Sunday, 22 August 2021

NHỮNG BÀI HỌC KHI CHƠI VỚI MỸ (Jackhammer Nguyễn)

 


Những bài học khi chơi với người Mỹ

Jackhammer Nguyễn 

22/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/22/nhung-bai-hoc-khi-choi-voi-nguoi-my/

 

Cái gọi là xây dựng quốc gia

 

Trong số những bài viết về Afghanistan, so sánh với Việt Nam, sau sự kiện Kabul thất thủ (nói thất thủ là quá đáng vì có đánh đâu mà thất thủ), theo chủ quan của tôi, bài của Andrew Gawthorp, có tựa đề “Afghanistan và sự tương đồng thật sự với Việt Nam”, trên tạp chí Diplomat là sâu sắc hơn cả.

 

Theo tác giả thì sự tương đồng quan trọng nhất giữa hai trường hợp can thiệp của Mỹ, Việt Nam năm 1975 và Afghanistan năm 2021, nằm ở chỗ sự thất bại của Mỹ trong việc xây dựng quốc gia (nation building) theo mô hình dân chủ phương Tây. Nguyên nhân của thất bại này là sự kém hiểu biết của người Mỹ về quốc gia mà họ can thiệp vào. Từ đó dẫn đến việc người Mỹ chọn sai người địa phương, các chương trình “học tập dân chủ” ở Mỹ không bao giờ phù hợp, không bao giờ thực hiện được tại địa phương… dù đã thiết lập một hệ thống nhân sự rất lớn, chi rất nhiều tiền của.

 

Nhưng tác giả cũng nói rằng, chuyện xây dựng quốc gia (nation building) chỉ là một chiến lược để rời bỏ (exit strategy). Tức là nó chỉ là mục tiêu thứ hai, trùng với quan điểm của tôi trong bài: Kabul năm 2021 có phải là Sài Gòn năm 1975?

 

Người Mỹ đến Việt Nam để chống cộng sản, đến Afghanistan để diệt Al-Qaeda. Chuyện xây dựng quốc gia, dù về nguyên tắc là phù hợp với tinh thần dân chủ của nước Mỹ, nhưng chỉ là chuyện sau đó. Công bằng mà nói thì người Mỹ đâu có trách nhiệm phải xây dựng quốc gia cho một quốc gia khác!

 

Người Mỹ đã loại bỏ được Al-Qaeda, chống được chủ nghĩa cộng sản (sử dụng con bài Bắc Kinh), thì việc gì họ phải ở lại Việt Nam năm 1975 (thật ra là năm 1973) và Afghanistan năm 2021?

 

Độc quyền điều hành

 

Không ít những chỉ trích cho rằng, việc xây dựng quốc gia thất bại là do người Mỹ độc quyền điều hành, bỏ qua ý kiến của các viên chức địa phương, hoặc là can thiệp quá sâu vào các vấn đề nội bộ địa phương. Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan đã chỉ trích như thế, còn ở Việt Nam cũng không thiếu ý kiến nói rằng, Mỹ đã sai lầm lớn khi bật đèn xanh cho giới tướng lãnh lật đổ ông Ngô Đình Diệm, hay là bỏ qua ý kiến của chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu khi thương lượng hòa đàm Paris với phe cộng sản.

 

Ở đây chúng ta cần làm rõ nước Mỹ là quốc gia theo chủ nghĩa tư bản, ở cả hai mặt tốt và xấu của nó. Tương tự như trong một hội đồng quản trị ở một công ty, ai nắm nhiều cổ phần, người đó có quyền.

 

Trong hai cuộc chiến Việt Nam và Afghanistan, ai là người chi tiền? Người Mỹ chứ còn ai vào đây. Nếu chúng ta tán thành nguyên tắc chủ nghĩa tư bản Mỹ, thì chúng ta không thể trách cứ họ được.

 

Xài rồi thì thôi

 

Khi ta chứng kiến người Mỹ đổ tiền bạc, của cải vào một nơi mà họ đang can thiệp, thì đừng dựa vào khối lượng khổng lồ của cải và tiền bạc đó để mà suy ra rằng: Họ “đầu tư” nhiều như thế thì họ sẽ chiến đấu đến cùng. Đó không phải là chủ nghĩa tư bản.

 

Chúng ta hẳn đã thấy số xe cộ hàng hàng lớp lớp trong căn cứ Bagram lọt vào tay Taliban ở Afghanistan, mà tự hỏi tại sao họ lại bỏ của chạy lấy người như vậy?

 

Nhưng hãy nhìn lại miền Nam Việt Nam, theo số liệu được BBC Việt ngữ đưa ra, vào năm 1973 khi người Mỹ rút quân, họ để lại đến 2276 phi cơ các loại, mà phần lớn rơi vào tay quân cộng sản 2 năm sau đó.

 

Cũng nên biết rằng, những đống chiến cụ này đã được tính toán cả rồi, cho những dự án can thiệp quân sự của họ, vì thế vào năm 2021 ở Afghanistan, hay là năm 1973 ở miền Nam Việt Nam, đống của cải đó được xem như đã xài rồi, một cái giá của quá khứ (past costs), nó không thể làm ảnh hưởng đến những quyết định cho hiện tại và tương lai.

 

Trừu tượng hơn là tương lai dân chủ ở Afghanistan năm 2021, và ở Việt Nam năm 1975. Đó là hai dự án xây dựng quốc gia không còn có ý nghĩa nữa, thì đành phải bỏ nó để tính chuyện sắp tới, ở một nơi khác. Sau Việt Nam là các cuộc can thiệp ở Nicaragua, Grenada, và… Afghanistan.

 

Sau Afghanistan có thể là Đông Nam Á, như nhà báo David Hutt rành rẽ vùng này nói đến sự phấn khích đang lên tại thủ đô một số quốc gia Đông Nam Á về cận cảnh nước Mỹ quay lại vùng này, trong một dự án khác, dự án kềm chế Trung Quốc.

 

Tài nguyên thiên nhiên, chuyện không quan trọng lắm

 

Sau cuộc triệt thoái gây tranh cãi của Biden ở Afghanistan, nhiều người quan tâm đến thời sự đề cập đến nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của xứ này có nguy cơ rơi vào tay Bắc Kinh, từ đó đưa đến nhận định rằng, Mỹ đã thất bại.

 

Mỹ không phải là một đế quốc cũ kỹ kiểu Pháp, Anh, Tây Ban Nha, chiếm đất để chiếm tài nguyên thiên nhiên. Chuyện đó xưa rồi. Đế quốc thực dân kiểu mới (theo cách gọi của những nhà lý luận cộng sản) không cần kiểm soát trực tiếp nguồn tài nguyên cụ thể, mà nó cần ảnh hưởng trên toàn cầu, cần cả trái đất vận hành theo những luật lệ thị trường mà nó muốn. Đế quốc thực dân mới này quan tâm nhiều hơn đến việc làm chủ công nghệ, đầu tư, hơn là chiếm dụng những khu mỏ quặng, dễ mang tiếng xấu.

 

Dù cho Bắc Kinh có nỗ lực gây ảnh hưởng ở châu Phi hay Nam Mỹ, nơi có nhiều mỏ quặng, thì những chuyến hàng chở quặng đồng từ Botswana hay Chile vẫn chở tới Mỹ để chế tạo xe điện ngày một tân tiến ở đây. Taliban sẽ bán đất hiếm (rare earth) cho ai, nếu không phải là Apple ở California?

 

Muốn hay không đều phải chơi với người Mỹ

 

Xây dựng quốc gia dưới sự bảo trợ của người Mỹ là điều dễ làm cho những người hào hứng với tinh thần dân chủ Mỹ phấn khích, mà không thấy rằng, thường thì đó chỉ là phó sản, exit strategy, của họ.

 

Nhưng không phải tất cả các dự án xây dựng quốc gia của Mỹ đều thất bại. Họ đã thành công với đại dự án Marshall ở châu Âu, góp phần phục hưng nước Đức cựu thù. Họ đã thành công ở Nam Hàn sau khi đẩy lùi quân đội của gia tộc họ Kim về bên kia vĩ tuyến 38.

 

Ở Đức, những giá trị và mô hình dân chủ Mỹ không xa lạ lắm với dân tộc này, một dân tộc đã từng có thời cộng hòa Weimar vang bóng. Ở Hàn Quốc, ngoài nhu cầu chiến lược của bán đảo Triều Tiên, làm người Mỹ không dễ dàng bỏ đi, còn có một sức mạnh địa phương hùng mạnh, hơn hẳn miền Nam Việt Nam và Afghanistan.

 

Dự án toàn cầu của Mỹ dường như một lần nữa chuyển trọng tâm về Đông Nam Á, nơi mà giới chức Mỹ liên tục thăm viếng trong hơn 10 năm qua. Muốn hay không muốn thì các quốc gia nhỏ ở đây cũng phải chơi với người Mỹ. Chuyện xây dựng quốc gia là chuyện riêng của Hà Nội hay Bangkok, hay bất cứ quốc gia ASEAN nào khác.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats