Sunday, 22 August 2021

NHÌN KABUL NGHĨ VỀ SÀI GÒN : CÁC CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM CỘNG HÒA LÊN TIẾNG (Hoàng Long - VOA Tiếng Việt)

 


Nhìn Kabul nghĩ về Sài Gòn : Các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa lên tiếng

Hoàng Long  -  VOA Tiếng Việt

21/08/2021

https://www.voatiengviet.com/a/nhin-kabul-nghi-ve-sai-gon-cac-cuu-chien-binh-viet-nam-cong-hoa-len-tieng/6010766.html

 

https://gdb.voanews.com/A02E7317-7826-4E9E-B079-D0D18DDBE3FE_w650_r1_s.jpg

TƯ LIỆU - Hình chụp ngày 29 tháng 4, 1975 cho thấy máy bay trực thăng trên nóc Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn thực hiện những đợt di tản cuối cùng những nhân viên và thường dân.

 

Tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, một cảnh tượng chấn động khắp thế giới. Một máy bay quân sự của Mỹ lăn bánh trên đường băng giữa đám đông những người Afghanistan vây kín cố ngăn nó cất cánh, một số người tuyệt vọng bám lên thân báy bay. Rồi vài phút sau, có người rơi xuống từ máy bay khi nó đang ở trên không trung.

 

Từ tư gia ở Reston thuộc bang Virginia của Mỹ, ông Đinh Hùng Cường không khỏi xúc động trước những hình ảnh đau lòng. Cảm xúc của ông không chỉ xuất phát từ vị thế một công dân Mỹ chứng kiến sự sụp đổ và kết cục hỗn loạn nơi quân đội nước ông đã tham chiến hơn 20 năm, nó còn đến từ tâm thế của một người tị nạn từng được di tản khỏi một sự sụp đổ tương tự gần 50 năm trước.

 

Những diễn biến ở Afghanistan đầu tuần này khiến ông nhớ lại những gì xảy ra ở miền Nam Việt Nam vào năm 1975 khi lực lượng cộng sản miền Bắc mở cuộc tiến công mang tính quyết định. Tại Đà Nẵng, người ta cố leo lên một máy bay dân sự của Mỹ bay vào Sài Gòn với một số người bám lấy cánh máy bay, ông kể. Một người được phát hiện đã chết trong hốc máy bay khi nó đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

 

“Cái thảm cảnh đó làm cho tôi rất xúc động và tôi thấy rằng sau mấy chục năm rồi tôi rất là thương dân chúng Afghanistan,” ông nói. “Họ đã chịu đựng cuộc chiến 20 năm mà trong vòng có mấy ngày thôi mà cả đất nước đó sụp đổ.”

 

https://gdb.voanews.com/F5CC9FD1-F28E-4430-B9BF-CD570B1C8D23_w250_r0_s.jpg

Ông Đinh Hùng Cường trong một bức ảnh thời trẻ (Ảnh: Đinh Hùng Cường)

 

Ông Cường, nay 78 tuổi, từng là Quận trưởng Quận Thủ Thừa của tỉnh Long An. Trong vai trò thiếu tá bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông tham gia chiến đấu bảo vệ một tuyến đường tiếp tế vào đầu tháng 4 năm 1975. Ông được di tản trước khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 trong khi đang được chữa trị thương tích, ông nói.

 

Trong những cuộc phỏng vấn với VOA, các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ở khắp nước Mỹ bày tỏ xúc động và xót xa khi sự sụp đổ ở Afghanistan được đem ra so sánh với sự sụp đổ ở quê hương của họ. Hình ảnh máy bay trực thăng bốc người di tản trên nóc đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cách đây gần nửa thế kỷ vẫn còn xuất hiện tràn ngập trên truyền thông ở Mỹ và khắp thế giới.

 

Nhưng sự so sánh về hình ảnh đó khỏa lấp bối cảnh lịch sử khác biệt mà những cựu quân nhân này hiểu rõ hơn ai hết. Họ nói binh sĩ của Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu “anh dũng” và “kiên cường” cho tới những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến trong khi quân đội Afghanistan tan rã một cách nhanh chóng và Taliban tiến vào Kabul mà gần như không vấp phải sự kháng cự nào.

 

Những binh sĩ cuối cùng của Mỹ rút khỏi Việt Nam vào tháng 3 năm 1973 sau khi Hiệp định Hòa bình Paris được kí vào tháng 1, chấm dứt sự can dự trực tiếp của Mỹ trong cuộc xung đột ở quốc gia Đông Nam Á này. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa cầm cự thêm hai năm nữa trước khi sụp đổ dưới cuộc tiến công của phe cộng sản.

 

https://gdb.voanews.com/68432C1E-C9F3-4549-AE43-3487F1854F67_w650_r0_s.jpg

Máy bay trực thăng Chinook của Mỹ bay gần Đại sứ quán Mỹ ở Kabul, Afghanistan, ngày 15 tháng 8, 2021.

 

Tại Afghanistan, sau gần 20 năm tham chiến, Mỹ kí thỏa thuận hòa bình với Taliban vào tháng 2 năm 2020 dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump để rút hết lực lượng Mỹ khỏi quốc gia Trung Á này trong vòng 14 tháng. Chính quyền kế nhiệm của Tổng thống Joe Biden xúc tiến thỏa thuận và đặt ra hạn chót triệt thoái binh sĩ là ngày 31 tháng 8 năm 2021.

 

Taliban tiến vào Kabul ngày 15 tháng 8.

 

“Phía cộng sản Bắc Việt đã nhận được rất nhiều viện trợ từ hai nguồn tài trợ [Trung Quốc và Liên Xô] và khối cộng sản thế giới, ngược lại quân đội Việt Nam Cộng Hòa sau khi Mỹ rút đi thì viện trợ giảm sút rất là nhiều, 300 triệu đô la mà Hạ viện Hoa Kỳ dứt khoát không chấp nhận,” ông Đinh Văn, 73 tuổi, cựu binh nhảy dù từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị, nói. Ông hiện cư ngụ ở thành phố Houston thuộc bang Texas.

 

Ông Nguyễn Phương Lâm, 75 tuổi, cựu trung úy bộ binh và giảng viên sinh ngữ của Không quân Việt Nam Cộng Hòa, nhớ lại cụ thể việc Mỹ cắt giảm viện trợ đã ảnh hưởng nặng nề tới năng lực chiến đấu của đồng minh Việt Nam như thế nào, trong khi Afghanistan vẫn liên tục nhận được viện trợ quân sự của Mỹ và thậm chí còn nhiều hơn một chút trong năm nay, theo đề xuất ngân sách 2021 của Nhà Trắng.

 

“Mình thiếu vũ khí, thiếu quân trang quân dụng, Mỹ nói là ‘một đổi một’ nhưng mà thật sự là đâu có,” ông giải thích. “Những cái khẩu đại bác của mình bắn nhiều phải thay cò súng. Họ đưa đại bác sang mà không đưa cò súng thì làm sao mà bắn? Rồi xăng nhớt họ cúp, không quân không có đủ xăng mà bay nữa.”

 

“Khác biệt là ở đó, miền Nam vẫn anh dũng chiến đấu dù bị Mỹ bội phản.”

 

Ông Lâm kẹt lại ở Việt Nam khi Sài Gòn sụp đổ. Ông vượt biên và đến Mỹ năm 1979 và hiện đang cư ngụ ở thành phố Tampa ở bang Florida.

 

VIDEO : Giao tranh ác liệt trên cầu Tân Cảng

 

Sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng an ninh Afghanistan khơi lên nhiều câu hỏi về năng lực điều hành của giới lãnh đạo chính trị và quân sự nước này sau hơn 20 năm nhận được vô số hình thức hỗ trợ về quân sự và phát triển từ Mỹ. Nhưng một số cựu quân nhân gốc Việt cũng cho rằng sự lụn bại nhanh như vậy một phần lớn là do tinh thần chiến đấu của binh sĩ tiêu tan do quyết định rút quân của Mỹ.

 

“Khi mà con người ta mất tinh thần thì sự rã đám đến rất là nhanh,” ông Nguyễn Kim Khoa, 78 tuổi, cựu đại úy phi công trực thăng, nhận định. “Một khi họ thấy họ bị bỏ rơi và chung quanh họ họ không nhìn thấy sự yểm trợ nào khác nữa thì tinh thần họ sẽ xuống, mà một khi tinh thần xuống thì họ không còn tinh thần chiến đấu nữa.”

 

“Bản tính của người Việt chúng ta rất là quật cường cho nên quân nhân Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu rất là kiên cường. Mặc dầu là mình bị đồng minh bỏ rơi đó, nhưng mà mình vẫn chiến đấu với một sự hy vọng là mình có thể lật ngược thế cờ, có thể những thế lực ở các nước tự do khác yểm trợ mình. Có một chút hy vọng như vậy thành thử ra mình đã cầm cự được trong hai năm.”

Ông Khoa nói ông là một trong những phi công cuối cùng bay khỏi Căn cứ Không quân Biên Hòa vào ngày 29 tháng 4 năm 1975. Ông hiện cư ngụ tại thành phố Fresno ở bang California, nơi có cộng đồng người Afghanistan lớn nhất ở Mỹ.

 

https://gdb.voanews.com/0C1DC38C-A5B9-4BD5-82D9-A588CFB4A69C_w650_r0_s.jpg

Ông Nguyễn Kim Khoa trong quân phục Không quân Việt Nam Cộng Hòa (Ảnh: Nguyễn Kim Khoa)

 

Các cựu quân nhân người Việt nói với VOA họ hiểu và đồng ý với việc Mỹ cuối cùng phải triệt thoái lực lượng khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh, song hầu như tất cả họ đều chỉ trích cách thức mà chính quyền Biden tiến hành việc rút quân mà họ xem là nóng vội và thiếu sự chuẩn bị chu đáo, dẫn đến việc di tản hỗn loạn và nguy hiểm tại sân bay ở Kabul.

 

Ông Nguyễn Bình, cựu trung úy điều hành tiếp liệu hiện đang sinh sống ở khu vực thành phố Chicago thuộc bang Illinois, nói Tổng thống Biden đã “không làm tròn trách nhiệm” với việc gấp rút rời đi trong khi hàng ngàn công dân Mỹ và đồng minh người Afghanistan vẫn còn kẹt lại. Ông cho rằng vụ việc này gây tổn hại uy tín của Mỹ “rất nhiều.”

 

“Trung Cộng đã lợi dụng vấn đề Afghanistan này và bảo Đài Loan hãy coi chừng Mỹ sẽ bỏ Đài Loan,” ông Bình nói, nhưng nhấn mạnh rằng ông chỉ xem đó là lời đe dọa mang tính tuyên truyền.

 

“Nhưng chính vấn đề đó cũng làm cho nhiều người suy nghĩ, nhất là những người Việt Nam mình.”

 

Đối mặt với những chỉ trích dồn dập trong những ngày qua từ trong nước lẫn ở nước ngoài, Tổng thống Biden ngày thứ Sáu 20 tháng 8 cam kết sẽ đưa hết công dân Mỹ ra khỏi Afghanistan nếu họ muốn như vậy, cũng như những người Afghanistan đã hỗ trợ trong cuộc chiến. Ông cho biết 13.000 người đã được di tản tính đến thời điểm này.

 

Hàng ngàn người Afghanistan tuyệt vọng mang theo giấy tờ, trẻ nhỏ và một số đồ đạc đã vây kín sân bay Kabul, nơi các thành viên Taliban cầm súng kêu gọi những người không có giấy tờ quay về nhà. Tại sân bay và xung quanh, 12 người đã thiệt mạng kể từ 15 tháng 8, các quan chức NATO và Taliban cho biết.

 

 

29 COMMENTS   

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats