Wednesday 4 August 2021

ĐỌC 'NHẬT KÝ VŨ HÁN' và NHỚ VỀ MỘT NHẬT KÝ SÀI GÒN VỪA BIẾN MẤT (Miên Trường - Luật Khoa)

 


Đọc Nhật ký Vũ Hán và nhớ về một nhật ký Sài Gòn vừa biến mất

Miên Trường

03 Aug 2021

https://www.luatkhoa.com/2021/08/doc-nhat-ky-vu-han-va-nho-ve-mot-nhat-ky-sai-gon-vua-bien-mat/

 

Tôi quyết định đọc “Nhật ký Vũ Hán” (Wuhan Diary) sau khi đọc bài nói chuyện của nhà văn Diêm Liên Khoa mang tên “Sau COVID-19, còn điều gì nữa?”. Nếu đã đọc bài viết đó, bạn có thể bỏ qua bài viết này của tôi. [1]

 

“Nhật ký Vũ Hán” là cuốn sách tổng hợp những trang nhật ký online của Phương Phương, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, trong những ngày Vũ Hán bị phong tỏa vào đầu năm 2020, khi COVID-19 vừa bùng phát.

 

Đầu tiên thì, Nhật ký Vũ Hán không phải là một cuốn sách phản kháng. Nói đúng hơn thì Phương Phương, tác giả của quyển sách này không thuộc về tầng lớp văn nhân phản kháng ở Trung Quốc. Bà là một nhân vật có tiếng tăm, có một cuộc sống kinh tế ổn định, có nhiều mối quan hệ với các quan chức và người có ảnh hưởng khác ở Vũ Hán. Vị thế đó giúp bà đi qua mùa dịch từ căn nhà của mình, và còn đủ sức lực để nhìn thấy dịch bệnh ở một góc tương đối xa: từ bản tin trên tivi, từ đường phố vắng người, từ các bài viết trên mạng xã hội. Nói cho cùng, nếu mắc bệnh hoặc phải chăm sóc người thân mắc bệnh, làm gì còn ai đủ sức quan tâm tổng số ca nhiễm của thành phố?

 

Nhưng Phương Phương cũng là một người mẹ trung niên nhiều lo lắng, một cư dân, như hàng triệu người khác, bàng hoàng trước cảnh thành phố bị phong tỏa chỉ qua một đêm. Bà bồn chồn lo lắng cho cô con gái ở riêng và chẳng mấy khi tự nấu nướng. Bà đôi khi thức dậy trong dòng tin nhắn của hàng xóm “thu hải đường ở sân trước nhà chị nở rồi kìa, nhưng bài viết trên WeChat thì bị xóa rồi”. Đôi khi vui vẻ, bà khoe về phần bánh mới được bạn mang qua cho.

 

Thật kỳ lạ là rất nhiều điều Phương Phương trải qua ở Vũ Hán trở thành trải nghiệm của chính tôi, cũng như rất nhiều điều cư dân Vũ Hán từng tranh cãi trở thành đề tài của cư dân mạng ở Việt Nam.

 

Phương Phương đếm số ca nhiễm mỗi ngày, tự hỏi con số giảm đến mức nào thì lệnh phong tỏa được dỡ bớt. Bà cảm động trước những tình nguyện viên đã lao ra đường để hỗ trợ mọi người, tức giận trước những quan chức đã chậm trễ vào phút đầu rồi phủi đi trách nhiệm sau đó (rồi cũng tức giận vì bị dán nhãn chống chính phủ). Bà chia sẻ trên blog của mình (như chúng ta share bài về Facebook) một lá thư kêu gọi phúc lợi cho công nhân nhập cư, những người mất việc vì lệnh phong tỏa. Bà theo dõi cuộc tranh luận về việc đông y thì có chữa nổi bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra không. Bà từ chối bịt tai lại trước những tiếng khóc của thành phố để giữ cho mình “năng lượng tích cực”, vì như bà viết, “Vũ Hán vẫn còn nước mắt để khóc”.

