Wednesday 11 August 2021

QUYẾT ĐỊNH ĐUỔI VIỆC CÔ GIÁO CỦA ĐẠI HỌC DUY TÂN KHÔNG THUYẾT PHỤC (Phạm Văn Hội)

 


 

Quyết định đuổi việc cô giáo của ĐH Duy Tân không thuyết phục

Phạm Văn Hội

11/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/11/quyet-dinh-duoi-viec-co-giao-cua-dh-duy-tan-khong-thuyet-phuc/

 

Việc cô giáo dạy tiếng Anh tranh luận với sinh viên có nội dung liên quan đến cứu trợ Covid của chính phủ và việc có một số người dân phải tự di chuyển hàng ngàn cây số về nhà, kết cục là quyết định đuổi việc của ĐH Duy Tân áp dụng với cô giáo ngay sau đó.

Nghe nội dung tranh luận trên youtube, cũng là một giáo viên, tôi mong muốn được đưa ra một số giả định và chia sẻ quan điểm như sau:

 

Đối với cô giáo

 

– Giả định 1 (khả năng cao): Đang trong tiết học tiếng Anh (vì có giọng của cô giáo và 2 sinh viên nam). Việc đưa các nội dung bên ngoài vào bài giảng (liên hệ thực tế) là cần thiết và rất đáng khuyến khích trong giảng dạy đại học. Tuy nhiên, lỗi của cô giáo dường như là đưa bức xúc cá nhân vào bài giảng thay vì chia sẻ/ liên hệ thực tế và kích thích tư duy/ sáng tạo của sinh viên.

 

Như vậy, vấn đề ở đây không phải là nội dung cô giáo chia sẻ mà là cách tiếp cận trong giảng dạy của cô giáo. Ví dụ: Các nội dung cô giáo nên trao đổi/ đặt câu hỏi (tiếp theo) với sinh viên trong trường hợp này là:

 

1- Người dân tự đi xe máy từ Sài Gòn về Thanh Hóa là đúng hay sai? Nếu em là một trong số người dân đó, em sẽ quyết định thế nào? Tại sao?

 

2- Nếu người dân là em, quyết định ở lại Sài Gòn, thì em sẽ chuẩn bị gì? Sẽ làm gì để tìm kiếm sự giúp đỡ (lương thực, thực phẩm, y tế…) khi cần thiết, trong thời gian giãn cách?

 

3- Nếu ở vị trí người dân đó, theo em chính quyền cần làm gì để giúp đỡ những người như em có hiệu quả hơn trong thực hiện giãn cách v.v…

 

Nếu như cô giáo tiếp cận theo cách này, tôi nghĩ sẽ hấp dẫn và hữu ích hơn cho cả cô và sinh viên, và sẽ càng tốt nếu các trao đổi trực tiếp giữa cô-trò bằng tiếng Anh, và có lẽ đã tránh được các kết cục lùm xùm như vừa qua.

 

– Giả định 2 (khả năng thấp): Đang trong thời gian giải lao giữa giờ. Trong trường hợp này, trao đổi của cô giáo với sinh viên là có thể chấp nhận được (chia sẻ quan điểm sống, ngoài giờ dạy chính thống). Hơi tiếc là, có lẽ cô giáo còn trẻ, nên sa đà vào việc tranh cãi thiếu mục tiêu giáo dục/ thay đổi đối với sinh viên (như trình bày ở phần trên).

 

Đối với sinh viên

 

Theo nội dung trao đổi thì cậu sinh viên này có tư duy/ quan điểm đơn điệu/ phiến diện – thường là kết quả của nhiều năm học PTTH theo kiểu thuộc lòng ở Việt Nam nói chung (VD: Nếu vàng đắt hơn gạo thì chọn vàng; hoặc nếu cây trồng A thu nhiều hơn B thì lựa chọn trồng cây A), mà thiếu cân nhắc đến hoàn cảnh lựa chọn cụ thể, hoặc các giả định cần có cho tương lai. Kiểu tư duy này có lẽ sẽ cần rất nhiều thời gian để thay đổi nhằm tiếp thu các quan điểm/ kiến thức mới.

 

Đối với ĐH Duy Tân

 

Việc quyết định đuổi việc cô giáo (một cách nhanh chóng) là thiếu cả lý (không nêu rõ lý do/ căn cứ về việc đuổi việc cô giáo). Nếu chỉ căn cứ vào nội dung trao đổi giữa cô giáo với sinh viên như đề cập ở trên, thì quyết định đuổi việc là hơi quá mức và thật sự thiếu vắng tư tưởng khai phóng cần có ở các trường Đại học.

 

Quyết định đuổi việc của ĐH Duy Tân còn thiếu cả tình, thể hiện qua một quyết định chóng vánh, và thiếu cơ sở thuyết phục. Bởi vậy, tôi đánh giá thấp ĐH Duy Tân về quyết định này.

 

Đôi lời với cô giáo: Có lẽ cũng nhiều người thấy rằng, quyết định của ĐH Duy Tân đuổi việc cô là quá nặng đối với cô. Hy vọng đây cũng là bài học giúp cô trưởng thành hơn/ bản lĩnh hơn. Mong cô sớm tìm được cơ hội việc làm phù hợp ở một môi trường khác.

 

*

1 Comment

 

Thinh Nguyen Duc

nếu căn cứ quy định chức năng, nhiệm vụ của giảng viên ĐH, do Bộ GD-ĐT ban hành, cô giáo này không hề vi phạm. Q.định buộc thôi việc ban Giám đốc ĐH Duy Tân là sai và dường như chạy theo dư luận hoặc chỉ đạo của người ngoài ngành có thế lực nào đó?!

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats