Wednesday, 11 August 2021

TẨY CHAY THẾ VẬN HỘI MÙA ĐÔNG BẮC KINH : NÊN CHĂNG? (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Tẩy chay Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh: Nên chăng?

Hiếu Chân/Người Việt

August 10, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tay-chay-the-van-hoi-mua-dong-bac-kinh-nen-chang/

 

Khi ngọn lửa trên hỏa đài của sân vận động Tokyo bắt đầu tàn, kết thúc Thế Vận Hội mùa Hè Tokyo 2020 tối Chủ Nhật, 8 Tháng Tám vừa qua, người hâm mộ thể thao bắt đầu nhắm tới Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, sẽ diễn ra chỉ trong sáu tháng nữa.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/08/A1-Tay-chay-The-van-hoi-Bac-Kinh-1068x712.jpg

Những người Tây Tạng lưu vong sử dụng biểu tượng năm vòng tròn Olympic trong cuộc biểu tình chống Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 tại Dharamsala, Ấn Độ, hồi đầu năm nay. (Hình: AP Photo/Ashwini Bhatia, File)

 

Nhưng không giống những ngày hội thể thao toàn cầu khác, Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 đang làm dấy lên một phong trào phản kháng, kêu gọi tẩy chay sự kiện này để phản đối chính sách đàn áp nhân quyền của chính phủ Trung Quốc tại Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và cả với người bất đồng chính kiến ở Hoa Lục.

 

Thế Vận Hội và nhân quyền

 

Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 theo kế hoạch sẽ diễn ra từ ngày 4 Tháng Hai và kéo dài hai tuần lễ. Đây là lần thứ hai Trung Quốc chủ trì tổ chức Thế Vận Hội trong vòng 15 năm. Lần trước, Thế Vận Hội mùa Hè Bắc Kinh 2008 cũng bị dư luận phản đối nhưng Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC) trấn an rằng việc Thế Vận Hội sẽ giúp cải thiện thành tích nhân quyền của Trung Quốc.

 

Nhưng thực tế, Thế Vận Hội đã không làm Trung Quốc thay đổi như IOC hy vọng, và sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ thay đổi.

 

Nhìn lại 12 năm qua, đã xảy ra một xu thế theo hướng ngược lại, thay vì Olympic làm thay đổi Trung Quốc thì Trung Quốc lợi dụng Olympic để thay đổi hình ảnh của mình trên trường quốc tế, thể hiện một cường quốc đang lên.

 

Những chính sách và chiến lược đàn áp nhân quyền của Bắc Kinh chẳng những không giảm bớt mà ngày càng hung hăng và tàn bạo, đày ải hàng triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương, đồng hóa và xóa bỏ bản sắc văn hóa tín ngưỡng của Tây Tạng, tước đoạt quyền tự do dân chủ của người dân Hồng Kông, giam giữ tùy tiện hàng ngàn luật sư, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc lục địa; liên tục đe dọa Đài Loan và các nước láng giềng Đông Nam Á, gây mất an ninh và bất ổn cho cả khu vực Đông Á.

 

Điểm nóng nhất là Tân Cương. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Anh, Quốc Hội Canada và Hòa Lan, cùng nhiều chuyên gia pháp lý quốc tế đã công nhận những tội ác của Trung Quốc ở Đông Turkestan – mà Trung Quốc đã chiếm và đặt tên là khu tự trị Tân Cương – là “tội diệt chủng.”

 

Sự đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống của Bắc Kinh là trái hẳn với tinh thần và triết lý của phong trào Olympic quốc tế, được quy định trong Hiến Chương Olympic: “Mục đích của phong trào Olympic là đem thể thao phục vụ sự phát triển hài hòa của nhân loại, với quan niệm thúc đẩy một xã hội hòa bình, quan tâm tới sự bảo vệ phẩm giá của con người.”

 

Chính vì thế, ngay từ năm ngoái đã có phong trào phản đối Thế Vận Hội Bắc Kinh. Hồi Tháng Hai, 2021, một tập hợp 180 tổ chức nhân quyền toàn cầu đã gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh 2022, “bảo đảm Thế Vận Hội sẽ không bị Bắc Kinh lợi dụng để khuyến khích sự lạm dụng nhân quyền khủng khiếp và đàn áp người bất đồng chính kiến.” Các tổ chức này cho rằng các chính trị gia “tham dự Olympic Bắc Kinh là nhắm mắt bịt tai trước những hành vi lạm dụng đó và chấp nhận chế độ cai trị chuyên chế của đảng Cộng sản Trung Quốc.”

 

Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch thậm chí còn ví Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 với Thế Vận Hội Berlin 1936 mà Adolf Hitler ra sức dàn dựng để quảng bá hình ảnh của đảng phát xít, chuẩn bị dư luận cho việc Đức Quốc Xã mở cuộc chiến tranh xâm lược Châu Âu và làm bùng nổ cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai.

 

Ủy Ban IOC – chịu trách nhiệm tổ chức và giám sát Thế Vận Hội, thì luôn tìm cách né tránh các cuộc tranh luận, chỉ khẳng định Olympic luôn “trung lập” trong những vấn đề chính trị.

 

Tẩy chay cách nào?

 

Có nhiều phương thức tẩy chay Thế Vận Hội. “Tẩy chay hoàn toàn” là khi các chính phủ từ chối cử đoàn lực sĩ, quan chức và khán giả tham dự Thế Vận Hội ở một nước nào đó. Tẩy chay hoàn toàn đã xảy ra vài lần vì nhiều lý do khác nhau, nổi bật nhất là vụ Hoa Kỳ tẩy chay Thế Vận Hội Moscow năm 1980 để phản đối Liên Xô xâm lược Afghanistan; bốn năm sau đến lượt Liên Xô trả đũa bằng cách tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles 1984. Lần tẩy chay hoàn toàn mới nhất là chính phủ Bắc Hàn tẩy chay Thế Vận Hội Seoul tổ chức ở Nam Hàn năm 1988.

 

Các chuyên gia cho rằng, tẩy chay Thế Vận Hội thường ít có tác dụng, thậm chí phản tác dụng. Liên Xô đã không rút quân khỏi Afghanistan sau khi Thế Vận Hội Moscow bị Hoa Kỳ và các đồng minh tẩy chay. Lần này, việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 chắc chắn sẽ không làm Trung Quốc thay đổi cách hành xử và chính sách đàn áp nhân quyền mà có khi lại khiến Bắc Kinh cứng rắn hơn, tàn bạo hơn trong lề lối cai trị.

 

Những tổ chức kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh biết rõ như vậy, nhưng họ vẫn cố gắng vận động các chính phủ và truyền thông nhân dịp Thế Vận Hội mà quan tâm chú ý tới hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

 

Cho đến nay, Hoa Kỳ và các cường quốc thể thao thế giới như Anh, Nhật, Liên Minh Châu Âu… chưa có quyết định chính thức có tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh hay không. Phát biểu với báo chí hồi Tháng Sáu, Ngoại Trưởng Antony Blinken nói rằng, Washington vẫn đang bàn bạc với các đồng minh và đối tác để “thiết lập một cách tiếp cận chung.”

 

Nhưng các vị dân cử ở Quốc Hội đã nhanh chóng thể hiện quan điểm. Trong diễn văn tại cuộc điều trần về Trung Quốc, Olympics và Diệt Chủng hôm 18 Tháng Năm vừa qua, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) kêu gọi một cuộc “tẩy chay ngoại giao” (a diplomatic boycott), tức không cử các nhà lãnh đạo quốc gia đến dự Thế Vận Hội.

 

“Chúng ta sẽ không tôn vinh chính phủ Trung Quốc qua việc cử các nhà lãnh đạo quốc gia đến Bắc Kinh để thể hiện sự ủng hộ các lực sĩ,” bà Pelosi nói, mà thay vì vậy, chính phủ nên tuyên dương các lực sĩ trước khi họ lên đường và sau khi họ trở về nước. “Với những nguyên thủ quốc gia đi đến Trung Quốc và ngồi trên khán đài khi nạn diệt chủng đang diễn ra, tôi có một câu hỏi: Các vị có quyền lực đạo đức gì để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới khi các vị đã tỏ sự tôn kính chính phủ Trung Quốc trong lúc họ phạm tội diệt chủng? Im lặng là không chấp nhận được. Nó thúc đẩy sự lạm dụng của Trung Quốc,” bà Pelosi nói thêm.

 

Cùng với Hạ Viện Hoa Kỳ, các nghị viện Anh, Canada và EU cũng đã kêu gọi tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.

 

Biện pháp có hiệu quả hơn là kêu gọi các công ty, các nhà tài trợ rút lại sự tài trợ cho Thế Vận Hội để gây sức ép với Ủy Ban Olympic Quốc Tế. Danh sách các công ty tài trợ bao gồm nhiều tập đoàn đa quốc gia phương Tây như Airbnb, Allianz, Atos, Coca-Cola, Dow, Intel, Omega, P&G và Visa, cùng với các tập đoàn lớn của Châu Á như Bridgestone, Panasonic, Samsung và Toyota Motor. Tuy nhiên, khi báo The Financial Times của Anh phỏng vấn 13 công ty về ý định tài trợ của họ, 11 công ty đã từ chối trả lời.

 

Nhà báo Dexter Roberts, phụ trách tin tức Châu Á của hãng tin Bloomberg cho rằng các công ty phương Tây ở Trung Quốc đang bị áp lực khủng khiếp chưa từng thấy trước đây, chưa công ty nào thông báo tẩy chay Thế Vận Hội mà hầu hết đều ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không muốn bị gạt ra khỏi thị trường Trung Quốc, thị phần bị thu hẹp và giá cổ phiếu lao dốc, nhưng họ cũng không thể coi thường phản ứng của người tiêu dùng phương Tây vốn nhạy cảm với những vấn đề nhân quyền, dân chủ và lao động cưỡng bức.

 

Rồi còn sự trả đũa của chính quyền Bắc Kinh. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã cảnh báo sẽ “đáp ứng mạnh” với mọi cuộc tẩy chay. Với các chính phủ, Trung Quốc có thể đình chỉ các kênh liên lạc song phương, ngừng tham gia các cuộc thảo luận toàn cầu về biến đổi khí hậu, trừng phạt thương mại hoặc cấm vận các quan chức nước ngoài. Có rất nhiều ví dụ về những chuyện Bắc Kinh có thể làm để trả đũa các thế lực nước ngoài mà họ căm phẫn.

 

Trung Quốc cũng có thể lợi dụng sức mua của thị trường 1.4 tỷ người để gây thiệt hại cho các công ty rút lại sự tài trợ Thế Vận Hội. Đầu năm nay các hãng thời trang như H&M, Nike đã bị khách hàng Trung Quốc tẩy chay sau khi các công ty này quyết định ngừng sử dụng bông vải từ Tân Cương. “Nếu Trung Quốc nghĩ rằng họ bị làm mất mặt thì họ sẽ phản ứng rất dữ,” một chuyên gia của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Hoa Kỳ nhận định.

 

Cũng như trong nhiều vấn đề về đối phó với Trung Quốc, bài toán tẩy chay hay không tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh không dễ có lời giải. [qd]

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats