Trung Quốc cay cú vì không soán được ngôi Cường Quốc Thế
Vận số 1 của Mỹ
Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày: 12/08/2021 - 12:34
Trong hầu như tất cả các kỳ Thế Vận Hội, Hoa Kỳ đều
đứng đầu bảng xếp hạng về số danh hiệu vô địch thế vận đoạt được. Ngoại lệ duy
nhất gần đây là tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, khi Mỹ bị Trung Quốc vượt qua về
số huy chương vàng. Luôn ngấp nghé soán đoạt ngôi vị “Cường Quốc Thế Vận” Số 1
từ tay Mỹ, tại Thế Vận Hội Tokyo 2020 vừa bế mạc hôm 08/08/2021, Bắc Kinh rất
cay cú vì suýt nữa đã thành công trước khi bị thất bại vào giờ chót.
Đội bóng chuyễn nữ
đã mang lại huy chương vàng thứ 39 cho đoàn Mỹ tại Thế Vận Hội Tokyo 2020 ngày
08/08/2021, giúp Hoa Kỳ vượt qua Trung Quốc về số huy chương vàng. AP -
Manu Fernandez
Cuộc đấu tranh Mỹ-Trung để giành vị trí cường
quốc thể thao hàng đầu thế giới đó đã được tuần báo Pháp Le Point chú ý. Ngày
08/08 vừa qua, trong một bài phân tích mang tựa đề hóm hỉnh “Chiến lược (gần
như) toàn thắng của Trung Quốc tại Thế Vận Hội”, tờ báo Pháp đã nêu bật bí quyết
thành công của Trung Quốc, đã được Bắc Kinh áp dụng trong lãnh vực địa chính trị:
Huy động quần chúng tấn công vào những lãnh vực bị bỏ bê - tức là những bộ môn
thể thao ít nổi tiếng.
Trung Quốc bị Mỹ
vượt qua trong gang tấc vào giờ chót
Phải nói là tại Thế Vận Hội Tokyo lần này,
Trung Quốc rất cay cú, vì bị Mỹ vượt qua trong gang tấc về số huy chương vàng
giành được vào ngày thi đấu cuối cùng (08/08), sau khi đã liên tục dẫn đầu bảng
xếp hạng huy chương ngay từ ngày thi đấu đầu tiên (24/07).
Thật vậy, cho đến ngày 07/08, tức là một hôm
trước lúc Thế Vận Hội bế mạc, Trung Quốc vẫn đứng hạng nhất với 38 huy chương
vàng, trong lúc Hoa Kỳ đứng hạng nhì với 36 huy chương.
Thế nhưng, bước qua ngày thi đấu cuối cùng
08/08, các vận động viên bóng rổ nữ của Mỹ, cùng với tay đua xe đạp nữ Jennifer
Valente trong môn đua trong sân lòng chảo đã chiến thắng trong trận chung kết,
đã giúp đoàn Mỹ vươn lên đứng đầu bảng vàng Thế Vận Hội Tokyo, với 38 huy
chương vàng như Trung Quốc, nhưng hơn hẳn về tổng số huy chương.
Cú ân huệ giáng vào đoàn Trung Quốc đến từ đội
tuyển bóng chuyền nữ Hoa Kỳ, đã xuất sắc đánh bại đội Brazil (đứng thứ hai thế
giới) để mang về thêm một huy chương vàng cho đoàn Mỹ và vượt qua đoàn Trung Quốc
cả về số danh hiệu thế vận.
“Ngụy tạo” hay “nhận
vơ” thành tích
Trên bảng vàng thế vận, vị trí số một của Mỹ
là điều không tranh cãi. Ngoài 39 huy chương vàng, vốn được dùng là tiêu chí xếp
hạng chính, Mỹ còn hơn xa Trung Quốc về số huy chương bạc, (41 so với 32), cũng
như đồng (33 so với 18). Thế nhưng, đó là một thực tế mà Bắc Kinh không thể chấp
nhận và sẵn sàng bẻ cong.
Báo chí Mỹ, cụ thể là tờ New York Post (ngày
10/08) và tờ Washington Free Beacon ngày (09/08) đã phát hiện việc một số
phương tiện truyền thông Nhà Nước Trung Quốc không ngần ngại “ngụy tạo” thành
tích của đoàn Trung Quốc tại Thế Vận Hội Tokyo 2020, bằng cách nhận vơ huy
chương của Hồng Kông và Đài Loan, được Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế xếp vào diện các
phái đoàn độc lập.
Một cách cụ thể, đài Truyền Hình Trung Ương
Trung Quốc CCTV ngày 09/08 đã công bố trên tài khoản Instagram của họ một bảng
xếp hạng huy chương trong đó Trung Quốc đứng đầu với 42 huy chương vàng, trong
lúc Hoa Kỳ chỉ đứng thứ hai với 39 huy chương.
Bản xếp hạng này đã gộp luôn hai huy chương
vàng của vận động viên Đài Loan (ở bộ môn cử tạ và cầu lông) và một huy chương
vàng của Hồng Kông (ở bộ môn đấu kiếm). Mạng xã hội Vi Bác của Trung Quốc dĩ
nhiên đã loan truyền rộng rãi bảng thành tích “nhận vơ” này, vì trên bảng xếp hạng
chính thống, Đài Loan, Hồng Kông và Macao đều được tính là những thực thể riêng
biệt với Trung Quốc.
Cũng như thế, theo trang tin Đài Loan Taiwan
News, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng gộp chung thành tích của Đài Loan, Hồng
Kông và Macao vào kết quả của đoàn Trung Quốc, đẩy tổng số huy chương giành được
lên thành 110 chiếc (bao gồm 42 vàng, 37 bạc và 27 đồng), hơn hẳn con số được
quốc tế công nhận là 88.
Chiến lược ưu tiên
các môn thể thao “thứ yếu”
Bên cạnh các thủ thuật mang nặng tính chất cay
cú đó, có một điểm mà tất cả các nhà phân tích đều công nhận là Trung Quốc đã
thành công trong việc vươn lên giành các vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng
các cường quốc thế vận. Bí quyết thành công của Trung Quốc là một chiến lược được
tính toán cẩn thận, từ việc phát hiện sớm và đào tạo các tài năng, cho đến việc
- và đây là yếu tố quan trọng nhất - đầu tư vào các bộ môn thể thao gọi là “thứ
yếu”, ít được báo chí chú ý và không được các “đại gia” quan tâm nhiều.
Theo ghi nhận của tuần báo Pháp Le Point, một
chi tiết tại Thế Vận Hội Tokyo lần này phản ánh rõ rệt chiến lược đó của Trung
Quốc: 3/4 số huy chương mà nước này giành được tập trung ở 6 bộ môn: bóng bàn,
bắn súng, nhẩy cầu, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ. Ngoài ra các môn thể
thao cá nhân cũng được chú ý vì dễ huấn luyện một người, thay vì các môn thể
thao đồng đội, cần đến một sự gắn bó tập thể khó tìm hơn, trong lúc kết quả lại
tùy thuộc vào những tình huống khách quan khó làm chủ hơn.
Điểm lý thú được tuần báo Pháp ghi nhận là chiến
lược mà Trung Quốc áp dụng trong lãnh vực thể thao về cơ bản rất giống với những
gì mà nước này đang thực hiện trong lãnh vực kinh tế và địa chính trị, với những
thành công nhất định.
Thay vì cố gắng đánh bại bằng mọi giá các ngôi
sao thế vận Hoa Kỳ trên đường đua tốc độ hay trên sân bóng rổ, Trung Quốc đã nhắm
vào cử tạ, thể dục dụng cụ và các môn thể thao khác bị coi là thứ yếu. Điều này
giống như việc Bắc Kinh tránh thách thức trật tự thế giới được tổ chức xung
quanh Hoa Kỳ, mà tập trung tấn công vào các mặt trận thứ yếu như công nghiệp
hàng tiêu dùng và cơ sở hạ tầng, trong khi những nhà hoạch định chính sách kinh
tế ở các nước giàu thì quan tâm nhiều hơn đến tài chính, dịch vụ và công nghệ mới.
Tương tự như vậy, để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu
của mình, Bắc Kinh trước hết đã cố chiêu dụ các nước đang phát triển, bằng cách
chỉ trích một hệ thống quốc tế có lợi cho các cường quốc, và bằng cách đầu tư mạnh
vào châu Phi và châu Á thông qua những “con đường tơ lụa mới”.
Kết quả là ngày nay, Trung Quốc đã kiểm soát
được một số tổ chức quốc tế, và vô hiệu hóa được nhiều đồng minh của Mỹ, khiến
các nước này không thể lên tiếng chống lại Bắc Kinh trước nguy cơ bị trả đũa
thương mại.
Trong thể thao cũng như trên đấu trường thế giới,
nước Trung Hoa Cộng Sản đã vươn lên rất nhanh, trong vòng chưa đầy 40 năm, tính
từ khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chính thức tham dự Thế Vận Hội đầu tiên vào
năm 1984 tại Los Angeles, khi GDP bình quân đầu người của họ còn thấp hơn cả Ấn
Độ.
No comments:
Post a Comment