 

Và cũng như chúng ta, cứ vài hôm bà lại để tang một người quen biết. Đó có thể là cái chết mà cả thành phố đều biết, như bác sĩ Lý Văn Lượng và những nhân viên y tế đồng nghiệp của ông. Đó cũng có thể là một người quen của riêng chúng ta. Giờ thì hẳn ai trong chúng ta cũng biết một ai đó đã không còn nữa vì dịch bệnh.

 

Khi tôi viết bài này cũng là lúc “Giúp nhau mùa dịch”, một nhóm cộng đồng trên Facebook, bỗng dưng biến mất. Nhóm tự phát này có ít nhất 200.000 thành viên (con số có thể đã tăng lên rất nhiều từ tuần trước). Đây là nơi cho chúng ta những góc nhìn chân thật nhất về Sài Gòn những ngày này, đằng sau các cánh cửa đóng im lìm ngoài đường phố và những con số vô hồn trên mặt báo. Ở trong đó, lòng tốt của các y bác sĩ, tình nguyện viên và người dân là nhiều vô kể - với các chỉ dẫn, chia sẻ, kết nối, nhưng chúng lại chẳng đáng là bao so với nỗi tuyệt vọng của những người kêu cứu.

 

Tôi nhớ câu chuyện vui nhất mình từng đọc được trong đó là về một người mẹ ở Đồng Nai lo lắng cho đứa con trai 17 tuổi đang ở một mình trên căn hộ chung cư cao cấp ở Sài Gòn. Chung cư vẫn an toàn, nhưng bà không biết có nên đưa con về không.

 

Những câu chuyện còn lại thì đầy tuyệt vọng. Gia đình có người già, hoặc có người mang bệnh nền. Bố mẹ khó thở nhưng con cái không thể tìm được một số điện thoại nào có thể cung cấp xe để đưa đến bệnh viện. Người phụ nữ gần sinh có chồng đã nhiễm bệnh. Gia đình có người nghi nhiễm nhưng y tế phường quá bận để xuống. Người cần nhận xác thân nhân nhưng không dám ra đường vì phường không cấp giấy. Người không đủ sức mai táng cha vì bệnh viện đưa giá cao hơn mức giá hỏa táng trên báo. Đứa trẻ con của công nhân mất việc đã ăn mì gói suốt một tuần. Những câu chuyện kêu cứu nhiều đến mức vào tuần trước, những người quản trị nhóm đã thay đổi quy định, rằng sẽ không duyệt các nội dung kêu cứu không liên quan đến y tế.

 

Tôi không muốn giới thiệu về Nhật ký Vũ Hán như một cuốn sách đẹp đẽ. Không phải ký ức nào cũng đẹp. Lãng mạn hóa nỗi đau của người khác cũng chẳng phải điều hay ho gì. Nhưng giống như Giúp nhau mùa dịch, nơi đầy những bài đăng khiến chúng ta quay mặt đi vì bất lực, Nhật ký Vũ Hán là mảnh ký ức sẽ không tìm được chỗ ghép vào bức ảnh kỷ niệm ngày khải hoàn thắng dịch, như từ mà cả Diêm Liên Khoa và Phương Phương dùng.

 

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2021/08/wuhanman-1024x576.jpg

Một người đàn ông lớn tuổi nằm chết trên lề đường tại Vũ Hán vào tháng 1/2020. Ảnh: Hector Retamal / AFP via Getty Images.

 

Sau khi dịch ở Vũ Hán kết thúc, chính phủ Trung Quốc tuyên bố gần 4.000 người chết vì dịch ở thành phố này là liệt sĩ, những người “tử vì đạo”. Nó phù hợp với diễn ngôn chung của chính phủ về trận dịch như một cuộc chiến mà cả đất nước đã xung trận để đẩy lùi, nhưng trên hết, nó phủ lên những cái chết kia hào quang của sự tự nguyện.

 

Hy sinh là từ để chỉ cái chết của một người lính, sự ngã xuống trên chiến trường, là cái chết đã được chấp nhận từ phút ban đầu. Biến cái chết vì dịch thành sự hy sinh là cướp đi quyền được tức giận của các nạn nhân, là hợp lý hóa cho những mất mát cá nhân và miễn trừ trách nhiệm cho những người đã gây ra cái chết đó. Bởi “có vị tướng nào bị chất vấn trong ngày khải hoàn trở về?”. Trong bức tranh khải hoàn chỉ còn những người tự nguyện nhận lấy cái chết vì đất nước và đồng bào, chẳng có ai là kẻ nghĩ mình chết oan trên giường bệnh vào Tết Nguyên đán, cũng chẳng có những người phải nhắm mắt mà không được nắm tay người thân.

 

Chúng ta rồi sẽ quên, nhưng không phải lúc nào cũng là do các chính quyền cố tình tẩy trắng. Ký ức về những ngày dài sống trong những căn nhà đóng chặt cửa rồi cũng sẽ tự phai nhạt đi. Khi dịch từ Vũ Hán lan rộng ra thế giới, các nhà báo và công chúng chỉ còn nhớ về Vũ Hán như nơi đầu tiên dịch bùng phát. 3.869 người chết tại Vũ Hán chỉ là những con số, thậm chí là số lẻ so với Mỹ hay châu Âu. [2] Người ta sẽ trở lại Vũ Hán để tìm kiếm nguồn gốc của căn bệnh, nhưng không ai còn nhớ những người đứng bên ngoài nhà tang lễ sau dịch để nhận lại tro cốt của thân nhân. Sử sách hẳn sẽ viết về COVID-19 như một sự kiện định hình lại thế kỷ này, nhưng có lẽ sẽ chỉ nhắc về số người chết để so với các Thế chiến xem cái nào tàn khốc hơn.

 

Nếu có gì xuyên suốt nhất về Nhật ký Vũ Hán trong suốt ba tháng Phương Phương viết mỗi ngày, đó là thái độ xác quyết rằng bà không muốn quên. Ký ức đó không chỉ là những điều đẹp đẽ tích cực đã xảy ra như lòng dũng cảm hay sự quên mình. Đối với Phương Phương, đó còn là những điều thật khó để nhớ về: người chết vì không được cứu chữa, đám tang không được diễn ra, lời tuyên bố của chính phủ rằng virus không lây lan giữa người với người. Tất cả nỗi buồn, sự bất công, cảm giác là nạn nhân, bà biết mình sẽ không bao giờ quên.

 

Chẳng mấy ai đủ sức đọc hết những lời kêu cứu trên nhóm Giúp nhau mùa dịch. Rồi sẽ đến lúc chúng ta thấy những câu chuyện cá nhân đó từa tựa nhau: nhiễm bệnh, khó thở, không có giường bệnh, qua đời. Nhưng như Phương Phương đã mượn câu mở đầu của tác phẩm Anna Karenina để diễn giải, “Hầu hết các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh lại có nỗi bất hạnh của riêng họ”, làm sao có thể đánh đồng tất cả những cái chết ở Sài Gòn trong đợt dịch này là nỗi đau chung và cho rằng chúng giống hệt nhau? TP. Hồ Chí Minh hẳn là còn lâu mới hết dịch, nhưng diễn ngôn đầy không khí chiến trận trên mặt báo đã không có chỗ cho những nỗi tuyệt vọng của cư dân.

 

Vì tất cả những lý do trên, tôi mong bạn đọc Nhật ký Vũ Hán.

 

Như tôi đã nói ở trên, ở một mặt nào đó, đây vẫn là một câu chuyện phong tỏa của người có nhiều đặc quyền. Phương Phương thuộc về tầng lớp tri thức trong xã hội, có hai người anh (hoặc em) trai làm giáo sư đại học với khả năng tiếp cận những thông tin mà không phải người dân Vũ Hán nào cũng có. Bà có một khoảng sân an toàn để bước ra hít thở khí trời, vẫn có thể lái xe đến đưa đồ ăn cho con gái. Rất nhiều người Sài Gòn và người Vũ Hán không có được lựa chọn đó.  Ở một mặt nào đó, Nhật ký Vũ Hán là một câu chuyện còn an ủi hơn nhiều so với những gì đang diễn ra với rất nhiều người ở Sài Gòn hiện nay.

 

Bạn cũng có thể đọc cuốn sách để tìm kiếm một chút vuốt ve, hoặc chỉ dẫn làm sao để vượt qua những ngày này (với điều kiện có đủ đặc quyền). Bạn cũng có thể đọc nó như một lời nhắc nhở bản thân: dịch rồi sẽ qua (dù không biết bao giờ), nhưng đừng để ký ức vụn vặt hàng ngày của chúng ta bị hòa vào biển huyền thoại ngày chiến thắng. Vì ký ức của chúng ta là sự thật.

 

Còn nếu bạn đang ở Sài Gòn, tốt hơn hết, hãy viết lại nhật ký của riêng mình.

 

Hãy viết ra,

 

Những điều không được viết trên mặt báo chính thống

 

Những điều bị cho là gây hoang mang

 

Những điều có thể sẽ bị Trung tâm tin giả của Bộ Thông tin và Truyền thông dán nhãn là “tin giả”

 

Những điều ta không thể quên.

 

Vì, nói như Diêm Liên Khoa, sau đại dịch này, nếu không thể là những người thầm thì, hãy để chúng ta trở thành “những kẻ lặng câm nhưng mang theo ký ức”.

 

Cảm ơn đã đọc bài viết này. Bạn hãy đọc cả Nhật ký Vũ Hán và bài viết của Diêm Liên Khoa nữa nhé.

 


 

Bạn có thể tìm thấy bản tiếng Anh của Nhật ký Vũ Hán trên Amazon với định dạng dành cho Kindle, với tên đầy đủ là “Wuhan Diary: Dispatched from a Quarantine City”. [3]

Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần.

Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

 


 

Chú thích:

 

1.  Vũ Ngọc Khuê (dịch). Sau COVID-19, còn điều gì nữa? – Diêm Liên Khoa. (2021, April 27). Nhunghuyenthoai.com. Truy cập tại vanvn.vn ngày 3/8/2021. https://vanvn.vn/sau-covid-19-con-dieu-gi-nua-diem-lien-khoa

 

2.  The Economist. (2021, June 1). Covid-19 deaths in Wuhan seem far higher than the official count.

https://www.economist.com/graphic-detail/2021/05/30/covid-19-deaths-in-wuhan-seem-far-higher-than-the-official-count

 

3.  Wuhan Diary: Dispatches from a Quarantined City - Kindle edition by Fang, Fang, Berry, Michael. Politics & Social Sciences Kindle eBooks @ Amazon.com. (2021). Amazon.

https://www.amazon.com/Wuhan-Diary-Dispatches-Quarantined-City-ebook/dp/B086JXGZFB

 

====================================================

.

.

Sau Covid-19, còn điều gì nữa? 

Diêm Liên Khoa

Cập nhật ngày: 27 Tháng Tư, 2021 lúc 22:50

https://vanvn.vn/sau-covid-19-con-dieu-gi-nua-diem-lien-khoa/

 

Vanvn- Nhà văn nổi tiếng Diêm Liên Khoa, giảng viên và Chủ nhiệm Khoa Văn hóa Trung Quốc tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong, đã giảng bài trực tuyến cho lớp sau đại học về coronavirus, ký ức cộng đồng và những người sáng tác sẽ nói về đại dịch này như thế nào vào ngày 21.2.2021. Dưới đây là chuyển ngữ của bài giảng đó, được xuất bản lần đầu tiên trên tờ ThinkChina.

 

https://vanvn.vn/wp-content/uploads/2021/04/Diem-Lien-Khoa-vanvn.jpg

Nhà văn Diêm Liên Khoa

 

Các trò thân mến,

 

Hôm nay là ngày học trực tuyến đầu tiên của chúng ta. Trước khi vào bài, cho phép tôi nói lạc đề một chút.

