https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10220782284001943
Bài viết cách đây hai ngày, tôi phân tích
không nên triển khai tiêm dịch vụ vaccine phòng COVID-19 vào thời điểm khan hiếm
vaccine như hiện nay, Báo Đất Việt đã đăng lại (Tài liệu tham khảo 1), khiến có
thêm nhiều thảo luận. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu làm rõ: “Có thực là không
khó?”, liên quan đến đoạn kết của bài, xin trích lại cho dễ theo dõi:
“Còn muốn tiêm nhanh, tiêm nhiều, muốn dân dễ tiếp cận
hơn, thì có nhiều cách đơn giản hơn, thiết thực hơn, dễ dàng nhanh chóng hơn,
và lợi ích đưa lại cũng lớn hơn rất nhiều cho công tác phòng chống dịch
COVID-19, so với cách đề cập "thương mại hóa" công tác tiêm chủng!
Không khó để chỉ ra những cách làm thiết thực đó”!
(Hết trích)
Bài viết này đáp ứng với yêu cầu làm rõ hơn ý
trên!
Câu trả lời của tôi ngắn gọn là: Vâng, thực là
không khó, nếu… lấy “khoa học dẫn đường”!
KHOA HỌC DẪN ĐƯỜNG
LÀ THẾ NÀO?
Tức là, người lãnh đạo hệ thống khi có băn
khoăn với thực trạng tốc độ tiêm vaccine đạt được hiện tại và hiệu quả phòng chống
dịch bệnh đang diễn ra, thì bên cạnh họp bàn với tham mưu trong hệ thống, cần
“quay sang khoa học” yêu cầu thực hiện nghiên cứu đánh giá thực trạng một cách
khách quan, với bằng chứng, khuyến cáo cụ thể… để tham khảo trước khi ra quyết
sách giải quyết thực trạng.
Chú ý, tôi không nói là xem nhẹ tham mưu! Mà
là, khi có vấn đề không mong muốn đang phát sinh, tồn tại, lớn dần thách thức mục
tiêu phòng chống dịch COVID-19, thì, ngoài dòng thông tin tham khảo thường ngày
trong hệ thống của mình, cần có thông tin tham khảo khách quan hơn- tức đến từ
nghiên cứu thực tế, nếu được tiến hành từ các nhà khoa học độc lập, bên ngoài hệ
thống nhìn vào càng tốt!
Yêu cầu khoa học đó, phải cụ thể làm rõ mấy vấn
đề chính sau:
- Thứ nhất, thực trạng vừa qua chậm đến mức
nào? Nghiêm trọng đến đâu? (chú ý: Để bằng chứng nói lên! Tức phải có số liệu
so sánh với các nước, đặc biệt là với các nước tương đồng điều kiện kinh tế xã
hội và dịch bệnh diễn ra).
- Thứ hai, phân tích khoa học khách quan, chỉ
ra những yếu tố chính nào làm chậm tiến trình đạt được? Nằm ở khâu nào của hệ
thống? (chú ý: Đòi hỏi phải đánh giá, phân tích hệ thống!)
- Thứ ba, đâu là chỉ định hành động thay đổi
(chú ý: Theo yêu cầu khoa học phòng chống dịch, và chọn lọc hành động theo
nguyên tắc đồng thời “thúc đẩy cái tích cực- tức giảm dịch bệnh”, “ngăn chặn đẩy
lùi cái tiêu cực- khiến hệ thống hoạt động không hiệu quả”!).
Cả ba câu hỏi trên về mặt nghiên cứu khoa học
không khó về thiết kế và triển khai! Thời gian cũng không lâu, nội trong chục
ngày trở lại!
Bởi số liệu mũi tiêm đạt được của từng nước đã
được giám sát hàng ngày và đưa ra công khai trên truyền thông toàn cầu! Cần thực
tâm phân tích chỉ trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ là có bằng chứng chi tiết làm
sáng tỏ vấn đề 1, bên cạnh số liệu đã có của hệ thống quốc gia (TLTK 2).
Với câu hỏi 2, cần đến một thiết kế nghiên cứu
và triển khai thu thập thông tin theo loại hình nghiên cứu “implementation
research in Health” (nghiên cứu có mục tiêu điều chỉnh hệ thống cải thiện tốt
hơn sự vận hành và hiệu quả các chương trình can thiệp y tế) mà WHO đã có hướng
dẫn cụ thể cho các nước từ nhiều năm nay (Tài liệu tham khảo 3). Như vậy, sẽ có
xem lại thực trạng ở từng khâu trên toàn bộ hệ thống tiêm chủng phòng COVID-19!
Mà hệ thống này, ngay trước khi có vaccine, từ tháng 10/2020, WHO đã yêu cầu
các nước muốn nhận vaccine tài trợ miễn phí từ chương trình COVAX của liên hợp
quốc, phải đánh giá hệ thống này, làm báo cáo gửi WHO (TLTK 4). Việt nam chắc
chắn có làm báo cáo, gửi WHO, để rồi được nhận vaccine chương trình COVAX! Có
nghĩa là, hình hài hệ thống, chính sách vận hành, các bên liên quan va vai trò
của từng bên, .. đã có sẵn cả rồi! Chỉ việc thực hiện chọn lọc đối tượng, thực
hiện phỏng vấn, tiến hành phân tích tính hợp lý, đồng bộ và hiệu quả của cấu
trúc chức năng và cấu trúc hệ thống trước thách thức của dịch bệnh; phân tích,
kết hợp thực địa thị sát một số điểm tiêm.. là có được thông tin! Rồi kết hợp với
tài liệu thảo khảo về cách tổ chức tiêm chủng của các nước, khuyến cáo của
WHO... sẽ giúp phân tích các bằng chứng đó một cách khoa học, khách quan, chỉ
ra điểm được, điểm chưa được đang hạn chế Việt nam triển khai tiêm chủng chậm
hơn so với cách làm của các nước, có được khuyến cáo đổi mới chính sách hoàn
thiện hệ thống và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống!
Nghiên cứu (2) này, nếu quyết tâm chính trị
cao và tổ chức thực hiện lấy “khoa học là trên hết”, kết quả trong vòng 1 tuần
là có thể!
Khi đã có kết quả (1) và (2), thì với vấn đề
3, đơn thuần phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của người lãnh đạo hệ thống tin
và dùng kết quả, khuyến cáo đó đến đâu để có hay không ra can thiệp tầm chính
sách!
DỄ MÀ KHÓ: KHÓ DỄ
DO TA!
Khó khăn, trở ngại trong công tác phòng chống
dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 nói riêng, luôn xuất hiện và luôn đòi hỏi
được đánh giá và giải quyết kịp thời. Phương án giải quyết tốt hơn, hiệu quả
hơn, luôn là các phương án được xây dựng trên bằng chứng nghiên cứu khoa học
khách quan!
Để đi đến một quyết định thực hiện nghiên cứu
khoa học nhắm đến giải quyết một vấn đề không mong muốn đang tồn tại cản trở vận
hành hiệu quả hệ thống chăm sóc sức khỏe, cần đến vai trò của người lãnh đạo hệ
thống, có nhận ra thực tế là "đang có vấn đề” hay “không là vấn đề”! Điều
này cần đến sự thường trực tư duy khách quan của cả người lãnh đạo và bộ phận
tham mưu trước các diễn biến thực tế!
Muốn có thường trực tư duy khách quan, điều kiện
cần là thực tôn trọng khoa học!
Tôn trọng khoa học, trong quản lý vận hành hệ
thống y tế nói chung và phòng chống dịch bệnh nói riêng, lại thể hiện cụ thể ra
bằng quyết tâm tạo lập và duy trì môi trường cho tồn tại phản biện khoa học độc
lập!
Bởi phản biện khoa học độc lập, là đầu mối cho
sự quan tâm dẫn gợi người lãnh đạo tìm đến đặt bài cho các nghiên cứu cải thiện
hệ thống!
Người lãnh đạo tài, là người dám “đứng trên
vai những nhà khoa học thực thụ” để đương đầu với mọi thách thức hệ thống!
Bởi thế, tìm ra các phương án thực tế , dễ triển
khai, ít tốn kém, để thúc đẩy công tác tiêm vaccine chống COVID-19 nhanh hơn,
nhiều hơn, hiệu quả hơn, dân dễ tiếp cận hơn, khó hay dễ thực chất tùy vào ..
Ta là ai? trách nhiệm đang mang là gì? Khao khát giải quyết vấn đề tồn tại đến
đâu? .. .
Trần Tuấn
7.8.2021
----------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bài đăng trên Đất Việt: https://datviet.trithuccuocsong.vn/.../ts-tran-tuan.../...
2. Số liệu theo dõi tiêm vaccine phòng chống
COVID-19 toàn cầu, cập nhật hàng ngày: https://ourworldindata.org/covid-vaccinations
3. Hướng dẫn phương pháp thiết kế và thực hiện
loại hình nghiên cứu cải thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống, chương trình can
thiệp y tế https://www.who.int/.../implementationresearchguide/en/
4. Hướng dẫn làm kế hoạch và vận hành hệ thống
tiêm chủng phòng chống dịch COVID-19: https://www.who.int/.../covid-19-vaccine-introduction...
No comments:
Post a Comment