Sài Gòn ngày phong tỏa thứ ba mươi
07/08/2021
https://baotiengdan.com/2021/08/07/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-ba-muoi/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29
Sáng nay vừa thức giấc thì nhận được một tin
nhắn của Uỷ ban Phường 8, Phú Nhuận thông báo, có hai chiếc xe tải đậu ở địa chỉ
131 Trần Huy Liệu để bán hàng cho bà con trong phường. Giờ mua được chia theo từng
tổ dân phố. Gần sát bên nhà nên con tôi ra mua đúng giờ quy định, hàng xóm í ới
gọi nhau. Hàng có thịt heo, thịt bò, cam, khóm… Người mua không đông, trật tự,
người bán nhã nhặn, không khí tươi vui.
Đúng ra biện pháp này nếu thực hiện ngay từ đầu
thì tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm ở Sài Gòn chắc hẳn sẽ không xảy ra,
gây phiền phức và bực bội trong dân. Khi chỉ tập trung vào vài ba siêu thị với
kiểu phát phiếu đi chợ định kỳ không còn phù hợp thì nên chọn ngay biện pháp
đem hàng đến với dân theo từng khu phố là hay và thuận lợi nhất.
Nhìn những bao thực phẩm các con tôi mua về,
tôi lại nghĩ đến những người nghèo ở trong những hẻm sâu, hẻm xa. Có thể họ
nghe hoặc không nghe thấy tin này, nhưng chắc là có nhiều gia đình sẽ chẳng còn
tiền để mua vì đã mấy tháng rồi họ chẳng kiếm được đồng nào, chỉ ngồi không.
Từ khi dịch bùng phát cho đến nay, ở Sài Gòn,
lãnh đạo thành phố đã loay hoay và bế tắc trong việc cung ứng hàng hoá, nhất là
trong những ngày giãn cách, phong toả không ai được ra đường. Những chuyến xe
lưu động mang hàng đến với dân, thực ra cũng không phải là điều khó thực hiện.
Nếu không đủ phương tiện, có thể sử dụng xe quân sự. Sở Công thương có thể bàn
với quân khu hỗ trợ xe quân đội để biến thành những cửa hàng lưu động.
Không những thế, xe quân sự cũng có thể tăng
cường để biến thành phương tiện chuyên chở người bệnh đi cấp cứu ở các bệnh viện.
Nếu bố trí mỗi khu cách ly một phương tiện vận chuyển và bệnh viện nào cũng sẵn
sàng nhận bệnh, chắc chắn con số tử vong sẽ giảm đi. Bởi không chỉ người nhiễm
dịch cần được đến bệnh viện gấp mà còn nhiều bệnh tật khác nữa cũng phải cần cấp
cứu để có thể giữ được mạng sống. Lực lượng quân đội bổ sung thêm phương tiện
giao thông khi các loại hình taxi, xe bus, xe Grabcar không được hoạt động là
giúp rất nhiều người dân khi hữu sự. Có điều trở ngại là hiện nay các bệnh viện
chữa trị dịch bệnh đã không còn chỗ chứa và cũng không đủ nhân lực để làm việc.
Một bài viết mới đây của một Phó Tổng biên tập
một tờ báo lớn có viết rằng, anh nhận được mấy lời kêu cứu của những người thân
xin chuyển lên tuyến trên vì tình hình khá nguy kịch. Nhưng bằng quan hệ sẵn có
của mình, anh liên hệ khắp nơi nhưng không có nơi nào còn chỗ trống. Cuối cùng,
khu điều trị bệnh dịch bệnh viện ĐHYD thành phố đồng ý nhận nhưng vì người bệnh
quá nặng đã tử vong trên đường chuyển viện. Bệnh nhân là thanh niên cao 1m8, nặng
80 kg, trở nặng, không cứu kịp là chết ngay.
Bên cạnh đó, những ca bệnh nặng rất cần phải
có nhân viên hoặc bác sĩ chuyên môn của khoa hồi sức tích cực. Tuy nhiên, theo
báo cáo của một lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay cả nước chỉ có hơn 2.000 bác sĩ làm
việc tại khoa hồi sức tích cực. Đặc biệt, tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu
Long, chỉ có 1 bác sĩ thuộc chuyên khoa này. Trong khi đó, số bệnh nhân nhiễm dịch
ngày càng gia tăng, nhân lực y tế đang chịu một sức ép khổng lồ.
Số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực
chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh ngày càng tăng cao. Nhiều bệnh viện
có giường nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén, do đó không
thể sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm… Điều
này đang gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn
biến của người bệnh virus Vũ Hán nặng. Đó chính là nỗi băn khoăn của nhiều người
bệnh, từ bệnh dịch cho đến những bệnh bình thường xảy đến thường ngày trong cuộc
sống.
Có rất nhiều cái chết oan ức vì không được
chuyển đi kịp thời, không được cấp cứu kịp thời. Hàng ngàn bác sĩ, nhân viên y
tế từ khắp cả nước đã chi viện cho Sài Gòn và các tỉnh phía Nam, nhưng tất cả đều
phải chấp nhận thực tế là bất lực trước hiện thực đang diễn ra.
Không những thiếu nhân lực chuyên môn mà ngay
khẩu trang y tế, máy thở, giường nằm cũng không trang bị kịp. Cũng có lời kêu gọi
hỗ trợ bao đựng tử thi. Bệnh viện mới mở ra là đầy ắp người. Nhân lực bổ sung
bao nhiêu cũng không đáp ứng đủ. Thử hỏi một ngày ở thành phố này có đến bốn,
năm ngàn người nhiễm bệnh thì nơi nào chứa cho đủ.
Hiện trạng Bình Dương cũng đang lâm vào nguy
khốn, số người mắc bệnh và tử vong cũng tăng cao chóng mặt. Nếu đem so với số
dân thì tỷ lệ mắc bệnh ở Bình Dương rất cao. Nếu không rút kinh nghiệm từ Sài
Gòn, chính quyền Bình Dương cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bình Dương sát nách
Sài Gòn, Bình Dương bệnh nặng cũng ảnh hưởng rất lớn đến Sài Gòn và các tỉnh
lân cận.
***
Trở lại việc cung ứng hàng hoá, tuy nhà nước
và các doanh nghiệp đã và đang cố gắng để tìm mọi cách hàng hoá đến tay người
tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại xảy
ra. Ngày 3.8 vừa qua, chia sẻ tại cuộc họp với Ủy ban NDTP, Chủ tịch Hội Lương
thực thực phẩm TP HCM (FFA) Lý Kim Chi cho biết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp
khó trong vận chuyển hàng hoá.
Theo quy định của TP HCM, từ 18h đến 6h sáng
hôm sau, người dân bị hạn chế ra đường nhưng các phương tiện chở hàng hóa thiết
yếu được phép lưu thông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp giao hàng thiết yếu như thịt,
trứng… cho biết thực tế vẫn xảy ra các tình huống bị làm khó. Ví dụ, tại chốt
kiểm dịch đường M1 từ khu công nghiệp Tân Bình ra quốc lộ, xe không qua được dù
có mã QR và báo với chốt là “chở hàng thiết yếu”.
Một trường hợp khác là xe chở hàng thiết yếu
đã giao nhận và có giấy tờ xác nhận cũng không thể qua chốt vì trên xe lúc đi
nhận không có hàng, lúc giao hết hàng xe trống cũng không cho đi, buộc tài xế phải
ngủ lại trên xe.
Tương tự, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc
Vissan cũng cho biết, khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16+, xe tải có nhận diện
của Vissan di chuyển được nhưng xe của các đơn vị tư nhân khác lại gặp khó
khăn. Giấy tờ Vissan đăng ký cho các xe chở hàng này có nơi cho qua, nơi lại
không.
“Đặc thù của công ty hoạt động vào ban đêm,
tức là heo giết mổ xong khoảng 1-2h sáng phải vận chuyển ra điểm bán. Tại điểm
bán mới pha lóc thịt để 5-6h sáng có hàng bán nên buộc phải đi khung giờ trên“.
Bên cạnh khó khăn trong việc lưu thông, nhiều
doanh nghiệp sản xuất trứng, bánh mỳ còn gặp nhiều trở ngại khác khi thành phố
áp dụng Chỉ thị 16+.
Như doanh nghiệp trứng, họ gặp khó trong việc
khống chế thời gian giao nhận, nhiều siêu thị chỉ nhận hàng đến 15h trong khi
doanh nghiệp chỉ có 8 tiếng làm việc nên giao không kịp và tồn đọng hàng.
Còn các cơ sở sản xuất bánh mỳ, vẫn còn tình
trạng, các địa phương bắt đóng cửa vì cho rằng đó không phải là thực phẩm thiết
yếu. (Trích báo)
Tương tự, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, hàng
triệu tấn nông sản Nam Bộ, Tây Nguyên tìm cửa tiêu thụ nhưng không vận chuyển
được. 5 triệu tấn lúa, gần 4 triệu tấn rau củ, 400 triệu quả trứng… của 26 tỉnh
Nam Bộ, Tây Nguyên đang tìm đầu ra. Theo ông, các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên
cũng đang vào mùa thu hoạch trái cây (thanh long, bưởi, nhãn, bơ, sầu riêng…)
nên số lượng cần tiêu thụ lên tới 4 triệu tấn. Ngoài ra còn 600.000 tấn thịt
gà, 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn thịt heo hơi… đang cần tìm đầu ra, nhưng bế
tắc.
Lượng hàng cung ứng dồi dào, nhưng việc 19 tỉnh,
thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội khiến lưu thông hàng hoá gặp
khó. Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo, ưu tiên cho xe luồng xanh vận chuyển hàng
hóa, song thực tế mỗi địa phương vẫn đưa ra quy định riêng trong phòng, chống dịch,
khiến lưu thông hàng vô cùng khó khăn. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất được nhiều
đại diện địa phương nêu. Như thế tự ta làm khó ta chứ thật sự hàng hoá đang dư
thừa chứ không có chuyện khan hiếm. Chính cách thực hiện những yêu cầu giãn
cách không đúng ở một vài nơi đã làm khổ dân.
Trong khi siêu thị Bách Hoá Xanh liên tục bị
nhân dân kêu ca, phản ánh lẫn chửi rủa vì cách làm vô nhân và lừa dối của mình.
Không hiểu sao các phiếu đi chợ của người dân đều được chỉ định đến Bách Hoá
Xanh. Nhiều người kêu gọi tẩy chay nhãn hiệu này nhưng rồi thế chẳng đặng đừng
cũng đành phải xếp hàng kiếm chút rau củ. Giờ nếu những xe hàng lưu động này được
đến với từng địa phương, chắc là Bách Hoá Xanh đóng cửa là vừa.
Trong khi chủ nhân Bách Hoá Xanh tìm mọi cách
để vơ vét thì bà Ba Huân, trùm cung cấp trứng ở nhiều tỉnh thành miền Nam,
trong đó chủ yếu là ở Sài Gòn đã tuyên bố: “Dân nghèo mới xài nhiều trứng
nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay. Anh Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) gọi
điện và nói tôi hỗ trợ, tôi nói các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng
và đảm bảo cung ứng”. Như vậy, dù Sở Công Thương TPHCM đồng ý với chủ
trương cho tăng giá trứng khi cung ứng ra thị trường, nhưng bà Ba Huân không đồng
ý và từ chối đề nghị nâng giá.
Được biết, Công ty Ba Huân cung cấp khoảng 1
triệu trứng mỗi ngày. Dù có tình trạng thiếu trứng cục bộ trong những ngày đầu
giãn cách, hiện các hệ thống phân phối đã đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Đó là cử
chỉ đẹp trong mùa đại dịch. Hoan hô Ba Huân!
Hội Lương thực, Thực phẩm thành phố qua buổi
làm việc với UBND đã cho biết các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh
mì, bún, đậu phụ… gặp khó khăn trong sản xuất, lưu thông. Và kết luận buổi gặp
gỡ, thành phố cho rằng không có bất kì văn bản nào quy định cấm các cơ sở sản
xuất, kinh doanh các mặt hàng này trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội.
Các mặt hàng này là hàng lương thực thực phẩm
nên được phép hoạt động, sản xuất và lưu thông, khi đảm bảo sản xuất an toàn,
đáp ứng các điều kiện về phòng chống dịch. Hội Lương thực, Thực phẩm bày tỏ
mong muốn phòng Kinh tế TP. Thủ Đức và các quận, huyện, nhanh chóng hỗ trợ
thông báo đến các phường, xã trên địa bàn có cơ sở sản xuất bánh mì, bún, đâu
phụ,… Từ đó để các cơ sở có thể nắm bắt, và tạo điều kiện để người dân được sản
xuất bởi các cơ sở này đa phần đều kinh doanh nhỏ lẻ nên việc tiếp cận thông
tin chưa được cụ thể.
***
Ngày hôm qua, dân mạng xôn xao về bài đăng kèm
hình ảnh một người mặc đồng phục công ty mai táng màu trắng đi giao những hũ cốt.
Theo người đăng tải bài viết, những hũ đó được cho là đựng tro cốt của người chết
vì dịch và người này nhận nhiệm vụ đi giao cho thân nhân. Sau đó có nhiều bài
báo giải thích để dân không hoang mang.
Theo bà Lê Thị Tuyết Nhung, chủ tịch UBND phường
Phú Trung, quận Tân Phú thì trong khu vực của bà phụ trách không có nhiều người
chết vì dịch như thế. Đồng thời công ty mai táng nhận nhiệm vụ chuyển giao hũ cốt
cũng cho rằng chỉ có khoảng 10 hũ thôi chứ không đến 27 hũ.
Và người đàn ông giao gaz người viết bài trên
face Lan Nguyen Van cũng khẳng định: “Câu chuyện tôi đăng trên Facebook của
tôi là câu chuyện tôi chứng kiến sao viết theo cảm xúc như thế“. Về số lượng
hũ tro cốt, anh Lân nhấn mạnh: “Tôi thấy sao nói vậy, đếm sao nói vậy. 50 tuổi
rồi, không phải thằng con nít mà đếm nhầm“.
Như vậy, có thể kết luận câu chuyện trao hũ cốt
trên xe gắn máy là có thật. Những hũ cốt được đựng trong giỏ nhựa sau xe cũng
là có thật, không dàn dựng. Chỉ còn thắc mắc số lượng hũ cốt và tình tiết cả
gia đình có 4 người mất vì dịch bệnh là chưa rõ lắm thôi. Nếu còn thắc mắc thì
đọc thêm trên báo nhà nước nhé.
Tiến trình tiêm chủng các quận ở Sài Gòn đang
tiến hành gấp rút và đạt những con số đáng khích lệ. Thông tin từ cổng thông
tin Covid-19 TP HCM, ngày hôm qua quận Gò Vấp tiêm vaccine cho gần 9.000 người,
tổng luỹ kế từ trước đến nay đạt gần 90.000 người, là một trong những địa
phương có tốc độ tiêm nhanh nhất thành phố. Mong rằng đến cuối tháng 8, chỉ
tiêu tiêm chủng 70% dân số sẽ đạt được, mang lại yên tâm cho người dân và dịch
bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.
***
Hôm nay là ngày ba mươi từ khi Sài Gòn bị
phong toả, lại thấy tin viết về mấy ông ba mươi, tức những con hổ ở Nghệ An.
Báo viết: Sau giải cứu và tịch thu tang vật 17 con hổ tịch thu tại hai hộ dân
nuôi nhốt ở Nghệ An thì đến nay có 8 con đã chết, chưa rõ nguyên nhân. Tất cả 8
con hổ đã chết đang được cấp đông lạnh để chờ công tác điều tra và xử lý tang vật.
Số hổ còn lại đang còn sống thì đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Khu sinh
thái Mường Thanh Diễn Lâm (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An).
Mới bị giữ có một hôm mà đã có 8 con chết. Chắc
mấy con này bị virus Vũ Hán quá. Thịt hổ chắc chắn là chẳng ai ăn rồi, cũng
không ai ngu chi mà đem chôn. Thế thì cách xử lý hợp lý nhất là đem nấu cao. Dễ
gì một lần có được 8 con hổ trưởng thành nấu cao hổ cốt. Ai được lợi thì không
nói ai cũng biết rồi. Lại có kẻ thu được tiền tỷ trong vụ này. Tính toán như vậy
là quá hay. Việt Nam ta và cả xứ Đông Dương này giờ trong rừng còn được bao
nhiêu con hổ mà một ngày làm chết đến 8 con. Tiếc quá là tiếc.
***
Kết thúc, xin đăng lại Bản tin dịch virus Vũ
Hán, sáng 7/8 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.794 ca tại TP Hồ Chí Minh và 16 tỉnh,
thành khác. Đến sáng nay đã có trên 8,5 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm
chủng ở nước ta.
Tính từ 18h30 ngày 06.8 đến 6h ngày 07.8 trên
Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh virus Vũ Hán ghi nhận 3.794 ca nhiễm mới ghi
nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (1.836), Bình Dương (882), Đồng Nai (466),
Tiền Giang (165), Long An (160).
Hi vọng hôm nay tổng kết cuối ngày sẽ là con số
nằm ngang hoặc đi xuống. Mong vậy lắm.
_____
Một số hình ảnh:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/0-35-1024x396.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/1-28-696x392.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/2-17.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/3-9.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/4-19-768x895.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/5-11.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/6-4-768x895.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/7-5-768x489.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/8-9-768x901.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/9-4.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/10-2-768x869.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/11-1-696x928.jpg
.
*
Tính
đến hết ngày 1/8/2021, Bình Dương có gần 17.000 ca nhiễm COVID-19, gấp 12 lần số
ca nhiễm ở Hà Nội (hơn 1.400 ca) nhưng đang được cấp phát lượng vaccine chỉ bằng
1/4 Hà Nội, khoảng 568 nghìn liều so với hơn 2,2 triệu liều.
Có
người nói vì Hà Nội đông dân hơn. Xét ba trong bốn địa phương có số ca nhiễm
nhiều nhất nước ngay sau TP. Hồ Chí Minh là Bình Dương, Đồng Nai, Long An thì
dân số của họ suýt soát Hà Nội (khoảng 8 triệu người). Tuy nhiên, tổng lượng
vaccine họ nhận được chỉ là 1,5 triệu liều, bằng khoảng 67% so với Hà Nội,
trong khi tổng số ca nhiễm của họ đang gấp 18 lần.
Có
người lại bảo do địa phương có nhiều ca nhiễm như Bình Dương có năng lực tiêm
chủng rất hạn chế, cấp nhiều vaccine cũng không tiêm kịp, nên giữ lại cho Hà Nội
là nơi ít ca nhưng có năng lực tiêm chủng tốt hơn. Quan điểm này quên mất vai
trò của chính quyền trung ương trong những tình cảnh khủng hoảng quốc gia như đại
dịch lần này. Chính quyền trung ương sinh ra để làm gì nếu không phải điều phối
các nguồn lực của đất nước sao cho hiệu quả nhất có thể? Trong trường hợp này,
nếu xét thấy Bình Dương cần nhiều vaccine nhưng thiếu năng lực tiêm chủng,
chính quyền trung ương ngoài cấp thêm vaccine đúng ra phải hỗ trợ nguồn lực hậu
cần và tổ chức tương ứng.
Đến
đây, để bảo vệ quyết định phân bổ của Bộ Y tế, một số người viện dẫn tầm quan
trọng của Hà Nội về chính trị, an ninh, kinh tế để ưu tiên vaccine cho thủ đô.
Lập luận này cho rằng vị trí của một địa phương về chính trị, an ninh, kinh tế
là tiêu chí quan trọng nhất cho việc phân bổ vaccine, hơn là các căn cứ dịch tễ
hay căn bản đạo lý dựa trên mục đích tối hậu là giảm số ca nhiễm và tử vong?
Cách nhìn nhận như vậy rất có vấn đề.
Thứ
nhất, tiêu chí tầm quan trọng của mỗi địa phương về an ninh, chính trị, kinh tế
là rất mơ hồ. Tiêu chí này sẽ được lượng hóa thế nào, chiếm tỷ trọng bao nhiêu
trong quyết định phân bổ vaccine?
Hà Nội
quan trọng hơn Bình Dương thế nào để nhận số vaccine gấp 4 lần Bình Dương trong
khi có số ca nhiễm chỉ bằng 1/12? Công thức tính cho cách phân bổ này nằm ở
đâu, dựa vào căn cứ pháp lý nào? Chính sự thiếu minh bạch về những căn cứ cho quyết
định phân bổ vaccine của Bộ Y tế đã xới lên nghi ngờ về thiên kiến địa phương
trong một quốc gia vốn đã rất nhạy cảm chuyện vùng miền. Tranh cãi về chủ nghĩa
địa phương lại còn xuất hiện ở thời điểm không thể nào bất lợi hơn.
Tiếp
đến, cách thức phân bổ vaccine này dựa trên nền tảng đạo đức nào? Cách phân bổ
này có giúp giảm tổng số ca nhiễm và tử vong không, dựa trên nghiên cứu hay
kinh nghiệm của quốc gia nào? Nếu không, sao có thể đặt tính mạng và sức khỏe của
người dân thấp hơn tầm quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế của mỗi một địa
phương? Thế có khác gì nói rằng mạng sống của người địa phương này không quý
giá bằng người địa phương khác chỉ vì địa phương họ có vị trí kém hơn. Đây là
cách nhìn chẳng những sai trái về mặt chính trị mà còn vô nhân đạo nữa.
Cuối
cùng, cách phân bổ như trên còn thiếu căn cứ khoa học. Trong điều kiện khan hiếm
vaccine, chiến lược phân bổ ưu tiên cho điểm nóng (hotspot-accelerated
vaccination strategy) đã được chứng minh là hiệu quả hơn hẳn trong việc giảm số
ca nhiễm và tử vong ở Canada so với việc phân bổ rải rác vaccine cho những khu
vực chưa cần đến. Nghĩa là càng khan hiếm về nguồn lực, lại càng phải ưu tiên
cho các địa phương đang có số ca nhiễm cao nhất để ngăn chặn đà lây lan và hậu
quả nhân mạng tương ứng. Không dồn vaccines để mau chóng ổn định tình hình ở
các điểm nóng sẽ khó lòng ngăn được dòng người từ các điểm nóng này chạy dịch về
quê. Điều này có thể khiến tốc độ lây lan tăng tới mức vỡ trận ở quy mô toàn quốc.
Khi đó, lượng vaccines hạn chế được tiêm rải đều thiếu trọng tâm sẽ chẳng còn
tác dụng.
Tóm
lại, cách thức phân bổ đúng đắn về cả đạo lý, chính trị lẫn khoa học là phân bổ
cho những địa phương đang có nhiều ca nhiễm nhất, đi kèm với các nguồn lực hậu
cần liên quan. Lập luận dựa trên những căn cứ mơ hồ về tầm quan trọng địa
phương đi liền với sự thiếu minh bạch trong cách thức phân bổ vaccine chẳng những
không giúp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả mà còn khoét sâu thêm sự chia rẽ ở một
đất nước vẫn còn nhức nhối vấn đề địa phương chủ nghĩa như Việt Nam.
Tuấn Nguyễn - Luật khoa tạp
chí
No comments:
Post a Comment