 

Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần mắc cùng một lỗi hai đến ba lần, cha mẹ thường lôi tôi ra trước mặt họ, chỉ tay lên trán tôi rồi nói:

 

“Sao mày nhanh quên thế?”

 

Trong lớp tiếng Trung, mỗi lần tôi quên bài đọc thuộc lòng sau khi đã đọc đi học lại không biết bao nhiêu lần, giáo viên sẽ yêu cầu tôi đứng lên và hỏi tôi trước cả lớp:

 

“Sao trò nhanh quên thế?”

 

Khả năng ghi nhớ là mảnh đất để các ký ức lớn lên, và ký ức là trái cây sinh ra từ mảnh đất đó. Có được ký ức và khả năng ghi nhớ là khác biệt căn bản giữa con người và động vật hay cây cỏ. Đó là điều kiện đầu tiên để chúng ta lớn lên và trưởng thành. Đã bao nhiêu lần, tôi cảm thấy rằng điều đó còn quan trọng hơn là ăn mặc, và cả hít thở — một khi ta quên đi các ký ức, ta sẽ quên cách làm sao để ăn, hay mất đi khả năng biết cày ruộng. Ta sẽ quên quần áo ta mặc ở đâu khi ngủ dậy mỗi sáng. Ta sẽ tin rằng vị hoàng đế lúc trần truồng sẽ đẹp hơn là khi mặc quần áo. Tại sao tôi lại nói ra những điều này vào ngày hôm nay? Đó là bởi vì Covid-19—một thảm họa của quốc gia và của toàn cầu—vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát; các gia đình vẫn ly tán, và những tiếng khóc than vẫn còn vọng từ Hồ Bắc, Vũ Hán và nhiều nơi khác. Thế nhưng, những khúc ca chiến thắng đã nổi lên từ nhiều nơi. Tất cả bởi vì các số liệu thống kê đã tốt đẹp hơn.

 

Xác người còn chưa lạnh và nhân dân vẫn còn than khóc. Thế nhưng các khúc khải hoàn ca đã được cất lên và người ta bắt đầu tuyên bố: “Ôi thật sáng suốt và vĩ đại làm sao!”

 

Từ cái ngày mà Covid-19 đi vào đời sống của chúng ta cho tới nay, ta không biết rõ bao nhiêu người đã tử vong vì nó—bao nhiêu người đã chết ở các bệnh viện, và bao nhiêu người đã qua đời ở bên ngoài kia. Ta còn không có cơ hội để nghiên cứu về những thứ đó. Hay thậm chí còn tệ hơn là, những điều tra và nghi vấn có thể sẽ chấm dứt khi thời gian trôi đi, và sẽ mãi là bí ẩn không lời giải. Có lẽ, ta sẽ phải để cho thế hệ sau truyền thừa một hỗn độn giữa sự sống và cái chết, mà không ai có ký ức gì về nó.

 

Khi đại dịch đã lắng xuống, ta không được giống như thím Tường Lâm (một nhân vật trong tiểu thuyết của Lỗ Tấn, điển hình cho kiểu phụ nữ lao động u mê trong xã hội phong kiến cũ), kêu rên khi đứa con trai bị chó sói ăn thịt: “Tôi chỉ biết bọn thú hoang đi rình mồi vào mùa đông, khi trên núi không có gì ăn; Ai mà biết được là bọn chó sói làm thế cả vào mùa xuân”. Nhưng chúng ta cũng không thể giống như AQ, lần nào cũng tự nhủ thầm rằng mình là kẻ chiến thắng sau khi bị ăn đòn, bị sỉ nhục và bị dồn vào cái chết.

 

KHI KÝ ỨC CÓ THỂ KHÔNG MANG CHO TA SỨC MẠNH THAY ĐỔI THỰC TẠI, ÍT NHẤT LÀ NÓ CŨNG CÓ THỂ LÀM LÒNG TA DẤY LÊN CÂU HỎI KHI TA PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI DỐI TRÁ.

 

Trong quá khứ và cả thời đại chúng ta đang sống, tại sao bi kịch và thảm họa lại luôn đến với cá nhân, gia đình, xã hội, thời đại, đất nước, lần lượt cái này liền tiếp vào cái sau? Và tại sao những bi kịch lịch sử lại phải trả giá bằng ngàn vạn mạng dân thường? Giữa vô số các yếu tố mà ta không biết, ta không hỏi hay được bảo rằng đừng có hỏi (mà ta nhất mực nghe theo), thì có một yếu tố này: nhân loại, trong tồn tại tập thể của mình, vô danh như kiến, vốn dĩ là những thực thể dễ quên.

 

Ký ức của chúng ta đã bị chỉnh đốn, thay thế và xóa bỏ. Ta nhớ những gì người khác bảo ta phải nhớ, và quên những gì người khác bảo ta phải quên. Ta im lặng khi được được yêu cầu làm thế, và hát theo mệnh lệnh. Ký ức đã trở thành công cụ của thời đại, được dùng để tạo ra ký ức tập thể của một quốc gia, được tạo ra bởi những gì ta được bảo rằng phải quên đi hay phải nhớ.

 

Thử nghĩ mà xem: không nói đến những cuốn sách phủ bụi cũ kỹ đã trở thành quá khứ, chỉ cần nhớ lại những gì đã xảy ra trong vòng 20 năm qua. Những biến cố mà người trẻ như các trò, những đứa sinh ra vào năm 80 và 90, tất cả đều đã trải qua và ghi nhớ những đại thảm họa quốc gia như AIDS, SARS và Covid-19. Theo các trò, đó là những thảm họa do con người tạo ra hay là những thảm họa thiên nhiên mà con người phải bất lực khi đối mặt với nó, như động đất ở Đường Sơn hay Tứ Xuyên? Mà rồi tại sao yếu tố con người trong những thảm kịch quốc gia trước đây đều như nhau? Đặc biệt là dịch SARS từ cách đây 17 năm, và sự leo thang của dịch Covid-19 hiện tại, dịch bệnh nhìn có vẻ như chúng được dựng lên bởi cùng một đạo diễn. Thảm kịch lại tái hiện ngay trước mắt chúng ta. Và con người mong manh như cát bụi, ta còn không thể tìm được ai là đạo diễn, cũng như không đủ chuyên môn để thu thập và chắp nối những tư tưởng, ý niệm và sáng tạo của nhà biên kịch. Nhưng khi chúng ta đối diện trước sự tái hiện của “vở kịch tử thần” này một lần nữa, chẳng phải ít nhất ta cũng nên tự hỏi chính mình rằng ta có những ký ức gì về biến cố đã xảy ra trong quá khứ mà ta là một phần trong đó?

 

Ai đã xóa sạch ký ức của ta?

 

Những kẻ hay quên, về bản chất, giống như bụi đất trên đường. Người ta có thể dùng đế giày dẫm đạp lên họ kiểu gì cũng được.

 

Những kẻ hay quên, về bản chất, giống như tấm gỗ đã cắt rời khỏi thân cây đã mang tới sự sống cho chúng. Cưa và rìu hoàn toàn kiểm soát chúng sẽ trở thành gì trong tương lai.

 

Đối với chúng ta, những người gắn cho đời sống ý nghĩa bằng tình yêu văn chương, những người nương vào các nhân vật trong văn chương Trung Hoa mà sống; đối với các học viên thạc sĩ của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong đang online này, và dĩ nhiên là bao gồm cả những tác giả đã tốt nghiệp hay vẫn đang theo học lớp viết sáng tác chuyên nghiệp tại Đại học Nhân dân Trung Hoa—nếu chính chúng ta cũng bỏ rơi ký ức về máu đổ và sự sống, thì ý nghĩa của việc viết là gì? Giá trị của văn chương là gì? Tại sao xã hội lại cần những người viết? Việc sáng tác cần mẫn, không ngừng nghỉ, và biết bao nhiêu cuốn sách được viết ra có gì khác so với việc trở thành một con rối bị người khác kiểm soát? Nếu phóng viên không tường thuật lại những gì họ chứng kiến, và tác giả không viết về những ký ức và cảm xúc; nếu những người còn được lên tiếng trong xã hội, và biết cách để nói ra luôn kể lại đọc lại và công bố mọi thứ trên tinh thần đúng đắn về mặt chính trị, thì ai có thể nói cho chúng ta rằng việc sống như máu thịt trên đời này còn ý nghĩa gì nữa chăng?

 

Hãy thử nghĩ mà xem: nếu như nhà văn Phương Phương không tồn tại ở Vũ Hán. Cô ấy không ghi chép lại những ký ức cá nhân và cảm xúc của mình. Cũng không có hàng ngàn vạn người giống như Phương Phương đang kêu cứu qua điện thoại. Thì chúng ta nghe thấy gì? Chúng ta nhìn thấy gì?

 

Giữa dòng nước lũ của thời đại, ký ức của một người giống như bọt nước, bị nhấn chìm hay đánh dạt sang một bên bởi sóng nước và tiếng ồn, làm ký ức đó câm lặng bằng tiếng nói và ngôn từ, giống như chúng chưa bao giờ tồn tại. Chao ôi, khi thời đại qua đi, mọi thứ tan vào quên lãng. Máu và thịt, thân xác và linh hồn đều biến đi. Mọi thứ đều ổn, và điểm tựa nhỏ bé của sự thật mà có thể nâng được cả thế giới đã mất. Như thế, lịch sử trở thành tập hợp của huyền thoại, của mất mát và những câu chuyện tưởng tượng, không có nền tảng và vô căn cứ. Từ quan điểm như thế, điều quan trọng là ta có thể nhớ và nắm giữ ký ức của mình khiến không ai có thể chỉnh đốn hay xóa bỏ. Đó chỉ là một chút nhỏ sự chắc chắn và bằng chứng mà ta có thể mang ra khi ta nói lên một sự thật nhỏ bé. Đây là điều đặc biệt quan trọng với những học viên của lớp sáng tác. Phần lớn chúng ta coi nghiệp của đời mình là viết lách, tìm kiếm sự thật, và sống như một cá nhân qua những ký ức của mình. Nếu như đến một ngày ngay cả những người như chúng ta mất đi những điều chân thực nhỏ nhoi còn sót lại và những ký ức, sẽ còn chăng những gì chân thực của cá nhân và lịch sử? Sẽ còn chăng sự thật?

 

Trên thực tế, ngay cả khi khả năng ghi nhớ và ký ức của chúng ta không thể làm gì để thay đổi thế giới, ít nhất thì nó cũng giúp chúng ta nhận thức được rằng có gì đó không đúng khi ta phải đối mặt với “sự thật” đã được tập trung chỉnh đốn. Giọng nói nhỏ bé trong ta sẽ cất lên: “Cái đó không đúng!”. Ít nhất, thì trước khi bước ngoặt của đại dịch thực sự đến, ta có thể nghe và ghi nhớ những tiếng lầm than từ những người, những gia đình và những kẻ bị gạt ra bên lề, giữa tiếng hân hoan của khúc ca khải hoàn.

 

Ký ức không thể thay đổi thế giới, nhưng nó cho chúng ta một tấm lòng chân thật.

 

 

TÔI HY VỌNG RẰNG MỖI TRÒ Ở ĐÂY, VÀ TẤT CẢ NHỮNG AI ĐÃ TRẢI QUA ĐẠI DỊCH COVID-19 SẼ TRỞ THÀNH NHỮNG NGƯỜI GHI NHỚ, NHỮNG NGƯỜI RÚT ĐƯỢC NHỮNG KÝ ỨC RA TỪ TRÍ NHỚ.

 

Dẫu ký ức có thể không mang cho ta sức mạnh thay đổi thực tại, ít nhất là nó cũng có thể làm lòng ta dấy lên câu hỏi khi ta phải đối diện với dối trá. Nếu như có một ngày, một cuộc Đại Nhảy Vọt nữa lại tới, và người ta lại đắp lò nung ở sân nhà, ít nhất ký ức cũng cho ta biết rằng cát không thể biến thành sắt, và một mẫu ruộng không cho ta trăm nghìn cân lương thực. Ít nhất ta cũng biết rằng đây là lẽ thường cơ bản nhất, và không phải là sức mạnh ý thức tạo ra vật chất, từ không khí biến ra đồ ăn. Nếu có một cuộc Cách mạng Văn hóa nữa diễn ra, ta ít nhất cũng có thể đảm bảo rằng mình sẽ không phải là kẻ đưa cha mẹ ta vào tù hay ra pháp trường.

 

Các trò thân mến, chúng ta đều là những học viên ngành nghệ thuật mà có lẽ sẽ dành cả đời để vật lộn với thực tại và ký ức bằng ngôn từ. Đừng để mình nói về ký ức tập thể, về ký ức quốc gia hay ký ức của dân tộc, mà hãy là của chính chúng ta; vì trong lịch sử, ký ức tập thể sẽ luôn che đậy và thay đổi ký ức của chúng ta. Ngày hôm nay, vào chính thời điểm này, khi Covid-19 vẫn còn lâu mới trở thành ký ức, khi mà chúng ta đã nghe thấy khải hoàn ca vang lên từ khắp nơi. Vì lẽ đó, tôi hy vọng rằng mỗi trò ở đây, và tất cả những ai đã trải qua đại dịch Covid-19 sẽ trở thành những người ghi nhớ, những người rút được những ký ức ra từ trí nhớ.

 

Trong tương lai gần có thể dự đoán được, khi mà cả nước mừng chiến thắng đại dịch Covid-19 với ca nhạc, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không trở thành những người viết trống rỗng vô hồn, mà sẽ là những người đơn giản sống thật với ký ức của mình. Khi buổi đại nhạc hội diễn ra, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không phải là diễn viên hay người kể chuyện trên sân khấu, hay là một trong những người vỗ tay để có cảm giác mình là một phần của hội diễn—Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ là những kẻ kín đáo, bị bỏ rơi đứng ở góc xa nhất của sân khấu, vừa khóc vừa lặng lẽ nhìn. Nếu tài năng, sự can đảm và sức mạnh tinh thần của chúng ta không đủ biến ta thành một người viết như Phương Phương, thì chúng ta cũng không ở trong số những người, những giọng nói nghi ngờ hay nhạo báng Phương Phương. Trong khi mọi thứ quay trở lại trạng thái bình thường và thịnh vượng như xưa, cùng những làn sóng ca hát, nếu ta không thể lớn tiếng đặt câu hỏi về nguồn gốc và sự lây lan của Covid-19, thì chúng ta cũng có thể nói nhỏ, nói bằng giọng trầm, vì đó cũng là sự thể hiện lương tri và lòng dũng cảm. Viết thơ sau giai đoạn trại tập trung Auschwitz là một điều dã man, nhưng thậm chí còn dã man hơn nếu như chúng ta chọn quên nó đi trong ngôn từ, trong đối thoại và trong ký ức—điều đó thật sự dã man và kinh khủng hơn.

 

Nếu như ta không phải là một “người thổi còi” như bác sĩ Lý Văn Lượng thì ít nhất hãy để mình là một kẻ biết lắng nghe tiếng còi đó.

 

Nếu ta không thể nói to thì hãy là những kẻ thầm thì. Nếu ta không thể là những kẻ thầm thì, hãy để chúng ta trở thành những kẻ lặng câm nhưng mang theo ký ức. Trải qua những khởi đầu, những tàn phá và lây lan của Covid-19, hãy để chúng ta là những kẻ lặng lẽ bước ra ngoài lề một bước khi đám đông tụ tập lại để hát khúc khải hoàn ca sau khi chiến thắng—những kẻ mang trong tim mình những nấm mộ với ký ức được khắc trên đó; những người ghi nhớ và một ngày nào đó có thể truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai.

 

DIÊM LIÊN KHOA

 

Vũ Ngọc Khuê dịch từ bản chuyển ngữ của Grace Chong,

đăng trên trang Những Huyền Thoại

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats