Giáo dục Việt Nam : Một thảm kịch của dân tộc
1/08/2021
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/22283-giao-d-c-vi-t-nam-m-t-th-m-k-ch-c-a-dan-t-c
Khi nhắc đến một Việt Nam tụt hậu về mọi mặt,
lĩnh vực kinh tế thường được "đại diện" để đưa ra so sánh với
các nước (một cách tự nhiên) bởi "bức tranh kinh tế" có những
con số cụ thể và cũng là hình ảnh dễ hình dung thông qua đời sống xã hội. Trong
khi đó các vấn đề quan trọng khác như môi trường, giáo dục, y tế... có một "gam
màu" trừu tượng hơn. Ai cũng đồng ý rằng giáo dục rất quan trọng
nhưng cần một cố gắng suy tư để nhận ra giáo dục là lĩnh vực quan trọng nhất, đặc
thù nhất và quyết định vận mệnh của một dân tộc. Giáo dục như một dòng chảy
mang theo tinh hoa tri thức làm gia tăng phẩm chất con người, gián tiếp tác động
vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Sống trong một đất nước bị cai trị bởi một chế
độ tồi dở như chế độ cộng sản, người dân đã có những cuộc biểu tình lên án về
các vấn đề quan trọng như : phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc,
hành động hủy hoại môi trường của các công ty hóa chất ; thậm chí bạo loạn chống
đối trong các vụ chính quyền cho Trung Quốc thuê đất trọng yếu, luật đặc khu,
cưỡng chế đất đai bất công… Tuy nhiên cho đến nay chưa có một sự phản đối mạnh
mẽ nào dành cho những sai lầm, thất bại của chính quyền trong lĩnh vực giáo dục.
Tiếng nói của các trí thức trong ngành giáo dục cũng chỉ dừng lại ở những góp ý
hoặc hội thảo mà không đi đến được mục tiêu cuối cùng. Vai trò và tầm quan trọng
thật sự của giáo dục đã không có được sự nhìn nhận đúng mức của toàn xã hội, từ
chính quyền cho đến người dân và giới trí thức, trong đó có cả phần đông các
nhà giáo.
Thực trạng của nền giáo dục hiện nay bi đát đến
mức ai cũng thấy rõ, chính quyền thì bất lực và không thật tâm muốn tình hình tốt
lên. Tình trạng còn trở nên tồi tệ hơn khi phần đông trí thức vẫn chưa dành một
ưu tư đúng đắn và hiểu được tầm quan trọng của lĩnh vực giáo dục đối với quốc
gia dân tộc. Những gì của nền giáo dục ngày nay, chỉ là kết quả của những thành
tố tiêu cực từ di sản của lịch sử đến môi trường giáo dục độc hại dưới sự quản
lý, kiểm soát của chính quyền độc đoán. Một thế hệ được đào tạo từ hệ thống
giáo dục này sẽ là những công dân, là thế hệ nhà giáo nối tiếp, là những phụ
huynh đã từng là sản phẩm của nó, tất cả tạo nên Một dòng chảy độc hại xuyên suốt,
có tác động ít nhất thêm vài thế hệ.
https://live.staticflickr.com/65535/51350737159_f1cc87fc45.jpg
Giáo dục Việt Nam
chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Khổng Nho. Một mặt, ảnh hưởng này tạo được
truyền thống hiếu học và xem trọng người thầy nhưng mặt khác, tạo nên môi trường
giáo dục triệt tiêu sự sáng tạo và tự do.
Phiên bản của giáo
dục Nho giáo
Ảnh hưởng lịch sử lâu dài của văn hóa Khổng
Nho, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục có tác động sâu sắc. Một mặt, ảnh hưởng
này tạo được truyền thống hiếu học và xem trọng người thầy nhưng mặt khác, tạo
nên môi trường giáo dục triệt tiêu sự sáng tạo và tự do.
Phương pháp dạy học vẫn là truyền đạt một cách
cứng nhắc và một chiều từ giáo viên xuống học sinh. Người học phải chấp nhận kiến
thức được truyền thụ và không được quyền phản bác hay có suy nghĩ khách quan.
Điều này tạo nên tâm lý cam chịu những gì được học, học sinh không có cơ hội để
tư duy một cách độc lập về một vấn đề cụ thể trong chương trình học. Qua đó,
triệt tiêu tính tò mò, khám phá và sáng tạo của học sinh.
Chương trình giáo dục với giáo trình, sách
giáo khoa nặng lý thuyết, ít thời lượng cho các hoạt động thực hành khiến hiểu
biết của học sinh chỉ giới hạn ở khả năng học vẹt, không có được trải nghiệm
sâu sắc. Hạn chế này đưa đến hệ quả là học sinh dường như không có được những kỹ
năng quan sát tìm tòi và giảm sự tự tin nhất định về những gì được học.
Bệnh thành tích trong hệ thống giáo dục không
những làm giáo viên mệt mỏi mà còn gián tiếp ảnh hưởng và làm trầm trọng thêm
tâm lý nặng thi cử cho người học. Thay vì tập trung vào chất lượng dạy và học,
cả giáo viên lẫn người học tập trung vào điểm số ở các kỳ thi. Điều này đưa đến
sự lệch lạc trong mục tiêu giáo dục, để rồi người học chỉ hướng đến thành tích
hơn là thực học, hướng đến mưu cầu tiến thân thông qua bằng cấp hơn là phát triển
toàn diện bản thân để phục vụ xã hội.
Những vấn đề ở trên cho thấy, hiện nay chúng
ta vẫn dậm chân tại chỗ trong văn hóa giáo dục, vẫn duy trì tâm lý độc hại về ý
nghĩa, mục tiêu của nền giáo dục đối với mỗi cá nhân người học, người dạy học
và toàn bộ hệ thống giáo dục.
Một nền giáo dục
phản giáo dục
Thực trạng nền giáo dục hiện nay nguy hại và
có tác động tiêu cực lên thế hệ trẻ hơn những gì chúng ta thấy. Môi trường giáo
dục - nơi nuôi dưỡng và đào tạo trẻ từ tri thức đến tâm hồn – đã là nơi để xảy
ra những vấn nạn có tác động tiêu cực đến tâm lý và nhân cách của thế hệ trẻ: bạo
lực học đường giữa học trò với học trò, giữa thầy cô và học trò. Thầy giáo xâm
hại tình dục học sinh, sinh viên; gian lận thi cử, gian lận thành tích.
Nền giáo dục cho đến nay vẫn chưa có triết lí
giáo dục phù hợp, để rồi trải qua nhiều thay đổi và cải cách nhưng cho đến nay
vẫn trong vòng luẩn quẩn. Không có triết lí giáo dục giống như con thuyền không
có la bàn khi lênh đênh giữa biển khơi, một nền giáo dục không biết đào tạo ra
con người sẽ như thế nào, phương pháp dạy học nào phù hợp và mục đích của giáo
dục là gì?!
https://live.staticflickr.com/65535/51350223323_226eeebe44_o.jpg
Cuộc cạnh tranh khốc
liệt nhất để đảm bảo chỗ đứng của các dân tộc trên thế giới hiện nay chính là
lĩnh vực giáo dục.
Chương trình dạy học nặng về lý thuyết và chú
trọng kiến thức tổng quát cho thi cử, không chú trọng đến phát triển thể chất,
sức khỏe tinh thần và nhân cách của người học. Không xét đến sự khác nhau về
hoàn cảnh và tâm lý của mỗi cá nhân học sinh để có phương pháp và giáo trình
phù hợp với khả năng tiếp thu, văn hóa giao tiếp thầy - trò mang tính áp đặt
khiến người học thụ động, quan điểm đánh giá chung và cứng nhắc làm nhiều học
sinh bị bỏ lại phía sau mà không có được sự giúp đỡ cần thiết. Điều kiện cơ sở
hạ tầng phát triển không đồng đều giữa địa phương này với địa phương khác trong
khi tiêu chuẩn đánh giá thì như nhau.
Không có được những kỹ năng cơ bản như bơi lội
cùng với không gian cho vui chơi an toàn bên ngoài nhà trường đã là nguyên nhân
chính gây ra hơn 2000 ca tử vong do đuối nước hàng năm ở trẻ em. Không có được
sự kết nối hướng dẫn từ nhà trường đến gia đình đã để lại một khoảng trống lớn
trong công tác giáo dục nhân cách, khiến cho những người trẻ dễ bị cuốn vào các
suy nghĩ xấu, nguy cơ dẫn đến các hành động vi phạm pháp luật.
Tham nhũng trong ngành giáo dục thể hiện ở nhiều
vấn nạn, trong đó có việc rút ruột từ đầu tư cơ sở hạ tầng làm giảm chất lượng
công trình, không ít sự việc đau lòng từ sự xuống cấp của cơ sở vật chất làm
thiệt mạng nhiều học sinh, sinh viên. Nhà trường đã không còn là nơi an toàn đối
với các người học, thậm chí là tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, tệ nạn.
Những đợt cải cách liên miên, kéo dài cho đến
nay chỉ làm hệ thống giáo dục thêm rối ren và sinh ra nhiều bất cập, tiêu cực.
Ngân sách chi tiêu cho giáo dục hàng năm và cả những đợt cải cách rất tốn kém.
Tham nhũng và lợi ích nhóm trong ngành đã gây ra sự lãng phí vô cùng lớn không
những cho ngân sách, sự móc nối để toan tính trục lợi từ việc bán các dụng cụ dạy,
học và sách giáo khoa cũng làm tiêu tốn tiền bạc của mỗi gia đình có con em đi
học. Các khoản chi phí học tập như sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục... nhiều
gấp 2,5 lần học phí đã khiến việc đầu tư giáo dục trở thành một gánh nặng cho
gia đình, dẫn đến tình trạng bỏ học ở trẻ.
Theo một nghiên cứu với sự tham gia của UNICEF
có tên gọi "Nguyên nhân bỏ học của trẻ em Việt Nam" thì có
đến 24% trẻ em bỏ học khi chưa đến tuổi 15 và chỉ hơn 46% trẻ em tiếp tục vào
trung học phổ thông. Các chỉ số này lớn hơn ở các bé nữ do tâm lý trọng nam
khinh nữ trong xã hội và càng trầm trọng hơn ở những vùng sâu vùng xa nghèo khó
tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, ở những nơi này hoàn cảnh mà cha mẹ các bé
xem "miếng ăn" gia đình quan trọng hơn "cái chữ" của
con.
Nghề giáo viên được xem là nghề cao quý nhất,
nghề giáo đòi hỏi sự chuẩn mực về đạo đức, dành nhiều tâm trí và cả sự nhiệt
huyết. Nghề giáo viên cũng là nghề tạo thu nhập chính cho nhà giáo nên với mức
lương rất thấp như hiện nay, giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống và chăm
lo cho gia đình. Khó khăn về cuộc sống đã khiến nhiều giáo viên không còn tâm
huyết với nghề, thậm chí bất mãn với hệ thống quản lý và từ đó sinh ra nhiều
tiêu cực như dạy thêm, mua bán điểm.
Giáo viên phải thích nghi với giáo trình, thụ
động với phương pháp giảng dạy. Điều kiện cơ sở vật chất không theo kịp đòi hỏi
của giáo trình, ảnh hưởng của văn hoá địa phương là một rào cản. Giảng dạy với
giáo trình theo khuôn mẫu cùng tiêu chuẩn đánh giá khiến người dạy dần hình
thành tâm lý độc đoán và áp đặt, dễ sinh ra phản ứng tiêu cực khi có phát biểu
trái ngược từ người học dù đó là một nhu cầu bản năng với một đòi hỏi tự nhiên
từ tâm thức người học.
Chất lượng cuộc sống và hình ảnh suy giảm của
nghề giáo cũng đưa đến một tâm lý nhức nhối trong xã hội, thế hệ trẻ cùng gia
đình ngày càng không xem trọng nghề giáo khiến số lượng tuyển sinh ít và chất
lượng thí sinh vào các ngành sư phạm ngày càng thấp. Điều kiện cơ sở đào tạo
nghèo nàn và thiếu thốn cũng đưa đến một thế hệ sư phạm càng về sau càng suy giảm
về phẩm chất và năng lực. Cơ cấu đào tạo sư phạm cũng chỉ tập trung vào kiến thức
phổ thông mà chưa chú trọng đến nhân lực cho mảng phát triển phẩm chất người học,
khiến hệ thống giáo dục thiếu trầm trọng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thể
chất, tinh thần cho học sinh.
Nhà trường thay vì là nơi trẻ phát triển về mọi
mặt và là nơi phụ huynh gởi gắm sự kỳ vọng, thì nay đã biến thành một nơi không
những là nỗi ám ánh của học sinh mà còn là gánh nặng đối với phụ huynh. Những
buổi họp lớp định kỳ trong năm thay vì chú trọng sự kết nối của nhà trường để
gia đình nắm được tình hình học tập của con em, thì đã biến thành không gian để
phía nhà trường gây áp lực về các khoản đóng góp vô lí, thiếu minh bạch. Một
môi trường giáo dục không những học sinh chán ghét mà phụ huynh cũng cảm thấy bất
mãn.
https://live.staticflickr.com/65535/51351045645_de19c419bd.jpg
Một nền giáo dục khai phóng chỉ có thể tồn tại và phạt
huy được hiệu quả dưới một chế độ chính trị dân chủ đa nguyên, là một chế độ
tôn trọng con người ở mức cao nhất.
Không có lối thoát
cho vòng luẩn quẩn
Di sản từ văn hóa Khổng Nho vốn đã nặng nề, ảnh
hưởng không những trong lĩnh vực giáo dục mà còn là vấn đề của tâm lí xã hội.
Dưới sự quản lý và điều hành của chế độ cộng sản, di sản và tâm lí độc hại đó
như tìm thấy một môi trường không thể thuận lợi hơn để trở nên độc hại hơn.
Giáo dục chỉ có thể thay đổi tốt lên khi được
cởi trói cùng với một nỗ lực cải cách triệt để toàn bộ hệ thống, để làm được điều
này, điều tiên quyết là phải có sự thay đổi về thể chế chính trị.
Giáo dục đúng nghĩa là môi trường tạo ra con
người tự do để làm điều tốt, theo lẽ phải và dạy cho con người có đủ kỹ năng,
kiến thức và phẩm chất phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu phát triển xã hội. Điều
này thật trớ trêu, lại là cấm kỵ đối với một chế độ độc tài như chính quyền cộng
sản Việt Nam, chính quyền này không muốn một xã hội có những con người tự do,
sâu xa hơn, chính quyền không có lẽ phải và không thể có điều đó. Một cách kiên
quyết và không giấu giếm, đảng cộng sản thông qua Bộ Chính trị đã đưa ra Nghị
quyết 142 đối với các cơ sở Đại học và Cao đẳng nhằm nhấn mạnh mục tiêu giáo dục
: Phải tạo ra những con người "tuyệt đối trung thành với Đảng, với
giai cấp công nhân, với dân tộc". Một mục tiêu giáo dục vừa khiên cưỡng vừa
lố bịch.
Mâu thuẫn giữa nỗ lực cải cách giáo dục và rào
cản không thể xóa bỏ của chính quyền đã tạo nên một vòng luẩn quẩn không hồi kết,
điều mà chính quyền nhận thức được nhưng cũng như đa số người dân, họ không hiểu
được vai trò tiên quyết của giáo dục đối với mỗi quốc gia. Để rồi, lĩnh vực
quan trọng bậc nhất này chỉ nhận được sự thờ ơ đối với các vấn nạn nhức nhối,
thảm trạng này chưa đánh thức được lương tri xã hội, thay vào đó chỉ có sự tháo
chạy của một bộ phận nhỏ những người có điều kiện để đưa con cái đi du học.
Tương lai nào cho
giáo dục Việt Nam ?
Đất nước dưới sự cai trị của chế độ độc tài là
một nhà tù lớn, thì giáo dục dưới sự quản lý của chính quyền cộng sản trong một
xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Khổng Nho là một nhà tù nhỏ.
Không có tương lai nào cho giáo dục chừng nào đất nước chưa thoát được sự cai
trị độc đoán của chính quyền cộng sản và do chúng ta chưa nhận thức được ý
nghĩa to lớn của giáo dục.
Con người là thành tố quan trọng nhất, quyết định
mọi vấn đề của xã hội trong đó có kinh tế. Một nền giáo dục tốt tạo ra những
con người tốt, khai phóng nguồn nhân lực chất lượng, tham gia vào xây dựng các
thành tố quan trọng để phát triển kinh tế.
Kinh tế phát triển sẽ tạo ra nguồn lực để tái
đầu tư lại không những cho lĩnh vực giáo dục mà còn y tế, công nghệ và các lĩnh
vực khác. Như vậy, giáo dục đóng vai trò tiên quyết và quan trọng trong tiến
trình phát triển của một quốc gia.
Đất nước không thể phát triển và còn tụt hậu
chừng nào giáo dục chưa được cởi trói, một logic cần thấy ngay rằng, tương lai
của giáo dục cũng là tương lai của một Việt Nam dân chủ tự do.
Những chuyển biến và đổi thay của thế giới
trong 100 năm qua, đặc biệt là sau các cuộc cách mạng công nghiệp đã giúp nhân
loại nâng cao được năng lực sản xuất, cải thiện rõ rệt đời sống con người. Bên
cạnh đó, cách mạng công nghiệp với các thành quả tích cực cũng mang đến những hệ
lụy tiêu cực, tạo ra nhiều thách thức toàn cầu về ô nhiễm môi trường sống và biến
đổi khí hậu. Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ đầu năm 2020 kéo dài cho đến nay (những
ngày cuối tháng 7 năm 2021) nhưng hiện tại vẫn là thảm họa toàn cầu và ngày
càng tồi tệ cho dù đã có vaccine, đây một thách thức mới cho cả nhân loại. Xu
hướng toàn cầu hóa đã mang con người đến gần nhau hơn, mối liên đới trong một vận
mệnh chung của nhân loại càng trở nên rõ ràng và ràng buộc hơn, các dân tộc ở mỗi
quốc gia khác nhau dù muốn hay không cũng phải chia sẻ một tương lai chung.
Dân tộc Việt Nam trong một nỗ lực lớn lao nhất
từ trước đến nay, đang đấu tranh thay đổi chế độ độc tài để thiết lập một quốc
gia dân chủ tự do trong tình cảnh tụt hậu về mọi mặt. Dù tình cảnh hiện nay thật
sự bi đát nhưng với niềm tin vào con người Việt Nam hiếu học, nếu được đào tạo
từ một nền giáo dục khai phóng sẽ mang đến cho dân tộc cơ hội lớn để phát triển
mạnh mẽ. Trong nỗ lực vươn lên đó, nền giáo dục với vai trò tiên quyết, phải dứt
khoát tôn vinh các giá trị tiến bộ, để tầng lớp công dân mới sau này có được chỗ
đứng quan trọng cùng với các nước phát triển, góp phần xây dựng các hệ giá trị
tiến bộ cũng như giải quyết các thách thức chung của nhân loại.
Có như vậy, chúng ta không những có được thế hệ
công dân tốt để xây dựng một nền tảng xã hội tiến bộ, văn minh mà còn tranh thủ
được sự ủng hộ và hợp tác của các nước phát triển hàng đầu - những nước cùng
theo đuổi các giá trị tiến bộ - để nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tụt hậu và
mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.
Kỷ Nguyên
(1/8/2021)
No comments:
Post a Comment