Sunday, 22 August 2021

THỜI CƠ KHÔNG MUỐN (Nguyễn Thông)

 



THỜI CƠ KHÔNG MUỐN

Nguyễn Thông

21/08/2021  23:40   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1019628232204569&id=100024722048900

 

Báo Thanh Niên (nơi tôi từng tòng sự 20 năm) sáng nay 22.8 ra thông báo sẽ tự đình bản báo in 3 tuần, tới sau ngày 15.9 mới xem xét khả năng quay trở lại.

 

Các bạn tôi ở đó đã cố hết sức rồi, cực chẳng đã mới phải chọn cách ấy. Nghĩ rất thương. In ra không được đem đi bán (phát hành), không có người mua, dẫu tiền núi cũng cạn. Tự chủ tài chính, tự hạch toán để nuôi mình, đã đứng vững được khá lâu, nay gặp cơn đại dịch mới ra nông nỗi này.

 

Đó là tin buồn cho bản báo, nhưng cũng nói lên thực trạng của báo chí trong đại dịch. Đây cũng là kết quả tất yếu của báo chí quốc doanh bao năm nay vừa phải ép mình thông tin theo định hướng, vừa không cạnh tranh nổi mạng xã hội, giờ thêm dịch như nhát búa đóng cái đinh cuối vào hòm sự nghiệp để tiễn đưa. Tôi nói báo chí nói chung chứ không phải riêng Thanh Niên.

 

Có lẽ dịch (kéo dài không biết bao giờ mới chấm dứt, cuộc sống mới quay lại "bình thường mới") là điều kiện bắt buộc và cơ hội để nhà cai trị nhìn nhận, xử lý lại nhiều vấn đề cho phù hợp với đời sống luôn thay đổi.

 

Còn bao cấp (cả về tiền bạc và tư tưởng), quản lý báo chí như lâu nay, còn chết. Có thể hôm nay là Thanh Niên, mai sẽ là Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong... Cũng như rứa thôi, không thoát được. Bắt nó đeo vòng kim cô, không khác gì tuyên cho nó cái án tử. Phải tự do báo chí, để báo chí hoạt động theo kinh tế thị trường và tuân thủ pháp luật, chứ không phải theo cây đũa chỉ huy sứt sẹo của tuyên giáo. Khi ấy, nó sẽ tự tìm được đường sống, tự có cách tồn tại.

 

Với những thứ như báo Nhân Dân, Công an, Quân đội, tivi VTV, chấm dứt ngay việc lấy ngân sách/thuế của dân để nuôi. Không ai cấm chúng tồn tại, nhưng tay làm hàm nhai, tự kiếm tiền mà sống. Rất vô lý khi dân cứ phải nuôi thứ chỉ phục vụ cho đảng.

 

Lúc này cũng là thời điểm để nhận ra rằng phải xóa bỏ hình thức doanh nghiệp nhà nước. Tất cả đều cần được tư nhân hóa, làm giỏi thì tồn tại và phát triển, không có cái thói cứ khó khăn lỗ lã lại lấy tiền ngân sách cứu doanh nghiệp nhà nước. Đã cứu thì cứu chung, không phân biệt, bởi tất cả đều đóng góp cho nền kinh tế quốc gia. Thử nhìn xem những nước tư bản phát triển, họ đâu có cần doanh nghiệp nhà nước, mà cứ thế đi lên, vững vàng, dân đều được nhờ cậy. Các hãng hàng không chẳng hạn.

 

Không ở đâu lại sinh ra thứ dở hơi kinh tế thị trường có đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa như ở xứ này. Họ tự ca ngợi đó là sáng tạo, trí tuệ, bản sắc, kỳ thực chỉ cố chấp, cổ hủ, chắp vá, nửa dơi nửa chuột. Thiếu hẳn bản lĩnh quyết đoán, thiếu đầu óc minh mẫn, cứ u u mê mê, ù ù cạc cạc mãi thì dẫu dò dẫm trăm năm, nghìn năm cũng không có đường ra. Cưỡng lại bánh xe lịch sử, sớm muộn cũng bị nó nghiền nát.

 

Những đường lối, nguyên lý, chủ trương "nhờ" dịch mà bộc lộ sự lỗi thời, kém cỏi, còn tiếc gì không ném nó vào sọt rác.

 

Thông cào

 

136 BÌNH LUẬN

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats