho Trump là kẻ biết khai thác máu kỳ thị, quá khích đang âm ỷ trong thiểu số
dân Mỹ còn ấm ức từ thời nội chiến (lá cờ Confederate) cho tới hình ảnh Obama
trong Nhà Trắng.
Sinh hoạt dân chủ luôn luôn thay đổi tùy theo
sự tham dự của quần chúng. Khi nền dân chủ bị đe dọa bởi những nhóm hoạt động
(activist) lớn tiếng la lối, có thái độ quá khích để gây bạo động và nghĩ rằng
sự liều lĩnh đó sẽ đem lại lợi thế cho họ và áp lực chính quyền (giới lãnh đạo)
phải thỏa mãn yêu sách của họ mà quên đi là đó cũng là con đường đi tới độc
tài, chuyên chế.
Khi sinh hoạt dân chủ, trong quần chúng, chỉ
là biểu tình, đập phá (looting), hay hùa theo (populism, Occupy Wall Street) mà
không có giải pháp hay đề nghị cụ thể thì cũng sẽ chìm xuồng. Nếu là giới lãnh
đạo Quốc Hội, giữa đa số và thiểu số, mà chỉ biết phá đám (Tea party) qua sự chống
đối, bất hợp tác (compromise) mà không đưa ra được ý kiến sửa đổi (thuế, cân bằng
ngân sách, môi sinh, khí hậu…) hoặc là bỏ quên quyền lợi cử tri để chạy theo
các đại công ty, tư bản (đổi lấy tiền ủng hộ khi tái tranh cử). Rõ ràng, đó
không phải là dân chủ.
Khi giới truyền thông (media) đánh mất niềm
tin nơi quần chúng khiến họ quay sang mạng xã hội (social media) mà người dân
quên rằng giới truyền thông có trách nhiệm và luật lệ quy định. Trong khi những
cá nhân “múa mỏ” trên mạng xã hội chỉ là những kẻ vô trách nhiệm (không ai biết
lý lịch của họ là ai) cũng như kẻ ủng hộ có khả năng suy nghĩ và phân tích vấn
đề để biết thực-hư ra sao.
Nền dân chủ Mỹ tuy được yểm trợ bởi khoa học kỹ
thuật tân tiến nhưng xem ra trình độ lý luận của người dân và giới lãnh đạo
ngày càng thụt lùi khi các cuộc tranh luận nghiêm chỉnh đã không xảy ra để giải
quyết những vấn đề quan trọng của con người, đất nước và xã hội.
Đảng Dân Chủ không phải là có lãnh đạo tài ba
gì nhưng ít nhất đảng Dân Chủ dựa trên chính sách (policy) và như vậy người dân
có thể đóng góp (đồng ý hay sửa đổi) trong khi đảng Cộng Hòa chỉ dựa vào sự dọa
dẫm (scare tactic, jobs), xuyên tạc (thuế, nợ con cháu), âm mưu hoang đường
(conspiracy theory), vô trách nhiệm (move on, I have no responsibility). Nếu cộng
đồng người Mỹ gốc Việt không đóng góp cho sinh hoạt dân chủ tại Mỹ thì mong gì
xây dựng dân chủ cho Việt Nam tương lai?
Trần Công Lân
Tháng 4 năm 2021 (Việt lịch 4900)
-----------------------------------------------
XEM THÊM
Đảng Cộng
Hòa Sẽ Đi Về Đâu (P1)?
Đảng Cộng
Hòa Sẽ Đi Về Đâu (P2)?
No comments:
Post a Comment