Sài Gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi
17/08/2021
https://baotiengdan.com/2021/08/17/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-bon-muo/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39
Mở đầu một ngày đọc một câu hỏi của cô em nhà
báo đăng trên facebook của cô ấy: “Vì sao đi chích ngừa về, nhiều người bị
lây nhiễm?“. Câu hỏi của nhà báo đấy đã báo động cho người ta thấy tình trạng
an toàn tại các địa điểm chích ngừa không được bảo đảm.
Bị giãn cách, giam mình trong nhà lâu ngày,
các ông các bà, các anh các chị hàng xóm, thân quen gặp nhau liền sáp vào tán
chuyện. Lúc đầu thì ngồi đúng khoảng cách quy định, nhưng rồi từ từ kéo ghế lại
gần nhau. Ban đầu còn khẩu trang nhưng nói chuyện một lúc lại vướng víu quá thế
là kéo khẩu trang xuống. Lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng, nói phun hơi thở,
nước bọt tùm lum, chỉ cần có người F0 thế là dính cả đám. Biến thể Delta lẹ như
gió, chỉ cần gần gũi 5 giây là có thể lây nhiễm, đàng này chém gió cả giờ đồng
hồ, không lây cũng uổng!
Bộ phận y tế phụ trách tiêm chủng thì không
sát trùng găng tay sau khi tiêm chích cho từng người, máy đo huyết áp lần lượt
người này đến người khác tròng vào, các bộ phận nhận và kiểm tra giấy tờ liên
tiếp tiếp xúc với mọi người mà không sát khuẩn… tất cả đều có thể gây nhiễm.
Trước đây cũng đã có lần tôi cảnh báo về tình
trạng đội ngũ xét nghiệm không thay găng tay, không sát trùng tay sau khi ngoáy
mũi xét nghiệm. Trong hơi thở của người trước có thể đã có virus và thế là phát
tán cho những người tiếp theo.
Mới đây, trên phương tiện truyền thông, bác sĩ
Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, người
chuyên trả lời về virus Vũ Hán cũng đã phát biểu rằng, khi đi xét nghiệm mà thấy
người xét nghiệm cho mình không sát trùng, không
rửa hoặc không thay găng tay sau khi xét nghiệm cho người trước đó, thì
phải yêu cầu nhân viên y tế làm những thao tác đó trước khi xét nghiệm cho
mình, nếu không thì bỏ về chứ không nên xét nghiệm hoặc lấy nước tạt vào găng
tay của họ. Bỏ về thì được, chứ tạt nước là không ổn rồi ông bác sĩ ơi, loạng
quạng bị ép vào tội chống người thi hành công vụ thì bỏ mẹ.
Điều này cho thấy việc rất nguy hiểm trong khi
đi xét nghiệm cũng như tiêm chủng. Toàn những sơ hở chết người mà vì sơ suất hoặc
vô ý của người thực hiện khiến cho tình trạng lây nhiễm lan rộng. Chưa thấy có
thống kê con số người nhiễm bệnh vì tiêm chích và xét nghiệm. Nhưng qua thực tế,
có lẽ con số này cũng không nhỏ.
Mặc dù chính quyền thành phố đã áp dụng rất
nhiều biện pháp, từ giãn cách, cách ly, phong toả đến 5 tầng, 3 tầng trong khi
điều trị, con số người nhiễm dịch ở thành phố vẫn không giảm. Nếu người nào
theo dõi thường xuyên các con số báo cáo hàng ngày sẽ thấy rằng trước đây đa số
người nhiễm là từ khu cách ly tập trung. Thời gian gần đây, con số nhiều nhất
là ở cộng đồng dân cư. Có nghĩa là khi giải toả bớt các khu cách ly và cho phép
F0 tự cách ly tại nhà, con số nhiễm ở nhà tăng cao và có thể xem như khó kiểm
soát. Và số người tử vong tại nhà cũng tăng nhiều.
Cơ bản là khi cho phép cách ly và theo dõi tại
nhà, thành phố thiếu nhân lực và điều kiện theo dõi và có biện pháp cấp thời
khi có nguy cơ. Trên giấy tờ, văn bản thì quy định rất rõ và rất khoa học,
nhưng trong thực tế thì bất khả thi. Khi cách ly tại nhà, đơn vị tổ dân phố,
phường xã rất quan trọng vì đó là bộ phận gần người bệnh nhất. Tuy nhiên, nhiều
phường chẳng biết, hoặc chẳng quan tâm đến cái gọi là thông báo số liệu dịch tể
học lên cổng thông tin của hệ thống y tế. Do vậy, khi một người bệnh đang cách
ly tại nhà gặp tình trạng nặng, muốn liên hệ để đến các bệnh viện mà chưa khai
báo với hệ thống này thì sẽ khó được tiếp nhận.
Đó là chưa kể khó mà gọi được xe cấp cứu.
Không chỉ là người bị nhiễm dịch mà ngay cả khi mắc các bệnh thông thường đi cấp
cứu cũng khó được các bệnh viện tiếp nhận. Điển hình là đêm 13.8, ông N.D. (57
tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp, Tp Dĩ An, tỉnh Bình
Dương) được người thân đưa đi cấp cứu tại 5 bệnh viện, cơ sở y tế do bị bệnh nặng,
tuy nhiên không nơi nào tiếp nhận và đưa ra nhiều lý do khác nhau. Đến rạng
sáng 14.8, người thân buộc phải đưa ông D. về phòng trọ. Sau đó vài giờ thì ông
D. đã tử vong.
Tình trạng quá tải tại các bệnh viện chuyên điều
trị virus Vũ Hán là một thực tế. Nhiều hình ảnh cho thấy bệnh nhân phải nằm
ngoài sân, lối đi của bệnh viện giữa nắng và mưa. Theo Bộ Y tế thì số người nhiễm
bệnh ở thành phố phải gấp 4 hay 5 lần con số được báo cáo. Con số tử vong cũng
thế.
Ta thường đọc trên con số nhiễm bệnh hàng ngày
là từ các bệnh viện, rất khó thống kê những người bị cách ly hoặc tự cách ly.
Và con số tử vong cũng lấy từ bệnh viện trong khi số người chết tại nhà cũng
không phải là ít. Xem nhiều hình ảnh và clip của các nhóm thiện nguyện chuyên
đi lo hậu sự cho nhiều người nghèo chết vì virus tại nhà mới thấy những hình ảnh
bi thương.
Thành phố đầy nước mắt được giấu sau những biện
pháp và chỉ thị lạnh lùng. Các lò thiêu xác của thành phố quá tải, khói trắng
tuôn lên suốt ngày vẫn không giải quyết hết. Báo chí vừa loan tin, một xe tải
chở 41 xác chết vì virus chạy về Bến Tre để thiêu xác vì thành phố không còn chỗ
để thiêu. Tình trạng xác chết bị dồn ứ trong các lò thiêu cũng là có thật. Và
như thế chúng ta cũng có thể hình dung số người chết vì dịch bệnh ở thành phố
này trong cơn đại dịch. Có gia đình trong một ngày chết hết 8 người, xem như chết
cả gia đình, còn chuyện một gia đình mất đi hai, ba người là chuyện thường
tình.
Sài Gòn không còn lạc quan được nữa vì Sài Gòn
bây giờ con phố nào, ngõ hẻm nào cũng có người chết vì dịch bệnh. Hàng dãy hũ
tro cốt xếp hàng ở trong đơn vị phụ trách chuyển hài cốt của người quá cố về với
gia đình làm người nhìn thấy xót đau. Thành phố có hàng trăm nhà đòn nhưng
không đóng kịp áo quan. Người ta phải làm quan tài bằng ván ép hay giấy bìa cứng
để đem thiêu. Một ngàn cái áo quan loại đó đã được chùa Vĩnh Nghiêm giúp cho những
gia đình cần đến, chỉ chưa đầy một tuần đã thấy vơi đi nhiều.
Hôm nay, thành phố đã công bố mô hình điều trị
mới. Đây là lần thay đổi thứ tư kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Sau khi
tăng từ 3 tầng lên 4 tầng rồi 5 tầng, ngành y tế quyết định trở lại với 3 tầng
điều trị. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất lần này là thành phố huy động tất cả bệnh
viện công, tư trên địa bàn cùng tham gia điều trị thay vì các cơ sở điều trị
riêng như trước đây. Điều vô lý trong mô hình điều trị cũ là khi các cơ sở điều
trị của thành phố quá tải, mở ra cái nào đầy ngay cái đấy, khiến bệnh viện hoặc
các cơ sở điều trị không thể nhận bệnh thì nhiều bệnh viện trống giường dù có
năng lực để chữa bệnh virus Vũ Hán.
Theo kế hoạch này, thành phố yêu cầu các cơ sở
y tế công lẫn tư phải dành tối thiểu 40% giường bệnh để tiếp nhận và điều trị
cho người dịch bệnh. Hi vọng với kế hoạch mới này, việc xin nhập viện cho bệnh
nhân trở nặng bớt khó khăn vì các bệnh viện điều trị đều quá tải. Với thay đổi
này, có thể giảm số ca tử vong, điều mà người dân đang quan tâm nhất.
Sau gần hai tháng chống chọi với dịch bệnh,
qua nhiều kế hoạch, biện pháp nhưng vẫn chưa ngăn chận được dịch, hi vọng kế hoạch
mới này sẽ giúp thành phố giải quyết được nạn quá tải ở các bệnh viện và số người
trong tình trạng nặng có cơ hội được sống sót chứ cứ như bây giờ, Sài Gòn bi
thương quá đỗi! Ngay bây giờ tình trạng F0 đang tăng mạnh tại quận 8, quận 1,
quận 3, Tân Phú, Bình Tân. Không biết rồi con số còn tăng bao nhiêu nữa và tình
trạng quá tải cũng sẽ tiếp tục chăng? Lo thật!
Hôm qua 16.8, Sở Y tế thành phố lại một lần nữa
gởi văn bản đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu tất cả
bệnh viện tiếp nhận người bệnh cấp cứu dù có mắc virus hay không và người bệnh
không cần phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính mới tiếp nhận.
Cụ thể, theo yêu cầu của Sở Y tế, người bệnh
không mắc virus hoặc chưa xác định mắc virus hoặc đã mắc virus, bệnh viện phải
tiếp nhận, bố trí buồng cấp cứu sàng lọc riêng biệt, đầy đủ các thuốc cấp cứu,
phương tiện và dụng cụ cấp cứu cơ bản.
Thật ra, trước đây mấy tuần, Sở Y tế cũng đã
ra một văn bản với nội dung gần như thế nhưng nhiều bệnh viện vẫn không tuân thủ
khiến nhiều sinh mạng phải chết oan. Tình trạng trên bảo dưới không nghe trong
hệ thống y tế của thành phố đã trở thành vấn nạn mà người gánh chịu đau thương,
mất mát là bệnh nhân.
Không chỉ bên y tế mà nhiều lãnh vực khác cũng
thế. Địa phương nào có lãnh đạo có tâm, có trách nhiệm, năng nổ phục vụ dân thì
nhân dân khu vực đó được hưởng mọi quyền lợi theo chủ trương của nhà nước. Ngược
lại nếu phường, xã, tổ dân phố nào bị điều khiển bởi những người vô trách nhiệm,
quan liêu, xa rời dân, vô nhân thì dân ở đấy bị thiệt thòi.
Những người đấy không do dân bầu lên nên đôi
khi tiếng nói của dân, quyền lợi của dân họ chẳng cần quan tâm. Bởi thế nhiều
khi trong một quận, một phường mà người dân được hưởng những phúc lợi hay tiêu
chuẩn hoàn toàn khác nhau, chẳng có chút công bằng nào cả. Nhiều ông quan nhỏ cấp
phường, cấp tổ mà đã hống hách, lạm quyền và vô trách nhiệm. Nhiều khi người dân
chẳng biết kêu ai?
Ngày hôm qua 16.8, Hệ thống Thông tin thu dung
điều trị bệnh nhân nhiễm dịch ghi nhận 315 ca tử vong tại thành phố. Lưu ý đây
chỉ là con số ghi nhận từ các cơ sở điều trị, không tính số tử vong tại nhà. Vẫn
còn u tối lắm, biết bao giờ mới loé chút lạc quan. Sài Gòn vẫn còn nước mắt.
______
Một số hình ảnh:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/0-92-768x886.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/1-61.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/2-43.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/3-35.jpg
.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/4-38-696x928.jpg
No comments:
Post a Comment