Friday, 6 August 2021

THUỐC REMDESIVIR DO VINGROUP NHẬP VỀ LIÊN QUAN GÌ TỚI MỸ? (Đỗ Hùng)

 


THUỐC REMDESIVIR DO VINGROUP NHẬP VỀ LIÊN QUAN GÌ TỚI MỸ?   

Đỗ Hùng

06/08/2021  03:42    

https://www.facebook.com/mitodohung/posts/10165454166975612

 

Báo chí cho biết Vingroup vừa chốt đơn mua 500.000 lọ thuốc Remdesivir. Ban đầu nhiều tờ báo viết không rõ ràng và liên hệ tới chuyện FDA của Mỹ phê chuẩn sử dụng thuốc này khẩn cấp trong điều trị Covid-19 nên gây nhầm lẫn thuốc này được nhập từ Mỹ.

 

Về sau, thông tin rõ ràng hơn, với sự xuất hiện của Đại sứ Phạm Sanh Châu, thì người ta mới biết thuốc này nhập từ Ấn Độ.

Remdesivir được bán tại Mỹ với tên thương mại (biệt dược) là Veklury, do công ty Gilead nghiên cứu và sản xuất.

 

Nó vốn được sản xuất để điều trị viêm gan C, sau đó nghiên cứu thêm tác dụng điều trị Ebola và bệnh do vi rút Marburg. Giờ đây nó được một số nước sử dụng hỗ trợ điều trị các ca Covid-19 nặng.

 

Còn sản phẩm mà Việt Nam nhập về là Remdesivir do công ty Cipla của Ấn Độ sản xuất. Nó là thuốc tiêm, có tên biệt dược là Cipremi.

 

Đây là thuốc được sản xuất theo dạng sao chép công thức, công nghệ (generic drug) của sản phẩm chính hãng.

 

"Generic drug" trên Wikipedia được dịch sang tiếng Việt là “thuốc gốc”, mà cái từ "gốc" này dễ gây hiểu lầm rằng nó mới là hàng chính hiệu (nhà tôi ba đời làm nem cua bể chính gốc). Thực ra, generic nên hiểu theo nghĩa ngược lại, đó là sản phẩm sản xuất theo công nghệ của một sản phẩm chính hãng, tức sao chép công nghệ, công thức của sản phẩm gốc.

 

Cụ thể trong trường hợp này, Gilead nghiên cứu và phát triển ra sản phẩm gốc là Remdesivir, sau đó khi đem đi bán thì sử dụng tên thương mại là Veklury. Còn Cipla sản xuất Remdesivir theo dạng "generic drug" (lấy công thức của Gilead) và phân phối với tên gọi Cipremi.

 

Việc sao chép (generic drug) được thực hiện dưới nhiều hình thức: khi sản phẩm chính gốc kia hết thời hạn bảo hộ; được công ty sở hữu công nghệ tình nguyện cho phép sản xuất; đôi khi nó là sản phẩm ăn cắp công nghệ vì mục đích (hoặc nhân danh mục đích) cung cấp thuốc giá rẻ để cứu người tại các nước nghèo…

 

Đối với sản phẩm Remdesivir thì Gilead (Mỹ), là công ty nghiên cứu và phát triển thuốc này, đã có thỏa thuận tình nguyện cho phép Cipla (và một số công ty khác) sản xuất thuốc generic theo công nghệ của Gilead.

 

Thỏa thuận cũng cho phép Cipla và các công ty nhận được giấy phép có thể phân phối tới 127 quốc gia (đa phần là nước nghèo, bao gồm Việt Nam) để phục vụ cuộc chiến chống Covid-19 với mức giá tùy theo quyết định của bên nhận giấy phép (tức những công ty như Cipla được quyền quyết định về giá).

 

Thỏa thuận tự nguyện của Gilead là thỏa thuận miễn phí (không lấy phí bản quyền) trong thời gian WHO tuyên bố Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế.

 

Một công ty khác của Ấn Độ cũng sản xuất Remdesivir theo dạng này, đó là Hetero với tên biệt dược là Covifor.

 

Thuốc chữa bệnh được nhập về để cứu người lúc này là vô cùng quý giá, nhưng cũng đừng nên thần thánh hóa công dụng. Nên nhớ Remdesivir vốn được tạo ra không phải để điều trị Covid-19 mà là viêm gan C. Việc sử dụng nó để hỗ trợ điều trị Covid-19 được đánh giá là có thể giúp rút ngắn thời gian hồi phục của các ca nặng, nhưng các tác dụng chính/phụ của nó vẫn chưa được lường hết và nghiên cứu hết nên vẫn có rất nhiều khuyến cáo không sử dụng, bao gồm cả WHO.

 

Thêm nữa, đây là thuốc sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ, không phải là thứ có thể ra tiệm thuốc tây để mua.

 

Nói chung trong khi tiêm vắc xin còn khó khăn và hiệu quả cũng còn nhiều dấu hỏi, thuốc điều trị đặc hiệu chưa có, thì phòng bệnh bằng 5K, 10K vẫn mang ý nghĩa sống còn.

---

 

Nguồn tham khảo:

 

Câu chuyện ra đời của Remdesivir:

https://www.gilead.com/.../gilead_rdv-development-fact...

 

FDA duyệt sử dụng khẩn cấp:

https://www.fda.gov/.../fda-approves-first-treatment...

 

Sự cho phép của Gilead:

https://www.gilead.com/.../voluntary-licensing-agreements...

 

WHO cảnh báo:

https://www.who.int/.../who-recommends-against-the-use-of...

 

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10165454154235612&set=a.10150349345110612

 

 

21 BÌNH LUẬN  

 

*

Nga Pham

Tuy nhiên nay người ta đang cải tiến để nâng cao công dụng của thuốc này

https://www.theguardian.com/.../remdesivir-dont-use-drug...

THEGUARDIAN.COM

Remdesivir: don't use drug Trump took for Covid-19, WHO says

 

*

Lưu Hữu Công

Tức

- Veklury là thuốc (Biệt dược gốc) được nghiên cứu và sáng chế đầu tiên, được cấp giấy bản quyền và sx độc quyền trong một thời gian tuỳ vào từng nước quy định.

- Cipremi là thuốc (generic) được sx bởi cty khác dựa trên công thức của thuốc biệt dược gốc, tất nhiên là sau khi thuốc gốc đã hết hạn độc quyền hoặc được cty kia đồng ý cho sản xuất

 

*

Nhã Hoàng

Đại sứ Phạm Sanh Châu:

Chúng tôi kết nối với tập đoàn Vingroup khi họ đang ráo riết triển khai mua thuốc tặng Bộ Y tế. Thời điểm đó, phía Vingroup có các đầu mối để mua thuốc rồi nhưng các đối tác này không được phép xuất khẩu Remdesivir ra khỏi biên giới Ấn Độ. Do nằm trong danh mục thiết yếu nên xuất khẩu Remdesivir cần có sự chấp thuận của liên bộ bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Dược và Bộ Y tế Ấn Độ.

 

Với mong muốn đưa thuốc điều trị Covid-19 về Việt Nam, Vingroup đã nhờ Chính phủ, Bộ Y tế và Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ tác động. Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc xin điều trị Covid-19 của Đại sứ quán đã ngay lập thức được triển khai thành 2 mũi. Mũi 1 đàm phán với các bộ ngành của Ấn Độ để xin giấy phép xuất khẩu. Nhóm thứ 2 đàm phán với từng công ty dược của Ấn Độ để "thu lượm" từng liều thuốc Remdesivir có thể dành cho Việt Nam.

 

Được sự hỗ trợ của Bộ Y tế Ấn Độ, Đại sứ quán đã liên hệ được với 6 công ty dược khác nhau của Ấn Độ với tổng số 1 triệu liều Remdesivir. Đây là số thuốc họ cân đối từ các nguồn để sẵn sàng bán cho Việt Nam trong 30 ngày tới. Việc đàm phán nguồn cung diễn ra song song với nỗ lực xin cấp phép xuất khẩu thuốc sang Việt Nam.

 

Hiện tại, Vingroup đã mua 500.000 liều Remdesivir trong số 1 triệu liều này. Nếu doanh nghiệp nào khác ở Việt Nam muốn mua, Đại sứ quán sẽ hỗ trợ các thủ tục. Thực tế, có được lượng thuốc này rất đáng quý, nhất là khi các công ty dược của Ấn Độ phải dành nguồn cung, vốn đã rất hạn chế, cho các nước được coi là ưu tiên trong chiến dịch Ngoại giao Covid-19 của Ấn Độ, chẳng hạn như các nước láng giềng như Nepal hay Bangladesh.

https://toquoc.vn/dai-su-pham-sanh-chau-ke-chuyen-dam...

TOQUOC.VN

Đại sứ Phạm Sanh Châu kể chuyện đàm phán 1 triệu liều thuốc chữa Covid-19: CEO công ty dược Ấn Độ phải nể phục quyết tâm hành động của Việt Nam

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats